Bây giờ ta sẽ nói đến cái lý do khiến cho TBT Nguyễn Phú Trọng lệ thuộc vào Trung Quốc.
Lý do đó là sự kiên định trong việc lựa chọn mô hình chủ nghĩa xã hội và thể chế chính trị độc đảng.
Mô hình này khiến cho Trung Quốc và Bắc Triều tiên trở thành hai đồng minh ít ỏi của Việt Nam, khiến cho Việt Nam tự đẩy mình vào thế bị cô lập không những trên phạm vi thế giới mà còn cả trong khu vực.
Nhân hôm qua, khi đọc để phân tích bài diễn văn khai mạc của TBT, tôi tìm lại tất cả những diễn văn khai mạc của những kỳ đại hội đảng trước đây còn được lưu giữ. Tôi sẽ trở lại với việc phân tích các diễn văn khi có dịp, ở đây chỉ nêu lên một điểm. Nếu so với đại hội lần thứ V, năm 1982, thì Việt Nam ngày nay thật đơn độc. Hồi đó, trong diễn văn khai mạc, ông Trường Chinh liệt kê đến 45 đoàn đại biểu đến từ các nước liên minh chính trị với Việt Nam trên toàn thế giới, trong đó cả Gorbatchev, TBT ĐCS Liên Xô, nhưng hồi đó không có đoàn đại biểu của Trung Quốc. 45 nước ấy giờ đây đã dân chủ hóa hết rồi, họ không còn đến với đại hội của ĐCS Việt Nam với tư cách là những người cùng chiến tuyến nữa.
Thay vì lựa chọn xu hướng phát triển chung cùng với các nước trong hệ thống cũ, lãnh đạo Việt Nam chọn Trung Quốc, nhưng chọn Trung Quốc là chọn một gọng kìm, chọn một sự sỉ nhục. Chỉ cần nhìn vào sự việc : đảng cộng sản Trung Quốc không cử đoàn đại biểu sang tham dự đại hội của đảng cộng sản Việt Nam lần này. Trái lại, trước đại hội, Tập Cận Bình sang để phát biểu trước Quốc hội Việt Nam và sỉ nhục Quốc hội Việt Nam bằng cách dùng ngạn ngữ để ví von : « ngàn vàng mua láng giềng gần », ví von này nếu không phải là một sự sỉ nhục thì là gì ? Chẳng phải đằng sau đó ám chỉ mối quan hệ thiết lập trên sự mua chuộc? Và chỉ một ngày sau, sang Singapore, ông ta tuyên bố rằng các vùng đảo đang tranh chấp thuộc về Trung Quốc trong lịch sử. Và trong khi Việt Nam đại hội đảng thì giàn khoan Trung Quốc vào hoạt động trong vùng lãnh hải của Việt Nam. Nếu Quốc hội Việt Nam, nếu lãnh đạo Việt Nam, và nếu Việt Nam nói chung chấp nhận để cho Tập Cận Bình dùng ngàn vàng để mua, thì đấy có phải là bán mình không, đấy có phải tự sỉ nhục mình không ?
Ông Nguyễn Phú Trọng, nếu quả thực cho đến giờ phút này ông vẫn giữ được một sự độc lập nhất định trước sự chi phối của Trung Quốc do không bị nắm đằng chuôi trong các phi vụ làm ăn kinh tế, đã phân tích, nếu quả thực ông hiểu rằng chỉ có thể cứu đảng khi giữ được độc lập dân tộc, thì dường như ông vẫn còn chưa hiểu điều này : Việt Nam không thể lấy đại cục (mô hình xã hội chủ nghĩa ) cùng Trung Quốc làm trọng. Việt Nam cần phải xem sự phát triển nội lực là mục tiêu hàng đầu. Bởi chỉ có phát triển nội lực, trở thành một nước giàu về kinh tế, mạnh về khoa học và quân sự, như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore… thì Việt Nam mới giữ được độc lập. Và muốn phát triển về nội lực, Việt Nam phải thoát Trung. Không có con đường nào khác. Và khi Việt Nam phát triển mạnh thì Trung Quốc buộc phải tôn trọng và coi Việt Nam là một láng giềng thực sự, chứ không phải là một chư hầu như hiện nay.
Điều cấp bách nhất của Việt Nam hiện nay để thoát Trung là thoát khỏi sự lệ thuộc về kinh tế. Các nhà kinh tế học có lương tâm cần phải cho dân chúng biết các nguyên nhân thực sự khiến kinh tế Việt Nam lệ thuộc vào Trung Quốc, và nhất là phải chỉ ra những ai là người phải chịu trách nhiệm cụ thể về việc đã để cho kinh tế Việt Nam lún sâu đến mức như hiện nay trong vòng kiềm tỏa của Trung Quốc.
Chúng ta đang hy vọng rằng TPP sẽ giúp Việt Nam tránh được sự chi phối của Trung Quốc bằng con đường kinh tế. Nhưng có thể Trung Quốc đã có những kế hoạch để tiếp tục chi phối kinh tế Việt Nam, lách qua các quy định của TPP, và thông qua các nhân sự Việt Nam mà họ mua chuộc được bằng các loại « hoa hồng ».
Điều này có lẽ những người trực tiếp làm việc trong lĩnh vực kinh doanh, sản xuất và những người nghiên cứu về kinh tế ở Việt Nam đã nhìn thấy. Nhưng làm sao để họ có thể nói ra và để có biện pháp phòng ngừa ? Một viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế như ông Trần Đình Thiên lẽ ra cần phải cho người dân biết tình trạng thực sự và nguyên nhân thực sự của nền kinh tế Việt Nam, kèm theo các con số thực sự, chứ không chỉ là những phát biểu quá chung chung như ông vẫn nói. Tuy nhiên, để ông Trần Đình Thiên có thể làm điều mà ta đòi hỏi, trước tiên ông ấy phải có được những nghiên cứu trung thực với các số liệu trung thực, tiếp đó ông ấy phải được đảm bảo an toàn khi công bố các kết quả nghiên cứu ấy. Nếu không thì ông chỉ nói chung chung như vậy thôi. Và ông cứ tiếp tục làm nghiên cứu mặc cho sự vận hành của nền kinh tế trong thực tế có thể rất khác với các nghiên cứu của ông.
Điều này dẫn đến luận điểm sau đây :
Việt Nam không thể thoát Trung về kinh tế, không thể phát triển nội lực, nếu không cải cách chính trị. Chỉ khi có tam quyền phân lập, chỉ khi ngành tư pháp hoàn toàn độc lập với quyền lực chính trị, thì ông Trần Đình Thiên mới có thể làm công việc nghiên cứu một cách đúng nghĩa và có thể công bố các con số thật về nền kinh tế quốc dân mà không phải sợ hãi và không phải trả giá.
Việt Nam chỉ có thể thoát Trung về phương diện kinh tế KHI VÀ CHỈ KHI thoát Trung về phương diện chính trị.
Thoát Trung về phương diện chính trị có nghĩa là phải thoát khỏi ý thức hệ của chính mình, thoát khỏi cái thòng lọng ý thức hệ mà các lãnh đạo dùng để tự buộc vào cổ mình. Hiện tại, cho đến thời điểm này, ông TBT là người nắm cái nút của sợi dây thừng đó.
Vì thế, ông TBT là người có điều kiện để tháo cái nút ấy ra một cách nhẹ nhàng nhất, không làm sây sát, không làm chảy máu của cả dân tộc.
Trong bài diễn văn khai mạc đại hội XII, TBT vẫn kiên định con đường xã hội chủ nghĩa. Nghĩa là ông Trọng vẫn kiên định quàng cái dây thòng lọng lên cổ mình và lên toàn bộ dân tộc. Một điều mà ông chưa thấy là : nếu vì không tham nhũng mà ông giữ được phần nào độc lập, không để cho Trung Quốc điều khiển, thì khi ông làm TBT, cái dây thòng lọng này là do ông nắm giữ. Nhưng nếu chức TBT rơi vào thay một người bị Trung Quốc điều khiển, thì cái dây thòng lọng sẽ bị nắm hai đầu : bởi TBT và Trung Quốc. Dường như ông Nguyễn Phú Trọng chưa nhìn thấy nguy cơ này, hoặc chưa nhìn thấy rõ.
Cần hiểu rằng diễn văn khai mạc là văn bản thể hiện tư tưởng chung của toàn bộ BCHTW, nó phải được thông qua trước BCHTW. Vì vậy, sau đại hội, dù ông Trọng rời khỏi chức vụ hay tiếp tục chức vụ TBT, ta có thể thấy, sẽ không có sự thay đổi về cơ chế chính trị.
Tuy nhiên, câu hỏi mà tôi đặt ra trong loạt bài này không phải là về sự thay đổi cơ chế chính trị.
Bất kỳ người nào có biết chút ít về chính trị và về tình hình Việt Nam đều hiểu rằng ở thời điểm này không thể có sự thay đổi về cơ chế chính trị, và đều hiểu rằng quyền lực chính trị hiện tại ở Việt Nam đang rất vững chắc. Hy vọng vào một sự thay đổi căn bản của chính trị Việt Nam vào lúc này là một hy vọng không có cơ sở.
Câu hỏi của tôi là : Việt Nam có thể tiến hành cải cách chính trị hay không ?
(Còn tiếp)
Paris, 22/1/2016
Nguyễn Thị Từ Huy
Bài bình luận
Thoát Trung về kinh tế?
hy vong
Câu hỏi của bạn có lẽ lúc
thien ha
Cám ơn cô Từ Huy đã cho đọc