Nói ở các diễn đàn quốc tế, Hà Nội vẫn than phiền là thế giới có định kiến với mình, và khẳng định là các chính sách cho con người dành cho công dân vẫn đủ tiêu chuẩn như các cam kết với quốc tế. Nhưng điều quan trọng là Hà Nội chưa bao giờ tự hỏi là mình đã làm gì khiến thế giới có định kiến liên tục trong nhiều năm như vậy.
Trong những ngày cuối năm này, các chiến dịch đàn áp con người diễn ra khắp mọi nơi, mà sự công khai và thách thức của công an ngày càng lộ rõ là một chính sách tàn bạo nhất quán, và dĩ nhiên lại càng làm rõ hơn về chuyện "định kiến" của nhà cầm quyền vẫn biện bạch.
Những người dân ở các miền cao nguyên kể, trước và sau Ngày Quốc tế Nhân quyền 10 Tháng Mười Hai, công an mặc thường phục, chở nhau, đi thành những nhóm 2, 3 xe liên tục qua lại trước cửa nhà của những người bị coi là có thái độ bất phục, và hay bày tỏ nhân Ngày quốc tế nhân quyền. Một người dân giấu tên kể rằng công an mặc thường phục để tránh chuyện bị ghi hình như một chứng cứ, nhưng vẫn cho thấy sự đe dọa thể hiện khi qua lại, diễu trên các con đường, để mọi người căng thẳng và không làm gì.
Một ngày sau khi giải thưởng Lê Đình Lượng được trao cho tù nhân tôn giáo Y Krec Bya, gia đình của ông đã bị công an thẩm vấn, sách nhiễu… là có ai liên lạc với tổ chức Việt Tân hay không, và làm sao mà gia đình biết giải thưởng được trao cho ông Y Krec Bya… Bức ảnh trên facebook của ông Y Krec Bya đang giảng đạo, được ban tổ chức giải Lê Đình Lượng sử dụng cho nội dung của giải, nhưng công an cho là gia đình đã có sự kết nối. Áp lực đến mức, bà H Ik Kbour đã phải nhờ đến Tổ chức Người Thượng vì Công lý để đăng tâm thư khẳng định rằng “tôi xin khẳng định rằng gia đình chúng tôi bao gồm cá nhân tôi và ông Y Krec hoàn toàn không có bất kỳ sự liên hệ nào đến tổ chức Việt Tân”. Bên cạnh đó, bà H cũng phải yêu cầu giải Lê Đình Lượng “gỡ bỏ hình ảnh và thông tin liên quan đến ông Y Krec trên các nền tảng truyền thông”.
Một đoạn giải thích ngắn trong tâm thư này của gia đình ông Y Krec gần như đã nói lên mọi thứ “hiện nay ông Y Krec đang bị giam giữ trong tù, và gia đình tôi đang trong hoàn cảnh rất nhạy cảm. Bất kỳ hành động hay thông tin nào công khai về ông ấy mà không được sự đồng ý của gia đình, có thể gây nguy hiểm và làm gia tăng rủi ro nghiêm trọng cho sự an toàn của chồng tôi và gia đình tôi”.
Tâm thư của bà H không nhắc bất kỳ điều nào về công an và chính quyền CSVN, nhưng mọi điều sợ hãi trong đó, đã nói hết về những gì đang diễn ra với những người Tin lành sắc tộc thiểu số ở Tây Nguyên.
“Những gia đình thiểu số bị chính quyền để ý, gần như bị cầm tù ở nơi cư ngụ”, một thiện nguyện viên mang quà từ thiện, hỗ trợ cho các gia đình tù nhân lương tâm ở vùng Tây Nguyên kể. Đường vào làng hay trước cửa nhà các nhân vật trong “sổ đen” của chính quyền luôn có người mặc thưởng phục ngồi, quan sát và xét hỏi tự nhiên như công an. Thiện nguyện viên này khi mang tiền đến cho họ - hầu hết những người thiểu số Tây Nguyên đều nghèo và không có tài khoản ngân hàng, đã bị những công an thường phục này dùng xe máy đuổi theo để bắt lại, may mắn là họ đã chạy thoát.
Tây Nguyên là vùng đất của sự đơn giản, mọi phản ứng thuộc về bản năng con người mà không nhiều toan tính. Người Tây Nguyên cũng giống như nhiều tôn giáo nhỏ ở miền Nam Việt Nam như Phật giáo Khmer, Cao Đài Chơn truyền, Hòa Hảo Thuần Túy… không có thói quen làm truyền thông, và cũng không giỏi làm truyền thông. Mọi sự cố xảy ra được giải quyết trực tiếp trong ôn hòa và lý lẽ của sự việc. Dựa vào các yếu tố này, mà giới mật vụ Việt Nam vẫn thẳng tay bắt bớ, đánh đập và thách thức mà không lo lắng tin tức lan ra bên ngoài. Hơn nữa, nếu có ai lên tiếng, thì Hà Nội chỉ cần mượn chuyện “định kiến” để lướt qua.
Kể từ khi tổ chức MSFJ – Người Thượng vì Công lý ra đời, các chứng cứ và sự kiện đàn áp được phơi bày bài bản, dẫn đến chuyện lý lẽ “định kiến” không còn dễ trình bày như trước. Những vị mục sư như Y Bum Bya, Y Krec Bya… dù bị đánh đập, đe dọa, ngăn cản mưu sinh… vẫn im lặng gửi những báo cáo nhân quyền bị đàn áp cho Liên Hợp Quốc, và được tổ chức MSFJ lên tiếng, giới thiệu qua các sự kiện tố cáo trên các diễn đàn, đã khiến Hà Nội không còn dễ dàng đàn áp như trước.
Đó cũng là lý do và Hà Nội khao khát dẫn độ Y Quynh Bdap về Việt Nam trị tội cho bằng được, hòng dập tắt tiếng nói của một tổ chức luôn minh bạch những câu chuyện đàn áp người bản địa tại Việt Nam. Hà Nội không còn có thể ra vẽ là thế giới có “định kiến” về thể chế độc tài của mình, mà đơn giản là các định kiến đó, giờ đã có những bằng chứng kèm theo và những con người cụ thể như Y Krec Bya, Y Bum Bya đang ngồi tù và bị đầy ải trong các chính sách hành hạ con người của Hà Nội.
Vấn đề cuối cùng hiện nay rằng Hà Nội có muốn giải quyết “định kiến” của thế giới đối với mình hay không, đơn giản nhất, là hãy mở rộng cửa để đón các chuyên gia nhân quyền của thế giới đến thị sát. Hà Nội phải chứng minh mình là một quốc gia chính danh, loại bỏ những trò hèn kế bẩn được khyến khích "sáng tạo" từ lực lượng công an nhằm vào người dân đóng thuế nuôi mình. Và quan trọng Hà Nội phải chấm dứt duy trì định kiến với công dân trong đất nước mình, cũng như những gì khác biệt nằm ngoài nhận thức thù hằn cơ bản của hệ thống chính quyền.
Bài bình luận gần đây