Song Chi
Quấy rối tình dục, cưỡng bức…từ quan chức cho đến giới trí thức, văn nghệ sĩ
Vụ một Cận vệ của ông Chủ tịch nước Lương Cường bị bắt ở Chile hồi tháng 11 vừa qua vì đã có hành vi "quấy rối tình dục" một nhân viên tại khách sạn nơi ông này ở chưa kịp nguội; thì nay lại đến hai quan chức Việt Nam khi đến New Zealand vì công việc chính thức đã tấn công tình dục hai cô gái phục vụ bàn nhưng do họ đã kịp rời New Zealand nên cảnh sát nước này không thể xử lý hình sự. Vụ này thực tế xảy ra từ tháng 3/2024, nhưng đến giờ mới lộ ra.
Quan chức cộng sản Việt Nam quen thói ở nhà ăn uống, nhậu nhẹt, đi hát karaoke…gì gì cũng phải có gái để gác tay, sờ mó các thứ. Ở Việt Nam nhiều khi ranh giới giữa những người phụ nữ hành nghề bán dâm chính thức và không chính thức không rõ ràng, nên mới có hiện tượng “bia ôm”, “cà phê ôm”, rồi nữ phục vụ ở quán bar, massage nhiều khi cũng có thể đi với khách, tùy theo sự lựa chọn của từng người. Nhưng ở nước ngoài thì không phải như vậy, nghề nào ra nghề đó, muốn chơi gái thì đi đến “phố đèn đỏ”, ra đường bắt gái làng chơi đứng đường, đừng có nhập nhằng. Thêm nữa, ở nước ngoài các tội quấy rối, tấn công tình dục hoặc cưỡng hiếp là tội nặng, luật pháp sẽ xử đến nơi đến chốn. Còn ở nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, quan chức cứ có tiền là có quyền, những chuyện như thế này rồi cũng “chìm xuồng”.
Ở Việt Nam cho tới nay cũng chỉ có quan chức tham nhũng là bị lộ mặt trên báo chí truyền thông, bị bắt và kết án tù, còn những bê bối đời tư, kể cả những hành vi quấy rối tình dục, cưỡng bức nếu có thường được dấu kín, như thể là “vùng cấm”. Ngay cả những vụ tai tiếng như thế này ở nước ngoài, báo chí quốc tế đưa tin rộng rãi nhưng báo chí truyền thông Việt Nam thì vẫn hoàn toàn im lặng. Như hồi vụ ăn “thịt bò dát vàng” của ông Cựu Bộ trưởng Bộ Công an, tức Tổng Bí thư đảng CSVN Tô Lâm cũng vậy.
Chỉ có người Việt là thấy nhục vì dù muốn dù không, những người này cũng đại diện cho “chính quyền Việt Nam” khi đi ra nước ngoài, nhưng lại không am hiểu luật pháp nước sở tại và hành động như những kẻ thiếu giáo dục.
Mà có phải đâu chỉ quan chức? Cả giới gọi là trí thức, văn nghệ sĩ. Đã từng có chuyện một nghệ sĩ hài đã mang án tù ở Mỹ về tội ấu dâm, nhưng về Việt Nam, chẳng bị chế tài gì, mà còn vẫn được tiếp tục hoạt động nghệ thuật, thậm chí vẫn được tiếp xúc các đối tượng thiếu niên. Một ca sĩ bị một vũ công đồng nghiệp tố cáo quấy rối tình dục nhưng trong mắt nhiều người thì hành động của anh này chỉ là “vui, thân thiện thôi mà”. Một nữ cộng tác viên của báo Tuổi Trẻ tố bị một nhà báo đàn anh, Trưởng ban Truyền hình của báo hiếp dâm. Một nữ sinh, nguyên là hoa khôi một trường Đại học ở Hà Nội tố ông Trưởng khoa của trường kiêm lãnh đạo một bệnh viện đa khoa ở Hà Nội đã ép cô quan hệ tình dục ngoài ý muốn, và khống chế làm nô lệ tình dục suốt thời gian dài v.v…
Và một câu chuyện khác đã và đang gây nên sự phẫn nộ trong dư luận là một nhà thơ cách đây 2 năm đã lên tiếng tố cáo Phó tổng biên tập, Thư ký toà soạn Báo Văn Nghệ, từng cưỡng hiếp mình suốt một thời gian dài hơn 20 năm trước, khiến cô bị tổn thương tinh thần, từng tự tử nhiều lần bất thành; sau sự việc đó nhân vật này “được” cho thôi giữ chức Phó tổng biên tập Báo Văn nghệ “để chờ nhiệm vụ mới”. Nhưng bây giờ hơn 2 năm sau, ông này nay lại mới được Hội Nhà văn Việt Nam bổ nhiệm chức Phó Tổng biên tập Tạp chí Nhà văn & cuộc sống và trong tương lai có khả năng lại trở thành Tổng Biên tập tờ này.
Thật đúng là trò đùa dai, dài, dở!
Vì sao ở Việt Nam không có phong trào #MeToo?
Từ năm 2017 #MeToo, một phong trào xã hội và chiến dịch nâng cao nhận thức chống lại lạm dụng tình dục, quấy rối tình dục và văn hóa cưỡng hiếp đã nổ ra ở nhiều quốc gia, trong đó phụ nữ công khai những trải nghiệm đau đớn vì bị lạm dụng tình dục hoặc quấy rối tình dục. Bắt đầu từ việc nhà sản xuất phim nổi tiếng quyền lực Harvey Weinstein ở Mỹ bị hàng loạt nữ diễn viên tố cáo tội quấy rối tình dục, kể cả cưỡng hiếp, vào tháng 10/2017, phong trào bắt đầu lan truyền như một hashtag trên phương tiện truyền thông xã hội, lan sang nhiều nước, bao gồm cả nam giới và phụ nữ ở mọi màu da và lứa tuổi. Rất nhiều nhân vật nổi tiếng, có quyền lực đã bị tố cáo, phải trả giá trước pháp luật hoặc bị mất hết danh tiếng, sự nghiệp, ngay cả ở những quốc gia châu Á nơi phụ nữ còn e ngại đứng ra tố cáo như Ấn độ, Hong Kong, Nam Hàn…
Tại một số quốc gia trong đó có Việt Nam thì phong trào #MeToo đã không thể xảy ra, mặc dù nạn quấy rối tình dục, cưỡng bức, bạo hành tình dục ở Việt Nam không hề ít hơn các nước khác. “Theo nghiên cứu của Tổ chức Action Aid, tỷ lệ phụ nữ Việt Nam từng bị quấy rối từ lời nói khiếm nhã cho đến hiếp dâm là 87%, con số này thậm chí còn cao hơn Ấn Độ, Campuchia và Bangladesh. Ở một quốc gia luôn đề cao và trân trọng giá trị truyền thống lại có con số phản ánh một thực tế đáng buồn” (“87% phụ nữ Việt Nam từng bị quấy rối”, VTV, ngày 23/5/2023), “Hơn 1.200 trẻ bị xâm hại tình dục mỗi năm, Bộ Y tế ban hành hướng dẫn chăm sóc”, Người Lao Động, 10/9/2020, “3/4 số vụ tội phạm tình dục được trình báo có liên quan đến nạn nhân trẻ em”, Sức Khỏe &Đời Sống 18/12/2018 v.v…Và mặc dù lẻ tẻ cũng có những vụ được đưa lên báo chí làm xôn xao dư luận do liên quan đến những người nổi tiếng, hoặc có chức có quyền.
Điều này có rất nhiều nguyên nhân:
- Văn hóa Á Đông khiến người phụ nữ ngần ngại không muốn đứng ra tố cáo, sợ phơi bày nỗi bất hạnh của chính mình trước gia đình, người thân và xã hội.
- Dù đã có nhiều tiến bộ, xã hội Việt Nam vẫn là một xã hội mà phụ nữ vẫn chưa thực sự được coi trọng ngang bằng với đàn ông, nhiều người đàn ông vẫn có thái độ và cách ưng xử thiếu tôn trọng phụ nữ, cho rằng những lời nói, chỉ thân mật nọ kia là bình thường, hay chuyện đàn ông đi chơi gái, đàn ông ngoại tình, có “phòng nhì” cũng là chuyện bình thường.
- Và vì vẫn còn coi thường phụ nữ nên khi người phụ nữ đứng ra tố cáo thì lại bị nghi ngờ, chỉ trích, kể cả bôi nhọ danh dự theo kiểu đổ lỗi cho nạn nhân (victim blaming)
- Thiếu hiểu biết, nhiều người cả nam và nữ không thực sự hiểu thế nào là đồng thuận (ngay cả trong quan hệ vợ chồng), đâu là ranh giới không được vượt qua, đâu là quyền của người phụ nữ…Quan trọng hơn, nhiều người vẫn chưa ý thức được việc bị cưỡng hiếp (cho dù là bé trai hay bé gái) sẽ để lại những hậu quả nặng nề, lâu dài như thế nào lên đời sống tâm lý, tinh thần và cả đời sống tình dục sau này của nạn nhân.
- Bên cạnh đó, phần lớn trong giới quan chức và những kẻ có tiền ở Việt Nam thường quen thói hễ có tiền, có quyền thì muốn làm gì cũng được, và lại không bị pháp luật trừng phạt đến nơi đến chốn.
- Điều lạ lùng là Việt Nam có rất nhiều hội đoàn liên quan đến phụ nữ, trẻ em như Đoàn Thanh niên, Hội phụ nữ, Hội chăm sóc và bảo vệ trẻ em…nhưng khi có chuyện gì thì chả thấy những tổ chức này lên tiếng hoặc có hảnh động gì cụ thể để hỗ trợ cho nạn nhân.
- Cuối cùng Việt Nam là một quốc gia độc tài toàn trị, nhà cầm quyền có xu hướng không muốn ủng hộ bất cứ phong trào gì vì họ sợ nó vượt quá sự kiểm soát của họ v…
Một xã hội văn minh, tôn trọng pháp luật, tôn trọng con người nói chung và phụ nữ nói riêng không phải tự nhiên mà có, đó là kết quả của một thể chế chính trị tự do, dân chủ, pháp trị và của một nền giáo dục biết dạy học sinh thành người tử tế, thành một công dân tốt chứ không chỉ dạy kiến thức để có tấm bẳng.
Trong khi chờ đợi sư thay đổi có lẽ là rất lâu từ phía nhà cầm quyền, từ phía xã hội, mỗi người đành phải tự bảo vệ lấy mình, bảo vệ con em và lên tiếng đứng về phía nạn nhân mỗi khi có một chuyện quấy rối tình dục, cưỡng bức hay bạo hành xảy ra. Bởi vì, im lặng cũng chính là đồng lõa, là tiếp tay cho cái xấu, cái ác.
Bài bình luận gần đây