Cải cách thể chế, làm thay đổi hệ thống tốt hơn, trong sạch và thông suốt hơn... Đó là kì vọng của không chỉ những người làm lãnh đạo đích thực mà là của cả dân tộc. Cho dù bạn đứng ở phía nào, biên kiến nào chăng nữa thì việc cải cách thể chế cho tốt đẹp hơn, dân đỡ khổ hơn và cái ách trên cổ nhân dân nhẹ bớt... ấy là một niềm vui, chắc chắn là vậy. Thế nhưng với Việt Nam, việc cải cách hệ thống chính trị ra sao? Niềm vui? Có đó, nhân dân nghe tin này thấy vui, bởi trải qua quá nhiều mệt mỏi, đại dịch, suy thoái... Nhưng niềm vui ấy có thực sự trọn vẹn? Không, bởi với người Việt nói chung và cán bộ Việt bây giờ, đây là mối lo nhiều hơn là vui. Vì sao?
Nói xa một chút, những năm cuối thập niên 1980 và đầu thập niên 1990 của thế kỉ trước, Việt Nam từng có một cuộc tinh gọn bộ máy nhà nước với nghị định 176, đây là chỉ thị của Chủ tịch Hội Đồng Bộ Trưởng thời đó (tương đương với Thủ tướng bây giờ), đã có hàng loạt người nghỉ việc nhằm giữ lại phần “tinh” và loại bỏ phần “thô”. Thế nhưng thực tế thì ra sao?
Đã có rất nhiều thành phần “thô” từng học đến Tú Tài Bán, Tú Tài Toàn (lớp 11 và lớp 12 bây giờ - đây là những thành phần thuộc diện chữ nghĩa, hiếm hoi của giáo dục trước 1975 để lại, họ không học lên đại học được do thời cuộc) bị loại để giữ lại những thành phần “tinh” có bằng trên cấp ba, kỳ thực, đã có một cuộc bắt tay dưới gầm bàn, chạy chọt và man trá giữa cán bộ lãnh đạo cấp địa phương với các thành phần công chức, cán bộ. Yếu tố được giữ lại được xét theo tiêu chuẩn đầu tiên là lý lịch, sau đó mới đến bằng cấp, mà bằng cấp thì chỉ có những người thực sự học chính quy, ra trường, được nhà nước phân công, bổ nhiệm về các cơ quan mới là bằng thật, họ còn rất trẻ, chưa có kinh nghiệm lãnh đạo. Và chính các lãnh đạo của họ là thành phần ất ơ trong học hành, chả có mấy người học hết lớp 9. Tuy nhiên, chỉ sau vài tháng thì ông/bà nào cũng có bằng đại học chính qui.
Cái thời kinh khủng theo nghị định 176, với tên gọi “chế độ 176” ấy trôi qua một cách ì ạch, những tưởng được tinh giảm bộ máy, được sạch sẽ hơn, được tích cực hơn nhưng kì thực ngay từ đầu nó đã ngầm chứa bên trong nó một khối thuốc nổ của sự gian trá.
Thế rồi cái thời ấy cũng kéo lê qua lịch sử, kinh tế mở cửa, đất nước phát triển nhưng không thể tiến bộ được. Đất nước phát triển vì các nhà lãnh đạo đã mở cửa đúng thời điểm và đón được làn gió thị trường, tận dụng được nguồn lao động tiềm năng, nguồn tài nguyên, khoáng sản phong phú của quốc gia. Thế nhưng không tiến bộ được bởi đất nước trải qua nghèo đói, sức hút của đồng tiền cũng như nỗi thao thức về kinh tế quá mạnh, nó là lực đẩy của phát triển. Nhưng thành phần lãnh đạo lại trộn lẫn quá nhiều thứ, trong đó, người trí thức, người có chữ phải chấp nhận luồn cúi, vâng dạ trước những kẻ không có mấy chữ nhưng lại có quyền lực, có thẻ đảng làm bảo chứng quyền lực và có cả mọi loại bằng cấp để bảo chứng cho thói đe nẹt cấp dưới của y/thị. Đất nước phải phát triển theo khuynh hướng “nhất trung ương nhì địa phương”. Tức lệnh cao nhất vẫn là trung ương, nhưng địa phương có lý lẽ, tập tục của địa phương và lãnh đạo địa phương quyết định sự thể đi đến đâu trên tinh thần không trái lệnh trung ương.
Một đất nước mà hầu hết các “nhì địa phương” đều mập mạp, béo ú và luôn nuôi âm mưu cát cứ địa phương, dựng riêng một cõi với tiền hô hậu ủng, đầu trâu mặt ngựa, lâu la chân rết... Và hệ quả của nó là nạn hối lộ tình dục, nạn hối lộ quyền lực, tham nhũng tiền bạc, tham nhũng tình dục và tham nhũng quyền lực cứ theo đà từ thấp đến cao mà diễn ra khắp đất nước, tài nguyên bị tàn phá, con người bị truy sát (vụ chống dịch Covid-19 diễn ra gần đây với hàng vạn người mất mạng đã chứng minh điều này) vì lợi ích nhóm... Không có thứ tệ hại nào là không có.
Lần này, sau thời gian dài chấp nhận ì ạch theo chủ trương của một người “có trái tim rất hồng” nhưng có khả năng ngồi rất lâu trên ghế nóng như Nguyễn Phú Trọng, đến lượt Tổng Bí thư Tô Lâm bước ra, đặt chân lên bục quyền lực, ông lại một lần nữa cải cách thể chế nhằm gọt bỏ các “điễm nghẽn” của thể chế với lập luận “Nếu không có bộ thì làm sao có sở ở tỉnh, nếu không có sở ở tỉnh thì làm sao có phòng ở huyện?”.
Thế nhưng trong công cuộc thanh lọc này, lại có cả yếu tố sáp nhập. Một khi vừa thanh lọc vừa sáp nhập thì chắc chắn có kẻ ở nơi này chuyển sang nơi mới nhưng cũng có kẻ ra đi. Vấn đề ai là kẻ ra đi, ai là kẻ ở lại, dựa trên các tiêu chuẩn, tiêu chí nào để quyết định ra đi hay ở lại? Đó là một vấn đề.
Bởi hiện tại, nếu xét trên bằng cấp, thì tất cả các lãnh đạo địa phương đều có bằng cấp cỡ Thạc sĩ, Tiến sĩ, nhiều vô kể. Nếu điều tra nguồn gốc bằng cấp, chắc chắn chẳng còn mấy phần trăm trong các tấm bằng đó là bằng thật. Nên chuyện xét nét, soi rọi bằng cấp của nhau là không có, và nếu có lệnh soi thì cũng chẳng mấy ai dại mà đi soi người khác cho người khác soi lại mình. Và một khi bằng cấp đã ngang nhau thì người ta xét trên năng lực.
Vấn đề năng lực trong cơ chế xã hội chủ nghĩa là một vấn đề có tính tập thể, tức năng lực cá nhân nhưng vinh danh tập thể và đại diện tập thể sẽ đón nhận. Như vậy, năng lực vẫn qui về lãnh đạo, rất khó để tìm ra người thực sự có năng lực trong một công việc cụ thể. Chính vì vậy, nếu xét về năng lực, các lãnh đạo vẫn đứng vào vị trí ưu tiên một. Và đương nhiên, chế độ Cộng sản còn thì chính sách ưu tiên cho lý lịch đỏ còn, chuyện này không thể khác đi được. Ngay cả Tổng Bí thư cũng sẽ lúng túng khi đứng trước tình trạng này.
Và đáng sợ hơn là khi có sự tinh giảm, sáp nhập, chấn chỉnh bộ máy, thì câu hỏi đặt ra ở đây là cơ quan nào sẽ đứng ra lo liệu việc này? Phải thiết lập một bộ máy chuyên trách tinh giảm hay sao? Và bộ máy chuyên trách này có chắc chắn không vấy bẩn, khi mà nhu cầu “anh ơi, chị ơi, cho em ở lại” vẫn đang rất tha thiết, miệng nói, tay nhét hộp táo... Chuyện này khó tránh được.
Chắc chắn sau đợt chấn chỉnh này, hệ thống sẽ có giảm đi một lượng cán bộ đáng kể, nhưng lượng được giữ lại có thực sự “tinh” hay không thì đó là câu chuyện khác. Bởi ngay từ lúc này, cuộc chạy đua để mình được ở lại, kẻ khác phải ra đi đã bắt đầu tăng cấp, chuẩn bị nước rút. Mà câu chuyện cơm áo gạo tiền thời trước làm đau đầu một thì câu chuyện nhà lầu xe hơi, vinh thân phì gia thời nay còn làm điên đảo quốc gia gấp vạn lần. Nó có thể biến bộ máy chuyên trách tinh giảm trở thành cơ quan nhận hối lộ số một trong tích tắc.
Dù sao thì cũng cầu chúc cho công cuộc tinh giảm, sáp nhập và giải bỏ điểm nghẽn của ông Tô Lâm được thành công viên mãn. Bởi thực sự, nó có quá nhiều vấn đề để nói rằng dù có ba đầu sáu tay, người ta cũng khó mà thực hiện. Bởi khi mà mọi thứ đã gắn với yếu tố “cát cứ địa phương” thì yếu tố công tâm, công bằng hay khoa học chỉ còn đóng vai trò nhãn mác. Vấn đề man trá và bất cập sẽ còn dài dài. Nhưng dẫu sao, đó cũng là một nỗ lực!
Bài bình luận gần đây