You are here

Kinh hãi vụ giết 11 mạng người và cái cười của kẻ thủ ác

Người Việt đã trở nên man rợ từ khi nào? Người Việt giết nhau như ngóe từ khi nào? Người Việt giết nhau xong rồi ăn mừng, hả hê từ khi nào? Đó là nan đề mà dân tộc này cần phải giải quyết rốt ráo, nếu không muốn trở về thời đồ đá. Nhưng thực tâm mà nói, nói sự giải quyết nghe ra có màu tuyệt vọng. Bởi vì đâu?!

Một nhà văn đàn anh, cũng là một người lính tham chiến trước 1975 nói rằng thời của ông, chiến đấu là có bắn, có giết, nhưng khi thả súng xuống, lui khỏi chiến trường, người ta chỉ biết yêu thương và tranh thủ mà sống. Khác với thời bây giờ, không có chiến trường, nhưng người ta không biết trân quí sự sống, người ta lại muốn biến mọi thứ thành chiến trường.

Là một cựu binh Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, ông cũng thừa nhận rằng các chiến binh Cộng sản không đến nỗi máu lạnh như những quan chức, trí thức Cộng sản. Ông từng gặp, từng chộ mặt đối phương, và những gì họ đối xử với ông, kể cả ngay trong trại cải tạo, vẫn chưa máu lạnh như các quan chức bây giờ và chưa tàn nhẫn như những trí thức Cộng sản bây giờ.

Bằng chứng của việc này là không có bất kì cán bộ giám thị, cán bộ quản giáo nào nghĩ hay mảy may hành động với ý đồ giết cả trại, đốt trại để tiêu diệt bọn “ngụy quân, ngụy quyền” mặc dù họ rất hà khắc và cũng tàn nhẫn lắm, nhưng không đến nỗi lạnh lùng ban hành cái lệnh để mang hàng triệu con người ra chọt mũi để kiếm tiền lãi trong từng cái lỗ mũi nhân dân, rồi dẫn đến chuyện chết người hàng loạt.

Cũng như trong lúc chống dịch, nếu không có lệnh từ bên trên thì không có chính quyền địa phương nào dám đập cửa, xông vào bẻ quặt tay người dân mang ra chọt mũi để đạt chỉ tiêu “phòng chống dịch”.

Mà kẻ thủ ác là ai? Một mình y/thị thì không bao giờ hành động được, y chỉ nắm quyền lực tối cao, y/thị là trùm cuối trong chiến dịch sát hại nhân dân để kiếm lãi. Chung quanh y/thị phải có những đám trí thức, những kẻ có thể nói một lời có sức nặng ngàn cân trong khoa học, đủ để mị cả hàng trăm triệu người. Những trí thức biết sai, biết chết người hàng loạt vẫn cố đấm ăn xôi ấy đích thị là những kẻ máu lạnh, trên cả mức máu lạnh.

Rồi thêm những trí thức, văn nghệ sĩ không cần biết đúng - sai, không cần biết nhân dân sống chết ra sao, rên xiết như thế nào, chỉ cần thấy mối tư lợi, thấy tiền là có thể xun xoe, ton hót mà kiếm ăn, cổ vũ, vỗ tay làm nền cho cái sai để vinh thân phì gia. Bọn họ, chính bọn họ đã đẩy hàng triệu người vào chỗ chết.

Họ là những cái loa phóng thanh của chế độ, họ đã tung tin, họ đã cổ xúy, họ đã tung hỏa mù, họ đã làm mọi thủ đoạn truyền thông có được để ton hót và ủng hộ cho một công cuộc giết người vĩ đại, lợi tức vĩ đại từ những xác chết đồng loại, đồng tộc.

Ngay lúc trong tâm dịch, nhiều người nuôi niềm tin rằng sau mọi khó khăn, con người sẽ trở nên lương thiện, tử tế với nhau hơn và đối xử với nhau đẹp hơn, giàu tình người hơn. Thế rồi mọi chuyện lại khác, do đâu?

Do chính các hành xử của những lãnh đạo miệng lúc nào cũng nói lời Phật, cũng đạo đức, phẩm hạnh... nhưng tâm địa mang toàn nọc độc và cái ác. Chính họ, những kẻ hưởng lợi trong lòng dịch, hưởng lợi trên tính mạng nhân dân đã chạm tay ngắt chút tử tế cuối cùng sót lại trong nhân dân. Họ đã chứng minh cho nhân dân thấy rằng càng tử tế, càng tin vào nhà nước, càng tin vào Đảng thì càng dễ đi đến nghĩa địa, thậm chí không có mảnh đất chôn thân, và cùng kiệt hơn là không còn nhận dạng được tro cốt. Một khi đã đến mức độ như vậy thì mọi thứ thuộc về lòng tốt được dun rủi, hun đúc trong tâm dịch sẽ mau chóng bị ngọn lửa căm phẫn, thất vọng cùng cực và khinh bỉ đốt cháy mau chóng, bầu khí quyển còn lại sẽ không bao giờ có bóng dáng sự tử tế.

Điều đó được chứng minh một cách hùng hồn trong những rối rắm, bất tuân và tao loạn sau dịch. Rõ ràng sau dịch, sau khủng hoảng kinh tế, bầu khí quyển chung của nhân dân là bất an, bất tuân nhân đạo và bất mãn tột cùng.

Đương nhiên, câu chuyện tội ác của người dân không chỉ vì nguyên nhân bất mãn hay thất vọng trước hành xử của giới quan chức cấp cao trong đại dịch. Mà sâu xa hơn, bản thân mỗi người dân sau quá nhiều ngày tháng sống dưới sự hà khắc kiểu đạn bọc đường của chính quyền từ địa phương cho đến các cấp cao hơn, sau những mất mát vì đám cướp trắng và sau mọi cuộc mục kích sở thị tội ác của chính cơ quan công quyền như vụ trấn áp gia đình Đoàn Văn Vươn rồi sau đó tuyên bố chiến công này có thể viết thành sách hoặc vụ gần đây là gia đình cụ Lê Đình Kình. Tất cả hành xử đều đậm chất rừng rú, man rợ và bất chấp nhân đạo.

Mọi hiện tượng ngày hôm nay là kết quả của một quá trình tích tập trong quá khứ. Khi con người đủ lòng thù hận, đủ độ man rợ, người ta sẽ giết người theo cách của một đồ tể hãnh tiến. Như trường hợp người đàn ông máu lạnh mang xăng đến đốt quán cafe ở Hà Nội mới hôm qua, làm chết 11 người và nhiều người thương tích nhưng y đã đến trình báo công an với tâm thế đầy hả hê, như một chiến thắng.

Lạ ở chỗ công an cũng mời y hút thuốc, cho y ngồi tréo mảy để nói chuyện, cười cợt và sau đó phát tán video clip trên mạng xã hội. Hành động từ phía công an nói lên điều gì? Côn an đồng cảm với kẻ phạm tội (ở trường hợp này, y đã đến đầu thú, nhận tội thì không thể gọi là nghi phạm được nữa rồi!)? Công an tạo hiệu ứng xã hội sau cú giết người hàng loạt để làm xã hội náo loạn, có thêm việc để làm, để kiếm ăn? Cộng an muốn xã hội mặc định chuyện giết người hàng loạt là chuyện thường tình? Nếu không vì các mục đích trên thì vì mục đích nào khác? Bởi vì với bất kì kẻ nào đang ủ mưu phạm tội, đang có máu lạnh, đang có âm mưu giết người hàng loạt... hắn sẽ thấy thoải mái và hăng hái, hưng phấn khi biết được rằng giết người xong, đi đầu thú sẽ được ngồi tréo mảy mà hút thuốc, cười nói và vui vẻ, ung dung hưởng cái “thành quả” man rợ của y/thị. Để rồi sau đó có bị án tử hay gì đi nữa cũng không sao.

Tôi tin rằng công an thừa thông minh để không bao giờ chọn việc đưa hình ảnh kẻ giết người hàng loạt nói cười ra trước công chúng nhằm đạt mục đích chứng minh với xã hội rằng cấu thành tội phạm của kẻ phạm tội có đủ để kết án tử hình, án nặng nhất và việc xử là thích đáng. Không, chắc chắn công an sẽ không bao giờ thò tay vào việc của tòa án và họ thừa biết rằng trách nhiệm của họ là phải xóa bỏ hình ảnh rùng rợn, che đi các hình ảnh man rợ để tránh tình trạng mất an ninh tâm lý trong nhân dân. Thế nhưng họ đã phát tán clip đó!

Điều đó cho thấy rằng hoặc là các nhân viên công lực hoàn toàn không có hiểu biết gì về xã hội học hay tâm lý hình sự học, hoặc là họ cố tình đẩy việc giết tróc trở thành ngòi nổ của việc giết tróc trong xã hội, đẩy xã hội đến một ngưỡng bất an cần thiết cho mục đích, âm mưu của họ. Chỉ có như vậy họ mới làm chuyện tưởng chừng mớ ngủ ấy.

Và, suy cho cùng, mọi tội lỗi, mọi tội ác phì đại gần đây đều có gì đó rất gần với tội ác giết người hàng loạt của những kẻ máu lạnh từng cầm cân nảy mực trên đất nước này!