You are here

Nên dẹp bỏ cán bộ bán chuyên nghiệp ở địa phương

Chừng ba năm trở lại đây, hệ thống cán bộ địa phương trở nên kềnh càng và luộm thuộm bởi nó phát sinh quá nhiều cơ phận thừa trong hệ thống. Trong đó, đáng kể là những cán bộ “bán chuyên trách” ở địa phương. Những tưởng công việc không lương của họ là một sự cống hiến, nhưng kì thực, họ là một bộ phận ăn không ngồi rồi cố bám víu vào chính quyền để kiếm ăn. Họ càng nhiều, đất nước càng rối loạn.

Nói đến hệ thống tinh gọn trên thế giới này, không thể không nhắc đến Singapore, một quốc gia mà người dân cần gì thì lên gặp trực tiếp Chính Phủ, các văn phòng chính phủ có mặt ở khắp quốc gia. Điều này sẽ tránh được vấn đề cát cứ địa phương và cửa quyền, hách dịch, gây mất lòng dân.

Vì các văn phòng Chính Phủ nằm rải rác ở các địa phương nên người dân yên tâm lên làm việc với Chính Phủ và các thủ tục, giấy tờ hành chính hay bất kì thủ tục gì sẽ không bị ngâm lâu ngày mà đưa trực tiếp về Tổng Văn Phòng để xử lý. Thời đại internet, việc này chỉ tốn một cú nhấp chuột, đương nhiên là của nhân viên chuyên nghiệp, có năng lực nghiệp vụ, không bị “lỗi đánh máy” như ở Việt Nam.

Và đương nhiên quốc gia Singapore có diện tích nhỏ bé, dân số cũng ít, chỉ bằng một tỉnh của Việt Nam nên việc điều hành qui về một mối dễ dàng. Nhưng, đặt bối cảnh Việt Nam phát triển theo cách tinh gọn, thì việc đặt ra quá nhiều cấp chỉ là tiền đề phát sinh thói cửa quyền, hống hách và toa rập thụt két nhà nước, nhũng nhiễu nhân dân.

Giả sử chỉ dừng ở mức Tỉnh, Trung Ương. Tức tất cả các thủ tục hành chính, người dân đến gặp cán bộ trực thuộc tỉnh ngay tại văn phòng xã (cũ). Ở đó, không có chủ tịch xã, chỉ có Trưởng ban trực thuộc tỉnh, và mọi thủ tục nhanh chóng giải quyết theo diện hành chính tỉnh, sau đó đưa về Văn phòng tỉnh trưởng (Chủ tịch tỉnh), ở đó giải quyết, thông qua hoặc cần cấp cao hơn thì chuyển về Trung ương. Chỉ tốn đúng hai cấp và ba lần chuyển thủ tục nếu cần. Như vậy tinh gọn và chuyên nghiệp, không bị tình trạng cửa quyền và cát cứ địa phương.

Ngược lại, tại Việt Nam, vấn đề chuyên môn của cán bộ địa phương hoàn toàn không có hoặc rất kém, bởi tệ nạn bằng giả quá nhiều, hầu hết những người leo lên được ghế cao đều dựa vào phe nhóm và lý lịch, không dựa vào năng lực chuyên môn. Đây là lỗ hổng quá lớn để khi nắm được ghế quyền lực địa phương, người ta sẽ vơ vét để lấy lại những khoản đầu tư, chạy đua ban đầu, sau đó dùng biện pháp đe nẹt và hù dọa để lãnh đạo. Bởi kẻ càng kém năng lực thì càng giỏi hù dọa và bóp chết các nhân tố có cơ may phát triển.

Chưa dừng ở vấn đề đe nẹt, mà một vấn đề khác cũng đáng quan tâm không kém, đó là mở rộng địa bàn cát cứ quyền lực. Muốn cát cứ quyền lực, người ta tìm cách mở rộng đội ngũ cán bộ cơ sở, từ việc dựng lên các trưởng thôn, phó thôn ăn lương nhà nước cho đến các tổ trưởng, tổ phó bán chuyên nghiệp, tức không ăn lương nhà nước theo biên chế mà hưởng tiền trợ cấp từ nguồn quĩ địa phương. Bù vào, để được hưởng tiền trợ cấp đó, cán bộ bán chuyên nghiệp phải làm cho được việc, tức xông xáo, tìm cách truy thu các khoản này nọ, kêu gọi đóng góp xã hội hóa (ngay trong cái bánh Trung thu của trẻ em vốn do kinh phí nhà nước tổ chức thì loại cán bộ này cũng đi gõ cửa từng nhà để xin năm chục, một trăm ngàn đồng, sau đó mua những gói quà mười mấy ngàn mà phát cho trẻ em). Tất cả các khoản đó càng nhiều thì tỉ lệ phần trăm của cán bộ bán chuyên nghiệp càng lớn.

Chính vì phần trăm từ khoản tận thu này mà cán bộ bán chuyên nghiệp mọc ra như nấm, họ hăng hái, họ thuộc dạng ăn không ngồi rồi, chẳng có công việc cụ thể, cũng không có chuyên môn cụ thể nhưng lại xông xênh áo mão, chải chuốt và ăn nói hách dịch, nhân danh đảng bộ địa phương. Chính những cán bộ bán chuyên nghiệp này khiến cho người dân trở nên ghét cán bộ và thấy đội ngũ nhà nước có gì đó vừa quan liêu vừa ô hợp.

Và, cán bộ bán chuyên nghiệp, các loại cộng tác viên địa phương càng phì đại thì cán bộ lãnh đạo địa phương càng củng cố quyền lực, càng xa rời dân chúng, muốn tiếp cận họ, phải qua đến ba, bốn lớp cán bộ từ bán chuyên nghiệp đến cấp thôn, cấp ban ở xã rồi mới đến Chủ tịch xã/phường. Cách làm việc cồng kềnh, nặng nề, quan liêu, cửa quyền của cấp địa phương gây tốn kém không nhỏ và làm ảnh hưởng đến uy tín của hệ thống rất lớn. Trong một chừng mực nào đó, hệ thống quản lý nhà nước xem như thất bại, không có giá trị trong mắt người dân.

Và, nhìn vào tưởng đơn giản, nhưng kì thực với số lượng đông như quân Nguyên ở mỗi thôn, xã/phường và xa hơn nữa, nếu xét theo cấp quận/huyện, tỉnh/thành phố thì con số này nhiều vô kể. Cái nguy hiểm nằm ở chỗ họ vô công rỗi nghề, kiếm ăn bằng con đường “phục vụ nhân dân” theo kiểu a dua và cơ hội nên khi có một chút xíu mảy may cơ hội để nhũng nhiễu dân thì bằng mọi cách họ xé cho to và làm lớn chuyện để kiếm ăn.

Về mặt an ninh, trên lý thuyết là xây dựng lực lượng cộng sự địa phương để đảm bảo an ninh, bảo vệ chế độ, phục vụ nhân dân, nhưng về mặt thực tiễn thì đây là lực lượng sinh ra do sự nhầm lẫn của các nhà lãnh đạo và nó có nguy cơ phá hoại an ninh quốc gia, mượn cái bóng đảng Cộng sản để làm chuyện càn quấy và nhũng nhiễu, gây khó chịu cho nhân dân nhiều nhất.

Điều quan trọng hơn cả là lực lượng bán chuyên nghiệp này làm cho hệ thống chính quyền trở nên cồng kềnh, mệt mỏi, ô hợp (trong đó không ít ông/bà từng là nhân viên chế độ cũ, giờ quay xe sang làm việc cho chế độ mới, hăng hái và máu lắm).

Nếu muốn cải thiện bộ máy chính quyền, làm cho nó tốt đẹp hơn, gọn nhẹ hơn, việc đầu tiên các nhà lãnh đạo cần làm là phải triệt tiêu hệ thống cộng sự bán chuyên nghiệp ở địa phương, để từng người dân cảm nhận được sự cởi mở, tiến bộ và dân chủ ở nơi mình đang sống thay vì luôn thấy ngột ngạt, khó chịu và bức xúc vì những kẻ ăn không ngồi rồi thi thoảng đến nhũng nhiễu, quấy rối, xưng hùng xưng bá...

Vấn đề an dân nên bắt đầu từ trung ương nhưng phải kết thúc một cách triệt để ở địa phương, cơ sở. Bởi bước cuối cùng để người dân cảm nhận được bầu không khí chính trị quốc gia lại là chính quyền địa phương, các cơ sở địa phương. Và nên trả những gì thuộc về nhân dân cho nhân dân.

Những kẻ ăn không ngồi rồi nên tìm việc làm tử tế thay vì suốt ngày mặc bộ áo quần láng cóng chạy xe máy đi loanh quanh chỗ này chỗ kia rồi ghé ủy ban xã/phường để uống nước trà, tán dóc, xong lại ra ngoài xưng xỉa “tao mới ở cơ quan về” rồi bày trò. Tất cả những hành vi đó cho thấy họ chưa trưởng thành, nếu không nói là rất trẻ con.

Nhưng cái sự chưa trưởng thành, sự trẻ con ấy đang hoành hành khắp các địa phương trong nước đấy, thưa các ngài lãnh đạo!