You are here

Nhà báo trong các chế độ xã hội khác nhau

Hôm qua, vì nhận được email từ một người bạn của Đỗ Hùng nên tôi viết bài « Nhà báo và sự nô lệ tự nguyện ». Hôm nay, vì bài báo ấy mà một người bạn của tôi trách cứ tôi đã lảng tránh vụ việc Lê Diễn Đức và RFA.

Thực ra, tôi không có ý định lảng tránh, nên nhân tiện bị trách cứ tôi đưa ra đây quan điểm của mình về hai vụ việc nhìn qua tưởng như là giống nhau. Những điểm giống nhau giữa hai vụ việc nhiều người đã nói. Những điểm khác nhau cũng đã được đề cập đến.

Ở đây tôi chỉ phân tích một điểm khác biệt mang tính chất cơ bản giữa hai vụ này.

Trước khi phân tích tôi phải nói rõ rằng, cũng như mọi độc giả khác, tôi không được biết gì chính thức từ RFA, không có liên lạc với bất kỳ nhân vật nào của đài Á Châu Tự Do. Và tôi chỉ sử dụng những thông tin do chính blogger Lê Diễn Đức truyền đạt trong bài phỏng vấn trên BBC, một hãng truyền thông có uy tín quốc tế. Tôi không sử dụng các thông tin trên các phương tiện cá nhân, dù là trên chính blog của ông Lê Diễn Đức. Vì theo quan niệm của tôi, khi trả lời phỏng vấn trên các hãng thông tấn người ta buộc phải thận trọng và có trách nhiệm với phát ngôn của mình, do đó các phát ngôn ấy có thể tin cậy được.

Đồng thời, do không nắm được các chi tiết của vụ việc, tôi không bình luận về việc cắt hợp đồng giữa RFA và ông Lê Diễn Đức, và tôi cũng không hề có ý bênh vực RFA, dù rằng tôi là một cộng tác viên của RFA.

Xin nói rõ tôi là cộng tác viên thời vụ, không phải là nhân viên chính thức của RFA. Tôi chịu hoàn toàn trách nhiệm về bài vở của mình. Tôi viết theo thúc đẩy của cá nhân và không tuân theo bất kỳ một định hướng hay đòi hỏi nào của RFA, trừ các nguyên tắc theo quy định chung về đạo đức và chuẩn mực nghề nghiệp. Tôi không hưởng bất kỳ đãi ngộ nào của RFA ngoài nhuận bút cho từng bài viết, nếu tôi không viết bài thì không có nhuận bút, giống như cương vị của bất kỳ cộng tác viên tự do của bất kỳ tờ báo nào trên thế giới.

Tất cả những điều này để nói rằng tôi hoàn toàn độc lập về quan điểm và về vị thế đối với RFA. Đồng thời cũng là cơ hội để nói với các anh chị an ninh Việt Nam rằng các anh chị yên tâm vì tôi chẳng nhận tiền của thế lực nào cả. Nhuận bút là thù lao cho lao động của tôi. Nếu tôi chọn cộng tác với bất kỳ tờ báo nào thì tờ báo ấy cũng phải trả thù lao cho lao động của tôi, đấy là nguyên tắc tối thiểu về lao động. Hoàn toàn giống như việc các báo ở Việt Nam trả nhuận bút cho tôi khi tôi gửi bài cho họ. Vậy thôi.

Tôi viết bài này trong mục đích trả lời sự trách cứ của một người bạn mà tôi quý mến. Do vậy, một cách khách quan, tôi cho rằng nếu RFA giải quyết không thỏa đáng với ông Lê Diễn Đức, ông ấy có thể sử dụng quyền lao động để đòi RFA xem xét lại và quyết định lại trường hợp của mình, nếu vẫn không cảm thấy thỏa đáng ông có thể nhờ pháp luật của nước Mỹ giải quyết. RFA và ông Lê Diễn Đức, mỗi bên phải chịu trách nhiệm về hành động của mình, và mỗi bên phải tự bảo vệ quyền lợi của mình. Tôi không bình luận khi chưa có đủ thông tin cần thiết. Tôi cũng không biết hợp đồng của ông Đức với RFA thuộc dạng nào để có thể bình luận.

Theo tôi, điểm khác biệt căn bản giữa vụ việc Đỗ Hùng và Lê Diễn Đức cho thấy Lê Diễn Đức làm việc trong một xã hội dân chủ và Đỗ Hùng làm việc trong một chế độ độc tài. Điểm khác biệt đó là : Báo Thanh niên chịu áp lực từ trên xuống, áp lực của lãnh đạo. RFA chịu áp lực từ dưới lên của người dân, áp lực của độc giả.

Đến đây phải đi vòng một chút để giải thích rõ hơn. Trong các xã hội dân chủ, quyền lực thuộc về nhân dân. Trong các xã hội « của dân, do dân, vì dân » thực sự, người dân có quyền quyết định các vấn đề liên quan đến đời sống xã hội. Và luật pháp quy định các quyền về việc người dân ủy quyền cho Quốc Hội và Chính phủ giải quyết các vấn đề chung. Nhưng đồng thời luật pháp cũng quy định các quyền cho phép người dân, trong những trường hợp cần thiết, bày tỏ sự phản đối các quyết định của Quốc hội và Chính phủ, nếu họ thấy các quyết định ấy đi ngược lại với lợi ích của họ.

Vì thế, khi người dân gây áp lực lên chính phủ, và áp lực ấy đủ mạnh thì chính phủ phải nhượng bộ. Tương tự, ở các cấp độ thấp hơn, khi người lao động gây áp lực lên giới chủ hay lên bộ máy điều hành, và khi áp lực này đủ lớn thì giới chủ hoặc những người quản lý phải nhượng bộ.

Ở đây tôi đưa ra hai ví dụ (trong vô vàn ví dụ) :

Ngày 31 tháng 3 năm 2006, Nghị viện Pháp thông qua đạo luật về Hợp đồng tuyển dụng đầu tiên [Contrat première embauche –CPE]. Đạo luật này gây ra những phản ứng dữ dội, công đoàn, sinh viên, học sinh trung học tổ chức những cuộc biểu tình kéo dài (cá nhân tôi đã chứng kiến và từng tham gia vào thời điểm đó). Kết quả là ngày 10 tháng 4 năm đó, chính phủ đã phải tuyên bố hủy bỏ đạo luật về CPE, sau hai tháng thông qua và sau mười ngày ban hành.

Mới gần đây, bức ảnh của cậu bé Alan Kurdi đã làm thức tỉnh lương tri của người dân châu Âu, áp lực của báo chí và các cuộc biểu tình của người dân đã khiến các chính phủ châu Âu phải họp nhau lại để giải quyết vấn đề di dân, vốn đã là một hiện tượng nhức nhối từ lâu. Chúng ta thấy rằng, những người dân hay các hiệp hội tư nhân không thể có giải pháp cho hiện tượng di dân,  với một số lượng lớn như vậy chỉ có các chính phủ mới có thể giải quyết được. Áp lực của dư luận xã hội cuối cùng đã khiến cho châu Âu phải nhận trách nhiệm.

Trong các xã hội độc tài, và nhất là các xã hội toàn trị, kể cả khi các khẩu hiệu « của dân, vì dân, do dân » chăng đầy đường phố, thì người dân, trên thực tế, chẳng có quyền gì. Mọi thứ đều bị áp từ trên xuống, và luật pháp cũng trở nên vô nghĩa. Áp lực của người dân chẳng có bất kỳ tác động nào đối với chính quyền.

Có thể lấy một ví dụ, giờ đây đã trở nên quá nổi tiếng : Hiến pháp 2013. Bất chấp phản đối của một số lượng đông đảo trí thức và nhân dân đòi hủy bỏ điều 4 và một số điều khác, chính quyền vẫn giữ nguyên quyết định, đồng thời Quốc hội cương quyết không thông qua quyền trưng cầu dân ý, quyền lập hội, lập báo chí tư nhân… dù tất cả đều đã có quy định trong Hiến pháp.

Một ví dụ gần đây nhất : Công trình tượng đài Hồ Chí Minh 1400 tỷ do đích thân phó Thủ tướng ký duyệt, ngay khi đưa ra đã gặp phải cơn bão tố phản ứng của dư luận. Đến mức một người vốn rất bình tĩnh và thận trọng trong phát ngôn như ông Ngô Bảo Châu cũng phải thốt lên : « hoặc là khốn nạn, hoặc là thần kinh ». Những người có lý trí bình thường đều đồng tình với ông Châu, vì người ta không thể hiểu được tại sao lại chi một khoản tiền khổng lồ như thế cho một việc vô bổ như thế, trong khi « trẻ con ăn không đủ no, áo không đủ ấm, sinh hoạt như lũ thú hoang », như ông Châu nói. Dĩ nhiên, đối với những đầu óc bình thường thì quả là thần kinh khi ký một cái quyết định như thế trong điều kiện một đất nước nợ nần chồng chất, dân đói nghèo, ngoại bang đe dọa không có phương tiện chống trả.

Tuy nhiên, cơn bão phẫn nộ của người dân không mảy may tác động đến chính phủ Việt Nam. Mấy ngày sau, công trình 1400000000 được thông qua trong sự khốn cùng của dân chúng.

Điều cần phải so sánh ở đây là : bức ảnh chụp cậu bé Alan Kurdi làm lay động trái tim của các chính khách Châu Âu và quyết định của họ làm thay đổi số phận của những người di cư. Trong vụ tượng đài, rất nhiều bức ảnh thương tâm về trẻ em Việt Nam trong cảnh nghèo đói được lan truyền trên mạng, nhưng những người làm chính trị ở Việt Nam không mảy may động lòng. Sống chết mặc bay, thái độ của chính phủ đối với nhân dân của mình là như thế đấy. Có so sánh như vậy mới thấy được chính phủ này độc ác và tàn nhẫn đến mức nào.

Hình ảnh cậu bé nằm trên bãi biển này đã khiến trái tim của các chính trị gia Châu Âu rung động và làm thay đổi số phận của những người di cư.

Hình ảnh hai em bé ngủ trên nền đất lạnh này không gợi lên chút thương cảm nào trong lòng những người làm chính trị ở Việt Nam, trái lại còn khiến họ sắt đá hơn. Bao giờ các em mới có một chỗ ngủ của con người ?

Đi vòng vèo mãi bây giờ mới đến đích : RFA thôi hợp đồng với Lê Diễn Đức, theo đúng như lời ông Đức cho biết trên BCC, là do "bị áp lực dư luận rất nặng nề". RFA không bị áp lực từ chính phủ Mỹ hay từ Bộ Văn hóa Mỹ hay từ bất kỳ Bộ nào, cấp nào từ bên trên.

Ông Đỗ Văn Hùng bị báo Thanh niên thu hồi thẻ nhà báo theo quyết định của Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn. Một bên là do áp lực của người dân từ dưới lên. Một bên là do quyết định của lãnh đạo đưa thẳng từ trên xuống.

Ông Lê Diễn Đức có thể lên BBC phát biểu, có thể cộng tác với bất kỳ tờ báo nào ông muốn và nếu họ cũng muốn cộng tác với ông, ông có thể lập ra một tờ báo của riêng ông, thậm chí ông có thể nhờ pháp luật can thiệp nếu cần.

Ông Đỗ Văn Hùng im lặng. Điều này có thể hiểu được, bởi chẳng có luật pháp nào bảo vệ ông. Ông chỉ có thể lên tiếng khi có một số lượng lớn các đồng nghiệp ủng hộ ông. Nhưng ông không có sự ủng hộ, ông chỉ nhận được sự lên án hoặc kết tội, một cái tội mà ông không có. Ông có thể sẽ bị mất thẻ nhà báo và suốt đời không được hành nghề một cách chính thức. Nếu muốn tiếp tục hành nghề, ông phải ngoan ngoãn « nhận lỗi », cái lỗi mà ông không có. Còn đâu phẩm giá, còn đâu tự do cho ông Hùng ?

Đây là một diễn giải mang tính chất cá nhân, một quan điểm cá nhân mà tôi cảm thấy cần phải trình bày, lần này là do « áp lực từ dưới lên » của một người bạn thân thiết.

Paris, 11/9/2015

Nguyễn Thị Từ Huy

 

 

Bài bình luận

Tuyệt, không thể "cãi" được !!!

Nhận xét của NTTH hoàn toàn chính xác !

Dong y.

Tại sao một lãnh tụ phải có hàng trăm tên,trừ phi ông ta là một gián điệp,mà ông ta là gián điệp của Tàu như rất nhiều tài liệu gần đây phơi bày ra.

Sự thật thì RFA đã hé lộ cái gọi là "tự do tư tưởng" chỉ là lý thuyêt. A. Lê D. Đức đã chạm húy của RFA như anh Đỗ V. Hùng chạm phải húy của đảng CSVN, và cả hai đều bị trả giá. Dưới danh nghĩa độc giả mà không cần trưng ra một bằng chứng kiểm soát được về 1 cuộc lấy ý kiến có thật, RFA dễ dàng chấm dứt hợp đồng a. Đức. Sự tự do xin việc/xin cộng tác với báo khác mà chị Hụy nói chỉ là sự an ủi cho a Đức, trong khi thực tế thì trong nước anh Đỗ v. Hùng dù có bị kỷ luật treo thẻ nhà báo và truất chức quản lý thì a Hùng vẫn còn quyền làm việc...

Chị Từ Huy nói về các khác biệt cơ bản, nhưng có một cái chung nền tảng đó là tính chính trị của hai quyết định, dù đó là của 1 báo mạng ở nơi được coi là tự do hay ở nơi không có mấy tự do: Đó là những người làm truyền thông đều bị kiểm duyệt nặng nề, dù có viết trên blog cá nhân hay facebook- dù có sống ở nơi được gọi là dân chủ hay độc tài. Các đồng nghiệp viết cho RFA có biểu tình phản đối, trưng khẩu hiệu "Tôi là Lê Diễn Đức" không? Tất nhiên chẳng thấy có ai, dù chỉ muốn nói với RFA rằng mỗi người đều có quyền biểu đạt suy nghĩ thật của mình/tự do tư tưởng mà không bị trừng phạt. Vậy phải nói sao về khái niệm "nô lệ" đây? Không chịu nghĩ như RFA tiếng Việt thì cũng bị sa thải như viết cho 1 trong 700-800 tờ báo của chính phu VN mà không chịu nghĩ như họ thôi. Chúng ta có chịu nghĩ xa hơn không, rằng chính vì sự không chấp nhận những ý kiện khác mình này đã làm cho dân tộc rơi vào vóng xoáy ít nhất là chia rẽ 70 năm qua, với bao tốn thất đau thương, bỏ lỡ nhiều cơ hội và kéo lùi lịch sử dân tộc nhiều thập kỷ. Hãy dám nhìn nhận trung thực, cả đúng và sai, được và mất của cả cộng sản lẫn cộng hòa để bao dung và hòa hợp, xây dựng lại dân tộc văn minh và giàu mạnh.

tư chất người trí thức là hướng dẫn dư luận chứ không phải để dư luận hướng dẫn. không có một thế lực bất kỳ nào, chính trị hay thần quyền, có thể hạn chế hay cản trở quyền tự do ngôn luận. bài học Charlie Hebdo có lẽ chị Từ Huy cũng nhớ. người cầm bút trong nước, viết theo mệnh lệnh chính trị, mục đích viết là để tuyên truyền. điều này sẽ không khác trường hợp người cầm bút hải ngoại viết theo "áp lực của dư luận". Trong chừng mực, viết theo "áp lực của dư luận" là viết theo "mệnh lệnh chính trị", hoặc là viết theo mãnh lực của đồng tiền. Vậy còn đâu tư chất độc lập của trí thức? Điểm tương đồng của trường hợp Lê Diễn Đức và Đỗ Hùng là cả hai bị sa thải vì một lý do chính trị. chính trị ở đây là nói khác với truyền thống. ở đây không nói trường hợp ông Đức (sau khi bị sa thải) có thể đi làm cho chỗ khác còn ông Hùng thì không. điều cần nói là ông Đức (và ông Hùng) bị sa thải vì lý do chính trị. nếu chị Từ Huy cho rằng việc sa thải ông Đức là đúng, thì chị sẽ không có tư cách nào để lên tiếng bênh vực những đồng nghiệp bị sa thải với lý do tương tự.

Chính trị trong một nước độc tài khác chính trị trong một nước văn minh phải không nào? (Từ Huy đang nói đến sự khác nhau này, nếu quý ông không nhận ra thì làm ơn đọc kỹ lại một chút nha)

chị Từ Huy đã viết rõ như thế này còn gì: "tôi cho rằng nếu RFA giải quyết không thỏa đáng với ông Lê Diễn Đức, ông ấy có thể sử dụng quyền lao động để đòi RFA xem xét lại và quyết định lại trường hợp của mình, nếu vẫn không cảm thấy thỏa đáng ông có thể nhờ pháp luật của nước Mỹ giải quyết. RFA và ông Lê Diễn Đức, mỗi bên phải chịu trách nhiệm về hành động của mình, và mỗi bên phải tự bảo vệ quyền lợi của mình." đúng hay sai đã có toà án Mỹ xét xử, luật pháp Mỹ vốn công minh, ông Đức sao không kiện để chứng minh cho thiên hạ là ông bị xâm hại tự do ngôn luận?

Nghi quyet 1481 /2006 cua HDAC :" CS la Toi ac chong nhan loai "LDD Khong cong nhan nen LDD don Fcot xac Lao tren xac Chet va tu day cua nhung ke cong pha trong lua Dan chong lai Bon Toi ac CS. RFA Khong vi du luan, nay no. RFA chi muon dung duoi died THIEN maHCM ting bac bo. ( cai gi lam loi cho Dang cai do la Dao duc!)

RFA không thể vi phạm quyền tự do ngôn luận của Lê Diễn Đức. Tôi nói RFA không thể vi phạm quyền tự do ngôn luận của ông Đức, theo nghĩa : RFA không thể bịt miệng ông Đức, điều mà Bộ 4T đã làm đối với ông Đỗ Hùng, và không chỉ riêng ông Hùng, bộ 4T bịt miệng toàn bộ giới báo chí chính thống Việt Nam. Việc RFA chấm dứt hợp đồng với Lê Diễn Đức là một hành vi dân sự, không đụng chạm tới quyền phát ngôn của ông Đức. Ông Đức thôi làm việc với RFA nhưng quyền phát ngôn của ông vẫn còn nguyên, ông có thể giữ nguyên quan điểm của mình, bảo vệ quan điểm ấy ở khắp nơi. Ông có thể tiếp tục phát ngôn những gì mà mình muốn, trên bất kỳ không gian nào (không gian riêng của ông Đức hoặc một không gian báo chí nào đồng ý đăng tải phát ngôn của ông, bằng chứng là ông Đức đã ngay lập tức được mời phát ngôn trên BBC), đồng thời các cơ hội công việc của ông Đức không hề bị ảnh hưởng. Và ông Đức có thể dùng quyền lao động để kiện RFA nếu RFA vi phạm luật lao động, và ông có thể dùng cả quyền tự do ngôn luận để kiện RFA nếu RFA vi phạm quyền tự do ngôn luận của ông, xin nhắc lại như vậy. Ông Lê Diễn Đức có thể ngẩng cao đầu trách cứ RFA bất cứ nơi đâu, có thể tự bảo vệ mình bằng mọi hình thức, nếu ông muốn. Vì vậy, theo tôi không thể đánh đồng việc RFA chấm dứt hợp đồng với việc RFA vi phạm tự do ngôn luận. RFA không vi phạm quyền tự do ngôn luận của ong Đức. Những ai muốn đồng nhất việc RFA ngừng hợp đồng với việc RFA vi phạm tự do ngôn luận nên xem lại động cơ của mình. Tuy nhiên, có thể trách cứ RFA đã không đủ can đảm chống lại áp lực dư luận. Và, lại tuy nhiên, việc tôi có thể đăng ý kiến mang tính chỉ trích dành cho RFA như thế này trên blog của chính RFA cũng có thể cho thấy sự khác biệt căn bản của báo chí trong xã hội dân chủ và báo chí trong thể chế toàn trị. Đừng bao giờ mong báo Thanh niên đăng một vài ý kiến chỉ trích báo Thanh niên hay Bộ 4T về vụ việc Đỗ Hùng. Đơn giản là vì họ sẽ bị đóng cửa ngay lập tức. Quyền tự do ngôn luận của Đỗ Hùng bị vi phạm trầm trọng. Anh Hùng ngay lập tức phải im bặt, phải gỡ bỏ status trên facebook của mình. Đỗ Hùng không thể lên BBC để phản đối như Lê Diễn Đức, thậm chí không thể phản đối trên bất kỳ tờ báo nào ở Việt Nam. Anh Hùng chỉ có thể phản ứng Bộ 4T trong trường hợp anh chấp nhận bị cho ra rìa hoàn toàn, chấp nhận trở thành nhà báo độc lập. Nhưng đó không phải là cai anh Hùng lựa chọn. Đỗ Hùng bị tước thẻ nhà báo, và không « nhận lỗi » thì không được tiếp tục làm việc. Đừng nên đưa việc anh Hùng tiếp tục ở lại làm biên tập viên trong bóng tối ở báo Thanh niên như một bằng chứng để nói anh có quyền tiếp tục làm việc. Cái giá Đỗ Hùng phải trả để có thể tiếp tục làm việc, đó là anh phải chấp nhận tự ngậm miệng, phải nhận cái lỗi anh không gây ra, anh phải chấp nhận cúi đầu lãnh nhận số phận « khiếp nhược », cái từ chính anh đã sử dụng để đánh giá người khác. Thử hình dung rằng anh Đỗ Hùng lên BBC than phiền như Lê Diễn Đức, điều gì sẽ xảy ra ? Anh sẽ mất việc ngay lập tức. Nhu đã từng xảy ra với Nguyễn Đức Kiên, Nhã Thuyên… Anh Hùng biết rõ như vậy, toàn bộ giới báo chí chính thống biết rõ như vậy, và chúng ta biết rõ như vậy. Anh Đỗ Hùng không có được cái kiêu hãnh ngẩng cao đầu của ông Lê Diễn Đức trước toàn thiên hạ để tự bảo vệ quyền phát ngôn của mình. Ông Đức không bị buộc phải trở nên khiếp nhược. Ông Đức cũng không bị buộc phải tự khâu miệng. Trái lại, ông Đức đã dùng quyền của mình ngay lập tức tiếp tục phát biểu ở những nơi mà ông muốn. Anh Hùng ngậm tăm, và còn ngậm tăm dài lâu, còn lâu mới dám mở miệng trở lại. Ông Đức ngay lập tức mở miệng trên BBC, và có thể mở miệng khi nào ông muốn, ở nơi ông muốn, tất nhiên là khi nơi đó đồng ý cho ông phát biểu Điểm khác biệt căn bản là : ông Đức có quyền tự do ngôn luận, quyền này được pháp luật nước Mỹ bảo trợ cho ông, RFA hay bất kỳ thế lực nào cũng không thể tước đoạt được của ông. RFA sẽ trở thành nạn nhân của chính hành động chấm dứt hợp đồng với ông Đức nếu RFA vi phạm quyền tự do ngôn luận của ông Đức. Tòa án Mỹ sẽ phán quyết dựa trên luật pháp, đó là điều mà ta có thể tin được. Ong Đức không bảo vệ quyền của mình đến cùng, như lẽ ra ông đã phải làm nếu quyền tự do ngôn luận của ông bị vi phạm, có thể khiến ta nghĩ rằng sự việc còn có những uẩn khúc khác, mà độc giả chúng ta không được rõ. Còn anh Hùng không có quyền tự do ngôn luận, pháp luật xhcn không bảo vệ anh, anh chẳng thể kiện vào đâu được, dù phát ngôn của ông chỉ là giễu cợt vui vui; trong khi phát ngôn của ông Đức một vài chỗ có thể xem là vu khống nếu không đưa được bằng chứng tin cậy. Chị Từ Huy, quán nhỏ đồi trung du chiều mưa năm ấy, chị còn nhớ không?