Song Chi.
Mỗi quốc gia có 2 tài nguyên lớn nhất là thiên nhiên và con người. Nếu phung phí hoặc không biết cách “bồi đắp” hai tài nguyên này thì sẽ khó mà phát triển thành một quốc gia giàu mạnh.
Nhìn lại Việt Nam 80 năm qua dưới sự lãnh đạo của đảng cộng sản ở miền Bắc và gần 50 năm trên toàn quốc, chúng ta thấy rõ đảng cộng sản đã phung phí cả hai nguồn tài nguyên thiên nhiên và con người như thế nào.
Nói về tài nguyên thiên nhiên, Việt Nam có đủ cả rừng vàng biển bạc, nhiều loại khoáng sản dồi dào nhưng sau bao nhiêu năm khai tác vô tội vạ thì đã cạn kiệt, rừng thì bị tàn phá với tốc độ kinh hoàng, biển thì vừa bị ô nhiễm vừa bị “thu hẹp” lại vì sự hung hăng bành trướng của Trung Cộng trên biển Đông!
Nhưng quan trọng hơn nữa là cái vốn quý về Con Người!
Hàng ngàn, hàng vạn con người có kiến thức, tài năng bị mất đi bao nhiêu năm của cuộc đời trong lao tù.
Trước chuyến đi đầu tiên của Tô Lâm đến Hoa Kỳ trên cương vị Chủ tịch nước, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam lúc bấy giờ vào cuối tháng 9/2024, có hai tù nhân nổi tiếng là Trần Huỳnh Duy Thức và Hoàng Thị Minh Hồng đã được nhà nước cộng sản Việt Nam trả tự do như “món quà” để tạo thiện cảm đối với chính phủ Hoa Kỳ.
Trước khi phải vào tù, ông Thức là một kỹ sư, doanh nhân thành công, cựu tổng giám đốc của Công ty Dịch vụ điện thoại Internet OCI, một công ty từng được Việt Nam và thế giới đánh giá cao vì những thành tựu trong lĩnh vực viễn thông – di động. Ông bị bắt, sau đó bị đưa ra xét xử vào ngày 20/1/2010 và bị kết án 16 năm tù với tội danh "hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân". Ông Thức đã ở tù 15 năm 4 tháng và được trả tự do sớm 8 tháng.
Bà Hoàng Thị Minh Hồng là một nhà hoạt động môi trường. Năm 2019, tạp chí Forbes đã bình chọn bà là một trong 50 phụ nữ có tầm ảnh hưởng nhất tại Việt Nam. Bà là người Việt Nam đầu tiên đặt chân lên Nam Cực vào năm 1997 và cũng là người Việt đầu tiên giành được học bổng của Quỹ Obama tại Đại học Columbia năm 2018-2019. Bà đã sáng lập một tổ chức phi lợi nhuận có tên gọi Change nhằm nâng cao nhận thức và truyền cảm hứng cho cộng đồng bảo vệ thiên nhiên môi trường, động vật hoang dã, chống biến đổi khí hậu, thúc đẩy phát triển bền vững. Thế nhưng, vào cuối tháng 5/2023 bà bị bắt và bị kết án tù 3 năm về tội “trốn thuế” vào cuối tháng 9 cùng năm. Bà được ra tù sớm 20 tháng.
Trước và sau bà Hoàng Thị Minh Hồng, hàng loạt các nhà hoạt động môi trường nổi bật như Ngụy Thị Khanh, Đặng Đình Bách, Mai Phan Lợi và Bạch Hùng Dương đều bị bắt và bị bỏ tù vì tội danh “trốn thuế” với những cáo buộc hết sức mơ hồ, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cũng như các tổ chức nhân quyển quốc tế đã lên tiếng chỉ trích, lên án rằng nguyên nhân thực sự của việc các nhà hoạt động này bị bắt là có "động cơ chính trị". Họ bị kết án từ 21 tháng tù cho tới 5 năm, trong đó ông Đặng Đình Bách, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu pháp luật và chính sách phát triển bền vững (LPSD) là người duy nhất không nhận tội, nên bị tuyên án nặng nhất--5 năm tù giam.
Một người khác, bà Ngô Thị Tố Nhiên, cựu Giám đốc điều hành của Sáng kiến Chuyển đổi Năng lượng Việt Nam (VIETSE) đã bị kết án 3 năm 6 tháng tù giam vào ngày 27/6/2024 với cáo buộc tội “Chiếm đoạt, mua bán, tiêu hủy con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” theo Điều 342 BLHS.
Sau những vụ bắt giữ, kết án hàng loạt các nhà hoạt động môi trường này thì rõ ràng là không ai dám tiếp tục hoạt động nữa!
Trở lại với câu chuyện của ông Trần Huỳnh Duy Thức, bà Hoàng Thị Minh Hồng, không chỉ bị mất đi những năm tháng trong tù mà lẽ ra họ có thể tiếp tục học tập, làm việc, cống hiến cho xã hội, họ còn phải từ bỏ luôn công việc, công ty của họ phải đóng cửa.
Ông Trần Huỳnh Duy Thức, bà Hoàng Thị Minh Hồng chỉ là hai trong số hàng ngàn hàng vạn tù nhân lương tâm, tù nhân chính trị đã bị nhà nước cộng sản Việt Nam kết án tù trong suốt gần 80 năm cầm quyền ở miền Bắc và gần 50 năm cầm quyền trên toàn quốc.
Chỉ cần so sánh giữa hai miền Nam-Bắc trước ngày 30/4/1975 để thấy chế độ độc tài cộng sản đã kìm hãm, bóp nghẹt tài năng con người ra sao trong mọi lĩnh vực từ kinh tế, giáo dục, văn hóa nghệ thuật và ngược lại, một chế độ tự do sẽ tạo điều kiện cho con người thăng hoa, cất cánh ra sao.
Sau ngày 30/4/1975 đảng cộng sản tiếp tục áp dụng mô hình, đường lối lãnh đạo độc tài hà khắc trên toàn quốc.
Thời gian đầu, khi cuộc chiến tranh vừa chấm dứt, người miền Nam đã hy vọng rằng một trang sử đau thương, hận thù máu lửa sẽ được khép lại, chế độ mới sẽ biết nghĩ đến tương lai chung của đất nước, dân tộc Việt Nam mà đối xử đàng hoàng với bên thua cuộc, khép lại quá khứ, cùng nhau xây dựng đất nước. Nhưng không, hàng trăm ngàn dân quân cán chính của chế độ VNCH đã bị tống vào tù không xét xử, giam giữ không thời hạn dưới danh xưng mỹ miều là đi “học tập cải tạo”. Hàng trăm ngàn viên chức hàng đầu, trí thức, văn nghệ sĩ, linh mục, hòa thượng…có kiến thức, có tài đã bị đày đọa một cách uổng phí hàng chục năm, và nhiều người đã qua đời vì không chịu nổi điều kiện tù đày khắc nghiệt cùng những đòn thù dã man. Và nếu họ có ra tù sau hàng chục năm thì cũng đã kiệt quệ cả về thể xác lẫn tinh thần, rất ít người trong số họ có thể giành lại những năm tháng đã mất bằng những thành công rực rỡ.
Tiếp theo sau thế hệ những người có dính líu đến chế độ VNCH là những người bất đồng chính kiến sinh ra và lớn lên trong lòng chế độ cộng sản, nối tiếp nhau vào tù chỉ vì đã bày tỏ quan điểm, chính kiến một cách ôn hòa. Họ là những thành phần khác nhau trong xã hội từ nông dân, dân oan cho tới nhà báo, nhà văn, luật sư, kỹ sư, doanh nhân, nhà hoạt động môi trường…Và không chỉ bị tù, sự nghiệp của họ cũng kết thúc, thay vì có thể đóng góp cho xã hội bằng năng lực, trí tuệ, tâm huyết của mình.
“Chảy máu chất xám”: người Việt không ngừng bỏ nước ra đi
Đầu tiên là những người miền Nam, bên thua cuộc, phải bỏ nước ra đi tỵ nạn chính trị vì không thể sống nổi dưới chế độ mới với những chính sách trả thù, phân biệt đối xử hết sức hẹp hòi; dẫn đến thảm cảnh “thuyền nhân” rung động lương tâm thế giới, kéo dài suốt mười mấy năm trời.
Rồi đến những người miền Nam ra đi vì lý do kinh tế, khi những chính sách duy ý chí, sai lầm của nhà nước cộng sản đã tàn phá nền kinh tế thị trường tự do đang làm ăn phát đạt của miền Nam thành một nền kinh tế quốc doanh bao cấp kém hiệu quả như miền Bắc trước tháng 4/1975, đẩy cả nước đến bờ vực chết đói.
Rồi đến những người dân cả nước ra đi, vì đủ mọi lý do: vì kinh tế, vì muốn có tương lai tốt đẹp hơn cho con cái (tỵ nạn giáo dục)…Đi bằng đủ mọi cách, mọi giá: đi lao động xuất khẩu rồi trốn ở lại, đi du học rồi ở lại, lập gia đình (thật và giả), hay đơn giản chỉ đi làm thuê, làm mướn ở xứ người. Việt Nam có thêm “thùng nhân”, “bộ nhân”, và cả “rào nhân” (vượt hàng rào Mexico-Mỹ) – những từ ghép không đúng văn phạm nhẳm lột tả những phương thức khác nhau khi tìm đường ra đi của người Việt.
Rồi đến những tù nhân lương tâm, tù nhân chính trị, nạn nhân tôn giáo, hoặc phải tự nguyện lưu vong, hoặc bị nhà nước trục xuất, cho ra tù sớm, như những món quà trao đổi với phương Tây; hoặc bị đàn áp phải trốn qua Campuchia, Thái Lan…Trong số hàng ngàn người Việt tỵ nạn chính trị tại Thái Lan chờ được định cư ở nước thứ ba thì cộng đồng các sắc dân bản địa như Êđê, Gia-rai, H’mông, Khơ-me…ra đi vì lý do đàn áp tôn giáo chiếm đa số.
Rồi đến cả những người giàu, thành đạt, con ông cháu cha, cả quan chức cộng sản Việt Nam cũng tìm đường ra đi hoặc “hạ cánh an toàn” sau khi về hưu, bằng cách du học, mở cơ sở kinh doanh, mua quốc tịch…Cũng lại muôn ngàn cách khác nhau để được định cư ở các nước dân chủ thịnh vượng.
Và bây giờ đến cả người tu hành theo lối riêng cũng phải ra đi để được tiếp tục tu! Gần đây trên mạng bỗng có thông tin sư Minh Tuệ muốn được đi khất thực bằng đường bộ từ Việt Nam xuyên qua Lào, Thái Lan, Miến Điện, Bangladesh để đển đất Phật Ấn Độ. Không ít người cho rằng đi như vậy có thể nhiều rủi ro, bất trắc, nhưng rõ ràng cũng chỉ có cách đó thì sư Minh Tuệ mới có thể tiếp tục con đường tu tập theo hạnh đầu đà mà không bị nhà cầm quyền nhân danh bảo vệ trật tự trị an để “giam lỏng” như hiện nay.
“Chảy máu chất xám” là một trong những vấn đề lớn của Việt Nam. Sau gần 50 năm, cộng đồng người Việt ở nước ngoài ngày càng nhiều, và có mặt hầu như khắp mọi nơi trên thế giới. Tại những quốc gia dân chủ cường thịnh như Hoa Kỳ, các nước Tây Âu, Canada, Úc…cộng đồng người Việt không chỉ thành công trong lĩnh vực làm ăn kinh doanh mà từ thế hệ thứ hai trở đi nhiều người đã trở thành luật sư, bác sĩ, khoa học gia, hoặc tham gia vào quân đội đến cấp tá, tướng, tham gia vào chính trường như cộng đồng người Việt ở Mỹ. Đó là nguồn lực vô cùng quý giá mà nhà nước Việt Nam đã để cho thất thoát đi.
Lãng phí nguồn lực con người do hậu quả của giáo dục, các chính sách dùng người, và nhiều lý do khác
Không chỉ thể chế chính trị hà khắc kìm hãm con người mà mà nền giáo dục ngu dân dưới mái trường XHCN cũng đã làm hỏng hàng thế hệ về nhiều khía cạnh. Một nền giáo dục “vâng, dạ”, “đọc, chép”, không khuyến khích tư duy độc lập, khả năng tranh luận, phản biện. Một nền giáo dục nặng về lý thuyết, nhồi sọ, nhiều kiến thức vô bổ mà thiếu thực hành. Một nền giáo dục chạy theo thành tích, coi trọng điểm số, coi trọng bằng cấp hơn năng lực thực sự của học sinh, sinh viên. Một nền giáo dục không lấy Con Người – là học sinh làm trung tâm, không có một triết lý lành mạnh v.v…Giáo dục tồi tệ không thể cho ra những “sản phẩm” đáp ứng được các nhu cầu của xã hội và của thời đại.
Rất nhiều sinh viên Việt Nam sau khi tốt nghiệp đại học, thậm chí sau đại học, nhưng khi đi phỏng vấn tại các công ty nước ngoài không đáp ứng được điều kiện hoặc họ phải mất thời gian đào tạo lại.
Vì tình trạng phân bổ công việc trong xã hội không cân bằng, “thừa thầy thiếu thợ”, vì nạn thất nghiệp cao, rất nhiều sinh viên học xong có bằng Cử nhân, Thạc sĩ nhưng lại phải chạy xe ôm, về quê làm ruộng hay phải làm công việc khác.
Rồi hiện tượng “chạy bằng”, mua bằng, xài bằng giả, ngay cả bằng Tiến sĩ, khiến người có bằng cấp cao mà không có thực học, thực tài, không đóng góp được cho xã hội xứng đáng với cái bằng hoặc cái ghế mà mình đang ngồi, thậm chí còn gây nhiều tai hại cho xã hội vì thiếu hiểu biết, thiếu năng lực.
Tất cả những điều này đều là sự lãng phí về con người.
Những ngày vừa qua khi ông Tổng Bí thư Tô Lâm đề cập đến việc đổi mới công tác cán bộ, tinh gọn tổ chức bộ máy, sáp nhập các bộ, ngành có chức năng tương đồng v.v…cũng là do muốn khắc phục việc lãng phí nhân sự/con người, nhưng chỉ ở một khía cạnh này.
Tuy nhiên, cũng giống như “quốc nạn” tham nhũng, chừng nào còn chế độ độc tài toàn trị như hiện nay thì tất cả những vấn đề và hậu quả nêu trên đều sẽ khó mà thay đổi tận gốc rễ.
Bài bình luận gần đây