You are here

Nghịch lý nhân sự (IV)

Thời điểm này, một năm trước đây, tôi bắt đầu công việc đặt câu hỏi trên blog RFA. Và một trong những câu hỏi đầu tiên của tôi liên quan đến vấn đề nhân sự của đảng cộng sản Việt Nam. Những ý tưởng của bài « Nghịch lý nhân sự IV » này đã có từ lâu, nhưng còn thiếu một vài điều kiện để cho bài viết có thể hình thành.

Tình cờ những điều kiện này được thỏa mãn khi, do công việc, tôi tìm đọc tạp chí Hérodote, số chuyên đề về Việt Nam, xuất bản tháng 6 năm 2015. Trong số các nghiên cứu về Việt Nam rất đáng đọc ở số 157 này, tôi đặc biệt lưu ý tới bài của Benoit de Tréglodé, vì các nhận định liên quan tới chính trị Việt Nam, nhất là vấn đề nhân sự. Và rất may là dịch giả Phong Uyên đã nhạy bén kịp thời dịch bài này ra tiếng Việt và tờ Dân Luận đã kịp phổ biến. Quý độc giả có thể đọc ở đây :

https://www.danluan.org/tin-tuc/20150805/benoit-de-treglode-viet-nam-dang-quan-doi-va-nhan-dan-duy-tri-su-chi-phoi-chinh-tri#sthash.4hjqZyyn.dpuf

Các trích dẫn của tôi sẽ lấy từ bản dịch này.

Bất luận các nhận định trong bài chính xác tới mức độ nào, người Việt Nam chúng ta cần biết ơn nhà nghiên cứu người Pháp đã thực hiện một nghiên cứu trực diện và đi thẳng vào bản chất của vấn đề như vậy. Chúng ta có cơ hội để biết rằng chúng ta đang được người khác nhìn như thế nào. Chúng ta có cơ hội để đối diện với thực tế nền chính trị Việt Nam qua cái nhìn từ bên ngoài. Để cuối cùng chúng ta cần học cách tự nhìn mình từ một điểm nhìn từ bên ngoài, nếu thực sự chúng ta muốn thay đổi và phát triển.

Nhiều nhận xét của Benoit de Tréglodé cần được chúng ta suy nghĩ và kiểm chứng. Ở đây tôi chỉ dừng lại trên những điểm có liên quan đến chủ đề của bài viết của tôi.

Tôi trích nguyên văn ba ý kiến sau đây :

  1. « Ngay trước khi có ĐH XI , vào khoảng năm 2010, người ta đã trách TC II đứng đằng sau một chiến dịch đàn áp các bloggers và các nhà hoạt động chính trị dưới sự thúc đẩy của Bắc Kinh. Trong hoàn cảnh như vậy, rất nhiều người Việt bắt đầu tự hỏi, có thật hay tưởng tượng, bộ máy an ninh Trung Quốc có can thiệp vào xứ sở của mình. »
  2. « Những lãnh đạo Việt Nam đều biết là những chức vụ chóp bu (Bí thư ĐCSVN, Thủ tướng, Chủ tịch nước và bộ trưởng bộ Quốc phòng) đều phải có sự ưng thuận ngầm của ĐCSTQ. Cái lobbying ấy cũng tốn rất nhiều tiền cho Tàu. Theo nhiều nhà quan sát, Bắc Kinh phải bỏ ra 15 tỷ đô la dưới nhiều hình thức : đầu tư, những chương trình hợp tác, viện trợ Việt Nam tham dự những hoạt động của Asean, và nhất là tiền hỗ trợ thẳng vào túi các lãnh đạo. »
  3. « Theo vài nhà quan sát, giá một phiếu trong QH (498 đại biểu) phỏng chừng 100 ngàn đô. Giá còn cao rất nhiều hơn nữa nếu muốn có sự hỗ trợ của một ủy viên Trung ương (175 người) hay của một ủy viên bộ chính trị (16 người). Cái lo gíc này cứ tiếp tục tăng lên tùy theo thứ hạng trong bộ máy chính trị : để có được một ghế trong bộ Chính trị, vì phải có cuộc bỏ phiếu của Ủy ban Trung ương, phải bỏ ra chừng 1 triệu đô. Rõ ràng là Trung Quốc theo đường lối này, đã đã tìm thấy cách tăng cường ảnh hưởng của mình trong giới cầm quyền của nước CHXHCNVN và biến những kẻ nhận tiền thành những con nợ tinh thần của mình, phải chịu sự giám hộ của mình. Về phía Việt Nam, những tín hiệu, được lập đi lập lại về sự bảo vệ quyền lợi quốc gia đối với Bắc Kinh, lẽ tất nhiên chỉ hoàn toàn là giả tạo. »

Những nhận định này, những con số tiền bạc liên quan đến việc mua bán chức vụ được đưa ra trên đây, đặt người Việt Nam trước một thực tế trần trụi, đáng sợ và tuyệt vọng: sự lệ thuộc vào Trung Quốc không còn là nguy cơ, mà đã là một hiện thực. Và đó là sự lệ thuộc ở hình thái nguy hiểm nhất của nó. Nghịch lý ở đây là : nhân sự lãnh đạo của Việt Nam không do người Việt Nam quyết định mà do Trung Quốc quyết định. Đấy là lý do đưa Benoit de Tréglodé tới kết luận rằng những tín hiệu mà chính quyền đưa ra để chứng tỏ rằng họ đang bảo vệ quyền lợi quốc gia trước sự xâm hấn của Trung Quốc chỉ là những tín hiệu giả tạo.

Đa số người Việt có suy nghĩ đang sống trong một hy vọng rằng ở Việt Nam có một phái thân Mỹ, đối lập với phái thân Tàu. Và họ phó thác số phận đất nước và số phận chính họ cho cái hy vọng vào phái thân Mỹ ấy. Nhưng nếu việc bổ nhiệm nhân sự được tiến hành đúng như cách thức mà de Tréglodé miêu tả trên đây, thì liệu một phái thân Mỹ như vậy có tồn tại thực sự hay không ?

Nếu hy vọng vào một phái thân Mỹ thực ra chỉ là một ảo ảnh được tạo ra trong cơn khát cháy cổ dưới trưa nắng hè bỏng rát khi mà đến cả cái bình nước từ thiện cũng bị tịch thu đi mất, thì người Việt có chịu thoát ra khỏi cơn ảo ảnh đó để mà xắn tay lên, hợp lực lại, tự đào cho mình cái giếng để tìm nguồn nước duy trì sự sống cho mình hay không ?

Và liệu cái hy vọng rằng đảng cộng sản Việt Nam có thể tự cải cách vì lợi ích của dân tộc, cái hy vọng ấy có phải cũng chỉ là một ảo ảnh có tính chất bong bóng xà phòng hay không ?

Bài nghiên cứu của Benoit de Tréglodé khiến chúng ta phải mở to mắt nhìn thẳng cái hố thẳm mà chúng ta đang bị dẫn vào.

Và dĩ nhiên, khi một bài nghiên cứu như vậy được công bố thì các đại biểu Quốc hội, các nhân vật được nhắc đến trong đó không thể nhắm mắt làm ngơ nữa. Hàng trăm câu hỏi của người dân sẽ được đặt ra cho họ xung quanh câu chuyện này. Ở đây tôi chỉ nêu một câu hỏi :

Rút cuộc, nhân sự lãnh đạo cao cấp của Việt Nam do ai quyết định ?

Paris, 12/8/2015

Nguyễn Thị Từ Huy

 

 

Bài bình luận

Bình luận: Tầu luôn luôn muốn là Thiên triều đối với cả vùng Châu Á này. Nếu VN mà văn minh lên, thì Nó làm sao nắm đầu, nắm cổ VN được như xưa nữa ? Mà Tầu cần như vậy lại là do một cái đích cao xa hơn: Đánh bại CNTB để thống trị thế giới. Muốn giả quyết những chuyện cụ thể, thì cũng nên nhìn bài toán tổng thể hơn nữa: Giải thể TQ ra làm 5 - 6 nước nhỏ, thì từ đó sẽ "có thể" hêt cái máu Đại Hán, mới mong sống hòa bình hữu nghị với nhau, lãnh đạo VN mới khỏi chia 5, sẻ bẩy vì suy nghĩ, quan điểm về cách giữ nước và phát triển đất nước theo các cách khác nhau. Người Hà Nội

Dịch đỏ mà Nga và Tầu gieo vào nước ta đến nay đã hơn 70 năm. Từ một thuộc địa đang phát triển như vũ bão và toàn diện của Pháp, nay thành bãi rác thải, thành thuộc địa kiểu mới của Tầu khựa. Trong từng ấy thời gian đảng cộng sản Việt nam đã tàn phá đất nước vô cùng khủng khiếp, máu chảy thành sông, xương chất hơn núi. Mấy thế hệ con người nhiễm độc cộng sản, sống trong dối trá, lừa đảo, huỷ hoại thiên nhiên tới mực kiệt quệ. Những cánh đồng đẫm trong hoá chất Tầu đến mức con đỉa không sống nổi. Rừng không còn cây, sông không một mống cá, muông thú sạch banh. Tội ác của cộng sản trời không dung, đất không tha.

TQ sợ nhất là 1 VN dân chủ, tiến bộ và hùng mạnh. Vì thế những bước tiến hòa giải và cải thiện/nâng cấp quan hệ với Mỹ, hướng về thế giới văn minh, luôn bị các thế lực thân TQ cản trở. Nếu không có cái Giàn khoan 981 năm ngoái thì chưa chắc có chuyến đi của NPTrọng vừa rồi sang Mỹ. Song, dù sang Mỹ nói những điều có vẻ nghe được, thì vừa rồi NPT lại hốt hoảng cảnh báo trào lưu đa nguyên...Điều ấy có thể thấy NPTrọng dù phải chấp nhận dựa vào Mỹ hòng không mang tiếng lịch sử là người làm mất biển Đông, song trong thâm tâm Trọng chia sẻ tư tưởng Tàu. Và cái vụ NVLưu đánh thầy Sửu này là do thế lực nào giật dây, nếu khôg phải lũ theo Tàu đang cố bẻ lùi bánh xe tiến bộ? http://www.voatiengviet.com/content/kiem-duyet-tran-dinh-su-im-lang-la-vang/2923485.html?nocache=1