You are here

Thánh lễ cầu nguyện cho Hòa bình đích thực, cho sự an toàn của đời sống xã hội Việt Nam 26/7/2015

Ảnh của nguyenhuuvinh

Trước những đe dọa từ cuộc sống xã hội hàng ngày trong môi trường sống bạo lực và suy đồi ngày càng nặng nề. Tối 26/7/2015 tại nhà thờ Thái Hà, Thánh lễ cầu nguyện cho sự hòa bình đích thực, cho sự an toàn của đời sống xã hội đã được tổ chức. Hàng ngàn giáo dân trong và ngoài Công giáo đã tham dự Thánh lễ đồng tế này. 

Các nhân sĩ, trí thức và những người dấn thân đấu tranh cho một xã hội công bằng, dân chủ đã đến tham dự Thánh lễ hợp ý cầu nguyện cho xã hội và đất nước. 

Tham dự thánh lễ còn có góp mặt của các nạn nhân nhà tù cộng sản hoặc thân nhân của họ đã và đang chịu nhữ bản án oan khuất. Chị Cấn Thị Thêu, người vừa mới ra tù được 1 ngày nhiều dân oan, các thân nhân của các tử tù oan cũng có mặt. 

 

Thánh lễ đồng tế do Linh mục Phó bề trên Thái Hà Ngô Văn Kha chủ sự cùng với các linh mục Trịnh Ngọc Hiên, Bề trên Tu viện Thái Hà, Ngô Ngọc Quỳnh, phụ trách Di dân, Gioan Nguyễn Ngọc Nam Phong.

Bài giảng của Linh mục Gioan Nguyễn Ngọc Nam Phong đã nêu những vấn đề về sự thiếu hòa bình chân thực khi đất nước đã không còn chiến tranh, các liện quan đến Giáo lý và trách nhiệm của mỗi người đối với xã hội hôm nay và tương lai.

Bài giảng: Thánh lễ cầu nguyện cho Công lý và Hòa bình tháng 7/2015

Hôm nay, như thông lệ, chúng ta trở về ngôi nhà thờ này để cùng cầu nguyện cho Công lý và hòa bình.

Đất nước chúng ta đã thống nhất vừa tròn 40 năm hay nói theo kiểu của truyền thông nhà nước “hòa bình lập lại trên quê hương đất nước chúng ta đã được 40 năm”. Câu hỏi đặt ra là sau 40 năm, chúng ta có được hưởng một nền hòa bình và tự do đích thực không?

Nếu quan sát và không vô cảm tới mức độ không biết gì khác ngoài đời sống cá nhân, thì chúng ta phải trả lời là “không”, vì như Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolo II, trong Thông điệp “Đấng Cứu độ Con người” đã viết: “Hòa bình đích thực là khi các quyền bất khả xâm phạm của con người được tôn trọng - opus justitiae pax, trong khi chiến tranh lại sinh ra từ sự vi phạm các quyền đó và kéo theo những vi phạm còn trầm trọng hơn nữa. Nếu các quyền con người bị vi phạm trong thời bình thì thành ra đặc biệt đau xót, xét theo quan điểm của tiến bộ, đó là một hiện tượng chống lại con người không sao hiểu nổi” (số 17).

Thể chế chính trị tại Việt Nam hiện nay có tôn trọng các quyền cơ bản của con người hay không? Chúng ta có được tự do thành lập các hội nhóm, các đảng phái chính trị, có được tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tôn giáo…hay không? Mỗi người trong anh chị em chúng ta tự thẩm định và đưa ra câu trả lời cho chính mình.

Trong bối cảnh của thánh lễ cầu nguyện cho công lý và hòa bình hôm nay, chúng ta không thể nói hết được về các khía cạnh khác nhau của một nền hòa bình và tự do đích thực. Chúng tôi chỉ xin đề cập tới một hiện tượng xã hội, cũng là dấu chứng, qua đó cho thấy, chưa hề có nền hòa bình và tự do đích thực trên quê hương đất nước chúng ta, cho dù chiến tranh vũ trang đã lùi xa, hòa bình đã lập lại trên quê hương đã 40 năm. Hiện tượng xã hội mà chúng tôi muốn đề cập chính là nạn bạo lực xã hội mà tất cả chúng ta đang là nạn nhân cách này cách khác.

Thực vậy, theo ý kiến của rất nhiều những nhà nghiên cứu xã hội học hiện nay, thì “Nạn bạo hành trong xã hội đang có chiều hướng phức tạp và khó lường”. Bạo lực xảy ra ở nhiều nơi, xuất phát từ nhiều hướng: từ gia đình với nạn bạo hành gia đình, đến trường học – học sinh đánh nhau, bạo lực bằng ngôn từ hay bạo lực bằng các hành vi trái đạo lý và pháp luật. Điều đáng lo ngại nhất là bạo lực lại là chủ trương của giới cầm quyền, coi đó như phương tiện để giải quyết các vấn đề xã hội. Chẳng hạn như hiện tượng công an đánh chết dân tại các đồn công an hay bắt giam người trái pháp luật; hiện tượng nhà nước kết hợp với côn đồ, gọi họ là những quần chúng tự phát, sẵn sàng đánh đập những người dân vô tội, dù họ chỉ đòi quyền lợi chính đáng của mình…Điều bi đát là hiện tượng ấy như vượt tầm kiểm soát của xã hội vì nó được cổ võ bởi một thể chế chính trị không bận tâm tới các quyền cơ bản của con người.

Vậy đâu là nguyên nhân khiến xã hội ngày càng bất an, bạo lực trở thành một phương thế “tự vệ” theo nhiều nghĩa, làm cho xã hội ngày càng băng hoại, đe dọa nền hòa bình của quốc gia và quyền được hưởng một cuộc sống an lạc trong một đất nước vắng bóng chiến tranh?

Có rất nhiều nguyên nhân khác nhau. Hôm nay, chúng tôi chỉ xin đưa ra đây hai nguyên nhân mà chúng tôi nghĩ rằng đó là những nguyên nhân chính yếu khiến xã hội băng hoại, đạo đức xuống cấp, bạo lực lên ngôi.

1. Trước tiên, đó là “tình trạng lỗi hệ thống”. Đây là nhận định của ông Nguyễn Văn An, nguyên Chủ tịch Quốc hội Việt Nam khóa XI. Trong cuộc trả lời phỏng vấn của báo Vietnamnet ngày 7/12/2010, ông cho rằng, những hệ quả tang thương của đất nước hiện nay là do tình trạng lỗi hệ thống từ gốc đến ngọn, trong đó lỗi hệ thống lớn nhất là mô hình xã hội chủ nghĩa, với chủ trương đề cao vật chất, biến con người thành những phương tiện sản xuất. Ông nói: “Lỗi hệ thống rõ ràng nhất, cụ thể nhất, toàn diện và triệt để nhất chủ yếu là từ khi chúng ta chuyển từ Cách mạng dân tộc dân chủ sang Cách mạng xã hội chủ nghĩa theo mô hình của Cộng hòa Xô Viết - một mô hình rất xa lạ với những mô hình và lý thuyết phổ quát mà mô hình của Cộng hòa Xô Viết thì lại bắt nguồn từ những lý thuyết của chủ nghĩa Mác-Lênin.

Trong thực tế, chúng ta có thể thấy rõ điều này trong xã hội hiện tại của chúng ta. Đó là một xã hội mà hệ thống chính trị theo chủ nghĩa cộng sản tạo nên những bất cập trong mọi lãnh vực của cuộc sống. Tình trạng lỗi hệ thống phổ biến trong mọi lãnh vực từ kinh tế, chính trị, giáo dục, văn hóa cho tới gia đình - là nhân tố cơ bản nhất của xã hội. Trong lãnh vực chính trị, thay vì chọn một nền chính trị xã hội dân chủ, đa đảng, tôn trọng các quyền cơ bản của con người, những người cộng sản đã áp đặt một thứ chủ nghĩa duy vật, coi trọng vật chất, tiền bạc, biến con người thành những cỗ máy, đi ngược lại với những qui luật tự nhiên, khiến người dân trở thành nô lệ trong một quốc gia độc lập. Trong lãnh vực văn hóa, thay vì tôn trọng các quyền cơ bản như quyền sáng tác, phổ biến, in ấn các tác phẩm, dùng văn hóa để thăng tiến con người, chính quyền Việt Nam lại biến nó thành những thứ kiểm soát tư tưởng con người, triệt tiêu khả năng sáng tác các tác phẩm nghệ thuật; đặc biệt, trong lãnh vực văn hóa, thay vì để các tôn giáo tự do phát triển, góp phần giáo dục con người nhân bản, chính quyền lại đưa ra các chính sách nhằm triệt tiêu tôn giáo, biến tôn giáo thành công cụ bảo vệ chế độ. Trong lãnh vực giáo dục, thay vì giáo dục con người nhân bản, hướng thiện, chính quyền lại đưa ra một thứ triết lý giáo dục mà mục tiêu là bảo vệ chế độ; thay vì dạy cho con trẻ lòng yêu nước, thương nòi, thì lại cổ võ cho sự hận thù, cho đấu tranh giai cấp, nguồn gốc của mọi thứ bạo lực hiện nay.

Có thể nói, tất cả những sự xuống cấp về đạo đức, tình trạng bạo lực lên ngôi trong xã hội chúng ta hôm nay là do tình trạng lỗi hệ thống mà chúng ta vừa nói. Tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa, chính là việc chúng ta xây dựng một mô hình xã hội không quan tâm tới con người, không đặt con người làm trung tâm của xã hội. Công đồng Vatican II, trong Hiến chế Ánh sáng Muôn dân đã viết: “Nhân vị hay con người chính là và phải là nguyên lý, chủ thể và cứu cánh của mọi định chế xã hội” (GS 25). Biến con người thành phương tiện sẽ làm cho bạo lực gia tăng, vì “Tình yêu con người là giá trị đầu tiên của trật tự trần thế” (Phao-lô VI, Sứ điệp ngày thế giới hòa bình 14/11/1970) (số 23). Không tôn trọng phẩm giá con người, chắc chắn, bạo lực sẽ gia tăng. Người chồng vì không tôn trọng vợ, không tôn trọng định chế hôn nhân, nên gây ra bạo hành gia đình. Nhà nước vì không tôn trọng dân nên biến công dân thành nô lệ ngay trên mảnh đất quê hương mình.

2. Nguyên nhân thứ hai: đó chính là sự vô cảm của chúng ta. Chúng ta đã im lặng trước tội ác khiến tội ác lan tràn. Chúng ta để mặc cho bạo lực hoành hành mà không can đảm ngăn cản. Điều chính yếu khiến tội ác gia tăng là bởi vì chính chúng ta cũng đã không tôn trọng mọi định chế do luật tự nhiên thiết định, không can đảm đế dấn thân canh tân xã hội bằng việc thay đổi chính mình, nhất là, với chúng ta, những người Ki-tô hữu, chúng ta đã không sống chính những gì mà Chúa Giê-su đã dạy chúng ta. Chúng ta đã không tìm đến với “giải pháp Giê-su” giải pháp duy nhất mang tới sự hòa bình đích thật và viên mãn.

Bài Tin mừng ngày hôm nay cho chúng ta những chỉ dẫn rất lý thú về vấn đề canh tân xã hội, nhất là cho chúng ta thấy đâu là nguyên tắc thiết yếu để xây dựng một xã hội của công lý và tự do.

Có hai chi tiết trong bài Tin mừng hôm nay cần lưu ý. Đó là cuộc đối thoại của Chúa Giê-su với các môn đệ về việc phải “tìm đâu ra bánh để nuôi đám đông dân chúng.” Theo các nhà chú giải, câu hỏi của Chúa Giê-su “phải mất bao nhiêu tiền mới đủ để mua bánh cho đám dân chúng” và câu nói đầy vẻ bi quan của của ông Phi-líp-phê, nhất là việc có cả một đám đông lên đến 5.000 người không kể đàn bà và con trẻ mà chỉ có một “em bé có năm chiếc bánh và hai con cá”; giả thiết đám dân ấy đang là nạn nhân của một hệ thống chính trị, kinh tế bóc lột con người, tạo ra một sự bất công khủng khiếp. Hệ thống chính trị ấy, không phục vụ cho con người. Hệ thống kinh tế, chính trị ấy chỉ nằm trong tay một số người, khiến người dân “bơ vơ như những đàn chiên không người chăn dắt”. Trong bối cảnh đó, Tin Mừng nói: “Chúa Chạnh lòng thương” (Mc 6, 34) và Ngài nói với các Môn đệ: “Anh em hãy cho họ ăn” (Mt 14,16).

Chi tiết thứ hai chúng ta cần để ý, đó là sau khi Phi-líp-phê đưa ra giải pháp mua bánh, nhưng giải pháp đó không khả thi vì không có đủ tiền; trong lúc mọi người đang bất lực thì ông An-rê phát hiện trong đám đông có một em bé có “5 chiếc bánh và hai con cá”, nhưng giải pháp đó cũng thất bại vì “ngần ấy không đủ cho đám đông dân chúng”, thì Chúa Giê-su đã thực hiện phép lạ hóa bánh ra nhiều. Điều đó cho thấy, có khi trong cuộc sống, con người có đầy đủ mọi phương tiện, nhưng tất cả những phương thế trần gian đều vô vọng, chỉ có một giải pháp duy nhất là giải pháp Giê-su mới giải quyết tận căn mọi vấn đề. Ở đây, còn một chi tiết đáng chú ý là, trước khi làm phép lạ hóa bánh, Chúa Giê-su đã ra lệnh cho các môn đệ: “Bảo dân chúng ngồi xuống”. Trong truyền thống văn hóa Do thái, tư thế ngồi ăn là tư thế của những người tự do, những người có phẩm giá. Do đó, khi kêu gọi các môn đệ ra lệnh cho dân chúng ngồi xuống, Ngài muốn các môn đệ, trong tư cách người phục vụ, phải phục vụ dân chúng trong sự kính trọng phẩm giá và sự tự do con người. Họ phải phục vụ trong tư thế của một đầy tớ, yêu thương kính trọng nhân phẩm của mỗi con người, dù họ là ai.

Như vậy, theo như những gì Lời Chúa nhắc nhở mà chúng ta vừa tìm hiểu, thì không thể có một xã hội công bằng, an toàn, nếu như thiết chế xã hội không tôn trọng phẩm giá con người, không đề cao những giá trị tôn giáo. Cũng vậy, để xã hội ngày càng thịnh vượng, mỗi người dân, cách riêng các Ki-tô hữu phải tích cực góp phần vào việc canh tân xã hội, dấn thân vì công bình, bởi “Phúc cho những ai xây dựng hòa bình, vì Nước trời là của họ” (Mt 5,9). Cũng vậy, trong tư cách là người Ki-tô hữu, chúng ta được mời gọi “đừng vô cảm trước nỗi đau”, trước những bất công của anh chị em mình. Chúng ta phải như Chúa Giê-su “chạnh thương những người bơ vơ như đàn chiên không người chăn dắt”. Chúng ta phải “cho họ ăn” và khi cho họ ăn phải tôn trọng sự tự do và phẩm giá của họ.

Có thể nói, sự vô cảm hay thái độ dửng dưng của người dân, cách riêng của người công giáo, đang đẩy xã hội mỗi ngày một bất ổn hơn. Đức Giáo hoàng Phan-xi-cô, trong Tông huấn Niền vui của Phúc âm, cho thấy, sống trong một xã hội mà các chính sách xã hội luôn nhắm tước đoạt các quyền sống của con người, thì vô tình, “Chúng ta trở nên vô cảm trước tiếng kêu của người nghèo. Chúng ta không còn có thể khóc trước nỗi đau của người khác hay cảm thấy cần cứu giúp họ. Chúng ta coi như tất cả đều là trách nhiệm của một ai khác chứ không phải của chính chúng ta. Văn hoá của sự thịnh vượng làm chúng ta mất đi sự mẫn cảm; chúng ta phấn khích nếu thị trường cung cấp cho chúng ta một món hàng mới; trong khi tất cả những mảnh đời cằn cỗi vì thiếu cơ hội có vẻ chỉ là một cảnh tượng bình thường, không hề làm chúng ta mủi lòng” (số 54).

Hôm nay, ngày cầu nguyện cho công lý và hòa bình. Trước hiện tượng bạo lực ngày càng gia tăng trong xã hội, do tình trạng “lỗi hệ thống từ gốc tới ngọn”; trước hiện tượng vô cảm đang bào mòn nhân cách của con người, khiến con người dửng dưng trước nỗi đau của đồng loại, chúng ta, các Ki-tô hữu hôm nay, được mời gọi “hãy cho họ ăn” như Chúa Giê-su đã “chạnh thương đám đông bơ vơ như đàn chiên không người chăn dắt”. Chúng ta không được vô cảm, nhưng phải nhìn thấy nỗi đau của anh chị em như nỗi đau trên thân thể mình, bởi vì: “Bổn phận của mọi người - và nhất là của người Kitô hữu  - là phải hành động mạnh mẽ để kiến tạo một tình huynh đệ phổ quát, là nền tảng thiết yếu cho một nền công bình đích thực và là điều kiện cho một nền hòa bình lâu dài: “Chúng ta không thể kêu cầu Thiên Chúa là cha mọi người, nếu chúng ta từ chối xử sự như anh em đối với một số người cũng được tạo dựng giống hình ảnh Chúa. Quan hệ giữa con người với Thiên Chúa là Cha và giữa con người với anh em mình có liên quan mật thiết với nhau như lời Thánh Kinh: “Ai không yêu thương, thì không biết Thiên Chúa”  (1Ga 4,8).” (Phaolo VI, Tông thư Bát Thập niên, số 17).

Cũng vậy, nếu chúng ta không cùng nhau bắt tay xây dựng lại xã hội, ngăn chặn bạo lực thì không sớm thì muộn chúng ta cũng sẽ là nạn nhân của bạo lực. Con cái chúng ta sẽ thừa hưởng điều gì từ một xã hội như vậy? Thiết nghĩ, đã tới lúc mỗi chúng ta cần ý thức hơn vai trò và trách nhiệm của chúng ta trong xã hội Việt nam hiện nay, đó là chung tay xây dựng một xã hội đề cao và tôn trọng phẩm giá của con người, trước tiên nơi ngay gia đình chúng ta, vì “Hòa bình sẽ không thể vãn hồi giữa nhân loại, nếu trước hết nó không vãn hồi trong từng cá nhân, trong các gia đình. Hòa bình đích thực sẽ không thể có, nếu mỗi người tự mình không tuân giữ các trật tự mà Thiên Chúa đã thiết lập, không tôn trọng nhân phẩm người khác” (Gioan XXIII, Hòa bình trên Trái đất, số 12, V).

Thái Hà, 26/7/2015

Linh mục Gioan Nguyễn Ngọc Nam Phong CSSR.

Một số hình ảnh Thánh lễ thắp nến cầu nguyện hôm nay:

 

Hà Nội, 27/7/2015

J.B Nguyễn Hữu Vinh

Bài bình luận

Đã đến lúc chúng ta phải lên tiếng và dấn thân cho sự thật và sự công bằng. Một người công chính thì không thể im lặng trước những sự bất chính, vì im lặng cũng là một sự đồng lõa. Các tu sĩ và tôn giáo phần đông vẫn còn đặt nặng về xây dựng đền đài nhà thờ, những lễ lạc xum xoe và tốn kém nên bỏ bớt để dùng tiền đó mua gạo cho người nghèo. Đạo mà không đi với hành động thiết thực như lời Chúa dạy là đạo chết. Ước mong các tu sĩ khác dám lên tiếng bênh vực sự thật như các cha Dòng Chúa Cứu Thế. Nhân dân

Bài giảng của Linh mục Gioan Nguyễn Ngọc Nam Phong thật tuyệt vời, Nếu thâu được phần âm thanh của Ngài kính xin anh JB Nguyễn Hữu Vinh post lên trang mạng cho độc giả được nghe thì hay lắm. Kính mến