Nói về hướng tấn công và mũi tấn công của Trung Cộng vào Việt Nam, không phải là nói về những mũi tấn công trong chiến tranh vào một thời điểm N nào đó trong tương lai, cũng không phải là nói về một mũi tấn công trên biển hay trong bờ hiện tại.
Bởi vì đó là những mũi tấn công cấp thời, nó là hệ quả/thành tựu của hàng loạt mũi tấn công phía trước nó. Nếu hiện tại, Trung Quốc đánh úp Việt Nam và biến Việt Nam trở thành một tỉnh nhỏ của họ, chuyện ấy cũng chẳng có gì là lạ, nó chỉ giống với một cú enter sau hàng loạt cài đặt trước đó.
Vì có một chuyện rất chắc chắc lúc này: Nếu Trung Cộng tấn công Việt Nam, người dân Việt Nam sẽ dùng đến giọt máu cuối cùng để chiến đấu với giặc ngoại xâm; Và, với nhiệt huyết yêu nước, tính bất khuất, kiên cường, người dân Việt Nam sẽ chiến đấu được ít nhất là một tháng trước khi vũ khí tối tân của Trung Cộng dọn sạch làng xóm, để lại quang cảnh tiêu điều, người chết không mộ địa. Đó là một thực tế, đa phần người Việt Nam thà chịu chết chứ không bao giờ đầu hàng giặc.
Nhưng, để dẫn đến tình cảnh này, không thể nói là vì người Việt Nam không đủ sức chiến đấu, cũng không thể nói vì Việt Nam không đủ vũ khí hoặc do lính Trung Cộng thiện xạ, chiến đấu giỏi hơn bộ đội Việt Nam. Mà vì, người Trung Quốc đã chính thức đánh Việt Nam kể từ năm 1990. Nếu như chiến cuộc Tây Bắc 1979 là đòn phủ đầu nhằm kéo giãn lực lượng bộ đội Việt Nam tại chiến trường Campodia, đánh thối phía Bắc để Việt Nam buộc phải rút quân ở Campodia về nước yểm trợ hoặc dự bị, tạo ra khoản trống tại chiến trường Campodia nhằm cứu Polpot – con nuôi của Trung Cộng. Thì, kể từ năm 1990, ở Hội nghị Thành Đô, Trung Cộng đã vạch ra một kế hoạch tấn công Việt Nam có qui mô và tầm cỡ, không mang tính cấp thời, vội vàng như chiến cuộc Tây Bắc 1979.
Ở hội nghị Thành Đô 1990, thay vì dùng duy nhất một mũi tấn công quân sự (trong đó phân thành nhiều mũi nhỏ theo chiến lược/chiến thuật quân sự), Trung Cộng đã chính thức tấn công bằng năm mũi chí mạng: Kinh tế; Chính trị; Văn hóa; Quân sự; An ninh.
Ở mũi tấn công kinh tế, tuy đến sau mũi chính trị nhưng nó lại là tiên yếu, có sức lan tỏa khó lường. Tại hội nghị Thành đô, sau khi khối Cộng sản Đông Âu sụp đổ và sau cú phanh thây người yêu nước ở Thiên An Môn, số má của Cộng sản Trung Quốc nhảy vọt lên hàng anh cả, cộng sản Việt Nam chỉ còn nước duy nhất là bám lưng, dựa dẫm để tồn tại. Và một khi biết được điểm mạnh của mình, Trung Cộng đã thẳng thừng sắp xếp các chức vụ cao cấp trong trung ương đảng Cộng sản Việt Nam. Bộ sậu nhân lực lãnh đạo Cộng sản Việt Nam chính thức thành thái thú của Trung Cộng từ sau hội nghị Thành Đô 1990. Có lẽ cũng xin nói thêm là trong hội nghị này, Đặng Tiểu Bình nhìn thấy Phạm Văn Đồng tuy là một Hán gian có thành tích ở công hàm 1958 nhưng mắt mũi đã kèm nhèm, nói năng méo mó, mất hết phong độ nên lệnh cho giữ cương vị cố vấn nhiều hơn là lãnh đạo, chẳng còn quyền lực gì cho mấy.
Và một khi thao túng, sắp xếp được nhân sự trong trung ương Cộng sản Việt Nam, mọi chính sách về kinh tế đối với Việt Nam chỉ là những cái lệnh trá hình bằng hiệp ước, thỏa thuận, ký kết… Hậu quả của việc các thái thú Việt Cộng thao túng trung ương đảng Cộng sản là nền kinh tế Việt Nam ngày càng lún sâu vào những kênh nước đen của kinh tế Trung Quốc. Mọi thứ hàng hóa bỏ đi, kém chất lượng, nguy hiểm, độc hại của Trung Quốc đều được tuồn sang Việt Nam. Và vô hình trung, Việt Nam trở thành cái bãi chứa rác của Trung Quốc trên mọi nghĩa, từ chính trị đến tư tưởng và văn hóa, an ninh.
Sở dĩ nói Việt Nam là một cái hố rác vì từ kinh tế, mọi thứ hàng hóa bỏ đi, nguy hiểm đều bị Trung Quốc tuồn sang, về văn hóa, tư tưởng Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình… đều được hiện thực hóa ở Việt Nam có pha thêm tí màu tư tưởng Hồ Chí Minh, song song, mọi thứ phim ảnh có xu hướng tôn vinh Trung cộng, mang hơi hướm tuyên truyền một cái “nôi Trung Hoa” đều được trình chiếu trên mọi kênh truyền hình của nhà nước Việt Nam, mọi thứ văn hóa phẩm Trung Cộng được phổ biến tối đa. Đặc biệt, trong hai số báo của tờ Kiến Thức ngày nay (76,77) – một tờ báo được xem là uy tín nhất về tính khoa học ở Việt Nam dành riêng hai kỳ để ca ngợi Đặng Tiểu Bình như một lãnh đạo thiên tài, có khả năng làm thay đổi thế giới…
Trên địa hạt quân sự và an ninh, dường như mọi khí tài của Việt Nam, dù mua của bất kì quốc gia nào cũng có mặt Trung Cộng ở đó, ngay cả gần đây nhất là hai chiếc tàu ngầm hạng kilo mới mua của Nga, Trung Cộng cũng sang tặng hai chiếc tivi để cho cán bộ chiến sĩ thủy thủ đoàn của hai tàu ngầm này xem giải trí. Và hai chiếc tivi đó đã nằm trong hai chiếc tàu ngầm này. Bên cạnh đó, các khóa huấn luyện quân sự cấp cao nhưng trên thực tế là biến sĩ quan cao cấp của Việt Nam thành gián điệp cho Trung Cộng được mở hằng năm như là một sự hỗ trợ kĩ thuật tác chiến cho đàn em Việt Cộng. Ngành an ninh Việt Nam luôn cử cán bộ cao cấp sang Bắc Kinh để học các phương án chống bạo động (trá hình) nhằm trấn áp, dập tắt mọi cuộc biểu tình chống Trung Quốc xâm lược.
Và đương nhiên, sợi chỉ đỏ xuyên suốt mọi hành tung này chính là sự thỏa hiệp, chấp nhận bán nước của đảng Cộng sản Việt Nam nhằm củng cố chỗ đứng độc tài tại Việt Nam.
Hiện tại, chuyện giàn khoan, bauxite Tây Nguyên, các bờ biển Việt Nam của người Trung Quốc, chuyện Trung Quốc chuẩn bị tấn công Việt Nam… Tất cả chỉ là hệ quả, hay nói khác đi là thành tựu của một chiến lược lâu dài gồm năm mũi tấn công kể từ hội nghị Thành Đô 1990.
Và bây giờ, nếu nhân dân có muốn chống Trung Cộng cũng không được nữa, vì nếu chống Trung Cộng cũng có nghĩa là chống trung ương đảng Cộng sản Việt Nam, trừ khi nhân dân đứng lên đạp đổ chế độ độc tài Cộng sản hoặc ngay trong nội bộ chế độ Cộng sản, có một yếu nhân quyết tâm cải cách triệt để đất nước để bắt đầu một nền dân chủ. Lúc đó, mọi thứ nợ đi đêm của Cộng sản Việt Nam với Cộng sản Trung Quốc sẽ chấm dứt và câu chuyện độc lập dân tộc mới được khai bút ở một trang sử mới!
Bài bình luận
Một mủi tên trúng hai chim
Ung Ho Cai Cach Chinh Tri o Viet Nam
Mộng Tiểu Bá tái hiện