Tết vẫn còn đâu đó, chưa hết ba ngày Tết bảy ngày Xuân, từ công chức cơ quan nhà nước cho tới nông dân trên đồng ruộng, mọi người vẫn còn cắn hạt dưa lốp bốp, vẫn còn nói chuyện ba ngày Tết và hẹn hò cà phê, đi thăm bạn bè… Nói chung, không khí Tết vẫn còn tràng trề, hiếm có ai đói ba ngày Tết, bảy ngày Xuân dù trong nhà không còn hạt gạo nào, vì điều đó không những mang ý nghĩa về tục lệ đầu năm mà là danh dự, lòng tự trọng và phẩm hạnh của con người trước cộng đồng, bà con họ hàng.
Ba ngày Tết, bảy ngày Xuân cũng là những ngày mà con người dẹp bỏ mọi tị hiềm, nhỏ nhen để đón một năm mới như ý, trong sạch. Thế nhưng, câu chuyện dưới đây, xảy ra vào lúc sáng Mồng Sáu Tết!
Sáng 7/2/2014, xe đầu kéo container mang BKS 89C -01653 của Công ty Cổ phần Bích Thị do tài xế Lê Văn Công (sinh năm 1982) điều khiển từ Thà Khẹt (Lào) qua cửa khẩu Cha Lo (Quảng Bình), trong container chở khoảng 18 tấn nhãn tươi đóng thùng được nhập từ Thái Lan, trị giá khoảng 1,3 tỷ đồng.
Khoảng 11h30 phút cùng ngày, xe đi đến địa phận xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa, Quảng Bình thì bị tai nạn. Chiếc xe bị lật nhào xuống vực sâu khoảng 20m. Lái xe may mắn thoát nạn trong gang tấc nhưng container bị vỡ tung khiến hàng trăm thùng nhãn bung ra ngoài.
Sau khi tai nạn xảy ra, lái xe Công đã gọi điện thông báo về cho phòng điều hành của công ty. Lúc này, trực tiếp anh Đào Văn Công – phụ trách phòng điều hành Công ty Cổ phần Bích Thị đã gọi điện tới bộ phận trực ban của công an huyện Minh Hóa thông báo sự việc, nhờ sự trợ giúp từ phía cơ quan chức năng tới hỗ trợ bảo vệ hàng hóa.
“Người trực ban tại công an huyện tên là Tuấn Anh đã ghi nhận thông tin của tôi và nói sẽ báo cáo lại chỉ huy để cử cán bộ xuống hiện trường. Chúng tôi rất an tâm và cũng điều động một vài nhân viên của công ty tại địa bàn đến hiện trường để hỗ trợ.” – anh Công nói.
Trong khi đó, tại hiện trường người lái xe tên Công còn đang ê ẩm khắp cơ thể sau tai nạn đã nhận ra có nhiều điều bất thường…Nhiều người dân từ đâu ùa đến, lao xuống vực, nơi chiếc xe “bạc mệnh” đang nằm.
“Ban đầu họ đứng nhìn, rồi lấy một vài thùng nhãn bị dập nát. Chúng tôi đã ngăn cản và xin người dân không được lấy hàng hóa của doanh nghiệp. Một lát sau, lực lượng CSGT cùng cảnh sát hình sự, công an xã có mặt tại hiện trường để xử lý vụ việc, nhưng diễn biến sự việc thì lại không như ý…” – lái xe Công than thở.
Theo lái xe Công, người dân kéo tới mỗi lúc một đông, lên tới hơn trăm người, kèm theo hàng chục người từ 3 xe khách đi ngang qua dừng lại, xúm tới xe nhãn.
“Họ không hỏi han mà bắt đầu lấn tới chỗ chiếc xe bị lật. Mỗi người bê một thùng rời khỏi hiện trường trong sự sảng khoái. Còn nhóm công an khoảng 7 người cũng đành bó tay. Dù có nói người dân không được lấy hàng nhưng không ai nghe cả. Họ bê từng thùng hàng rời đi ngay trước mặt công an. Chúng tôi thì van xin trong vô vọng…Nhiều người thậm chí còn đưa cả thuyền đến để cướp hàng. Cả một xe hàng của chúng tôi đã không cánh mà bay…” – tài xế Công thuật lại.
Bức xúc trước hành vi của người dân, ông Duyện, giám đốc công ty Bích Thị cho biết: “Đây là hành vi cướp của trắng trợn, đi ngược lại với văn hóa của người Việt. Không hiểu sao, lực lượng chức năng có mặt tại đó cũng không thể ngăn cản được người dân. Chúng tôi mong muốn có một câu trả lời có trách nhiệm từ cơ quan chức năng tỉnh
Quảng Bình và sớm đưa những kẻ cướp ngày này ra ánh sáng.”
Đến đây, câu hỏi được đặt ra là vì sao, nạn hôi của đang nở rộ một cách không thể kiểm soát được ở khắp ba miền Việt Nam? Và nguyên nhân của nạn hôi của là từ đâu?
Có lẽ, cũng nên xem lại những năm sau 30 tháng Tư năm 1975 cho đến nay, khi mà người Cộng sản Bắc Việt tiến thẳng vào các thành phố phía nam vĩ tuyến 17 và bắt đầu “thu chiến lợi phẩm”, từ chiếc bàn ủi con gà cho đến chiếc xe đạp, chiếc ti vi, cái tủ lạnh, cái mền, cái mùng, lon nước ngọt, chai bia… thậm chí cái quần cụt của “bọn tư bản giãy chết” để lại. Càng về sau, những cuộc “thu chiến lợi phẩm” càng ráo riết và tàn ác với chiêu bài “tịch thu sung công quĩ”, nhà cửa, vàng bạc của người dân bị vét đến cạn kiệt, nhiều người phải nhảy sông tự tử vì mất hết mọi thứ…
Có thể nói, đây là giai đoạn kinh hoàng và khủng hoảng nhất của dân tộc Việt Nam, và đây cũng là khoảng thời gian mà người Cộng sản chính thức khảm vào não trạng dân tộc này một thứ tư duy và kĩ năng mà trước đó người miền Nam chưa hề biết tới: Hôi Của! Ngoài tư duy và kĩ năng hôi của, người miền Nam còn được bổ sung thêm một thứ tư duy và kĩ năng nữa, cũng không kém phần quan trọng: Chầu chực miếng ăn!
Một phần phải nơm nớp lo người lính “giải phóng” có thể tịch thu tài sản, bắt nhốt, đưa người đi cải tạo, lấy của cải làm công quĩ, làm tài sản toàn dân bất kì giờ nào, một phần lại phải nơm nớp lo thức khuya, dậy sớm để mà đi xếp hàng chờ nhận lương thực tem phiếu, nếu tới muộn một chút thì xôi hỏng bỏng không, nếu tới sớm mà không quen với bà lương thực thì cũng như tới trễ… Con người trở nên yếu đuối, dẫn đến nhỏ nhen, tủn mủn và sợ hãi, không biết mình bị vô gia cư lúc nào, bị chết lúc nào!
Người nào còn chút lương tri thì cũng chỉ dám cất kĩ vào ký ức để mà tồn tại, kẻ nào không còn lương tri thì đây là cơ hội để tác oai tác quái, nịnh trên đạp dưới, toa rập với cán bộ nhà nước mà đầu cơ, buôn lậu, tích lũy vốn. Đến năm 1986, khi mà nền kinh tế tạm mở cửa, đây cũng là lúc manh nha những tư bản đỏ có nguồn gốc, xuất thân từ những “hảo hớn” thời bao cấp, từ những kẻ đã toa rập với cán bộ nhà nước để đầu cơ, buôn lậu, đã tích lũy được vốn.
Đương nhiên, sau năm 1986, không ít những nhà doanh nghiệp không thuộc nhóm “hảo hớn” này ra đời. Nhưng vấn đề này không nằm trong tầm bàn luận của bài viết. Chỉ riêng việc hàng loạt doanh nghiệp có xuất thân đầu cơ buôn lậu này thôi cũng đủ làm cho văn hóa, tín ngưỡng và nhân tính bị xô lệch, bóp méo. Một thế giới thực dụng, vô lương tâm, xảo trá và đạp trên sinh mệnh đồng loại ngày càng phì đại, cuồng quẫy trên đất nước Việt Nam.
Từ chỗ bị kẻ giàu có, quan chức, quyền hành ức hiếp đến chỗ co cụm, sống phòng thủ, không còn tin tưởng ai nữa cho đến tranh thủ gở gạc bằng cách hôi bất kì thứ gì mà đồng loại sơ hở, trộm cắp, lừa gạt nhau… Đó là tất cả những giá trị và sản phẩm nhân tính có được kể từ sau 30 tháng Tư năm 1975, do người Cộng sản mang tặng miền Nam.
Và, trong những ngày đầu năm này, thêm một lần nữa, nạn hôi của diễn ra công khai và bạo hành. Điều đó không có gì lạ, nó giống như những tràng pháo đón Xuân thời Cộng sản xã hội chủ nghĩa mà thôi! Nếu như những người đấu tranh dân chủ, nhân quyền có những tràng pháo đón Xuân đầy cam go và nước mắt, thì những nông dân, người lao động nghèo, đại bộ phận người dân Việt Nam lại có những tràng pháo đón Xuân theo cách của họ mà ở đó, mọi căn tính, tập khí và lịch sử, vận mệnh dân tộc được hiện rõ nét!
Với những tràng pháo đón Xuân thời xã hội chủ nghĩa theo kiểu hôi của, cướp giật như thế này, không biết chế độ này sống được bao lâu nữa và tồn tại theo cách gì trước nhân loại tiến bộ?!
Bài bình luận
an cuop
Những tràng pháo đầu xuân