Đám tang tướng Võ Nguyên Giáp đã xong, một đám tang được nhiều hệ thống truyền thông chú ý và bình luận nhiều chiều, khen, chê… đủ cả. Nhưng, cần phải công nhận sự thật khách quan này: Đây là một đám tang mà số lượng người quan tâm, đến viếng rất lớn, hơn hẳn một đám tang binh thường. Thậm chí, theo tôi nghĩ thì lượng người đến viếng ông, rất có thể ngoài cả sự tưởng tượng, dự đoán của chính nhà nước. Việc chậm trễ thông báo, việc lúng túng trong cách giấu diếm tiểu sử, việc lấn bấn trong việc đưa tin… đã thể hiện điều này.
Những người đến với đám tang Tướng Giáp là ai?
Dòng người viếng tướng Giáp đông đúc, thể hiện sự kính trọng, sự quan tâm, sự nuối tiếc, sự tò mò hay sự hiếu kỳ? Chưa thể kết luận, vì chưa có ai và chưa có con số nào thống kê cụ thể. Nhưng, ai cũng muốn ghép tất cả số người và những công việc liên quan đến tướng Giáp vào nhóm những người nghĩ như mình. Việc vơ vào này có tính chất áp đặt lẫn nhau, có tính chất độc đoán của từng nhóm suy nghĩ nhằm chứng minh một điều: Duy nhất, mình là người suy nghĩ đúng, đánh giá đúng, hành động đúng.
Những người đến với lòng kính trọng tướng Giáp, hầu hết đều cho rằng Dòng người kia, đám đông kia, tất cả đến viếng tướng Giáp đều do lòng kính trọng như mình đã dành cho vị đại tướng cống hiến suốt đời cho đất nước, nhân dân.
Nhưng, nhóm người tò mò, hiếu kỳ đến để xem cơ ngơi tướng Giáp, một cơ ngơi giữa thủ đô mà cả đời có mơ cũng chẳng bao giờ bén mảng đến đó được thì chép miệng: Ừ ngôi nhà cũng rộng rãi, thoáng mát, nhưng không như mình tưởng tượng, chắc đám kia cũng thất vọng như mình sau khi vào xem.
Rồi đám người vốn uất ức vì đến cả một vị đại tướng công thần chế độ mà cũng đã phải ngậm đắng nuốt cay trước những đòn thù mà các đồng chí của ông đã cho ông nếm mấy chục năm qua thì chắc chắn điều này: “Tất cả đều cũng như mình, kéo đến thật đông ở đám tang này cho những kẻ đã chơi bẩn với cả đồng chí của mình phải hiểu rằng chúng ta đang cùng nhau phản đối chúng nó đây”.
Ở đây, họ tự coi tướng Giáp như một nạn nhân mà họ cần cảm thông, bày tỏ thái độ, bênh vực người bị yếu thế… Thậm chí, từ sự cảm thông đồng cảnh, dẫn đến sự đồng cảm tự lúc nào không hay. Điều mà người đời thường hay bảo: “Khóc giả, nước mắt thật” là trạng thái đó.
Và cứ thế, đám tang rất đông.
Việc đông đúc này cũng là một hiện tượng. Và có thể tìm hiểu hiện tượng này từ nhiều góc độ khác nhau.
Sản phẩm của Truyền thông
Về tướng Giáp, tôi cũng như “tuyệt đại đa số” những người dân Việt Nam, đa số chỉ biết về ông qua sách, báo, đài… đại khái là những công cụ tuyên truyền của đảng cộng sản. Rồi thì sau đó, khi lớn lên, qua hệ thống sách vở, báo chí cũng là của nhà nước cộng sản.
Theo đó, tất cả các đồng chí cộng sản đều là tuyệt vời về đạo đức và tài năng, và vì thế nên đảng cộng sản là tập hợp của những tài năng, đạo đức và tiến bộ. Vì thế, Đảng là đạo đức, là văn minh. Những câu đó, mọi người dân Việt Nam thuộc nằm lòng, còn hơn là nhớ bố mình tên gì, bao nhiêu tuổi.
Theo đó chúng ta đều biết rằng chúng ta có một quân đội anh hùng, được đảng lãnh đạo, và ở đó mọi chiến sỹ từ cỡ như Lê Văn Tám đều là kiên trung, gan dạ và tuyệt vời về đạo đức, “từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu”, “đi dân nhớ, ở dân thương”. Còn hàng ngũ sĩ quan, tướng tá thì chỉ có từ anh hùng và tuyệt vời… trở lên.
Cũng theo đó, chúng ta biết được rằng quân đội chúng ta được “Bác Hồ”1 thành lập, dìu dắt và lãnh đạo, có Đại tướng Giáp là học trò xuất sắc của “Bác Hồ”1 trực tiếp cầm đầu. Và vị đại tướng đó là vị đại tướng huyền thoại, chưa biết thất bại là gì đã đưa đất nước ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác trong cuộc chiến này đến cuộc chiến khác. Và đã vậy, thì hẳn nhiên học trò xuất sắc của bác, cũng sẽ vĩ đại và tốt đẹp nếu không bằng thì cũng gần như “Bác”!
Và ngày này, sang tháng khác, hệ thống tuyên truyền đã nhồi vào tai, nhét vào óc tất cả mọi người từ mọi khía cạnh, mọi nơi và mọi lúc những thông tin đó.
Và người dân biết đến một Võ Nguyên Giáp huyền thoại, một Võ Nguyên Giáp “tài giỏi, đạo đức, văn võ vô song và trong sáng vô ngần”.
Đến mức, khi tướng Giáp bị thất sủng, “được” đảng và nhà nước xếp vào chức vụ mà dân gian gọi là “quan cai đẻ” (Thậm chí, năm 1984, khi cả nước rình rang kỷ niệm 30 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, tướng Giáp không được xuất hiện với phái đoàn nhà nước hoặc chính phủ ở đó. Hệ thống báo chí, truyền thông, các “đồng chí lãnh đạo” đảng và nhà nước không hề nhắc đến, không hề muốn nói đến nữa…) Thì những thông tin đã đóng đinh về một “vị đại tướng huyền thoại” kia vẫn không thể gột rửa ra khỏi đầu nhân dân. Thậm chí, dư âm của những thông tin kia, đã mọc ra những dư âm khác về sự bạc đãi với vị tướng này, nó lan truyền trong dân chúng.
Thực tế thì 90 triệu người dân Việt Nam hôm nay, con số gặp được Đại tướng Võ Nguyên Giáp để biết mặt mũi thật có khác với những hình ảnh trên báo chí không, có bị photoshop hóa trang khác đi không… chắc chắn là rất ít. Chưa nói đến mức hiểu được con người của ông Giáp thật sự là gì, tính nết ra sao, đạo đức cỡ nào…
Ngay cả trong dòng người đông đúc xếp hàng từ sáng sớm đến tận khuya kia, mấy ai được gặp tướng Giáp để hiểu về ông, nếu không phải là họ biết một tướng Giáp qua hệ thống tuyên truyền của cộng sản.
Mà hệ thống tuyên truyền của Cộng sản là gì? Chúng ta đã hiểu về nó, những người có đầu óc quan sát đã hiểu về nó. Nghĩa là bất chấp tất cả, miễn là có lợi cho đảng cầm quyền.
Bằng chứng là ngay cả khi tướng Giáp đã chết, thì hệ thống này vẫn bất chấp sự thật để bớt đi điều mà ai cũng biết là quãng đời ông Giáp bị nhục mạ, bị cố tình bỏ quên bằng cái chức “Chủ tịch Ủy ban quốc gia dân số và sinh đẻ có kế hoạch” – Một chức vụ mà mới đây, chính thức nhà nước đã phải giấu diếm khi đưa tiểu sử của ông.
Bằng chứng là ngay cả trong lễ tang, con trai tướng Giáp là Võ Điện Biên, cũng chỉ dám nhắc đến “Đại tướng” với “hai cuộc kháng chiến” mà thôi. Trog khi thực tế, ông Giáp đã trải qua và tham gia cả ba cuộc chiến chống Pháp – Mỹ - Trung Quốc. Vì sao vậy?
Ngoài hệ thống tuyên truyền cộng sản, những năm gần đây, người dân Việt Nam còn được tiếp xúc với mạng Internet, một hệ thống thông tin đã làm thay đổi thế giới hiện đại. Ở đó, người ta thấy có nhiều thông tin không chịu sự kiểm soát của đảng, chứa đựng nhiều sự thật và khách quan. Ở đó cũng có nhiều cơ hội để người đọc tự kiểm chứng, tự xác định và nhất là tự chọn cho mình cách tiếp cận, thu lượm thông tin.
Theo đó, ở Việt Nam, đại tướng Võ Nguyên Giáp có một thời gian dài, bị chính các đồng chí của mình chơi bẩn, đẩy đại tướng vào những công việc, những tình huống mà nếu với bản lĩnh vị tướng, thì ít ai chấp nhận được.
Theo đó, đại tướng đã lấy chữ “Nhẫn” làm đầu, để tồn tại đến khi đạt 103 tuổi.
Theo đó, vị đại tướng huyền thoại “đánh đâu thắng đó” này là vị tướng nướng quân không biết tiếc, miễn đạt được thắng lợi cuối cùng. Bởi trên Đại tướng là “Bác Hồ”1 đã từng tuyên bố: “Dù có phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn, cũng giành cho được độc lập”. Hoặc “Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố có thể bị tàn phá. Song nhân dân Việt Nam quyết không sợ”. Bởi vì, đó là cách mà người Cộng sản quyết giành thắng lợi.
Với một cuộc chiến mà một bên quyết chết đến người cuối cùng, bất chấp số lượng, bất chấp cơ đồ, bất chấp tất cả để giành thắng lợi… thì bên kia chỉ còn một cách hoặc giết tất cả, hoặc bỏ chạy không kịp xách dép.
Cũng theo đó, Võ Nguyên Giáp là một người cộng sản từ đầu đến chân, từ khi tuổi trẻ đến khi chết. Tất cả những việc làm của ông, những lời nói, kiến nghị… đều nằm trong khuôn khổ, chuẩn mực của người đảng viên cộng sản.
Và bao nhiêu chuyện khác nữa đều từ nguồn báo chí nhân dân trên mạng Internet. Từ đó, người dân có cái nhìn khác, có góc nhìn khác và tiếp cận các luồng thông tin đa chiều, có nhiều điều kiện kiểm định nguồn tin hơn cũng như hiểu được nhiều vấn đề liên quan đến từng con người.
Cũng chính vì có những thông tin từ đó, nên mới có đến 3 nhóm người đến dự đám tang tướng Giáp như đã phân tích ở trên. Nếu không, nếu chỉ có một hệ thống truyền thông cộng sản, người ta có thể dễ dàng tiến hành một đám tang như đám tang Kim Nhật Thành hoặc Kim Jong In ở Bắc Hàn không đến nỗi khó khăn cho bất cứ ai, miễn họ thấy điều đó là có lợi cho Đảng cộng sản.
Thực và hư trong truyền thông Cộng sản: Công nghệ chế tạo huyền thoại
Một lần cách đây chưa lâu, tôi đến thăm Bảo tàng Điện Biên Phủ, cô gái được giao nhiệm vụ thuyết minh về phòng trưng bày cứ thao thao bất tuyệt với cả đoàn người đến tham quan rằng:
- Sau 13/3 quân ta bao vây Điện Biên Phủ. Vòng vây ngày càng siết chặt làm cho giặc Pháp khốn đốn và hoảng sợ. Hàng ngày chúng trốn trong hầm, chờ chiều tối, chúng mới mò ra khỏi hầm ăn cắp hàng tiếp tế.
Thấy là lạ, tôi hỏi lại:
- Thưa cô, như vậy là bọn Pháp đã phải trốn trong hầm và đến tối mới ra ăn cắp hàng tiếp tế, viện trợ chứ ban ngày nó không ra?
- Vâng, ban ngày nó ở trong hầm, cứ chiều tối mới ra
- Vậy thì hàng viện trợ đó của ta hay của ai? Và viện trợ, tiếp tế cho ai?
- Là bọn Pháp bỏ xuống cho quân của nó đang bị ta bao vây ạ.
- Vậy thì nó ra lấy hàng của nó, sao cô bảo là nó ra “ăn cắp”? Người khác lấy của nó thì mới là ăn cắp chứ?
Cả đoàn người trong phòng cười vang, nhiều người cố nhịn mà không nhịn được. Cô gái đỏ mặt và ngắc ngứ: “Dạ, em nói nhầm, không phải là ăn cắp mà là quân nó ra cắt hàng viện trợ ạ”, rồi nhanh chóng chuyển sang đề tài khác. Đấy là một cách tuyên truyền xuyên tạc sự thật.
Mới đây, chúng tôi ghé thăm khu nhà Vương, dinh cơ của cụ Vương Chính Đức, người H’Mông ở Đồng Văn, Hà Giang. Ông là một thủ lĩnh, được người H’Mông gọi bằng Vua Mèo, cát cứ khu vực Đồng Văn. Khi người Pháp vào khu vực Đồng Văn đã bị kháng cự quyết liệt và buộc người Pháp phải ký hiệp ước Pháp – Mèo năm 1913. Thế rồi, ông được Việt Minh lôi kéo để “trở về với cách mạng”, con ông về theo “Cụ Hồ” rồi thành đại biểu Quốc Hội khóa I, II. Cách đây chưa đầy chục năm cháu chắt của ông vẫn ở khu nhà này. Nay nhà nước “xếp hạng” và con cháu ông phải dọn ra khỏi đó để nhà nước làm khu du lịch.
Cô hướng dẫn viên du lịch rất thuộc bài: “Cụ Vương đã kết nghĩa anh em với “Bác Hồ” và bác đã đặt lại tên Vương Chí Sình thành Vương Chí Thành, là tên hồi nhỏ của bác”. Cả đoàn khách du lịch há hốc mồm như nuốt từng lời. Và những lời đó sẽ theo chân các đoàn khách du lịch đi khắp mọi miền, trong và ngoài nước.
Tôi thấy ngờ ngợ. Lẽ nào ông Hồ Chí Minh có một người anh em kết nghĩa mà đến ngôi nhà cũng bị lấy làm khu du lịch để con cháu phải ra ngoài?
Thế rồi tìm hiểu thì báo chí giải thích là đâu phải thế, rằng là vì “Để tạo thế ''ỷ dốc'' và khuếch trương thanh thế cho ông Vương…, Việt minh phao tin rằng: Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cắt máu ăn thề kết nghĩa anh em với vua Mèo Vương Chí Sình. Rằng là cụ Hồ đã đổi tên cho ông Sình là Thành (theo tiếng Việt có ý chí và trung thành). Thậm chí còn nói đổi cả họ cho ông Thành theo họ của ông Hồ - tức Hồ Chí Thành. Tin đó lan truyền nhanh như gió, râm ran thì thầm từ người nọ sang người kia, úp úp, mở mở”.
Cũng theo tờ báo này, thì ông Vương Quỳnh Sơn, cháu của cụ Vương Chính Đức nói: “Làm gì có chuyện đổi họ, tên cho ông Vương. Cũng chẳng có lễ kết nghĩa anh em nào hết”.
Lời kết: Sản phẩm và thói quen tiêu dùng của người Việt
Tuyên truyền cộng sản có thể tạo ra một bầy lính Pháp ăn cắp hàng cứu trợ bằng cách xuyên tạc, cũng có thể tạo ra một người anh em cụ Hồ bằng cách “thì thầm từ người nọ sang người kia, úp úp, mở mở”.
Người ta thấy hàng đoàn những bóng Thanh niên tình nguyện quỳ xuống thành hàng trong đám tang Tướng Giáp, nhưng người ta cũng thấy hàng đoàn bóng áo xanh như vậy bao vây Tòa Tổng Giám mục Hà Nội, nhà thờ Thái Hà kêu gào đòi giết người, hoặc chặn những người biểu tình yêu nước chống Trung Quốc xâm lược. Nhưng, trên báo chí nhà nước, họ được mô tả hoàn toàn khác nhau.
Những ai đã từng sống trong đất nước cộng sản, tiếp xúc với những thực tế hàng ngày trong đời sống người dân và những gì được mô tả trên mặt báo, trong các tài liệu tuyên truyền mới hiểu được thực chất của truyền thông cộng sản là gì.
Và với thực tế đó, thì việc tạo ra huyền thoại về Hồ Chí Minh, và nay là Võ Nguyên Giáp chẳng có gì là khó khăn hay lạ lẫm.
Vấn đề là ở chỗ, rất nhiều người có kinh nghiệm về tuyên truyền cộng sản, vẫn tiếp tục sử dụng đến nghiện các sản phẩm tuyên truyền đó mà không hề suy nghĩ. Cũng như không mấy ai không biết độc hại của hàng Tàu, nhưng cũng không mấy ai không dùng nó hàng ngày chẳng cần suy nghĩ.
Và cứ thế, hàng người đến viếng tướng Giáp vẫn cứ dài, dài mãi.
Người ta có thể đến với sự kính trọng, sự thương tiếc, sự tò mò, sự đồng cảm hoặc sự phản ứng... đủ cả. Chỉ biết rằng, dòng người càng dài, thì con đường đi đến sự thật, độc lập, dân chủ, tự do càng xa.
Hà Nội, ngày 21/10/2013
J.B Nguyễn Hữu Vinh
Bài bình luận
Bài viết rất hay