Nói ông khép lại một cuộc đời tài hoa cùng kho tàng ngôn ngữ của một thiên tài âm nhạc, nghe không vô lý chút nào, và điều này cũng hợp ý với rất nhiều khán/thính giả yêu nhạc của ông, phù hợp với những người phong ông là bậc thầy trong ngôn ngữ nhạc trữ tình, “phù thủy phổ nhạc”. Nhưng, khi nói ông ba hoa, e rằng động chạm đến rất nhiều người từng xem ông là thần tượng, không chừng, họ sẽ nổi giận và cho rằng người viết bài này nói năng vô lễ, không biết đầu biết đủa… Nhưng (lại nhưng!), khách quan mà nói, ông là một nghệ sĩ tài hoa thuộc vào bậc nhất, ông đã ghi dấu ấn sâu đậm vào nhiều thế hệ yêu âm nhạc, yêu tiếng Việt, ông làm cho tiếng mẹ đẻ trở nên lung linh, áo huyền và lấp lánh. Có thể nói, những năm trước 1975, “Hòn ngọc viễn Đông” tỏa sáng, trong ánh sáng của nó, có một phần ánh sáng của âm nhạc Phạm Duy. Rất tiếc, đó là một Phạm Duy của nghệ thuật, ngoài con người ấy ra, một Phạm Duy của chính trị và đối đãi xã hội, có vẻ như ông không dừng ở mức tài hoa mà đã chuyển sang ngưỡng ba hoa, đây là điểm yếu mà cũng là đặc trưng của Phạm Duy.
Những năm tôi học phổ thông trung học, thời đó còn ngăn sông cấm chợ, những ca khúc của Phạm Duy, Phạm Đình Chương, Trầm Tử Thiêng, Vũ Thành An, Đoàn Chuẩn, Hoàng Giác và một số nhạc sĩ nổi tiếng khác đang sống lưu vong đều bị xếp vào diện “nhạc phản động”, cấm nghe, cấm lưu hành. Tôi nhớ, trong lần đi thi đại học ở Sài Gòn, trên đường về quê, buổi tối trên chuyến xe đường dài, không biết chuyện thi cử sẽ ra sao, với một gia đình nghèo, thuần nông, chuyện đi thi đại học đối với tôi lớn hơn bất cứ chuyện gì, vì nó có thể giúp tôi, gia đình tôi và dòng tộc tôi thay đổi số phận, chí ít là thay đổi thân phận trong cộng đồng làng xóm, láng giềng, nhưng khi vào trường thi xong, nhìn cảnh con nhà giàu, con cán bộ đi thi, mặc dù làm bài một cách tự tin, nhưng tôi chẳng dám hy vọng gì, lan man, vô định… Giữa lúc đang thiu thiu, ngái ngủ, tiếng hát của ca sĩ Khánh Ly cất lên “Bên ni thành phố tráng lệ/ Giai nhân nằm khoe lõa thể, Bên kia phố vắng, ôi lòng ngoại ô… Phút giây chia lìa, ăn mày xán lạn ngày mai…” (Bên ni bên nớ). Tự dưng, tôi thấy ớn lạnh, một cảm giác khó tả, và tôi bắt đầu sưu tầm nhạc Phạm Duy, để biết thêm Bến Xuân, Còn chút gì để nhớ, Màu tím hoa sim, Thà như giọt mưa, Tình ca, Đạo ca, Tục ca… Càng nghe nhạc của ông, cảm giác yêu mến ông càng lúc càng đậm đà, hình ảnh người nhạc sĩ tài hoa, phúc hậu với đôi mắt sáng, mái tóc bạc, nói năng diễn cảm và hóm hĩnh. Đó là những gì tôi cảm được từ người nhạc sĩ này.
Những năm 2000, tin ông về nước, định cư ở Việt Nam, ban đầu, nó đến như một phúc âm cho những tín đồ nhạc Phạm Duy, trong đó có tôi. Nhưng càng về sau, dường như phúc âm đó tan dần theo mây khói và thay thế vào đó là những thứ cuồng âm rất khó chịu được xây dựng nên từ một Phạm Duy không phải của âm nhạc, nghệ thuật mà là một Phạm Duy chính trị, đãi bôi xã hội, với hàng loạt những tuyên bố hùng hồn về chuyện “đi và về”, dường như con người của Phạm Duy lưu vong, Phạm Duy đau đáu về cố quốc lầm than từ một chân trời tự do không còn nữa. Càng về sau, tôi càng nhận ra một Phạm Duy hiện tiền đầy thực dụng, gió chiều nào chao theo chiều đó, thậm chí, một Phạm Duy chuyên “đi khách” cùng với những lãnh đạo chóp bu Cộng sản, nói năng xu phụ chế độ… Dường như tất cả những thứ gì có thể tạo nên đối lập với một Phạm Duy của nghệ thuật, thì Phạm Duy xã hội, chính trị đều có đủ. Gần đây nhất, sau những thông tin bên lề về chuyện Khánh Ly sẽ về nước biểu diễn, Phạm Duy lên tiếng, trả lời phỏng vấn ngay, nội dung nôm na: “‘Chim bay về tổ, cá lội về nguồn’ là đúng với tất cả mọi người. Đây cũng là bằng chứng hùng hồn của chính sách đại đoàn kết dân tộc. Lẽ dĩ nhiên, việc trở về của Khánh Ly có gặp ít nhiều khó khăn. Nhưng cuối cùng mọi sự cũng đều được giải quyết. Chỉ tiếc là khi cô ấy trở về quê hương thì Trịnh Công Sơn đã qua đời!”.
Cách nói chuyện, trả lời phỏng vấn của Phạm Duy không làm tôi ngỡ ngàng hay ngạc nhiên gì nữa, vì tất cả nhửng gì ông làm kể từ ngày về nước vào ngày 17 tháng 5 năm 2005 cho đến thời điểm ông nói ra câu này luôn thể hiện ông là con người sống rất thật, sống hết mình, ông sống thật ngay trong nghệ thuật cho đến tính cách đĩ thõa, dễ thỏa hiệp và chuộng chăn êm, nệm ấm, gái đẹp, bất chấp những người lưu vong đồng sàn đồng cảnh trước đây lên tiếng chê trách, ông vẫn cứ ung dung sống thật với một Phạm Duy bắt tay với Việt Cộng và đôi khi múa lửa lắc vòng cho được chuyện.
Và có lẽ, chưa chắc gì ông đã có ý sống thực dụng, nhưng sự thực dụng vận vào số mệnh của ông, đẩy ông đến chỗ con người thực dụng. Trong vấn đề này, dường như con người xã hội và con người nghệ thuật của Phạm Duy có một điểm để bắt tay với nhau, cùng chung đích đến, chính vì thế mà kho tàng tác phẩm đồ sộ của ông không được xếp vào diện vô giá mà nó có giá cụ thể với 400 ngàn USD tiền bản quyền bán cho công ty Phương Nam. Và, đó cũng chính là lúc nhạc Phạm Duy trở thành thứ biểu tượng của giá trị quá vãng nhiều hơn là sáng tạo hiện tại. Dường như ông không có ca khúc nào cho xuất sắc, xuất thần như những ca khúc ông đã bán. Trong chuyện này, ông là một nạn nhân nhiều hơn là kẻ không tử tế. Hình ảnh, hoàn cảnh ông bán bản quyền dưới vòm trời Cộng sản, chế độ từng đẩy hằng triệu người xuống lòng Biền Đông, vào trại cải tạo và trại tị nạn cũng chẳng khác gì mấy hình ảnh chị Dậu bồng đứa con nhỏ bán cho nhà Nghị Quế để kiếm vài đồng. Cái khác giữa ông và chị Dậu nằm ở chỗ, chị Dậu bán con để nuôi chồng, còn ông, ông không bán đứa con tinh thần để nuôi ông chồng tinh thần nào cả, mà ông bán để nuôi bản thân trong những ngày cuối đời.
Dường như, rất ít và hình như chưa bao giờ thấy ông có một chia sẻ nào với cộng đồng không may mắn, các buổi lưu diễn diễn của ông cho đến các hoạt động cá nhân đều không cho thấy điều này! Nếu có nghe thông tin về ông, phần lớn độc giả, khán giả, thính giả, người hâm mộ đều xì xầm bàn tán về chuyện ông “trúng mánh” sau nhiều năm lưu vong, được chế độ Cộng sản trọng vọng, biệt đãi, nhà cao cửa đẹp, chơi chỗ sang, ăn trên ngồi trốc với các quan. Hay nói khác đi, Phạm Duy là một biểu tượng, bằng chứng của vấn đề hòa giải, hòa hợp dân tộc, chính sách đại đoàn kết toàn dân… Nhiều người còn khen ông già rồi mà con “sung”, vẫn có em út mười mấy đôi mươi phục vụ bên cạnh…
Đương nhiên, tất cả những đồn đoán về hoạt động đời tư của ông sẽ khép lại kể từ ngày hôm nay (27 tháng 1 năm 2013), những tai tiếng thị phi cũng khép theo từ giây phút này, và ngay cả nếu như tất cả mọi đồn đoán là thật chăng nữa, thì cũng từ giây phút này, nó thành tro bụi, không có ý nghĩa gì nữa. Người ta sẽ nhớ đến những ca khúc ông viết vừa trữ tình, vừa lý lơi mà hàm chứa triết lý sâu xa về thân phận dân Việt điêu linh, đôi khi, thân phận người Việt trong tác phẩm của Phạm Duy buồn bã như một cô gái điếm cuối mùa, gắng gượng và điêu ngoa, mệt mỏi và lạnh lùng. Âu đó cũng là một dự cảm vốn đã vận vào số phận riêng chung! Xin vĩnh biệt ông, một nhạc sĩ tài hoa và…!
Bài bình luận
Xin vĩnh biệt ông, một nhạc
Ho tu luu bi.Nhan tu luu
PHẠM DUY
PHẠM DUY
Nhạc sĩ Phạm Duy đã khép lại một ......