Giả sử, mô hình VACI đi vào hoạt động trong giới nhà nông Việt Nam, rất có thể, câu chuyện vui đầu tiên của người nông dân là một sản phẩm siêu lợi nhuận: Nuôi Cộng sản lấy phân bón ruộng và cân ký xuất khẩu sang Trung Quốc.
Nói nghe có vẻ bông phèng và khôi hài, nhưng thực tế lại có những vấn đề nghiêm túc cần bàn thêm về mô hình kinh tế VACI của người nông dân. Đặc biệt là trong thời buổi thế giới phẵng, toàn cầu hóa như hiện nay, người nông dân nào nắm thông tin càng nhiều thì kinh tế gia đình của họ càng vững. Điển hình là vụ lúa Hè Thu vừa rồi, nông dân miền Tây đứng ngồi nhấp nhỏm bởi giá lúa, thời giá và độ an toàn thị trường không có. Tuy nhiên, cũng có nhiều nông dân nắm thông tin thị trường khá tốt, họ tự đưa ra những dự tính có tính vượt trội so với kế hoạch hỗ trợ của nhà nước. Sở dĩ có được như vậy là nhờ vào họ nắm bắt thông tin, cập nhật kịp thời. Nhưng, nông dân Việt Nam không phải ai cũng được như thế!
Vì sao nông dân Việt Nam chậm nắm bắt thông tin, thậm chí đói thông tin? Và, mô hình kinh tế VACI là gì? Việc nắm bắt thông tin của nông dân có ý nghĩa như thế nào với vận mệnh quốc gia? Và mô hình VACI có ý nghĩa gì trong vấn đề bảo vệ tổ quốc cũng như vấn đề nâng cao dân chủ, đi đến xã hội dân sự?
Đầu tiên, có thể khẳng định một vấn đề là đất nước Việt Nam sẽ còn lâu mới đi đến xã hội dân sự được nếu như đời sống của phần lớn nông dân vẫn còn kéo lê theo kiểu hiện tại: Sáng ra đồng, trưa nghỉ ngơi một chút, chiều ghé quán nhậu lai rai mấy ly đế giải mỏi, tối về ngủ, sáng mai lại ra đồng… và, lúc nào rảnh thì coi tivi, xem chương trình thời sự của các kệnh tuyền hình trong nước (đã được cắt xén, bưng bít và kiểm duyệt, thiên về thông tin ca ngợi đảng Cộng sản), khi ra đồng, dù muốn hay không muốn, họ vẫn phải thụ động nghe tuyên truyền từ những chiếc loa sắt ra rả khắp nơi, từ gốc mít đến lò gạch, cột đèn, nóc nhà… Tất cả những gì có được của người nông dân để giúp họ mở mang kiến thức đều có tính đầu độc của chế độ, mị dân. Chính vì thế, hơn bao giờ hết, người nông dân Việt Nam cần được bứt thoát ra khỏi mớ bòng bong này bằng mô hình kinh tế VACI.
Nói về mô hình kinh tế VACI, nó vốn dĩ tiếp nối của mô hình VAC (vườn, ao chuồng) rất quen thuộc ở nông thôn Việt Nam, VACI là mô hình vườn, ao, chuồng, internet. Chỉ thêm cái “đuôi” intrernet này vào, mọi chuyện sẽ hoàn toàn thay đổi. Thậm chí sẽ có một cuộc cách mạng lớn, triệt để diễn ra trên đất nước hình chữ S này.
Thử hình dung một người nông dân biết sử dụng hoặc biết theo dõi thông tin từ internet , có internet trong nhà, thì việc đầu tiên, họ sẽ dễ dàng theo dõi thời tiết, mùa màng, nguồn giống, giá phân bón, loại phân nào rẻ, tốt, tránh mua phải phân giả, hơn nữa, họ theo dõi được những mô hình kinh tế nông trại của các nước phương Tây để rồi tự rút ra một mô hình kinh tế trang trại khả dụng cho mình. Thứ đến, họ có thể xem phim, giải trí, theo dõi thông tin đa chiều, và dần dần tiếp cận những thông tin của các nước tiến bộ, khái niệm dân chủ, nhân quyền, ý nghĩa của nền kinh tế tư bản và xã hội dân sự cũng dần dần thâm nhập vào ý nghĩ, tư tưởng của họ.
Hơn nữa, về mặt hưởng thụ đời sống văn hóa, có lẽ không có gì thú vị hơn một người nông dân sau buổi làm việc lại nghỉ ngơi, xả hơi, rồi lại ngồi vào máy tính, theo dõi thông tin, xem video lip, chat với bạn bè bốn phương, với người thân, theo dõi tình hình học tập của con cái ở các trường đại học… Thậm chí, chảnh một chút, họ có thể vừa nằm nghỉ giải lao trên võng treo sau vườn, vừa lướt web trên điện thoại di động hoặc trên laptop, cách gì cũng có cái thú vị và bổ ích cho họ.
Đến đây, phải đặt câu hỏi liệu người nông dân Việt Nam có theo đuổi kịp/được mô hình VACI không? Và câu trả lời sẽ là được, rất khả dĩ nữa là đằng khác! Vì xét về mặt kinh tế, chuyện mua một chiếc máy tính và nối mạng với chi phí mỗi tháng 160 ngàn đồng thuê bao trọn gói, không phải là chuyện khó của đa phần nông dân bây giờ. Nhưng vì lâu nay họ chỉ thụ động hưởng ứng, làm theo mô hình nhà nước, suốt ngày quần quật làm vườn, nuôi heo, nuôi cá, tối về nhậu say, ngủ, hoặc xem tivi, đến khi khấm khá một chút thì nhậu ở các quán bia có em út tiếp thị lượn lờ, một bữa nhậu vài ba trăm ngàn đồng, gọi là cải thiện tầm mắt, “nâng đẳng nâng tầm”. Xét cho cùng, họ bị tắt tị sau khi làm quần quật kiếm tiền, có nguy cơ dẫn đến sa đọa, nhất là trong thời điểm mà các quán bia ôm, tiệm hớt tóc, gội đầu thanh nữ mọc ra như nấm, thượng vàng hạ cám đều có, thì nguy cơ não trạng càng lúc càng hôn trầm, u ám nếu như không có một hướng mở cho người nông dân về mặt tư tưởng là thấy được trước mắt.
Vì sao mô hình này chưa có ở Việt Nam hoặc không được phát động, khuyến khích cho người nông dân mặc dù nó mang lại hiệu quả kinh tế và văn hóa rất cao cho họ? Đơn giản, người Việt Nam đang sống dưới chế độ Cộng sản, mà không có gì đảm bảo cho sự thống trị độc tài của họ hơn là chính sách ngu dân, đẩy người dân vào chỗ lao động quần quật, tự làm khổ sai cho công việc, quán nhậu và gái điếm, không cần biết suy tư, nghĩ ngợi, cứ làm xong lại ăn, ăn xong nếu còn dư thì lại chơi, đàn đúm, đến khi rạc gáo thì lại quay về cày… Người dân mãi lẩn quẩn trong cái vòng tròn này và chẳng còn cơ hội để suy tư về bản thân, thân phận cộng đồng, vận mệnh quốc gia, thậm chí một khi não trạng trở nên yếu ớt, sự sợ hãi ghé đến, người nông dân trở nên nhút nhát, đớn hèn và cầu an. Chính vì thế, sẽ chẳng bao giờ có một mô hình kinh tế đủ mạnh để cởi trói, mang lại tiến bộ cho người nông dân Việt Nam từ phía nhà cầm quyền Cộng sản.
Chỉ cần nhìn qua những cuộc biểu tình chống bành trướng Trung Quốc và những cuộc biểu tình, phản đối bất công của nhà cầm quyền trong giải tỏa, đền bù đất đai ở Văn Giang, Cồn Dầu, Đông Triều… và đối chiếu với hàng loạt các công trình đã nuốt chửng đất đai của bà con nông dân một cách êm thắm thì sẽ thấy ngay rằng: Đa phần người biểu tình chống bành trướng Trung Quốc là sinh viên, trí thức và văn nghệ sĩ, rất hiếm nông dân xuất hiện trong những cuộc biểu tình này; Trong những cuộc đấu tranh chống giải tỏa, đền bù đất bất công, cũng như những người dân khiếu kiện oan sai nhà đất ở Hà Nội, phần lớn người dân tin rằng nhà nước đã làm sai qui định, đã bóc lột nhân dân bởi họ đã có sự đối chiếu chính sách nhà nước với thông tin nắm bắt từ internet, từ những bài viết “ngoài luồng”, từ những khảo cứu của các trí thức dân chủ đang sống lưu vong. Chính nhờ vào kiến thức và thông tin đã cập nhật được từ internet, họ tự tin và mạnh dạng đấu tranh. Trong khi đó, ở những vùng mà người dân quá dễ dãi để đất rơi vào tay tư bản đỏ thì người dân hoàn toàn mù thông tin, không có hiểu biết gì ngoài mấy cái tin phát ra từ loa trên sắt gốc mít, trụ điện, lò gạch… và kết quả là họ bị mất trắng!
Giả sử nếu như cách đây chừng 5 năm, người nông dân theo đuổi mô hình kinh tế VACI, thì cho đến thời điểm bây giờ, sẽ có rất nhiều công trình xây dựng mà nhà cầm quyền toa rập với tư bản đỏ sẽ bị đình trệ, và thay vì qua mặt nhân dân một cách dễ dàng, lừa bịp họ đến chỗ màn trời chiếu đất, nhà cầm quyền phải đền bù hợp lý, hợp pháp và tỏ ra sòng phẵng hơn trên mọi nghĩa. Hoặc là nhà cầm quyền sẽ thẳng tay đàn áp nông dân từ Nam chí Bắc vì họ chỉ còn cách lựa chọn như vậy để đảm bảo tham vọng, âm mưu chiếm đoạt của họ không bị phá sản. Nhưng rất tiếc, điều này đã không xãy ra, người nông dân đã thụ động đón nhận mọi thứ sách lược vô lý của nhà cầm quyền, chịu mọi thiệt thòi.
Nếu như từ thời điểm bây giờ, mô hình VACI thâm nhập vào nếp nghĩ của người nông dân Việt Nam, để họ chuyển hóa và biến nó thành hiện thực, thì câu chuyện tiến bộ, văn minh của đất nước sẽ tiến triển theo chiều hướng thuận buồm xuôi gió hơn so với hiện tại. Đến đây, có thể đặt câu hỏi: Nếu như người nông dân không dùng mô hình VACI thì đất nước sẽ không tiến bộ, không đi đến dân chủ được hay sao? Xin thưa là không phải thế, đất nước vẫn sẽ tiến đến con đường văn minh, sẽ hội nhập với thế giới tiến bộ, và tư tưởng của người nông dân vẫn sẽ được cởi trói, khai mở thông qua những kênh khác. Nhưng chắc chắn một điều là những kênh khai mở khác sẽ khá vất vả khi tiếp cận người nông dân, thậm chí, rất có thể những cuộc cách mạng hoàn toàn vắng bóng người nông dân, họ cũng sẽ thụ động đón nhận mọi công cuộc như đã từng. Mà, đất nước Việt Nam có một đặc điểm khá đặc biệt khiến cho mọi cuộc cách mạng, kể cả cách mạng Hoa Lài đều không thể thâm nhập và hiện thực hóa, bởi hơn 90% dân số nặng về tâm thức nông nghiệp, và hơn 70% dân số vẫn bám chặt nghề nông. Chính vì con số đông đảo nhân dân không có cơ hội tiếp xúc những luồng tư tưởng, làn gió cách mạng mới mẽ này khiến cho mọi cuộc cách mạng tiến bộ chỉ cần manh nha đã khủng hoảng về số lượng. Mà, không có gì có thể dập tắt mau chóng những cuộc cách mạng hơn sự thiếu vắng về số lượng tham gia. Thử làm một phép so sánh giữa tỉ lệ phần trăm nông dân trên dân số (về cả số lượng lẫn chất lượng) của Tunisia, Libia, Ai cập, Nga với tỉ lệ phần trăm nông dân trên dân số Việt Nam thì sẽ thấy ngay một đáp án: Nông dân Việt Nam chiếm tỉ lệ dân số cao hơn nhiều so với các nước kia, và chất lượng đời sống nông dân Việt Nam thì lại thấp hơn nhiều so với nông dân những nước đã cách mạng.
Xét trên góc độ nâng cao dân trí, chấn chỉnh dân khí và phục hồi dân sinh, có lẽ vấn đề phổ biến, khích lệ và mở rộng mô hình kinh tế VACI cho nông dân Việt Nam là một nhu cầu hoàn toàn thực tế và khả dụng. Vấn đề còn lại ở đây là làm như thế nào? Bắt đầu từ đâu và chiến lược duy trì, phát triển? Có lẽ, cần phải bàn thêm ở một bài viết khác!
Và khi nói rằng nếu mô hình VACI được mở rộng, hoạt động phổ biến ở Việt Nam thì câu chuyện vui đầu tiên của người nông dân là “nuôi Cộng sản lấy phân và cân ký lô bán cho Trung Quốc”, có vẻ như không còn bông phèng, khôi hài nữa. Bởi vì đó cũng là khuynh hướng chung của những công dân tiến bộ, biết hướng đến dân chủ và nhận chân được giá trị của giai cấp, đảng phái, dân tộc, đất nước.
Bài bình luận
viết cho người Saigon
VCAI