Nhìn những hình ảnh cả dân tộc khóc thương khi Kim Cóc chết làm tôi lại nhớ đến ngày xưa.
Ngày ấy, vào quãng ra tết đến tháng tư là những ngày nguyện ngắm trong Mùa thương khó. Mùa thương khó là mùa người Công giáo suy ngẫm về cái chết của Đức Giê su để chuộc tội cho thiên hạ. Vào mùa đó, moi người hạn chế tiệc tùng, đám cưới, phim ảnh, cười đùa v.v… không khí trong vùng công giáo lúc đó là một không khí tang tóc. Tất cả chờ ngày lễ Phục Sinh. Tất cả các nhà thờ, việc nguyện ngắm về 15 sự thương khó Đức Chúa Giê su phải chịu vì tội lỗi thiên hạ diễn ra thường xuyên.
Ở quê tôi việc ngắm nguyện rất cẩn trọng, từ việc phiên thứ giờ ngắm phải được sắp xếp theo thứ tự ưu tiên, người được cắt cử phải có tiêu chuẩn đàng hoàng. Đến giờ ngắm nguyện người lên ngắm phải mặc áo dài the, đội khăn đóng, có đoàn Thiên thần rước từ dưới cửa nhà thờ rước lên trong tiếng trống rước tưng bừng. Đặc biệt khi ngắm không được sai dù là động tác, chưa nói đến từ, ngữ. Chẳng hạn quy định: Khuyên ngân, chấm nghỉ, Thánh hiệu Giê su bái đầu… Hồi đó ngắm nguyện chưa nhiều sách quốc ngữ mà bằng sách chữ nôm, chúng tôi thường gọi là chữ nho. Một người đứng ngắm, thì bên cạnh có một người cầm chăm chăm cuốn sách để soi, chỉ cần sai một động tác, một dấu chấm, phẩy, từ ngữ liền bị một tiếng trắc vang dội. Nếu không bị tiếng trắc nào, thì sau khi ngắm sẽ được đoàn thiên thần rước về rất vẻ vang, vinh dự. Nhưng sau tiếng trắc đầu tiên, đoàn thiên thần rút về và người ngắm xong lủi thủi đi về một mình. Nếu bị ba trắc, thì buộc phải nghỉ để người khác ngắm lại…
Một nghi thức nguyện ngắm mùa Thương khó.
Tôi nhớ câu ngắm thứ chín như sau: “Thứ chín thì ngắm: Khi ấy cả và thiên hạ theo mà xem, song le những người mến Đức Chúa Giê su thì thương khóc lóc. Bấy giờ Người giở mặt lại mà rằng: “Ơ con thành Giêrusalem, chớ khóc thương Ta làm chi, một khóc thương bay, cùng con cháu bay ngày sau phải khốn mà chớ”.
Khi đó tôi không hiểu tại sao Đức Chúa Giê su đi chịu nạn, chịu chết, người ta đã thương khóc lóc lại còn bảo đừng khóc thương mình mà hãy thương cho những người đang than khóc và con cháu họ? Cuộc đời Ngài có làm gì nên tội để chịu cái chết đau đớn trên Thánh Giá? Suốt 30 năm ở cùng Đức Mẹ và 3 năm đi giảng dạy, ngài chỉ dạy người ta những sự tốt lành và đạo đức, để cuối cùng chết nhục nhã trên Thánh Giá giữa những người trộm cướp. Ngài đáng được khóc thương, ngài đáng để mọi người đau đớn.
Với sự suy nghĩ non nớt của tôi, tôi cứ thắc mắc và vì thế nhớ mãi câu ngắm đó đến sau này.
Lớn lên dần dần tôi hiểu ra rằng Chúa Giê su không muốn họ khóc thương Ngài dù Ngài phải chịu oan ức, đau đớn và chịu chết vì hi sinh mạng sống mình chuộc tội cho Thiên hạ. Mà Ngài nhắn với những người đang than khóc và thành Giêrusalem hãy than khóc cho chính tội lỗi của mình và những hậu quả mà họ và con cháu họ sẽ gặp phải vì tội lỗi của họ, hãy ăn năn thống hối để lãnh nhận lấy ơn cứu chuộc từ giá máu của người.
Thì ra là vậy, Chúa Giê su đã sinh ra để hi sinh, chịu chết vì tình yêu loài người với mục đích “Ta đến không phải để được phục vụ nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mt 20, 28).
Đấy là Chúa Giê su với cái chết của Ngài hai ngàn năm trước.
Tôi không được thấy những người dân thành Giêrusalem khóc Đức Giê su, nhưng tôi được nghe tiếng Người nói với dân thành Giêrusalem và cả thế giới rằng: Hãy khóc cho tội lỗi của các người để đón nhận những ơn cứu chuộc ta đã đem lại cho các người.
Ngày nay, nhìn cả đất nước Bắc Hàn đua nhau khóc lóc lăn lộn khi Kim Cóc chết, nếu có thể nói được với họ, Cóc sẽ nói gì?
Cóc sẽ nói gì khi cuộc đời của Cóc là “Đến để được phục vụ mà không phải để phục vụ” thậm chí mọi người phải dâng hiến mạng sống của mình phục vụ bản thân và gia đình Cóc.
Chớ khóc thương tao làm chi!
Có thể Cóc sẽ nói với họ rằng: Tao muốn chúng bay khóc thật nhiều hơn nữa để chứng tỏ lòng trung thành với tao. Bởi chỉ phục vụ, nô bộc tao khi còn sống thì chưa đủ.
Cũng có thể lương thiện hơn, Cóc sẽ nói với họ rằng: Chớ khóc thương tao làm chi, hãy khóc thương cho chúng bay và con cháu bay ngày sau. Bởi tất cả đang và sẽ hưởng những thành quả mà tao và gia đình tao để lại.
Rất có thể là như thế, bởi:
Hai ngàn năm đã đi qua, khi Đức Chúa Giê su chịu chết, thiên hạ đang đau đớn trong tội lỗi. Thiên hạ đang mong đợi về Thiên đường, đang cần ơn cứu chuộc và thống hối để về nước Thiên đường đích thực Chúa đã hứa ban.
Còn ngày nay, khi Cóc chết thì người dân Bắc Hàn đang được sống trong thiên đường Xã hội Chủ nghĩa, một thứ thiên đường hiếm hoi còn sót lại trên thế giới này mà người dân đang ngày đêm muốn thoát ra khỏi đó.
Ngày 21/12/2011
Bài bình luận
Ỉn nay về đâu?
KHOC đồng diễn