You are here

Dân chủ ủy nhiệm

Mấy ngày nay cộng đồng mạng lùm xùm vụ một tù nhân lương tâm được cho là kiên cường nhất trong lịch sử đã “phản bội” lại những người yêu dân chủ vì ông ta dám ủng hộ Trump và ca ngợi Trump hết lời. Thú thực, khi đọc những comment sau status oán thán này, tôi không khỏi phì cười. Cười vì lẽ, cho đến lúc này, tâm lý “dân chủ ủy nhiệm” của người Việt không những không thuyên giảm mà có vẻ như còn nặng hơn trước.

Nhìn lại tiến trình dân chủ của Việt Nam, có thể nói đây là một tiến trình thần thánh, nhưng, thần thánh nhờ internet. Và, cái tiến trình thần thánh ấy cũng chỉ dừng ở mức độ hương hỏa, khấn vái và các điện thờ. Mỗi cơ sở dân chủ tại Việt Nam, cho đến thời điểm này, vẫn có gì đó mang tính chất điện thờ hơn là đời thực. Bởi hầu hết những người hương hỏa rất dễ bị biến thành con nhang của các điện thờ một khi tiếp xúc với các nhà dân chủ. Đương nhiên, khi nói ra điều này, tôi thành tâm xin lỗi những nhà dân chủ chân chính và đích thực.

Vì sao tôi phải nói như vậy? Vì trong một đất nước mà chủ nghĩa cơ hội quá cao, thì vấn đề dân chủ dễ bị biến thành cơ hội cho ai đó. Việt Nam là đất nước rất đặc thù trong vấn đề dân chủ, bởi Việt Nam có một quá trình tản cư của hơn ba triệu người miền Nam sang xứ tự do và sau đó là quá trình tị nạn, vượt biên, đào tẩu của rất nhiều người Việt khác nhằm giải thoát cho bản thân họ và gia đình họ khỏi nghèo đói, lạc hậu và mất tự do.

Và, cái giá của tự do đối với người Việt là chấp nhận mọi rủi ro. Một khi đã trả giá, đã phải mua nó bằng tính mạng, chắc chắn không ai cho không cái báu vật mình đã trả giá và mua bằng tính mạng ấy. Internet vào Việt Nam là một cánh cửa vô cùng rộng lớn cho những người phổ biến dân chủ. Và cũng từ đó, phát sinh nhiều nhà hoạt động dân chủ. Vậy những nhà dân chủ, họ là ai?

Điều cốt lõi, họ là những người tiếp cận và lĩnh hội thế giới dân chủ, tư duy dân chủ đầu tiên. Họ, những người có tầm nhìn tương đối rộng so với những người còn lại. Ở một số người, họ là những người có tầm nhìn sâu xa, họ đi trước lịch sử nước nhà, chắc chắn là vậy.

Nhưng, họ cũng có nét giống với rất nhiều người Việt còn lại, đó là sống trong chế độ Cộng sản, họ dù muốn hay không muốn cũng phải tồn tại và chấp nhận qui luật tồn tại của thời đại. Chính vì vậy, có thể bản chất, căn tính không có, nhưng bộ hành vi ứng xử của họ hằng ngày cũng phải tương thích với mọi “biến động” xã hội. Những ai không chấp nhận bộ hành vi ứng xử này, tỏ ra lội ngược dòng mà trong vòng nửa năm vẫn không bị công an sờ gáy, chắn chắc họ bất thường, phi thường và không bình thường. Điều này, cho đến lúc này, mọi câu chuyện đã diễn ra chứng minh cho nó, không cần bàn thêm!

Chính vì chấp nhận qui luật tồn tại nên trong hàng triệu người, thậm chí trăm triệu người, họa hoằng lắm mới có vài người đủ can trường, trí tuệ và chân ái dành cho sự nghiệp dân tộc. Nhưng người ấy không phải tự dưng mà có, càng không phải có thể đi ngời ngời trước ánh sáng của chế độ mà tồn tại được, chắc chắn là vậy!

Bởi dân chủ Việt Nam là một vấn đề tự thân, nhưng nội lực tài chính của những người làm công việc cổ xúy và phổ biến dân chủ lại quá yếu kém, rất hiếm những người có đủ tiềm lực tài chính đứng ra chịu đựng và đảm nhận sứ mệnh dân chủ như Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Quang A và một vài người nữa mà hầu hết, quá trình hoạt động dân chủ của các nhà dân chủ là một quá trình ủy nhiệm từ các đảng phái, các tổ chức dân chủ từ bên ngoài. Bởi ủy nhiệm nên có những nhiệm vụ cụ thể trong quá trình phổ biến dân chủ và có những khoản trợ cấp cụ thể để tồn tại, hoạt động và mở rộng.

Cái khó của dân chủ ủy nhiệm nằm ở chỗ này, nó không phải là một sự cổ xúy, càng không phải là sự ủng hộ mà là sự ủy nhiệm. Chính vì sự ủy nhiệm nên chắc chắn các nhà hoạt động dân chủ phải cân nhắc mọi quyền lợi trước khi đánh đổi tương lai và số phận của họ cho một công việc được ủy nhiệm.

Và các nhà dân chủ ủy nhiệm sẽ có những hoạt động dân chủ dựa trên nền tảng các điều phối từ người ủy nhiệm, tổ chức ủy nhiệm. Chính vì những điều phối như vậy mà một số hoạt động dân chủ tại Việt Nam có đôi khi giống như lạc đường, trật đường ray so với thực tế, nó không tìm được tiếng nói chung của đại bộ phận dân chúng trong khi đó, đại bộ phận dân chúng này cũng có những bức xúc và thất vọng trước thực tại, nhưng họ lại không bị hấp dẫn bởi các hoạt động dân chủ.

Mặt khác, căn cơ của các nhà dân chủ cũng không đủ mạnh để tạo ra điện trường xã hội. Nhưng, vấn đề trên hết, các nhà dân chủ ủy nhiệm có vẻ như hầu hết đều mong được chạm chân đến vùng đất của cơ quan ủy nhiệm, hay nói khác đi là thoát khỏi Việt Nam, tị nạn ở một quốc gia tự do bằng con đường dân chủ ủy nhiệm.

Và, tiến trình dân chủ cũng giống hệt tiến trình hình thành nội lực của một quốc gia hay một tổ chức, cá nhân. Nội lực chỉ thực sự đến khi bản thân anh/chị có nỗi khao khát cải thiện sức mạnh và thấy được sự yếu đuối, kém cỏi của bản thân. Ngược lại, sức mạnh và nội lực sẽ không bao giờ tăng trưởng, phát triển nếu như anh/chị thụ động vào một giáo án, giáo trình của một ông thầy nào đó. Nội lực khác với tha lực, nó là tự thân, nhưng nhiều người nhầm tưởng tha lực chính là một thứ nội lực đặc biệt và vịn vào nó để đi. Kết quả của điều này, chỉ có một hướng đi duy nhất, chính là đi về phía tha lực. Tình trạng các nhà dân chủ luôn tìm cách tị nạn chính trị trong nhiều năm nay cho thấy gì?

Cho thấy chương trình hoạt động phổ biến dân chủ của họ không đúng với nhịp thở dân tộc, có khuynh hướng “cưỡng bức sóng” trong nhịp điệu sống của dân tộc và dễ bị lộ liễu. Điều này dẫn đến hệ quả hầu như đại bộ phân nhân dân nhìn các nhà dân chủ bằng con mắt nghi hoặc và e ngại hơn là tin tưởng, phó thác niềm tin.

Cho đến thời điểm này, có thể nói rằng ý niệm dân chủ phổ quát trong đại bộ phận nhân dân Việt Nam đã khá cao, một phần nhờ vào quá trình hoạt động và phổ biến của các nhà dân chủ. Nhưng quá trình này cũng chỉ dừng ở mức “kính nhi viễn chi”, biết nó là vậy nhưng có làm được gì... Nó cũng giống như những cơn ốp đồng ở các điện thờ có thể khiến cho những người tín ngưỡng nhanh chóng hóa thành con nhang nhưng việc ấy chỉ diễn ra trong các điện thờ, nó âm ỉ trong xã hội nhưng không thể hiện thực hóa bằng một cuộc cách mạng nào đó. Bởi suy cho cùng, dân chủ ủy nhiệm là dân chủ thiếu tự thân và nó như một thứ nhiệm vụ có đặc ân, quyền lợi cho một số người dám chấp nhận nhiệm vụ.

Điều này dẫn đến cái nhìn thiếu thiện chí và tin cậy của số đông nói chung. Điều đó cũng cho thấy dân chủ ủy nhiệm chỉ có giá trị ban đầu, nó như một bước đệm để đi đến các giá trị dân chủ tự thân. Một dân tộc chỉ thực sự cởi trói, tự giải thoát, giải phóng cho mình khi dân tộc đó có những khao khát tự thân về nó. Hay nói khác đi, đã đến lúc cáo chung của dân chủ ủy nhiệm để đi đến quá trình dân chủ tự thân. Và dân chủ tự thân rất cần những nhà hướng đạo tự thân. Hi vọng tương lai của chúng ta sẽ bắt gặp điều này!