You are here

Nhân ngày Nhà Giáo Việt Nam, ngẫm sự học và dạy xứ Việt

Tôi nhớ có lần tôi đi dự một hội nghị mừng 20 tháng 11 ở một xã vùng quê miền Trung Việt Nam. Mọi thứ trình diễn văn nghệ, tặng hoa, chúc tụng ì xèo nhưng không để lại ấn tượng nào, chỉ có câu phát biểu của ông Bí thư xã khiến tôi giật mình: “Kính thưa quý thầy cô, tôi biết hiện trạng giáo dục hiện nay mang rất nhiều tai tiếng, và điều này gây ảnh hưởng không nhỏ đến quí thầy cô, mong quí thầy cô bình tâm mà làm việc, chuyên tâm mà dạy học, chúc quí thầy cô...”.

Xong buổi hội nghị, tôi có chia sẻ điều mà ông Bí thư vừa phát biểu với một ông hiệu trưởng trung học cơ sở, đại ý tôi nói rằng ông Bí thư này dám nói thẳng, mạnh mẽ. Ông Hiệu trưởng nghe vậy lắc đầu: “Ngầu gì ông ơi, nó phủ đầu tụi tôi đó! Sau cái phủ đầu đó là một loạt các vấn đề để mình khỏi có phanh phui nó thôi!”.

Tìm hiểu thêm, ông Hiệu trưởng chia sẻ nỗi khổ của việc vừa bị quản lý dọc từ cơ sở cấp trên rồi lại phải bị quản lý ngang bởi chính quyền địa phương. Tức Bộ Giáo dục quản lý về chuyên môn, sau đó đến các sở, các phòng giáo dục (tức quản lý dọc), còn cơ quan, chính quyền địa phương sẽ quản lý về cơ sở vật chất, về các vấn đề an ninh và văn hóa (quản lý ngang), như vậy, mọi chương trình thi đua, khen thưởng, hoạt động văn nghệ hay các hoạt động của trường đều phải có cái gật đầu của cơ quan địa phương.

Và nói sâu xa hơn, hiệu trưởng các trường bị phụ thuộc vào chính quyền địa phương rất nặng.

Điều này đương nhiên nảy sinh chuyện hiệu trưởng khớp cơ, thụt lùi và e dè trước lãnh đạo các cơ quan chính quyền địa phương. Và nó cũng lý giải cho câu chuyện từng và đang xảy ra nhan nhản nhưng chưa bại lộ như chuyện hiệu trưởng Sầm Đức Xương mồi chài nữ sinh trong trường bán dâm cho giới quan chức. Và đến lúc này, dù nhìn theo góc độ nào thì hầu hết các hiệu trưởng tiểu học và trung học cơ sở đều phải sinh hoạt đảng dưới sự điều hành của bí thư đảng ủy xã, phường, cấp trung học phổ thông thì Bí thư đảng ủy quận/huyện. Chỉ chừng này thôi cũng thấy cái thế dễ bị chụp mũ chính trị của hiệu trưởng ra sao.

Về phía cơ quan địa phương, chính quyền địa phương, họ là ai? Họ là những kẻ mà lâu nay dân gian vẫn hay nói vui với nhau “Học giỏi thì thi đại học, đi chạy xe ôm hoặc làm bác sĩ, kĩ sư, học vừa vừa thì ra làm giám đốc, học dốt thì về làm cán bộ xã, phường”. Câu nói này nhằm ám chỉ những sinh viên, có thực học sau khi tốt nghiệp lại thất nghiệp, còn những người học không giỏi, không xuất sắc xác định ngay từ đầu không học lên đại học, đi làm thuê, sau đó dần dần lại phát triển, gặp cơ hội thì mở công ty (ma), làm giám đốc... (ở đây không ám chỉ các giám đốc công ty có thực lực). Riêng vế cuối, học dốt thì về làm cán bộ xã, phường, hiện trạng này đến nay cũng không có gì thay đổi, bởi lý thuyết con quan lại được làm quan vẫn luôn là lý thuyết của thời đại và nó là ứng dụng có tính sống còn của chế độ.

Bởi các hiệu trưởng, hay nói rộng ra là các nhà trường, các giáo viên đều bị chi phối bởi quản lý ngang rất nặng nề, trong đó đặc biệt nặng bởi các khoản thu, chi hằng năm, chi phí xây dựng và các hoạt động có tính phong trào... khiến cho toàn thể hiệu trưởng cũng như giáo viên trong trường bị lệ thuộc vào chính quyền địa phương. Trong khi đó, một đám học hành eo óc, chữ nghĩa thiếu trước hụt sau, thậm chí bằng giả đầy rẫy ra đó lại đi quản lý một nhóm có thực học, thực lực. Chính cái mâu thuẫn này làm phát sinh hàng triệu thứ mâu thuẫn khác.

Cái mâu thuẫn phát sinh đầu tiên là bằng giả, kể từ ngày ngành giáo dục Việt Nam bị phụ thuộc vào ngạch quản lý ngang đến nay thì lượng bằng giả trong giáo dục mọc ra như nấm, từ bằng trung học phổ thông cho đến bằng đại học, tiến sĩ. Nếu truy lùng bằng giả, chỉ riêng lượng bằng trung học phổ thông của công nhân các khu công nghiệp chắc cũng lên tới hàng triệu tấm. Vì hầu hết các công nhân muốn làm việc trong môi trường lao động Việt Nam đều phải tốt nghiệp 12, nhưng thực tế, nếu tốt nghiệp 12 được thì người ta đã đi học ở một trường trung cấp hoặc cao đẳng nghề nào đó, vì giai đoạn học cấp 3, tức trung học phổ thông là giai đoạn khó nhất, hầu hết đều học tới lớp 9 thì nghỉ học, đi làm công nhân. Vậy thì có hàng triệu tấm bằng tốt nghiệp phổ thông trung học của công nhân cũng là bằng giả. Họ phải bỏ ra một số tiền không nhỏ để được làm công nhân, đó là sự thật, người ta gọi những cái bằng tú tài kia là “tú tài câu cơm”.

Đến bằng cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ thì ôi thôi, miễn bàn. Vì đây là những cái bằng câu ghế, câu quyền lực chứ không còn ở mức độ câu cơm như mấy cái bằng tú tài để vào khu công nghiệp. Một số lượng người không nhỏ, khi bước vào chốn quan trường, chủ yếu dựa vào lý lịch, thế rồi sống lâu lên lão làng, họ vào hội đồng nhân dân, và làm quan địa phương, lúc này họ phải lo bổ khuyết các loại bằng, đầu tiên là tốt nghiệp cấp 2, tức trung học cơ sở, sau đó trung học phổ thông, tức cấp 3, rồi đại học, thạc sĩ, tiến sĩ... Thậm chí nếu có cơ hội chạy được cái học hàm Phó Giáo sư, không chừng họ cũng chạy.

Chạy bằng giả, đây là giai đoạn nước rút của nạn bòn rút, thụt két nhà nước và tham nhũng phì đại. Bởi để có những khoản bù cho số tiền chạy bằng, giữ ghế, rồi mua ghế, cán bộ không từ bất kì thủ đoạn nào để đạt được, để vừa bù lỗ mua bằng lại vừa làm giàu. Chính vì giai đoạn này mà mọi thứ hành vi đút lót, tham nhũng, nhũng nhiễu, man trá, gian lận trở thành công khai, văn hóa của giới quan chức. Bởi đây là giai đoạn người ta phải dè chừng nhau, dòm nhau và không dám động vào nhau, vì đụng tới thì đứa nào cũng giẻ rách như nhau, chó chết thì mèo cũng nhăn răng...

Và, tại sao lại có một thứ không khí sặc mùi xú uế trong nền giáo dục Việt Nam cho đến lúc này? Bởi vì suy cho cùng, mọi thứ bằng cấp, mọi thứ hình thức có được của giáo dục cũng chỉ nhằm đạt được mục đích lớn nhất của người ta làm Làm Quan, tức con đường học hành tại xứ sở này là học hoạn lộ, học để làm quan.

Chính vì sự học chả giống ai này mà đất nước có nhiều cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ như nấm mọc sau mưa nhưng công trình khoa học thì không có gì và sản phẩm khoa học thì hoàn toàn không có. Bởi ngay từ trứng nước, người ta đã thụ động lựa chọn và bị gieo rắc một thứ ý niệm học tập đậm chất hoạn lộ, ý thức khai phóng hoàn toàn bị triệt tiêu, nên nền giáo dục này sẽ còn rất lâu mới có thể phục hồi chức năng, thậm chí, nó cần được thay thế bằng một cơ thể khác, mang cơ địa lành mạnh thực sự.