You are here

Chile, sự im lặng của báo chí trong nước, lợi bất cập hại với đương sự?!

Vụ vệ sĩ của Chủ tịch nước Lương Cường bị tống xuất ở Chile vì tội lạm dụng tình dục khiến cho các trang mạng xã hội dậy sóng, các trang truyền thông quốc tế cũng đưa tin rùm beng, thế nhưng báo chí trong nước lại im re, chưa thấy dòng tin nào.

Nghe thì có vẻ như đây là lối bưng bít thông tin điển hình của tuyên giáo, nhưng kì thực, về bản chất của báo chí, thì cách bưng bít như vậy chẳng tốt lành gì, nếu không muốn nói đây là đòn dội nước lạnh vào hòn than đỏ, và kết quả thì lửa tắt ngúm mà hòn than cũng vỡ nát.

Người chịu trận nặng nhất lúc này không ai khác ngoài ông Lương Cường.

Vì sao ông Lương Cường bị dính vố nặng nhất? Vì người Cộng sản có thừa thông minh để hiểu thế nào là bưng bít thông tin và kích thích thông tin. Bưng bít thông tin là cách làm cho thông tin tuyệt đối không rò rỉ ra ngoài, thông tin xem như bị chết yểu và câu chuyện chấm dứt từ đó. Ngược lại, một khi thông tin đã được lan tải trên các trang báo quốc tế và trong thời đại internet, mọi người đều có thể đọc được, thậm chí, nếu bài báo là văn bản tiếng Anh, với người không rành ngôn ngữ này thì người ta vẫn có thể dùng Google Translate để dịch và hiểu được ít nhất 70% nội dung trọng tâm của bài báo. Vậy thì bưng bít cái nỗi gì?!

Trên thực tế, động thái bưng bít trong tình huống này đóng vai trò kích thích người đọc, tức người ta không thấy báo nhà nước đăng tải thông tin động trời như vậy, người ta phải dọ dẫm tìm nhiều nguồn để đọc và đối chiếu thực hư, tìm độ xác tín.

Trong khi đó, mặc dù báo trong nước không đăng tin nhưng nguồn tin hành lang thì thỏa sức loan tin về sự việc. Vụ Lại Đắc Tuấn bị rớt lon Thượng Tá sau khi bị tống xuất về Việt Nam là một ví dụ, nguồn thông tin này, nếu nội bộ quyết giữ, bưng bít thì khó bề biết được bởi trong nội bộ đảng có bao nhiều người biết chuyện, có bao nhiêu người có trách nhiệm liên đới, cấp trên đều biết cả. Vấn đề là cấp trên bật đèn xanh để cho rò rỉ (có mục đích) hay ra lệnh im lặng. Một khi đã ra lệnh im lặng thì đố mà bên ngoài biết được.

Thế nhưng ở đây, mọi chuyện bên ngoài biết tất tần tật, biết từng chân tơ kẽ tóc của đương sự, thử hỏi, nếu bưng bít thực sự thì nguồn thông tin lấy đâu ra? Rõ ràng, đây là một trò chơi có tính kích thích trí tò mò. Bởi cái gì báo chí trong nước càng giấu nhẹm thì càng kích thích tính tò mò của người dân, nhất là khi nó đã diễn ra mồn một như giữa ban ngày.

Người Việt Nam có cái hay (mà hình như người nước nào cũng có cái hay này), đó là cái gì càng cấm họ càng ưa tìm hiểu, ưa sờ chạm. Ví dụ như trước đây ông Nguyễn Xuân Phúc (thời làm Thủ tướng) chưa cấm rừng, đóng cửa rừng thì rừng nguyên sinh vẫn còn khá là dày từ Tây Nguyên ra miền Bắc. Thế nhưng ông Phúc cấm rừng một phát thì tích tắc chưa đầy mười năm, rừng nguyên sinh thành đất trống đồi trọc với rừng trồng. Sạt lở núi, đất chuồi, chết người, lũ quét... Mọi thứ diễn ra như cơm bữa vào mùa mưa.

Bây giờ, cấm các báo trong nước đưa tin về vụ Lại Đắc Tuấn ở Chile thì khác nào kích thích tính tò mò của người Việt. Người ta vào Facebook và hàng loạt các trang mạng xã hội khác để tìm hiểu thông tin, mọi thứ còn rõ ràng hơn, tường tận hơn và chả có cần che chắn chữ nghĩa chỗ nào. Nhưng chưa dừng ở đó.

Chưa dừng vì báo chí Việt Nam, về mặt thực tế là do đảng Cộng sản điều hành và quản lý, nhưng về mặt lý thuyết thì thuộc nhà nước và chính phủ. Bởi bộ Thông tin truyền thông trực thuộc chính phủ, cục quản lý báo chí trực thuộc nhà nước và chính phủ. Như vậy, việc bưng bít thông tin, về mặt “danh chính ngôn thuận” phải là do nhà nước, chính phủ. Vậy ai chịu trách nhiệm trong nhà nước và chính phủ, rõ ràng Lương Cường và Phạm Minh Chính. Như vậy, về mặt lý thuyết thì chuyện bưng bít thông tin, trách nhiệm thuộc về Lương Cường và Phạm Minh Chính.

Trong khi đó, lính của Lương Cường vi phạm, mà báo chí im re, mặc dù bên ngoài đăng tin, thậm chí có nhiều bản tin đặt mối nghi vấn vào Lương Cường, rằng đây có phải là “Lê Lai cứu chúa” chứ thực ra, ngày 09/11 sang Chile, với trách vụ trưởng đội vệ sĩ, Lại Đắc Tuấn thở còn không kịp bởi phải lo sắp đặt nhân sự, an ninh, soi rọi từng li từng tí phòng ốc, lấy đâu thời gian mà đú đởn. Vậy ai đã đú đởn, ai đã ăn ốc cho Lại Đắc Tuấn chịu phận đổ vỏ và ai đã khiến cho Tuấn phải liều mình cứu chúa? Đó là nghi vấn!

Thêm nghi vấn khác, đây là chuyến công du đầu tiên của một nguyên thủ quốc gia, thường thì người ta mang theo phu nhân để theo phép lịch sự, xã giao... chào nhau một tiếng, thể hiện thiện chí và đó cũng là qui tắc giao tế quốc tế. Thế sao ông Lương Cường không dắt vợ cùng đi? Câu hỏi này mới nổi trên mạng xã hội. Trong khi báo chí trong nước vẫn im re. Vì sao im re?

Phải chăng vì báo chí trong nước đã bắt đầu “kỉ nguyên vươn mình”, không chấp nhận kiểu chơi bóp méo sự thật khi đưa tin, không chấp nhận kiểu chơi liều mình cứu chúa mà bắt ép đứa thấp cổ bé miệng nên im lặng?

Bởi sự im lặng của báo chí trong nước lúc này mang tính chất đổ thêm dầu vào lửa dư luận, nó không củng cố và định hướng dư luận theo chiều kích nào đó mà ngược lại, dư luận có thể suy diễn đến vô tận, thậm chí đôi khi sự suy diễn lại mang tính chất của sự thật, ngẫu nhiên chạm đến sự thật.

Có thể nói rằng cho đến lúc này, báo chí trong nước im lặng không phải là tốt cho câu chuyện, bởi sự im lặng không đóng vai trò bưng bít thông tin mà nó chỉ góp thêm phần kích thích dư luận, kích thích tính tò mò của người dân và sự tò mò ấy chưa biết ở đâu là điểm dừng, các giả định đặt ra liên tục và bên cạnh đó, có một số bài viết đánh tiếng kiểu úp mở càng khiến cho sự việc trở nên trầm trọng và khôi hài hơn.

Báo chí trong nước càng im lặng thì càng chết đương sự. Có vẻ như sự im lặng lần này không phải là bưng bít thông tin mà là chứng tỏ “tao vô can, tao không dính dự chi đến chuyện của mày” và “ai muốn biết thì vào mạng mà đọc chứ tao không có cho đăng đâu”. Còn mấy tờ báo bên ngoài nó đăng rần rần lên đó, là tại tao không có ra lệnh được cho tụi nó, vậy nhé!