Ngày 6-11, một máy bay Yak-130 thuộc biên chế của Trung đoàn không quân 940, Trường Sĩ quan Không quân đã rơi trong lúc bay huấn luyện. Hai phi công đã nhảy dù tại khu vực Trường bắn TB2, Tây Sơn, Bình Định còn máy bay thì mất tích ở đâu không thấy. Đến tận hai ngày sau, ngày 8/11/2024 thì người ta mới tìm được chiếc máy bay này, nó rơi tại tại tiểu khu 428, nằm ở giữa trạm Kiểm lâm Đrang Phốk và Trạm Kiểm lâm số 9 của Vườn Quốc gia Yok Đôn (Đắk Lắk), cách nơi phi công nhảy dù hơn 200 km.
Máy bay Yak-130 được báo chí Việt Nam đưa tin là máy bay hiện đại nhất hiện nay của Nga, được dùng để huấn luyện và chiến đấu. Báo chí Việt Nam viết: “Dù là máy bay siêu thanh, Yak-130 có thể hoạt động trên nhiều loại đường băng khác nhau. Đến nay, Yak-130 là máy bay huấn luyện tiên tiến nhất đang phục vụ trong Lực lượng Vũ trụ Nga, thay thế các máy bay huấn luyện từ thời Liên Xô.
Sự kết hợp giữa chức năng huấn luyện và tác chiến của Yak-130 đã thu hút nhiều khách hàng quốc tế. Ngoài Nga, các quốc gia như Algeria, Việt Nam, Iran, Belarus, Bangladesh, Myanmar và Lào đã đưa Yak-130 vào biên chế lực lượng không quân và tận dụng lợi thế về hiệu quả chi phí và các khả năng tiên tiến của dòng máy bay này.
Một trong những đặc điểm nổi bật của Yak-130 là khả năng duy trì bay ổn định, kiểm soát ở góc tấn công lên tới 35 độ, giúp nó ngang tầm với các máy bay chiến đấu hiện đại hơn như MiG-29, Su-30 và thậm chí là F/A-18E/F Super Hornet”.
Báo chí nhà nước mô tả máy bay loại này hiện đại là vậy, tiên tiến là thế, nhưng vẫn cứ rơi và đến nay thì “chưa rõ nguyên nhân” tại sao lại rơi và nó hiện đại cỡ nào. May ra, nó chỉ thể hiện sự hiện đại ở chỗ nó rơi cách trạm kiểm lâm chưa đến cây số, cách đường tuần tra chưa đến 600 mét mà người ta đi tìm đến 2 ngày mới thấy.
Điểm lại những vụ rơi máy bay gần đây
Chỉ một thời gian ngăn mươi lăm năm trở lại đây, chuyện máy bay rơi đã trở thành chuyện bình thường. Không phải ngẫu nhiên mà người dân đón tin máy bay huấn luyện của quân đội Việt Nam rơi không mấy xúc động hoặc trở thành đề tài nóng. Bởi chuyện rơi máy bay huấn luyện đã trở thành chuyện thường ngày. Đến mức lâu lâu không thấy máy bay rơi mới là chuyện lạ, và người ta tự hỏi: Không rõ hồi này quân đội có còn luyện tập nữa hay không?
Người ta có thể điểm lại các vụ rơi máy bay quân sự trước đó:
- Trưa 9/1/2024, vào lúc 11h10' tại khu vực khối phố Bình Minh, phường Điện Nam Bắc, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam một máy bay Su22 số hiệu 5880, do phi công Đỗ Tiến Đức (sinh năm 1988) điều khiển, khi đang bay huấn luyện thì máy bay gặp sự cố, mất kiểm soát, không thể về hạ cánh được, phi công đã nhảy dù.
- Vào lúc 12h09 ngày 31/1/2023, máy bay Su-22M4 số hiệu 5873 của Trung đoàn Không quân 921, Sư đoàn 371 xuất phát từ Sân bay Quân sự Yên Bái để thực tập huấn luyện gặp sự cố và rơi ở gần Yên Bái làm phi công điều khiển là Đại úy Trần Ngọc Duy hy sinh.
- Sáng ngày 12/1/2022, máy bay Diamond DA20-C1 của Công ty cổ phần Trường hàng không New Zealand trong quá trình bay huấn luyện đã xảy ra tai nạn tại sân bay Chu Lai, tỉnh Quảng Nam.
- Ngày 23/4/2019, Trung đoàn không quân 921 đã xảy ra vụ tai nạn bay ở sân bay Yên Bái, phi công nhảy dù thoát được và 1 máy bay Su-22M4 bị hư hỏng nhẹ.
- Vào lúc 9h ngày 14/6/2019, máy bay Yakovlev Yak-52 mang số hiệu 09 của Trung đoàn 920 thuộc Trường Sĩ quan Không quân trong quá trình bay huấn luyện đã xảy ra tai nạn tại xã Suối Tân, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa khiến hai phi công có mặt trên máy bay hy sinh.
- Vào lúc 11h35 ngày 26/07/2018, máy bay Su-22UM3K số hiệu 8551 của Trung đoàn 921, thuộc Sư đoàn 371, Quân chủng Phòng không - Không quân trong lúc bay huấn luyện chiến đấu đã bị mất liên lạc, sau xác định bị rơi tại khu vực đồi núi làng Dừa, xã Nghĩa Yên, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An. Hai phi công có mặt trên máy bay là Trung tá Khuất Mạnh Trí, SN 1978, Phó Trung đoàn trưởng, Tham mưu trưởng của Trung đoàn 921 và Thượng tá Phạm Giang Nam, SN 1972, chủ nhiệm bay của Trung đoàn 921 đều đã hy sinh.
Thậm chí, năm 2016, chỉ trong có 4 tháng, liên tiếp có những vụ máy bay quân sự rơi:
- 14/6/2016, chiếc Su-30 thuộc Trung đoàn 923, Sư đoàn 371 bay xuất phát từ sân bay Sao Vàng bị rơi tại khu vực Hòn Mắt, Thanh Hóa. Thượng tá Khải, TM trưởng Trung đoàn 923 Trần Quang Khải và thiếu tá Nguyễn Hữu Cường, phi đội trưởng của Trung đoàn 927. Thượng tá Khải thiệt mạng và người cứu hộ là ngư dân.
- 16/6/2016, máy bay tuần thám CASA 212 thuộc lực lượng CS biển Việt Nam đang trên đường tìm kiếm Thượng tá Khải lại bị rơi. Trên máy bay có 5 Sq cấp úy, bốn sq cấp tá đều thuộc Lữ đoàn vận tải 918, Quân chủng PK Không quân.
- 26/8/2016, máy bay huấn luyện Aero L-39 Albatros mang số hiệu 8705 thuộc Trung đoàn Không quân 910, Trường Sĩ quan KQ đang thực hiện bay huấn luyện thì gặp nạn và rơi ở Hòa Thành, Đông Hòa, Phú Yên. Thượng sĩ Phạm Đức Trung, học viên phi công khóa K41, Trường Sĩ quan không quân tử nạn..
- 18/10/2016, máy bay trực thăng EC 130 chở phi công và 2 học viên lại bị rơi tại núi Dinh, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu…
Người ta đã tính rằng, chỉ trong 4 tháng đó, tính rẻ nhất của 4 chiếc máy bay này, thì cũng đã mất hơn 60 triệu đola. Nghĩa là hơn 1.320 tỷ đồng đã coi như đem đốt. Như vậy tính trung bình, mỗi tháng mất đi 330 tỷ đồng cho máy bay rơi, nghĩa là mỗi ngày chỉ riêng máy bay rơi tốn mất hơn 10 tỷ đồng. Đó là chưa nói đến tính mạng hơn chục chiến sĩ, sĩ quan đã ra đi không trở lại.
Những câu hỏi đặt ra
Cho đến nay, hầu hết mọi vụ rơi máy bay đều là do lý do khách quan, đều do trục trặc kỹ thuật mặc dù những máy bay đó đều được ca ngợi là hiện đại nhất, tân tiến nhất. Nguyên nhân nào dẫn đến máy bay rơi, có thể có nhiều lời đồn đoán và suy diễn, trong đó có những thông tin cho rằng vụ máy bay rơi ở Thanh Hóa, sau đó chiếc máy bay cứu hộ đi tìm kiếm cũng bị rơi tại Vịnh Bắc Bộ không phải là vụ rơi máy bay bình thường. Nhiều người cho rằng, đó là những đòn “dằn mặt” của bạn vàng bên kia biên giới. Tuy nhiên, phía nhà nước thì im tịt, thậm chí ngay cả khi nước ngoài muốn điều tra hộ nguyên nhân, tìm kiếm khai thác hộp đen để tìm hiểu nguyên nhân thì bị Việt Nam từ chối. Điều này càng gây thêm nghi ngờ cho dư luận.
Tuy vậy, đa số các vụ rơi máy bay vẫn là do trục trặc kỹ thuật, mà cái sự trục trặc ấy, đều là do máy bay, còn phi công thì chẳng sao, vẫn là những phi công giỏi, vẫn có ý thức dù nguy hiểm vẫn lái máy bay ra khỏi khu dân cư rồi mới nhảy dù.
Tuy nhiên, đó chỉ là những điều người dân được thông tin qua báo chí, nó không đủ để dập tắt những câu hỏi mà dư luận đặt ra sau những vụ rơi máy bay liên tiếp như vậy.
Lý do nào, để không quân Việt Nam hễ cứ bay, là rơi? Ngoài những lý do về kỹ thuật, thì còn lý do nào nữa để những vụ rơi máy bay liên tục xảy ra? Đặc biệt là không một vụ bào bị điều tra đến nơi đến chốn để chỉ ra nguyên nhân cụ thể?
Ngược lại, ngay cả khi chưa điều tra như vụ Yak-130 mới đây, ông Trung tướng Phạm Trường Sơn đã nhận định ngay rằng đây là sự cố vô cùng phức tạp? Thậm chí, ông còn khẳng định là phi công phải nhày dù là đúng, khi mà chưa hề tìm hiểu nguyên nhân?
Sự vội vã đó do đâu?
Người ta có quyền đặt câu hỏi đó, khi mà Việt Nam cố tình bưng bít, giấu nhẹm những nguyên nhân vụ việc.
Người ta có quyền đặt câu hỏi đó, khi mà vụ rơi chiếc Su-30 thuộc Trung đoàn 923, Sư đoàn 371, thuộc loại hiện đại nhất Việt Nam, thì thiếu tá Nguyễn Hữu Cường khi được vớt lên đã nói: Không rõ anh Khải (Thượng tá Trần Quang Khải, Tham mưu trưởng Trung đoàn 923) liệu có biết mở dù hay không.
Và quả thật, ông Khải, thượng tá đã chết khi không biết mở dù.
Và một điều chắc chắn không thể thiếu, đó là nạn tham nhũng hiện nay có tác động đến đâu với những vụ rơi máy bay này?
Không thể nói trong Quân đội Việt Nam không có tham nhũng, dù cho đến nay, lực lượng tham nhũng bị lôi ra từ trong quân đội không “hùng hậu” bằng những cơ quan khác của đảng. Khi mà nạn tham nhũng đã phổ biến trong mọi ngành, mọi cấp, mọi chức vụ và mọi lĩnh vực của hệ thống chính trị, thì Quân đội, Công an, là những lực lượng ít bị kiểm tra, soát xét nhất lại là nơi có cơ hội tham nhũng nhiều nhất.
Những vụ việc như Đô đốc Nguyễn Văn Hiến với hàng ngàn mét vuông đất bị mất quyền sử dụng, hàng ngàn tỷ đồng bị mất trắng nhưng đã được Lực lượng Hải Quân Việt Nam xin giảm án, xin tha… là điển hình cho sự bao che, khuất tất để cán bộ quân đội tham nhũng.
Người ta cũng dễ dàng thấy được điều đó như hiện tượng một bà già ở Hà Tĩnh chỉ trồng rau mà xây biệt thự trăm tỷ được báo chí nêu tên. Và người ta biết đằng sau bà già cô đơn, góa bụa từ sớm ấy, là một tướng quân đội. Còn người dân thì kết luận rằng bà ấy đã nuôi sâu chứ đâu phải trồng rau.
Người ta cũng thấy chiếc máy bay rơi tại Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam hồi đầu năm, khi tiếp xúc với hiện trường, mảnh xác máy bay bị gỉ sét là điều mà cư dân mạng chú ý. Thiết bị quân dụng mà bảo dưỡng đến mức ấy thì không trục trặc kỹ thuật mới là chuyện lạ.
Người ta cũng đã thấy hậu quả nạn tham nhũng trong quân đội Nga đẫn đến đoàn xe dài 64 km bị chôn chân tại chỗ để bị tiêu diệt ở Ucraina ra sao mà biết được tình hình của quân đội ta.
Bởi xưa nay, rau nào thì sâu ấy.
Đâu rồi huyền thoại không quân Việt Nam?
Đã có một thời, hệ thống tuyên truyền của Việt Nam nâng Quân đội Việt Nam trở thành vô địch, vượt tầm thời đại, trở thành đội quân mạnh nhất thế giới…
Ở đó, lan truyền trong dân chúng những anh hùng, những trận đánh xuất chúng, lập chiến công xuất sắc và vượt tầm thời đại.
Không kể đến những chuyện tuyên truyền miệng kiểu như phi công ta đánh máy bay lên mây tắt máy ngồi nghỉ, hút thuốc lào chờ B52 địch đến là xông ra đánh. Hay hệ thống phòng không bằng ná của đồng bào dân tộc đã hạ cả máy bay Mỹ… được thêu dệt, được truyền bá, rỉ tai trong nhân dân, tạo ra những ánh hào quang và niềm tự hào ảo cho nhiều thế hệ.
Mà ngay cả những nhân chứng sống như Phạm Tuân, được phong anh hùng Lực lượng vũ trang, người chiến thắng B52 lại rất dõng dạc, rất hùng hổ tuyên bố cái máy bay B2 của Mỹ nó dài đến 600 mét, nghĩa là hơn nửa cây số. Thế mới lớn, thế mới ghê, vậy mà Phạm Tuân vẫn rình bắn được nó rơi mới là tài tình, mới là vĩ đại.
Điều người ta đặt ra câu hỏi hôm nay là những huyền thoại của không quân Việt Nam đâu cả rồi mà để máy bay cứ rơi như sung rụng? Hễ bay là rơi, hễ rơi là do trục trặc kỹ thuật.
Ngày xưa, anh hùng Nguyễn Văn Bảy học bổ túc 7 ngày 7 lớp. Vậy mà chỉ lái MIG-17 vãn bắn rơi 7 máy bay Mỹ. Được phong tặng danh hiệu Anh hùng. Trong khi phi công bây giờ được học hành chính quy, máy bay hiện đại, trang bị đầy đủ mà hễ bay là rơi thì đó là lý do gì?
Tại sao, Thượng tá không quân, được đào tạo ra sao mà để đến khi máy bay bị rơi, thì đồng đội phải lo là không biết có biết mở dù hay không? Điều này chẳng khác gì học sinh học lớp 7 vẫn lo chưa biết có đọc chữ được hay không hoặc hiện tượng không có bằng Bổ túc cấp 3 vẫn đầy bằng Tiến sĩ như Thích Chân Quang.
Vậy Thượng tá này là ai, thuộc diện 5C (Con cháu các cụ cả) hay Hồng phúc dân tộc” mà rèn luyện đến mức ấy.
Và trên hết, qua những hiện tượng này, người ta hiểu hơn vì sao Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Quốc phòng thốt lên rằng: “Tôi thấy lo lắng lắm, không biết tuyên truyền thế nào, chứ từ trẻ con đến người già [đều] có xu thế ghét Trung Quốc. Ai nói tích cực cho Trung Quốc là ngại. Tôi cho rằng, cái đó là nguy hiểm cho dân tộc.”
Cái sự lo lắng ấy của Thanh, không vì cái nguy hiểm cho dân tộc. Bởi dân tộc là điều không được quan tâm bằng chỗ ngồi của đảng.
Bởi, như Nguyễn Phú Trọng đã nói: “Nếu có đụng độ ngoài biển, liệu chúng ta có ngồi đây mà bàn đại hội đảng được không”.
Sự sợ hãi, bắt nguồn từ thực lực.
Thực lực yếu, bởi chính hệ thống tham nhũng, suy đồi.
Hệ thống tham nhũng, suy đồi, bởi chính sự độc tài toàn trị là cái nôi sản sinh mọi vấn nạn của đất nước, dân tộc này.
16.11.2024
J.B Nguyễn Hữu Vinh
Bài bình luận gần đây