Câu hỏi này không dễ trả lời, bởi nếu trả lời được, thì đồng nghĩa với chiến thắng. Mà chiến thắng từ thành quả bất bạo động là đẹp, là bền.
Bậc thầy bất bạo động Mahātmā Gāndhī (1869–1948) đã dẫn Ấn Độ đi đến chiến thắng vì biết Chấp trì chân lí và biết Trì hoãn bạo động (delay-action).
Chọn đường hướng bất bạo động luôn luôn khó hơn bạo động, vì tính “con” gốc “thú” trong cộng đồng người luôn trỗi dậy mạnh mẽ mỗi khi có các hành động mang tính bầy đàn diễn ra.
Thế nhưng, khi đã chọn bất bạo động rồi, làm sao để trì hoãn bạo động của phía đối phương thì càng khó khăn hơn gấp bội. Bởi hai bên đối đầu nhau, nhưng không chơi chung luật hoặc chung triết lý.
Theo bạch thư quốc phòng công bố năm 2009, Việt Nam có khoảng 450 ngàn binh sĩ hiện dịch và 5 triệu binh sĩ trừ bị. Lực lượng này thường dùng cho bạo động, hoặc dùng trong việc đàn áp, ngăn chặn bất bạo động. Nghĩa là, ngay cả khi họ đứng im, thì cốt lõi và nền tảng của họ vẫn là bạo động. Trên thế giới, gần như nước nào cũng có lực lượng này.
Sau hai tuần biểu tình phản đối Trung Quốc trong ôn hòa, những người tham gia và theo dõi qua internet ắt hẳn đã cảm nhận được sự đối kháng giữa bất bạo động và bạo động, dù rất may mắn, là chưa có ai chết vì sự va chạm này. Lực lượng đại diện phía bạo động, dù nhận lệnh bất bạo động, nhưng thỉnh thoảng vẫn “nảy mầm” bạo động.
Phía bất bạo động đang gặp hai khó khăn lớn.
Thứ nhất, khi đã xuống đường biểu tình chống Trung Quốc tại Sài Gòn và Hà Nội, thì làm sao để tuyên bố chiến thắng? Bởi tuyên bố này không thể đưa ra với đại diện của Trung Quốc tại Việt Nam, càng không thể đưa ra cho nhà cầm quyền Việt Nam.
Trong khi, người biểu tình phải chịu một cổ hai tròng, không chỉ Trung Quốc ở đằng xa o ép, mà nhà cầm quyền Việt Nam cũng không dễ dàng gì. Những nhân tố ngẫu nhiên xuống đường thì chưa bị làm sao, chứ những nhân tố có ý thức hoặc từng bày tỏ thái độ, chính kiến thì rất mệt mỏi. Đi đâu cũng có người theo, nhà bị quản thúc, điện thoại bị nghe lén hoặc bị an ninh nhắc nhở này nọ…
Trong khi, biểu tình mà không tuyên bố được chiến thắng, dù chỉ là “một chiến thắng nhỏ của sự thả lỏng” (ý của thi sĩ Đinh Linh), thì trước sau gì cũng đi vào ngõ cụt.
Tuyên bố chiến thắng rất có ý nghĩa với bất bạo động. Đơn cử như các dân oan bị cướp đất, thỉnh thoảng vẫn xuống đường hay đến các trụ sở nhà nước biểu tình, sau một thời gian thì thôi, vì đã lấy lại được đất (tuyên bố chiến thắng), hoặc bị giải tán (tuyên bố chiến bại).
Thứ hai, khi xuống đường biểu tình, làm sao để trì hoãn bạo động, bởi chỉ cần có các vụ bạo động diễn ra thì ý nghĩa của biểu tình sẽ đổi khác. Trì hoãn bạo động cũng đồng nghĩa với việc tạm thời tuyên bố chiến thắng, bởi khi nhà cầm quyền không cho biểu tình, mà ta cứ biểu tình và kéo dài được, ấy đã là sự chiến thắng.
Trì hoãn bạo động cũng có tính khuyến khích những người biểu tình cảm thấy an tâm và bình tâm hơn khi bày tỏ các quan điểm của mình trong ôn hòa. Thế nhưng, phía nhà cầm quyền thì ít khi chịu thông hiểu và thông cảm cho điều này, nên việc ngăn ngừa hay trì hoãn bạo động vốn khó khăn cho cả hai phía. Đó là chưa nói, Trung Quốc có muốn chơi trò bất bạo động không đã, nếu họ muốn bạo động, thì việc trì hoãn sẽ vô cùng khó khăn và thậm chí, vô nghĩa.
Việc tuyên bố chiến thắng của phong trào bất bạo động luôn phụ thuộc vào khả năng trì hoãn bạo động.
Muốn tuyên bố chiến thắng, đầu tiên phải xác tín mục đích của việc bất bạo động là gì? Cụ thể như khi đi biểu tình chống Trung Quốc, mục đích là gì? Hay chỉ để bày tỏ chính kiến?
Nếu chỉ muốn bày tỏ chính kiến, thì khi nào là tuyên bố chiến thắng? Và tuyên bố với ai?
Muốn tuyên bố chiến thắng, thứ đến, phải xác định được lúc nào là thời cơ chiến thắng để tuyên bố. Tuyên bố sớm hay muộn đều đồng nghĩa với thất bại.
Riêng câu hỏi: Phải tuyên bố với ai? Thì khó trả lời hơn. Bởi đa phần xuống đường biểu tình chống Trung Quốc, chẳng lẽ lại tuyên bố chiến thắng với nhà cầm quyền Việt Nam? Trong khi Trung Quốc thì ở xa, khó nghe và cố chấp, không nghe.
Nếu muốn tuyên bố chiến thắng với bất kì nhà cầm quyền nào, thì phải xác định được trụ cột quyền lực. Bởi nói chung chung “nhà cầm quyền” thì dễ, nhưng trong đó, đâu là trụ cột quyền lực thực sự?
Không xác định được trụ cột quyền lực và không tuyên bố được chiến thắng cho họ nghe, họ chấp nhận… thì xem như chưa chiến thắng thực thụ.
Vậy thì, trụ cột của nhà cầm quyền Việt Nam hay Trung Quốc ở đâu? Ai có khả năng phân tích, hoặc biết… thì chỉ giúp cho phong trào bất bạo động, để khi xác quyết thời cơ, họ có thể tuyên bố chiến thắng.
Nhà cầm quyền nói chung rất ngại với việc trì hoãn bạo động, bởi như vậy, họ khó kết thúc vấn đề mau lẹ.
Nhà cầm quyền nói chung ít ngại việc bị tấn công, mà ngại việc bị lôi kéo. Khi đã xác định được trụ cột quyền lực, phong trào bất bạo động không nên dùng biện pháp tấn công trực tiếp, vì như vậy sẽ gặp ngay sự kháng cự với đội ngũ bạo động khổng lồ, mà hãy tìm cách lôi kéo.
Dân gian thường nói: xô một cây cột khó đổ, nhưng kéo một cây cột thì dễ ngã.
Ngay lúc này, chỉ còn biết mong chờ các trụ cột quyền lực lộ diện.
Bài bình luận
Trụ cột và quyền lực.
Tru Cot
Muon Bat Bao Dong Thanh Cong dem lai BINH AN moi nguoi thi...