Giỗ tổ Hùng Vương mùng 10/3 âm lịch, rõ ràng không vô tình, khi có thời gian cùng dịp khởi đầu năm mới (Rija Nagâr) của người Chăm và nhiều nước ở khu vực Đông Nam Á. Trong các cắt nghĩa, thì lý do nền văn minh nông nghiệp lúa nước phụ thuộc rất nhiều vào gió mùa nên bắt buộc phải chọn con nước, mùa trăng để khởi đầu năm âm lịch, khởi đầu mùa màng là điều dễ được chia sẻ nhất.
Trong nước, tại nhiều khu vực, ví dụ như miền trung Việt Nam hiện nay, sau lễ giỗ tổ 10/3, các tộc họ cũng bắt đầu làm chạp mã (giỗ các chư vị tổ tiên của dòng họ) - đây cũng là tiết thanh minh. Có thể nói giỗ tổ Hùng Vương, chẳng qua là việc tích hợp các chạp mã dòng tộc để làm nên một chạp mã của dân tộc, mang tầm vóc lớn hơn mà thôi.
Lâu nay, giới sử học và chính trị học tại Việt Nam thường cố chứng minh và mong muốn rằng Hùng Vương là thủy tổ của người Việt, rồi qua đó, xác định tính chân thật và niên đại của các đời vua. Ngày 31/3/2011 vừa rồi, Việt Nam đã gởi hồ sơ Tín ngưỡng thờ Hùng Vương lên UNESCO để xét danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể thế giới, nghĩa là đã không còn quá quan trọng chuyện “cụ thể” hay có thật nữa. Nếu UNESCO công nhận, nghĩa là Hùng Vương chỉ là hình tượng hóa của cảm nghĩ nhân dân về một nguồn gốc xa xưa, nó chỉ có giá trị ước lệ về văn hóa, chứ không phải là lịch sử chân thật.
Làm điều này, có thể vì 2 lý do, gần đây miền bắc Việt Nam có vài “di sản” đã được UNESCO công nhận, nên thừa thắng xông lên, quyết làm dự án, đôi bên cùng có lợi. Thứ hai, sau nhiều thập niên cố gắng chứng minh tính chân thật của vua Hùng, nay đã hoàn toàn bất lực về tính “vật thể”, nên đành nghiêng quá hướng “phi vật thể”. Nhìn ở góc độ khoa học, văn hóa, lịch sử và tự tình dân tộc, phi vật thể là hợp lý hơn. Vì giống như một đám giỗ, người nằm xuống là một chuyện, việc kỷ niệm ngày nằm xuống lại là một chuyện khác - nó thường hướng đến tính quy ước, tính tâm linh nhiều hơn.
Thế nhưng, câu hỏi được đặt ra là có nên xin công nhận giỗ tổ Hùng Vương là di sản phi vật thể thế giới hay không? Làm điều này, nghe ra, có mấy biểu hiện rõ của sự thiếu tự trọng và vô liêm sỉ.
Đầu tiên, rõ ràng người dân đã nhớ đến ngày mùng 10/3 trước khi có “cái lệ” tân thời của UNESCO là công nhận này nọ. Cũng giống như người Việt giỗ tổ tiên, ông bà, cha mẹ… là do tập tục lâu đời và hoàn toàn tự nguyện, chứ đâu phải làm để được xóm làng hay một tổ chức nào đó công nhận. Giỗ ông bà, tổ tiên mà cốt để người ngoài phải công nhận, không vô liêm sỉ thì còn từ nào xác đáng hơn.
Tôi từng thấy có nhà nghèo chỉ cúng cha mẹ một chén cơm, tí muối mè và thắp cây nhang; có nhà giàu thì mâm cao cổ đầy. Tôi cũng từng biết việc giỗ tổ Hùng Vương có thời bị xem là mê tín dị đoan, người dân bị o ép, bắt bớ, nay thì phung phí, tốn kém vô độ… vậy thì UNESCO dựa vào tiêu chí nào để công nhận chứ? Hoặc giả UNESCO (vốn non trẻ về tuổi đời và tuổi văn hóa, nếu so với truyền thuyết Hùng Vương hay Thánh Gióng) sẽ đưa ra các tiêu chí, và từ đây Việt Nam phải uốn nén mình rồi làm theo. Đúng như vậy, quả là điều thô bỉ và ô nhục.
Mấy năm gần đây, năm nào giỗ tổ cũng đông nghẹt người tham dự, theo luật thì toàn dân được nghỉ một ngày, nghĩa là mức đầu tư cho ngày này không phải nhỏ, ép người dân phải vào cuộc, vậy thì cần UNESCO công nhận để làm gì? Chẳng lẽ không có UNESCO thì giỗ tổ sẽ bị diệt vong khỏi bản đồ văn hóa phi vật thể?
Đó là chưa nói, về tự trọng văn hóa, có những vùng đất, những sự kiện, những lễ hội nên hạn chế tối đa việc quốc tế hóa và du lịch hóa. Kiểu như lễ giỗ tổ, đó là chuyện riêng của dân tộc mình, tại sao phải đem ra giữa “chợ đời” UNESCO để cho thiên hạ mổ xẻ, phán xét, xuyên tạc. Cũng mới đây, ngay cả hầu đồng, hội Gióng… vốn thiên về hoạt động âm linh, chỉ diễn ra ở những thời khắc nhất định, nhưng vì du lịch, vì đồng tiền sai khiến, đã biến thành cuộc trình diễn của các văn công. Làm điều này, không những thiếu tự trọng, mà còn phạm thượng, gọi là mua thánh bán thần, cũng không sai.
Thêm một câu hỏi hẹp hơn, nhà cầm quyền Việt Nam có biết làm điều này là sai quấy hay không? Chắc phần nhiều là biết, vì nếu họ không tự biết, thì cũng đã có nhiều tiếng nói của giới chuyên môn phản ánh lên. Vậy thì, biết mà sao họ vẫn cố làm, có lẽ vì họ muốn người dân tầm thường hóa hoặc xóa bỏ hết các giá trị chân chính của truyền thống. Vì xã hội, giáo dục và văn hóa đương thời suy vi cao độ, không có khả năng tạo ra được giá trị gì đáng trân trọng, không cào bằng, nếu người dân lại so sánh cao thấp giữa văn hóa đương thời với văn hóa thời nguyên thủy, thời phong kiến thì thêm nguy.
Bài bình luận
hu danh