Trong bài viết mới đây của Nguyễn Hưng Quốc về Phạm Công Thiện, có một đoạn giữa bài làm tôi chú ý: “…Nhớ, thời ấy, thoạt đầu tôi cũng chia sẻ với bạn bè sự say mê đối với Phạm Công Thiện. Nhưng rất nhanh sau đó, tôi lại thấy có cái gì như lúng túng. Tôi để ý thấy, trong đám bạn học của tôi, những “fan” nồng nhiệt nhất của Phạm Công Thiện thường có một số đặc điểm khá giống nhau: một, học không có gì xuất sắc lắm; hai, cách ăn nói hơi... tàng tàng; và ba, ở dơ, tóc tai thì bù xù, quần áo thì bẩn thỉu, người ngợm thì rất hiếm khi được tắm rửa. Dần dần, tôi cố giấu sự say mê của mình. Có đọc Phạm Công Thiện thì cũng đọc “lén” ngoài tầm nhìn của bạn bè”.
Chú ý, vì lối viết có tính thực nghiệm này (dù khảo sát trong phạm vi hẹp) đã mô tả sơ khởi cho ta thấy được diện mạo và tâm lý của độc giả đọc Phạm Công Thiện (trong trường hợp này là đồng môn với Nguyễn Hưng Quốc đầu thập niên 1970). Khi nắm bắt được phần nào tâm lý độc giả, cũng có thể phác họa được phần nào tâm lý sáng tạo của tác giả.
Vì không có chuyên môn về tâm lý văn nghệ để tự viết bài phân tích, nên tôi càng khao khát được đọc những bài viết có tính nghiên cứu (chứ những bài nghiên cứu thực sự thì quả là khan hiếm thời nay) để cắt nghĩa xem tâm lý sáng tạo của Phạm Công Thiện là gì. Điều này có quan trọng không, với văn bản của Phạm Công Thiện, theo thiển ý của tôi, là rất quan trọng. Vì khi không hiểu được tâm lý ấy thì không cách nào hiểu được những câu “phán” như đinh đóng cột của ông.
Vì đâu, hay từ nguồn cơn nào, mà một cây bút trẻ (tôi nói thời Phạm Công Thiện trên dưới 20 tuổi) có thể cuồng ngôn (nói vậy cũng được) khi hạ bút phán rằng một câu thơ của Tản Đà đã làm sụp đổ cả nền tư tưởng Đông Tây. Mà những câu kiểu này thì đầy rẫy trong các tác phẩm của ông, không hiểu thì quả là khó đọc.
Hay vì đâu, vào cái tuổi gần 60 (năm 1998), Phạm Công Thiện có thể viết một cuốn sách chỉ dẫn, đại ý là làm thế nào để trở thành bậc bồ tát rực rỡ khắp bốn phương.
Tôi cho rằng, để đạt đến ngưỡng thượng thừa của sự cuồng ngôn này, hẳn tâm lý sáng tạo của Phạm Công Thiện có sự đặc biệt hơn người. Bởi một nhà thơ, nhà tư tưởng hay triết gia bình thường không ai dám viết vậy. Và sự thật cũng đâu có dễ lộng như vậy. Cho nên, sự đặc biệt hơn người này của Phạm Công Thiện cần chỉ ra để độc giả có thể thông hiểu, chia sẻ, hay chí ít, cũng có thể bắt chước để “tàng tàng” nói theo.
Tôi viết những điều này không có ý gây hấn với những bài viết bày tỏ niềm thương cảm khi Phạm Công Thiện chết, vì thương tiếc thầy tôi, bạn tôi, thần tượng của tôi… là lẽ bình thường. Tôi viết là để tỏ sự thất vọng khi chưa thấy một vài viết có tính nghiên cứu hay phê bình nào cắt nghĩa hiện tượng; tâm lý; văn bản… của Phạm Công Thiện - những viên gạch làm nên một tác giả.
Sự thất vọng này mang tính dây chuyền. Vì trước đây, khi Bùi Giáng và Trịnh Công Sơn chết - 2 hiện tượng khác, tôi cũng trông chờ mỏi cổ, cho đến tận ngày hôm nay, sau hơn 10 năm, vẫn hiếm thấy những bài viết phân tích, xoáy vào các “viên gạch” của tác giả.
Trong vài trăm bài viết về Trịnh Công Sơn, chỉ có 3-4 bài mang tích phân tích, nhưng cũng chỉ dừng lại ở hiện tượng và ca từ, chứ chưa đụng đến nghệ thuật viết ca khúc. Bùi Giáng thì càng khan hiếm hơn, dù bài viết về ông cũng nhiều, nhưng cũng chỉ dừng lại mức độ nhớ thương, kể công hoặc giai thoại, chỉ có 1-2 bài đi vào nghệ thuật ngôn ngữ thi ca.
Nay thì một hiện tượng nữa của Sài Gòn trước 1975 ra đi, cũng đã có cả trăm bài được viết ra kể từ ngày ông mất, nhưng chưa có bài nào cắt nghĩa được lâm lý sáng tạo của Phạm Công Thiện. Mà khi không cắt nghĩa được hiện tượng tâm lý như kiểu Phạm Công Thiện, thì làm sao hiểu được các văn bản bất thường của ông. Mà khi không hiểu được các văn bản, thì làm sao thấy hay, thấy lạ… mà kính phục, nghĩ lại, quả là lạ.
-------------------------------------------------------------
*Đây là trang Blog cá nhân của Viết Với Nhau. Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á châu Tự do RFA
Bài bình luận
Hiên tượng Phạm Cong Thiên.