Chửi là một phản ứng không xấu nếu đặt nó đúng bối cảnh. Nhưng chắc chắn, chửi không bao giờ mang lại năng lượng tích cực cho cả người nghe và người đang chửi, nếu không muốn nói hành vi này sẽ mang lại nhiều hệ lụy tiêu cực. Thế nhưng đụng tới là chửi, đúng chửi, sai chửi, không đúng không sai cũng chửi... ấy mới đau, mà đau hơn nữa là người ta xem sự chửi như một thứ năng lượng tích cực cho phát triển xã hội.
Hình ảnh chửi có tính kinh điển nhất, có vẻ như Chí Phèo, một anh nông dân thoái hóa nhân dạng sau bao đau khổ của cuộc đời, đã biến thành một con người có gương mặt dị hợm, say bét nhè và vừa đi vừa chửi, gặp anh Chí thì cách gì cũng nhìn thấy một người say rượu vừa đi vừa chửi, dáng đi xiêu vẹo và sẵn sàng rạch mặt ăn vạ.
Không biết ngẫu nhiên hay vấn đề có tính thừa kế lịch sử, mà người Việt, cụ thể là dân tộc Việt trong thời gian gần đây có lượng tiêu thụ rượu bia nằm trong top hàng đầu thế giới, khả năng nhậu của người Việt là vô đối. Vui nhậu, buồn nhậu, không buồn không vui cũng nhậu, có chuyện gì nhậu, không có chuyện gì cũng nhậu, chán đời nhậu mà yêu đời cũng nhậu... Bạn bè gặp nhau, nếu hơi thân một tí thì cách gì cũng hẹn đi nhậu, nếu không thân nhưng đang muốn gầy độ thì cũng rủ nhậu... Khả năng ngồi cà kê dê ngỗng của các ông, các bà trong quán nhậu có thể kéo dài từ chiều tới khuya, từ khuya tới sáng. Và sau những cuộc nhậu, nếu không có xỉ vả nhục mạ một ai đó thì cũng có mang đồng đội, đồng môn, đồng chí ra ăn thịt.
Thứ mồi nhậu ngon nhất của bợm nhậu lại là chính bạn bè, người thân hay một ai đó không may mắn trong cuộc đời. Tất cả những thứ ấy như là mồi mới, làm cho bàn nhậu trở nên xôm tụ, khí thế và hưng phấn... Trong trường hợp khác, việc chửi trực tiếp hoặc mang một ai đó ra chửi sau lưng cũng là chuyện đáng nói.
Thời đại mạng xã hội phát triển, người ta nhậu nhau trên mạng xã hội. Mặc dù trên các trang mạng chả có quán nhậu hay rượu bia gì nhưng người ta vẫn say và chửi bới không kém ngoài đời thực, thậm chí chửi bới, mạt sát, mạ lị nhau không tiếc lời.
Trường hợp bà Phương Hằng mạ lị, mạt sát nhiều người, dùng ngôn ngữ chợ búa để phổ biến cái sự chửi bới, mạ lị của mình và được vỗ tay tán thưởng cứ như thánh nhân phát ngôn ở Bình Dương vừa qua là một bằng chứng của việc con người rất ưa chửi bới. Vì chửi bới là một thứ bản năng tiềm ẩn, là thứ thuốc hưng phấn và hơn hết, chửi bới là bản chất của không ít người nên việc nghe ai đó chửi ai đó rất dễ đồng cảm cho ai đó. Và khi cái “ai đó” này là một đám đông thì các tràn pháo tay liên tục nổ ra và tiếp theo là quá trình chuyển hóa thần tượng, chuyển người chửi bới thành thần tượng.
Nhưng chí ít, kẻ chửi và người nghe ở đây cũng thuộc thành phần có thể phân loại được, tức kẻ chửi bới rất chuyên nghiệp, người nghe cũng rất rỗi hơi, đôi bên gặp nhau, trở thành một hệ thống chạy có hợp tác, có nhịp nhàng, có phách có điệu.
Buồn cười là những người lạc phách, lạc điệu sa đà vào chửi bới, phanh phui người khác và câu đám đông đứng về phía mình bằng cách chửi một ai đó vô tội vạ. Có một luật chơi mà người nào muốn sống tử tế cũng đều phải tuân thủ, đó là anh không thích thì anh có quyền từ chối, khước từ, thậm chí từ chối gặp mặt... Nhưng anh không được phép mạ lị hay chửi bới người khác một cách vô tội vạ. Bởi khi có hành vi đó, chỉ chứng tỏ anh thuộc tuýp người hạ đẳng.
Thế nhưng gần đây, việc chửi bới, bươi móc đời tư của ai đó trở nên dễ dàng và dễ dãi, thích thì bươi, thích thì chửi. Vì sao lại có chuyện quái đản ấy?
Vì thứ nhất, nền tư pháp của Việt Nam là nền tư pháp hết sức buồn cười, nó được sắm ra không phải để bảo vệ quyền con người mà để bảo vệ một cái gì đó có lợi cho nó. Hay nói khác đi, nền tư pháp Việt Nam là một loại tư pháp thương mại, tư pháp công ty, nó chỉ giúp cho những người làm việc với nó, mượn nó để làm việc trở nên béo tốt. Về mặt bản chất, nó không phải nền tư pháp mặc dù nó vẫn mang danh nền tư pháp.
Chính vì sự lỏng lẻo của nền tư pháp nên những vụ kiện có liên quan đến danh dự cá nhân, đạo đức cá nhân hay một yếu tố nào đó mang tính cá nhân đều là những vụ không đi đến đâu nếu chủ nhân của lá đơn kiện không phải là người có nhiều tiền. Trong một số trường hợp, có nhiều tiền vẫn không đi tới đâu mà muốn kiện, phải có thật nhiều tiền. Lúc đó, đồng tiền sẽ phân định thắng thua cho vụ kiện chứ không phải công lý. Chính vì nền tư pháp ầu ơ nên chả ai dại gì mà đi kiện khi bị người khác chửi, người ta lựa chọn hoặc là im lặng, hoặc là vác bom xăng tới nhà, vác mã tấu tới nhà... chứ không ai vác đơn ra tòa. Bởi người ta không tìm thấy công lý ở đó.
Mà trong cuộc đời này, người chấp nhận thua, im lặng thường là người thấp cổ bé miệng. Thế gian không thiếu người thấp cổ bé miệng nên những kẻ ưa mạ lị người khác dễ dàng phát triển, nó phát triển cho đến khi chạm vào điểm cực đại của nó, ví dụ như có một kẻ vác hung khí tới nhà hoặc một kẻ giàu có đủ tự tin để vác đơn ra tòa.
Chính vì vậy mà cơ hội chửi nhau tại những quốc gia có nền tư pháp kém thường rất cao, nó ngược với các quốc gia có nền tư pháp ổn định, nghiêm túc, chuyện chửi người khác, mạ lị người khác là chuyện có liên quan đến pháp luật, có thể bị phạt bằng các chế tài.
Đương nhiên không chỉ vì pháp luật mà người ta có hoặc không ưa chửi nhau, mà vấn đề căn cốt vẫn là bản chất, căn tính của tộc người, của dân tộc và môi trường sống, đặc biệt môi trường văn hóa. Trong một môi trường văn hóa lành mạnh, môi trường xã hội tốt đẹp thì khả năng chửi nhau của con người sẽ được giảm thiểu.
Một đất nước trải qua quá nhiều chiến tranh, mất mát và sống trong bầu không khí ngột ngạt bởi các yếu tố chính trị, xã hội, thân phận tự do con người... như Việt Nam thì khả năng chửi nhau, khả năng thích chửi và bản năng chửi, từ việc chửi bới bâng quơ do mất con gà, con vịt cho đến việc chửi bới cụ thể một kẻ nào đó đã đạp mình sát đất hoặc chửi bới những thối nát lịch sử đã đưa đẩy thân phận con người đến chỗ đen tối... Tất cả như một thứ phản ứng tự nhiên của con người trước bối cảnh, thực tại.
Mọi yếu tố đều có tính cộng hưởng, “hun đúc” nên tính ưa nhậu, ưa chửi, càng nhậu càng chửi, càng chửi càng nhậu, cho đến lúc không cần nhậu vẫn có thể chửi, chửi một cách chữ nghĩa, trí thức, nghe cứ như văn hóa. Văn hóa... chửi!
Bài bình luận gần đây