You are here

Dân ta chống dân mình cứ như chống ngoại xâm

Chừng nửa tháng nay, cau lên giá, giá cau khá là cao (thực ra, giá cau đã cao rất lâu với mức giá từ 100,000 đồng đến 120,000 đồng mỗi ký lô. Nhưng đó là giá của thương lái mua của nhà buôn, còn với người nông dân, giá từ 60,000 đồng đến 70,000 đồng mỗi ký lô là mừng như mở cờ trong bụng rồi), người nông dân chưa kịp mừng vì điều này thì có hàng trăm mối lo, mà mối lo nào cũng đáng sợ, lo nạn trộm cau, lo Trung Quốc quay xe, lo nhà buôn chơi xỏ. Sao lại phải lo nhiều đến vậy?!

Có thể nói rằng hiếm có quốc gia nào có nhiều trộm cắp như Việt Nam, hễ thứ gì có tiền thì liền có ngay loại trộm của thứ đó, từ trộm con gà, con lợn, con chó cho đến bao lúa, buồng chuối, buồng cau và cả khoáng sản. Nhưng chưa dừng ở đó, người ta còn dám trộm cả tài sản quốc gia, báu vật quốc gia và trộm cả ngân hàng nhà nước, trộm thuế dân... Dường như không có thứ gì là khộng có trộm, nhỏ trộm nhỏ, lớn trộm lớn... Và cách chống trộm của Việt Nam cũng không giống ai.

Có quốc gia nào dám chống trộm nhà nước bằng cách đốt cả một cái lò lớn gọi là Lò Chống Tham Nhũng và các quan chức trộm tài sản quốc gia trở thành cây củi, củi cháy liên tục gần nửa thập kỉ mà rừng càng lúc càng thêm xanh, không có dấu hiệu suy suyễn?!

Và, chuyện người dân với nhau, có lẽ cách chống trộm tại Việt Nam cũng không giống ai, đôi khi thử đặt câu hỏi rằng đây là chống trộm hay chống cướp, hay chống giặc? Thì câu trả lời cho cả ba đều đúng, nói chống trộm cũng đúng, chống cướp cũng đúng mà chống giặc cũng đúng nốt.

Chống trộm, vì trộm liên tục vào phá phách, bắt trộm chó, hái trộm cau, người ta buộc phải giữ chó, rào cây cau lại để giảm bớt mức độ leo trèo, giảm bớt nguy cơ mất trộm. Nhưng nếu rào bằng gai tre thì chẳng ăn thua gì, bởi trộm cho bẻ tre, tháo tre để leo và mất vẫn cứ mất. Người ta lại cho rào bằng dây điện, tức ban đầu là giăng dây thép trần rồi nối điện vào, trộm trèo lên thì bị giật. Nhưng rồi trộm cũng nghĩ cách mặc quần áo cách điện, cắt nguồn điện trước khi thâm nhập... Như vậy, kế hoạch giăng điện coi như không hiệu quả, cau vẫn mất, hơn nữa, có nguy cơ ở tù nếu như chết người.

Thế nhưng người ta vẫn chọn cách này, và ác liệt hơn, đó là “bẫy điện”. Tức các dây điện vẫn giăng, nhưng không giăng thành một hàng rào dưới đất nữa mà giăng trên ngọn cau, dây kim loại bóc trần chứa điện được quấn vào các chuôi buồng cau, khi nào trộm trèo lên tới nơi, dùng dao thép cắt vào buồng cau thì mới bị giật, bị rớt. Và người giăng bẫy điện cũng nghĩ đến một câu trả lời khi bị chất vất vì tội “giết người” rằng giăng điện để bẫy chuột và cùng lắm thì bị tội ngộ sát. Thậm chí nếu phát hiện kịp thời, người ta rút dây điện hết rồi mới hô hoán lên.

Chuyện này từng xảy ra nhiều lần, trước đây sen bị mất nhiều quá, người ta cũng phòng chuyện “chuột ăn hết sen”, vậy là giăng dây điện chung quanh ao sen theo kiểu dây tình cờ rớt xuống chạm phải dây thép làm sườn căng giấy nilon đen giữ chuột, điện chạm vào đó, ban đêm, người ta lội phải và bị điện giật, chết. Đã có nhiều người do “tình cờ đi dạo” ban đêm vào các ao sen của người ta và vấp phải dây điện “tình cờ rơi xuống đất, vướng vào bẫy chuột” và chết nhăng răng đúng nghĩa, sáng mai ra, người ta bắt gặp “người tình cờ đi dạo ban đêm ở ao sen” đứng chết, cười khô rang. Chuyện này hình như báo chí nhà nước không đăng bao giờ, thời chưa có mạng xã hội, nó xảy ra như cơm bữa, giờ người ta tinh vi hơn, cả người giăng bẫy và kẻ trộm đều tinh vi hơn nên ít xuất hiện trên báo. Và có thể là không xuất hiện vì lẽ, kẻ trộm lỡ chết thì đồng bọn sẽ tìm cách mang về chôn, báo tử theo hướng “trúng gió” hoặc “tai nạn nghề nghiệp” nào đó và không ai biết vì nghề nghiệp gì mà chết nhăng răng. Còn chủ vườn thì im re, không nói gì, dại gì đi nói mình từng đặt bẫy chết người!

Nhưng rồi cái bẫy này cũng thành “nguy hiểm”, bởi hiện tại, nó liên quan đến hợp đồng sử dụng điện, nếu anh sử dụng điện không đúng mục đích thì rất có thể bị công ty điện lực cắt hợp đồng, người ta chuyển sang bẫy bằng lưỡi lam. Tức một chiếc lưỡi lam được bẻ làm hai mảnh, hai mảnh ấy được cắm ngược vào thân cau, đưa mặt bén ra ngoài, chạy dọc theo thân cao. Mỗi cây cau được giắt ít nhất cũng hai chục cái lưỡi bén như vậy. Vị chi mỗi cây cau tốn chừng mười ngàn đồng tiền lưỡi lam, bằng chưa đầy 20% giá một ký cau, trong khi đó, mỗi cây cau cho thu hoạch ít nhất cũng hai chục ký trái.

Vì giá thành rẻ, hiệu quả, nên hầu hết dân Quảng Ngãi (quê hương Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Chủ tịch Trần Đức Lương và hiện nay là cựu Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình) đều dùng các bẫy lưỡi lam để giữ cau.

Bẫy lưỡi lam chỉ tốn tiền mua lưỡi làm một lần và càng ngày càng phát huy tác dụng bởi lưỡi lam hoen gỉ do mưa nắng, mức độ sát thương càng tàn khốc hơn. Mà với bẫy lưỡi lam, nhẹ thì cũng thương tật vĩnh viễn đôi chân, nặng thì chết người. Bởi khi trèo cao, người trèo ôm cây cau, miết nài dưới chân mà bu lên ngọn, hái xong thì xách buồng cau (chứ không được thả, thả thì rụng hết trái, mất giá trị), kẹp cứng hai đùi vào thân cau và ôm ghì cây cau mà tuột xuống. Khi đi lên có thể chưa hoặc ít nguy cơ dính bẫy vì người ta lên bằng nài, chỉ kẹp hai bàn chân mang giày vào nài và bó lấy cây cau, tay mang găng mà vịn vào thân cau đi lên. Nhưng khi đi xuống, với bao nhiêu tốc độ, bao nhiêu độ bám, bao nhiêu nhanh nhẹn thì hứng trọn giàn lưỡi làm trong thân cau, nhẹ thì đứt các cơ tay, cơ chân dẫn đến thương tật vĩnh viễn, nặng thì đứt động mạch chủ hai bên đùi (nơi áp vào cây cau khi tuột xuống) và khó bề sống sót!

Biết là nguy hiểm, chết người nhưng vì sao người ta vẫn làm? Bởi vì nếu muốn giữ cau, người ta phải làm thế, cũng giống như muốn giữ vật nuôi như trâu, bò, chó, người ta phải biết chống trộm như chống giặc, bởi một khi trộm phản ứng, có thể giết chết chủ nhà, nhiều người vì đuổi theo kẻ bắt chó trộm đã bị kẻ trộm dùng súng bắn lại dẫn đến tử vong hoặc thương tích. Thế nên mới có chuyện cả làng đánh hội đồng kẻ trộm chó cho đến chết, khi tòa kêu án, cả làng kéo nhau đi hầu tòa, ai cũng nhận có đánh nhưng không đánh chết.

Với kẻ trộm cau cũng vậy, khó mà biết được mức độ nguy hiểm của kẻ trộm, bởi leo lên cao, mức độ rủi ro, bị bắt rất cao nên việc chống chế để bỏ chạy cũng rất cao, thậm chí không ngoại trừ giết người. Thế mới có chuyện chủ vườn cau ra đứng la làng vì vườn cau có trộm, dân làng chạy tới thì thấy chủ vườn đã chết, kẻ trộm biến mất tiêu. Những trường hợp như thế, vì uy tín của an ninh xã, nó sẽ bị chìm xuồng, xem như chết vì trúng gió, chứ nếu phanh phui thì công an, chính quyền muối mặt, biết chui vào đâu.

Chính vì những oan ức và khốc liệt như vậy mà việc chống trộm tại Việt Nam cũng chẳng khác nào chống cướp và chống giặc ngoại xâm, khó mà phân biệt đâu là chống trộm, đâu là chống cướp và đâu là chống giặc ngoại xâm, ngay trong nước với nhau thôi, nhưng có ngày nào yên vì trộm và chống trộm!