Đến thời điểm này, không cần phải hiểu câu hỏi này theo nghĩa hẹp, có nội dung giới hạn trong địa hạt chính trị nữa, mà phải hiểu rằng chính trị phổ quát đã chi phối toàn bộ đời sống vật chất và tinh thần của Việt Nam gần một thế kỉ nay. Cho đến lúc này, mọi ngóc ngách chân tơ kẽ tóc đều mang bóng dáng của nền chính trị Cộng sản. Và vấn đề cần đặt ra lúc này là đảng Cộng sản Việt Nam đang ở đâu? Việt Nam đang ở đâu trên tiến trình nhân loại?
Đầu tiên, nói về đảng Cộng sản, gần đây nhất, có lẽ phải nhắc đến cuộc đảo chính của Tô Lâm trước Nguyễn Phú Trọng, đây là một cuộc đảo chính ngoạn mục và tập trung quyền lực về tay Bộ Công An, tập trung sức mạnh về phe nhóm Hưng Yên, trong đó, quyền lực của hai bang phái khác là Hà Tĩnh và Nghệ An đang rơi vào khủng hoảng bởi sự khống chế của phe Hưng Yên.
Điều này không phải tự dưng mà có, mà là do nguyên tắc chơi, luật chơi của mâm thịt chó mà ông Nguyễn Phú Trọng đặt ra, thực hiện sau khi hất cẳng Nguyễn Tấn Dũng nhưng vẫn cứu và giữ lại Tô Lâm sau vụ lùm xùm Mobifone - AVG. Trong vụ này, nếu ông Trọng không cứu, thẳng tay chặt củi thông qua lưới lọc Ban Bí Thư thì Tô Lâm không có đường sống sót. Vì Ban Bí Thư thuộc về phe nhóm Nghệ An và Hà Tĩnh, cả hai bang phái này đều là thân cận của Nguyễn Phú Trọng và họ thừa biết phe nhóm Hưng Yên với Tô Lâm (con trai Tô Quyền) làm đầu lĩnh là một bang phái khó nhai nhất, nếu có cơ hội thì họ triệt tiêu để rộng đường hoạn lộ.
Thế nhưng Nguyễn Phú Trọng lại cứu mặc dù Trọng thừa biết Lâm là đệ tử thân tín của Dũng, nhiều phen Trọng phải đi thẳng từ Phủ Tổng Bí Thư về Bộ Quốc Phòng để ngủ qua đêm trong thời gian Dũng đang tác oai tác quái mà trong đó, Lâm là trợ lực mạnh nhất, là thanh kiếm của Dũng. Nhưng, Trọng biết Lâm là người biết việc, hơn nữa, cứu Lâm thì mới xây dựng được một chuỗi quyền lực liên đới, tức sau khi được cứu, được làm Bộ Trưởng Công An, được vào Ủy viên Trung ương và hơn nữa, được phò tá cho Trọng trong việc đốt lò, thì xem như ân oán được giải quyết, Lâm phải phò Trọng vì trả ơn mà cũng vì mượn tay Trọng để củng cố quyền lực. Chính việc Lâm mượn tay Trọng để củng cố quyền lực đã khiến cho nhóm Nghệ An và Hà Tĩnh giảm bớt độ quậy phá cũng như ý định tạo phản sẽ chậm hơn, yếu hơn. Ghế của Trọng an toàn hơn, chiêu “dĩ độc trị độc” được Trọng dùng hết sức hiệu quả.
Với việc cân đối quyền lực như vậy, Trọng có thể ung dung bước vào nhiệm kì Tổng Bí thư lần thứ ba.
Tuy nhiên, trong hệ thống, có một thứ quy luật con người không tránh được, đó là luật tử sinh, Trọng đã quá già, lại lâm bệnh, với cơ thể què quặt, mệt mỏi, nằm điều trị ở phòng Hồi sức tích cực mà vẫn còn ung dung nắm quyền điều hành, vẫn còn hô mưa gọi gió bởi phép cân đối quyền lực, dùng Tô Lâm làm lá chắn và thanh kiếm để đảm bảo quyền lực... có vẻ như không phù hợp. Bởi đâu riêng Trọng ham quyền lực, Lâm cũng ham vậy. Và bằng chứng là Trọng chết, Lâm thay thế vào ghế Tổng Bí thư một cách ngoạn mục đến độ có rất nhiều đồng chí há hốc và té ngửa.
Sở dĩ Lâm thành công bởi Lâm nắm rõ qui luật mạnh thì thắng, yếu thì thua, Lâm nắm rõ đối phương. Trong một thể chế chính trị, kẻ nắm quyền mà đi đái cũng không nổi thì cách gì cũng bị đảo chính, người đảo chính lại là nhân vật thân cận, cánh tay đắc lực. Bởi đó là sự thay thế tự nhiên, cây nào gần gốc cổ thụ mục nhất, cây ấy sẽ mọc lên thế chỗ của đa đề.
Mở rộng ra, vấn đề Việt Nam, trong một cơ thể quốc gia, dân tộc, với một đảng độc tài, độc quyền suốt gần một thế kỉ nay ở miền Bắc và ngót nghét nửa thế kỉ ở miền Nam, mọi thứ đều qui về một mối, từ giáo dục, văn hóa, kinh tế, cho đến chính trị đều thuộc về đảng Cộng sản trên nền tảng tư tưởng xã hội chủ nghĩa, hay nói khác đi là chủ nghĩa xã hội được dùng làm kim chỉ Nam cho dân tộc... đến nay như thế nào?
Từ mọi ngóc ngách xã hội, yếu tố cạnh tranh, kèn cựa, đấu tố và dùng thủ đoạn với nhau đã đến mức phổ biến, không còn kiềm chế được. Từ những đứa trẻ cờ đỏ, sao đỏ trong trường học, từ những người lớn trong cơ quan, từ những đứa học sinh giỏi trong đội tuyển tìm cách đấu đá, loại bỏ nhau nhằm mục đích chiếm ngôi vị số một trong đội hình... Tất cả đều do tư duy độc đoán, độc tài, không chấp nhận người khác hơn mình mà ra. Và để đảm bảo được sự xấu xa, sự kèn cựa, những đứa trẻ đeo khăn quàng đỏ không ngại ngần đấu tố, vu khống và chụp mũ, dựa hơi chính trị (Đoàn - Đội) để đẩy nhau xuống vực. Chuyện này xảy ra nhan nhản trong môi trường giáo dục Việt Nam. Những đứa trẻ không có chỗ chống lưng thì đâm ra bất mãn và nổi loạn, những đứa dựa hơi chính trị thì thỏa sức lập phe nhóm để ép đứa khác. Thử hỏi, những đứa trẻ này khi lớn lên với lý lịch đỏ mà chúng có được trong suốt 12 năm học phổ thông cùng với vài năm đại học sau này, chúng sẽ làm gì, sẽ hành xử như thế nào? Chắc không cần nêu câu trả lời.
Thượng tầng có đấu đá, kèn cựa theo kiểu thượng tầng, hạ tầng có kiểu đấu đá và kèn cựa theo hạ tầng. Người lớn có âm mưu, thủ đoạn của người lớn, trẻ con có âm mưu và thủ đoạn của trẻ con. Điều đó cho thấy xã hội đang ở cao trào băng hoại.
Thử xét lại lý tưởng xã hội chủ nghĩa, rõ ràng, đây là một lý tưởng đẹp mà Mác đã vẽ ra cho nhân loại, Mác tìm sự công bằng, Mác chống bất công, Mác chống người bóc lột người và Mác mơ ước một thiên đường xã hội chủ nghĩa. Quan trọng nhất, là Mác đã đúng, vì Mác bảo rằng tất cả các thể chế Tư Bản chỉ là một dạng thể chế quá độ lên xã hội chủ nghĩa. Và điều đó rất đúng khi nhìn lại Đan Mạch, Thụy Sĩ, Hà Lan, các nước Tây Âu và Mỹ. Họ mặc dù mang nhãn mác Tư Bản nhưng họ có hẳn một thiên đường xã hội chủ nghĩa trong cái vỏ tư bản ấy.
Một thiên đường xã hội chủ nghĩa mà ở đó, tù nhân được tắm nắng trên ghế nệm, được ăn uống nghỉ ngơi, được lao động theo mức độ cho phép của pháp luật và họ được xem mọi chương trình truyền hình... Chữ tù nhân được định nghĩa là mất tự do trong giới hạn quyền công dân chứ không mất tự do trong giới hạn quyền làm người. Điều đó đang diễn ra tại các nước tư bản.
Cũng như một thiên đường mà ở đó, sự công bằng được bảo đảm, bảo chứng và quyền làm người, quyền tự do được tôn trọng, tài năng được trọng dụng. Cái quyền ấy, giá trị ấy đang diễn ra ở các nước tư bản.
Điều đó ngược hẳn với khái niệm “quá độ” của các nước xã hội chủ nghĩa đương thời. Bởi vì ở các nước xã hội chủ nghĩa, thực tại của nó không hề có quá độ, như Trung Quốc, Cu Ba, Việt Nam chẳng hạn, ở đó chỉ có độc tài, đấu đá chính trị, đấu đá quyền lợi và kèn cựa địa vị, ở đó quyền tự do, quyền làm người bị đánh tráo với thân phận chính trị, hễ cứ là đảng viên, đoàn viên thì được xem là người đàng hoàn, tử tế mặc dù họ đi lên, phát triển trên nền tảng kèn cựa, đấu đá, thủ đoạn và tâm tính nhỏ mọn. Đó là một thực tế.
Nếu xét đúng bản chất và đừng đánh tráo khái niệm, thì phải thấy rằng Cộng sản nói chung và Cộng sản Việt Nam nói riêng, hiện tại đang bước vào giai đoạn di căn của chứng ung thư chính trị. Tức các tế bào đạo đức, tử tế, nghiêm túc và tiến bộ đang bị các dị tế bào mang đầy mặc cảm, tội lỗi, giả dối, đội lốt, âm mưu, thủ đoạn và hẹp hòi lấn át. Nó đã di căn từ kiến trúc thượng tầng cho đến cơ sở hạ tầng.
Và, Tô Lâm với tư cách một người cầm trịch, lãnh đạo quốc gia, lãnh đạo tối cao của đảng Cộng sản, chắc chắn ông sẽ nhìn thấy và phải nhìn thấy điều này. Bởi nếu ông không nhìn thấy, thì tốc độ di căn của bệnh xã hội sẽ không chừa một ai, kể cả ông.
Vấn đề hiện nay là nên chọn cơ thể đã di căn này để tiếp tục nuôi nó sống và xem nó là chủ nhân ông, là gia chủ của văn hóa/văn minh dân tộc hay là chọn một cơ thể lành mạnh hơn để đại diện và chủ nhân ông của văn hóa/văn minh dân tộc?!
Lịch sử là do một dân tộc hun đúc, nhưng làm nên bước ngoặc lịch sử lại là việc của một cá nhân, bởi nó mang tính độc sáng, nó siêu vượt theo tiến trình của nhân loại.
Bài bình luận gần đây