You are here

ĐẢNG TAI GẤP VẠN THIÊN TAI

Ảnh của nguyenhuuvinh

Cơn bão và trận lụt lịch sử

Đến nay, cơn bão Yagi đã tràn qua Miền Bắc Việt Nam đúng 20 ngày. Cơn bão này được xác định là cơn bão hiếm có trong lịch sử mấy chục năm nay với sức gió mạnh và sự tàn phá khủng khiếp của nó.

Hậu quả của cơn bão gây ra cho người dân về của cải và tính mạng là con số không hề nhỏ. Hàng trăm người chết, cả ngàn người bị thương, hàng triệu người đã chịu ảnh hưởng, thiệt hại về của cải, tài sản…

Hai mươi ngày đã qua, những người chết dưới sông Thao do sập cầu Phong Châu vẫn còn chưa tìm thấy, nhiều người mất tích trong các vụ sụt lở đất đai vẫn chưa biết tăm hơi. Cảnh màn trời chiếu đất vẫn còn là nỗi lo của những người dân vùng lũ lụt ở các tỉnh miền núi phía Bắc…

Tất cả những điều đó vẫn còn, vẫn chưa chấm dứt nhưng đã không còn liên tiếp là những tiếng kêu khẩn thiết trên mặt báo, trên mạng xã hội như những ngày trong cao điểm của cơn bão đổ bộ vào đất liền cho đến khi nó rời đi. Cả xã hội lại hối hả với bao nhiêu bận rộn khác đời thường, những chuyến hàng cứu trợ đã dần dần ít đi, những tấm lòng đầy trắc ẩn đã dần dần bớt đi sự năng nổ để dành cho những vấn đề khác, là cơm, áo, gạo, tiền… ngày ngày đổ vào đời sống người dân.

Người ta lại hối hả để lo lắng những nỗi lo mới, những vấn đề cấp bách mới mà liên tục xảy ra trong xã hội Việt Nam từ mọi nguồn khác nhau.

Trên phương diện nhà nước, người ta thấy Tổng bí thư đảng kiêm Chủ tịch nước kéo theo bầu đoàn thê tử rầm rộ, tung tẩy đi NewYork dự Đại hội đồng Liên hợp quốc. Thế rồi tiện đường, đoàn này lại mang gạo sang thăm Cuba “anh em” như mọi bận. Lần này là con số 10.000 tấn gạo của người dân Việt Nam, được tổng bí thư đưa sang để tặng Cuba làm người dân ngỡ ngàng, cứ tưởng Cuba vừa qua đại nạn nào ghê gớm lắm chắc chắn là phải hơn cả bão Yagi tại Việt Nam?

Trong khi đó, những vấn đề mà cơn bão Yagi đặt ra vẫn còn nguyên ở đó, việc giải quyết hậu quả của nó, vẫn là một vấn đề nặng nề. Các hãng thông tấn quốc tế vẫn đưa tin các quốc gia, các tổ chức từ thiện đang hướng sự quan tâm của họ đến nạn nhân trận bão lụt vừa qua tại Việt Nam. Họ vẫn tiếp tục vận động và gửi tiền bạc, dụng cụ, quần áo chăn màn cũng như các phương tiện giúp người dân vùng lũ sớm ổn định cuộc sống của mình.

Và một điều luôn luôn mới trong xã hội Việt Nam liên quan đến “Thiên tai”, đó là câu hỏi: Trách nhiệm.

Trách nhiệm thuộc về ai?

Năm 2008, một trận lụt cuối mùa vào cuối tháng 10 nhấn chìm Hà Nội với hàng chục người chết. Trong khi đó, hệ thống lãnh đạo Hà Nội do Phạm Quang Nghị và Nguyễn Thế Thảo đứng đầu đã vô cảm tập trung họp để “rút kinh nghiệm” về việc cướp hai khu đất của Giáo hội Công giáo là 40 Nhà Chung và Nhà thờ Thái Hà. Cuộc họp ấy kéo dài cả mấy ngày, không một lãnh đạo nào thò cái mặt ra để biết nỗi điêu linh khốn khổ của người dân.

Cho đến khi nước trắng đồng, dân chết mấy chục người lớn và trẻ con, Phạm Quang Nghị mới đến Đồng Chiêm và đã nói câu nói để đời rằng: “Dân bây giờ không giống dân ngày xưa, cứ ỉ lại, cái gì cũng chờ cấp trên chứ không chịu đem sức ra mà làm” để chống bão lụt.

Thái độ và câu nói của Phạm Quang Nghị lập tức như đổ thêm dầu vào đống lửa lòng dân đang cháy, tạo nên cơn phẫn nộ bùng phát trong dư luận xã hội. Bởi chẳng ai không biết rằng việc phòng, chống bão lụt, thiên tai, địch họa và dịch bệnh là việc của cả xã hội, cộng đồng với vai trò nhà nước. Không ai có thể môt mình chống bão, không ai đắp nhà mình lại để tát nước sang hàng xóm khi lũ lụt, không một khu phố nào dùng máy bơm để bơm sang khu phố khác chống lụt được cho mình…

Ở đó, vai trò của nhà nước phải là chủ đạo.

Và với sự phản ứng dữ dội của dư luận, Phạm Quang Nghị đã phải lên xin lỗi công khai về câu nói và tư duy ngu xuẩn đó.

Trở lại trận bão Yagi năm nay.

Nói về lịch sử, như một quy luật của tự nhiên, những năm Giáp Thìn, thường có những cơn bão cực lớn và gây hại nhiều nhất so với thiên tai hàng năm. Điều này đã được báo chí và người dân tổng kết. Những năm Giáp Thình như 1844, 1904, 1964 có những cơn bão gây sự tàn phá khủng khiếp.

Có thể về cá nhân không lưu những dữ kiện hoặc không chú ý đến điều này, nhưng về mặt quản lý nhà nước, điều này phải được chú ý.

Cơn bão năm Giáp Thình 2024 năm nay, đã được thông báo trước bởi hệ thống Dự báo thời tiết Quốc gia về sức mạnh, về hướng đi và thời gian nó sẽ đổ bộ vào Việt Nam rất cụ thể.

Cơn bão đã cho thấy sức mạnh của nó, sự tàn phá khủng khiếp của nó trước khi đến Việt Nam. Những hình ảnh, video, những thông tin về cơn bão này đã được cập nhật liên tục trên báo chí nước ngoài, trên mạng Internet và người dân ở đâu cũng có thể thấy rất rõ.

Thế nhưng, hệ thống chính trị Việt Nam, từ Đảng đến Chính Phủ, Nhà nước đến Quốc hội và các đoàn thể trùng điệp mà đảng đẻ ra để cho dân nuôi đã làm gì trước nguy cơ cơn bão đến?

Ngoài những lời hò hét theo cách nhai lại mà hệ thống quan chức vẫn dùng. Rằng không để ai bị bão lũ gây hại, không ai bị bỏ lại phía sau… thì quan chức còn thêm được những câu chứng tỏ độ… ngu không hề nhỏ như Trần Hồng Hà, Phó Thủ tướng rằng: “Phòng chống bão với tinh thần không hối tiếc”. Câu nói làm ngã ngửa cả thiên hạ bởi cái sự lạ, cái sự tối nghĩa và cái sự hài hước của nó từ miệng quan chức lãnh đạo đất nước.

Thế rồi khi bão đến, hầu như phía nhà nước, chính phủ đã bất động, để mặc người dân chống chọi với cơn bão bằng mọi khả năng có thể. Họ nương tựa vào nhau, giúp đỡ nhau bằng mọi cách có thể và bằng mọi khả năng có thể. Tịnh không hề thấy vai trò của đảng và nhà nước ở đây.

Người ta không hề thấy sự chuẩn bị phương tiện, thiết bị, vật liệu, hàng hóa hay lương thực thực phẩm để ra quân cứu hộ người dân trong bão lụt. Đến khi hàng loạt thành phố, làng mạc bị ngập chìm trong nước, bị cô lập bởi mất điện, mất nước, chia cách giao thông… Những đoàn cứu trợ của người dân với nhau thiếu thốn đủ mọi thứ phương tiện và nguồn lực mà tịnh không hề thấy một chủ trương nào của đảng và nhà nước được triển khai.

Người dân phải dùng xuồng, dùng bè, dùng đủ mọi loại phương tiện tự chế, thậm chí cả Dron để đi cứu trợ. Khắp cả nước nhộn nhạo hướng về đồng bào đang bị bão lũ đe dọa, đang kêu cứu khẩn thiết.

Người dân ước ao có chiếc trực thăng để cứu hộ những nơi không thể đến mà không hề có. Những khu vực miề núi Lao Cai, nơi rừng chỉ còn là đồi trọc bị sạt lở lấp cả thôn, cả bản và bị cô lập, muốn đến đó nhanh chóng để cứu đồng bào đang bị chôn vùi dưới bùn đất, chỉ có thể mang con người và phương tiện đến bằng trực thăng. Nhưng, làm gì có sự xa xỉ ấy.

Những đoàn trực thăng được mua sắm, được đưa đi biểu diễn giúp Malaysia chữa cháy rừng cũng như mất tích và chờ đến khi bão lặng, sóng yên thì mới có vài chiếc thi hành nhiệm vụ chở thủ tướng đi… diễn màn khóc lóc.

Người ta không hiểu, khi mà chiến tranh không có, nhà nước đầu tư mua biết bao nhiêu thiết bị, máy bay, xe lội nước, trực thăng… Không chỉ quân đội mà còn có cả lực lượng không quân của Công an thì để làm gì mà không sử dụng để cứu tính mạng người dân trong thiên tai?

Phải chăng, họ chỉ có nhiệm vụ đàn áp dân là chính?

Một trận bão được báo trước, đổ bộ vào Việt Nam giữa ban ngày. Qua đó, cho thấy sự vô cảm, sự tắc trách và vô trách nhiệm của hệ thống đảng, nhà nước, chính phủ và đoàn thể tại Việt Nam.

Bởi, ai cũng phải biết rằng: Một hệ thống chính trị, nhà nước được sinh ra không phải chỉ để tham nhũng, để đàn áp dân và… để khóc mà thôi.

Sau bão, điều gì đã xảy ra?

Sau bão, là lũ lụt, là sạt lở đất, là ngâm cả thành phố, cả tỉnh và nhiều nơi dưới dòng nước lũ chảy xiết mang đi tất cả tài sản và thậm chí là tính mạng người dân, để lại bùn đất, rác rưởi và bệnh tật.

Khỏi phải phân tích nguyên nhân ngoài bão lũ thì có sự góp phần của con người, của chủ trương, chính sách của đảng và quản lý xã hội của nhà nước tạo nên những vùng đồi trọc và sạt lở, tạo nên thủy điện và phá rừng, trữ nước….

Chỉ thấy điều nhãn tiền, trực tiếp là cả một vùng rừng núi phía Bắc đã sạt lở rất đều, nhiều nơi những mảng đất đỏ phơi mình trên mạng bởi hình ảnh được chụp từ những chiếc Flycam đã cho thấy điều đó.

Và nhà cửa trôi, và cầu sập, và dân chết… là có thật.

Thế rồi cả xã hội hò nhau cứu trợ, giúp đỡ người dân trong vùng hoạn nạn. Còn chính phủ, khi đó mới đưa quân đội đến để đào đất tìm dân bị chôn vùi, rồi hò nhau làm nhà mới cho bản làng bị sạt lở vùi lấp…

Chiếc cầu Phong Châu bị sập từ ngày 9/9 vẫn còn nguyên tình trạng chia cắt, dù lũ đã rút từ lâu, dù bão đã đi gần 1 tháng. Cơ quan quân đội được giao nhiệm vụ bắc cầu phao đã khẩn trương đưa xe pháo, đưa quân cán và thiết bị đến đóng quân ở đó để… chờ nước rút cho dòng chảy thuận tiện mới có thể bắc cầu. Và gần 1 tháng người dân hai bên đầu cầu vẫn cách trở xa xôi bởi thời tiết chưa thuận.

Điều này đặt ra câu hỏi: Vậy thì nếu quân giặc tràn vào lúc nước chảy xiết, khi mực nước đang cao và dòng sông chưa thuận, thì Quân đội nhân dân Việt Nam cũng tập trung quân cho ăn rồi ngủ chờ nước rút mới bắc cầu phao để đánh địch sao?

Có thể nói rằng, trách nhiệm phòng chống thiên tai, chủ yếu là thuộc về nhà nước, chính phủ. Bởi chỉ có nhà nước, chính phủ mới đủ nguồn lực và huy động sức mạnh tổng hợp để làm điều mà không một tổ chức, cá nhân nào làm được.

Nhưng, ở đây, vai trò của nhà nước cũng chìm nghỉm bởi nước lũ.

Khi Mặt trận không chịu hoàn lương

Bão, lũ, lụt, ngập và đủ thứ tai họa đến với người dân, điều mà người Việt Nam ai cũng thấm, cũng thấy hàng năm và không cần tưởng tượng nhiều thì cũng hình dung ra được điều gì đang đến với đồng bào mình ở đó.

Thế rồi cả xã hội lại ồn ào về việc cứu trợ, một đề tài muôn thuở mỗi khi có bão lụt đến Việt Nam.

Hầu như, việc cứu trợ, giúp đỡ nạn nhân bão lụt hàng năm, đều được nhà nước giao phó cho toàn dân, nói theo ngôn ngữ của nhà nước là “Xã hội hóa”. Còn nhà nước chỉ đủng đỉnh đứng ngắm hoặc thỉnh thoảng biểu diễn vài màn lâm li bi đát mà thôi.

Tổ chức được nhà nước chăm bẵm bằng tiền dân, đó là Mặt trận Tổ Quốc có tổ chức từ trung ương đến địa phương, là một bộ máy hoàn chỉnh, trước đây được giao nhiệm vụ tiếp nhận và phân chia những sự ủng hộ và chia sẻ, giúp đỡ nạn nhân bão lụt từ nguồn lực thu được trong nước và nước ngoài viện trợ.

Thế nhưng, bao nhiêu năm trôi đi, bộ mặt của Tổ chức này đã bị vạch trần bằng những sự nhập nhằng, tham nhũng và ăn cắp ngay cả những đồng tiền nghĩa cử của người dân giúp nhau. Mà những vụ ăn cắp, tham nhũng đó không hề nhỏ.

Cái sự thiếu minh bạch là đặc tính của thể chế Cộng sản xưa nay, đã tạo ra cơ hội cho nhiều đảng viên, cán bộ hút máu xương đồng bào qua những đồng tiền nghĩa tình cứu trợ nạn nhân.

Vì thế nó đã mất uy tín, không còn lòng tin, đến mức vài năm trước, hễ ứ bão lụt là các cá nhân, ca sĩ và nhiều đoàn tự phát tổ chức mang tiền bạc và đồ cứu trợ đến tận người dân bị nạn.

Thế nhưng, điều đó không dễ dàng. Bởi các cá nhân không thể bao quát toàn bộ những khu vực bị nạn, thậm chí, nhiều khi họ làm việc thiện, việc tốt trong sự thù địch của chính quyền. Bởi họ đã làm mất đi miếng mồi hàng năm quan chức vẫn có cơ hội kiếm chác nhờ bão lụt.

 Và khi xuất hiện những vấn đề về cứu trợ, rồi công an điều tra, rồi truy vấn, rồi nghi ngờ… đã làm nản lòng những người kể cả có tấm lòng từ bi với những nạn nhân bão lũ.

Những tổ chức, hội đoàn tôn giáo, là những nơi tổ chức hoạt động thiện nguyện, từ thiện minh bạch, công tâm và hiệu quả nhất thì tiếc thay, lại không thuộc tổ chức nhà nước, nên không được khuyến khích.

Tất cả phải đổ về Mặt trận Tổ Quốc, đó là mục đích của nhà nước.

Nhưng, khi không còn tổ chức nào có thể đứng ra để cứu nạn nhân bão lụt, người dân kêu gọi Mặt trận Tổ Quốc: Hãy tuyên bố rằng Mặt trận sẽ hoàn lương, để dân có chỗ còn quyên góp giúp nhau.

Nhưng không. Mặt trận không tuyên bố hoàn lương, mà chỉ tung ra các bản sao kê số tiền gửi đến mà Mặt trận nhận được. Chỉ trong mấy ngày, con số tiền được gửi đến đây đã là cả hơn ngàn tỷ đồng.

Thế nhưng, người dân lại thắc mắc rằng thì các khoản thu đã được “sao kê”, còn các khoản chi - điều mà người dân, người tài trợ chú ý hơn - thì liệu Mặt trận có “sao kê” hay không và khi nào?

Dư luận đặt câu hỏi: Qua đợt dịch Covid-19, đến nay, quỹ chống dịch vẫn còn mấy ngàn tỷ, đề nghị nhà nước lấy khoản đó để cứu giúp người dân trong hoạn nạn. Không rõ khoản tiền đó có còn không mà nhà nước không thèm hồi đáp.

Thôi thì khoản dịch bệnh chưa lấy đến, nhưng dư luận thắc mắc, kiến nghị là hàng ngàn tỷ đồng quỹ phòng chống thiên tai, bão lụt từ xưa đến nay vẫn thu, vẫn còn trên sổ sách. Vậy sao không lấy ra để cứu giúp dân mà cứ phải vận động từ đứa bé nhịn ăn sáng đến học sinh đập lợn đất hay cụ già góp cả lương hưu?

Tất cả vẫn đang “rơi vào im lặng đáng sợ” như bản chất của nhà nước xưa nay vốn coi dân – những “ông chủ” của mình tương tự cỏ rác.

Tạm kết

Một cơn bão đã qua. Rồi cũng như muôn vàn cơn bão khác, nó sẽ nhạt dần đi với thời gian, và nỗi đau của người dân sẽ dần dần được thời gian khỏa lấp.

Còn nhà nước, chính quyền vẫn lại cứ “ngựa quen đường cũ”. Vẫn lại cứ tiếp tục con đường xưa. Lại thủy điện, lại phá rừng, lại tham nhũng, lại vô cảm và đủ thứ để mang lại tai họa cho người dân.

Chính phủ thống kê rằng cơn bão này gây ra thiệt hại khoảng 40.000 đến 50.000 tỷ đồng, tức là khoảng 2 tỷ đola.

Cũng con số từ Tòa án đang xử vụ án Vạn Thịnh Phát – một vụ án có thể coi là “Đảng tai”, được hình thành bởi hệ thống chính trị này - với số tiền gây thiệt hại cho quốc gia, cho nhân dân là hơn 1 triệu tỷ đồng, tức khoảng 42 tỷ đola.

Nghĩa là thiệt hại của cơn bão lịch sử Yagi chỉ bằng 1/21 thiệt hại do của vụ Vạn Thịnh Phát gây ra.

Và đất nước này, hệ thống chính trị này không chỉ có một Vạn Thịnh Phát.

Thế mới biết, cái “Đảng tai” nó khủng khiếp và là đại họa như thế nào cho đất nước, dân tộc Việt Nam.

Bởi sự gây hại của nó gấp vạn lần “Thiên tai”.

27.09.2024

J.B Nguyễn Hữu Vinh