You are here

Thư gửi miền Bắc!

Gửi đến miền Bắc thương yêu với tất cả tấm lòng của tôi!

Tôi còn nhớ những năm sau 1975, cha tôi đi vắng, mẹ tôi nói rằng cha sẽ đi rất lâu, chưa biết sống chết ra sao và cũng chưa biết bao giờ cha được về. Hai chữ “cải tạo” như một bóng ma ám ảnh lấy chúng tôi. Thế rồi cha về, cái địa danh Cổng Trời xa xôi nào đó làm tôi thấy sợ miền Bắc, điều đó như một thứ lực cản vô hình.

Và những ngày tôi đến trường, trong lúc vắng cha, những bài học đầu của tôi có gì đó mang âm hưởng miền Bắc xa xôi ấy, với “Đẹp vô cùng tổ quốc ta ơi/ Rừng cọ đồi chè đồng xanh ngào ngạt/ Nắng chói sông Lô hò ô tiếng hát/ Chuyến phà rào rạt bến nước Bình Ca...”. Lúc ấy, trong sâu thẳm tâm hồn tôi, miền Bắc như một bức tranh, vừa thân quen vừa xa lạ, vừa chứa chan yêu thương lại vừa ma quái và chết chóc. Bởi nơi ấy đẹp, nhưng cũng chính nơi ấy, đang giam giữ cha tôi.

Nhưng rồi, lý lịch của tôi đã chặn đứng con đường học hành của tôi, tôi lại một lần nữa thấy miền Bắc đẹp và thơ mộng ấy có gì đó làm tôi sợ, làm tôi buồn và làm tôi thất vọng... mơ hồ!

Và miền Bắc, mỗi khi chú tôi nhắc về, nói về, nghe có gì đó sợ hãi, mệt mỏi, để rồi cuối cùng chú đã lên thuyền, quyết định cuối cùng của chú đã theo cùng chú vào lòng biển, vĩnh viễn không trở về. Cùng với hàng triệu con người khác.

Miền Bắc, hai chữ ấy, tôi còn nhớ như in hình ảnh bà Loan, một người con dâu phía ngoại của tôi, đã đến thăm gia đình tôi trong lúc vắng cha, đã cho mẹ tôi mười ký gạo, những ký gạo đã bốc múi ẩm mốc, được gói kĩ lưỡng, mang từ ngoài Bắc vào, để dành cho người miền Nam. Bà Loan nói rằng trước khi vào Nam, bà nghe nói miền Nam khổ lắm, chịu ách kìm kẹp, đàn áp của Mỹ Ngụy nên dân không có gạo mà ăn, không có nhà mà ở và bị hà hiếp đủ điều.

Dường như ai cũng dành một ít gạo mang vào cho miền Nam. Thế rồi ai cũng bất ngờ, ai cũng chưng hửng vì miền Nam giàu có, trù phú, tự do và hoa lệ, đâu có thấy miền Nam, Sài Gòn nào bị đàn áp, đói khổ đâu...

Có lẽ bà Loan là chiếc cầu nối giữa tôi và miền Bắc trở nên gần gũi và thân thương hơn. Sở dĩ miền Bắc đáng sợ trong tôi là vì những người nói giọng Bắc đã mang cha tôi đi cải tạo, những người nói giọng Bắc đã đẩy nhiều gia đình chúng tôi ra đường và những người nói giọng Bắc dường như đã lấy mất niềm hi vọng, tương lai của chúng tôi.

Thế rồi, theo thời gian, tôi làm ăn, đi lại ở miền Bắc, có một số gia đình trở nên thân thiết với tôi, trong đó gồm vài gia đình tại Cao Bằng, những người từng giúp cho cha tôi có chỗ ăn, chỗ làm việc tạm bợ để kiếm tiền độ nhật, đón xe về quê sau khi ra trại.

Càng về sau, tôi càng cảm giác rằng miền Bắc cũng giống như miền Nam, cũng có những con người chân chất, mộc mạc, quanh năm bám miếng ruộng nhỏ, rảnh rỗi thì đi làm thuê, làm đầu tắt mặt tối và đôi khi buồn quá, chán nản quá, cũng chửi thề, chửi vào một thứ gì đó không rõ, tiếng chửi thề như một tiếng thở dài.

Thế rồi theo thời gian, tôi hiểu ra rằng trong hàng ngàn dân oan ở vườn hoa Mai Xuân Thưởng, người miền Bắc nhiều lắm, và khi thành dân oan, Bắc hay Nam đều chung một nhà. Tôi đã từng đến thăm, từng chứng kiến những chiếc lều bằng vải dù, vải bạc trên vệ cỏ, những nồi niêu tạm bợ, mọi thứ tạm bợ đã gắn kết giọng nói bi thương của hai miền Nam - Bắc ngồi lại với nhau. Trong một bữa cơm màn trời chiếu đất, tình thương, nỗi bi thống của kiếp người hiện trên gương mặt từng người, hiện trên khóe miệng nhai cơm vội vã và hiện trong ánh mắt vô vọng Bắc - Nam!

Cũng từ khoảnh khắc ấy, tôi thấy miền Bắc và miền Nam là một nhà, miền nào cũng có người tốt, kẻ xấu, miền nào cũng có kẻ cơ hội, người trung kiên, miền nào cũng có kẻ ăn trên ngồi trốc làm ông nội thiên hạ và có người khiêm nhu, biết nhường cơm sẻ áo. Chúng ta đã nhầm, tôi đã nhầm đánh tráo một thứ gì đó với vùng miền, và chúng ta đã sống trong vết thương nhầm lẫn ấy, ngày càng sâu đậm. Chỉ khi nước mắt rơi, chỉ khi mạng người ngã xuống, chúng ta mới kịp nhận ra sự nhầm lẫn của mình, tuy đã quá muộn màng!

Như những ngày này, hình ảnh những đồng loại, đồng bào của tôi phải oằn mình chống chọi với đói lạnh, với đau đớn, với kinh hoàng, dường như không có nỗi đau nào ghê gớm hơn. Đang ngủ, đang ăn cơm, đang ngồi mơ tưởng về một ngày mai tốt đẹp hơn, đang nghĩ về đồng lúa trĩu hạt, hứa hẹn một mùa giáp hạt ấm bụng hơn, đang nghĩ về những bài học của con cái, của chính mình và tin rằng mình sẽ thay đổi, sẽ bớt cực khổ... Mọi giấc mơ chưa kịp khép màn thì đâu đó tai ương ập đến, mọi thứ trả về màn trắng, không còn gì, đau đớn, tang tóc phủ lên khắp mọi nơi!

Tôi đã  nhìn thấy một em bé chết vùi trong bùn non nhão nhoét, tôi đã nhìn thấy một người cha khóc gào tìm con, tìm vợ, tôi đã nhìn thấy một biển nước mênh mông và mỗi ngôi nhà nhỏ xíu, mong manh giữa biển nước ấy như một cánh lục bình, tôi đã nhìn thấy những tiếng kêu đau đớn, tuyệt vọng trên mạng xã hội, tôi đã nhìn thấy một nghĩa trang bị bứng tung vì lũ, tôi đã nhìn thấy một ngôi làng bị san bằng như bình địa, tôi đã nhìn thấy nước mắt và máu của đồng bào tôi nhỏ xuống mặt đất này...!

Bắc - Nam dường như chỉ là biên kiến, bởi tôi biết, trước đây mấy trăm năm, ông bà tôi đã giã từ miền Bắc, vào miền Nam khai cơ lập nghiệp, và dù có tưởng tượng kiểu gì, cách gì chăng nữa, ông bà chúng ta cũng không thể tưởng tượng ra được rằng sau này, con cháu sẽ tự vạch hai miền bằng cái vĩ tuyến 17 nào đó và tự ném đá, ném đạn bom, ném tang thương vào nhau để bảo vệ một thứ chủ thuyết xa lạ, lai căn nào đó. Đơn giản, với ông bà ta, cùng màu da, cùng vị nước mắt, cùng giọng nói và cùng trên một dải đất, tức là người một nhà.

Cũng như bây giờ, nỗi đau của miền Bắc chính là nỗi đau của miền Nam, nỗi buồn của miền Nam chính là nỗi buồn của miền Bắc, chúng ta phải yêu thương nhau và bóc bỏ toàn bộ những thứ vỏ chủ nghĩa, hiềm khích hay định kiến bên ngoài chiếc bánh chưng mà chúng ta đã gửi tặng nhau. Trong những ngày này, chúng ta thấu hiểu cái lạnh của nhau và chảy nước mắt vì điều ấy, bởi chúng ta yêu thương nhau vì màu da, tiếng nói, chúng ta chưa bao giờ yêu thương nhau vì một thứ chủ nghĩa xa lạ nào.

Những ngày qua, đối với miền Bắc thật khủng khiếp, chúng ta chưa bao giờ mường tượng được sẽ có một ngày bi khốn như vậy, tang thương ngút trời và mất mát, tai ương vẫn chưa chịu dừng. Dường như chúng ta đang bước vào một thời kì mới, thời kì mà chúng ta phải cởi bỏ đi các định kiến mà lâu nay chúng ta đã khoác trên mình, thậm chí khoác trên mặt đất, núi đồi, để rồi hôm nay, các thứ định kiến ấy bục vỡ, tạo thành dòng chảy chết chóc và cuốn xô mọi thứ, mọi giấc mơ.

Đã đến lúc chúng ta cởi bỏ, và trả về cho mặt đất này tình yêu thương với đầy đủ sự rộng lượng, bao dung, trắc ẩn của nó. Đã đến lúc chúng ta ngồi lại với nhau, để nghe nỗi đau của nhau, nỗi đau chồng chất nỗi đau, nhiều năm, nhiều tháng, nhiều ngày, nhiều đời, nhiều kiếp... Và lắng nghe tiếng khóc, nước mắt của nhau... như những dòng sông đang lắng nghe tiếng nói của mây trời!

Xin cầu nguyện với tất cả lòng thương yêu, gửi đến miền Bắc niềm hi vọng bình an và chóng vượt qua gian khó, tang thương...!