You are here

CỨ TƯỞNG CÓ KHÁ HƠN

Ảnh của nguyenhuuvinh

Lại vẫn “Còn đảng, còn mình”

Mới đây, khi vào Tp Hồ Chí Minh để trao danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân lần thứ 2 cho Công An ở đây, Tổng bí thư đảng kiêm chủ tịch nước Tô Lâm đã phát biểu một bài dài.

Vẫn như thường lệ, vẫn là những lời lẽ ba hoa bốc phét về thành tích, về nhiệm vụ, về những thứ mà chỉ tồn tại trên giấy tờ của nhà nước về ngành công an mà thiếu đi thực tế là những gì mà người dân đang chịu đựng, đang suy nghĩ, đang mong muốn ở ngành công an, khi mà cứ nghe nói đến Công an là người dân không giấu nỗi sợ hãi của mình.

Đặc biệt khi mà cả xã hội Việt Nam là xã hội Công an trị, đất nước đã bị biến thành một trại cải tạo, mà ở đó, từ tên trưởng trại, đến đứa văn phòng cũng như mấy đứa bảo vệ hay quản giáo, thậm chí là mấy đứa nhà bếp… đều là công an, thì chẳng cần nói, người ta cũng biết được dân sống như thế nào trong chế độ ấy. Bao trùm lên tất cả là nỗi sợ hãi và sự đe dọa đối với người dân trong mọi mặt đời sống xã hội.

Thế rồi, cũng trong bài phát biểu ấy, Tô Lâm nói một đoạn mà báo chí nhắc lại như sau: “Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, lực lượng CAND, trong đó có Công an TPHCM, luôn luôn gương mẫu đi đầu thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực; xây dựng lực lượng thực sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, vì nước quên thân, vì dân phục vụ, chỉ biết “còn Đảng thì còn mình” đúng theo di nguyện của Bác”.

Đọc những lời này, người ta thấy điều gì?

Người ta thấy ở đây một đống lủng củng những từ ngữ mà người viết chỉ đơn giản là làm công tác thống kê và gán ghép lại với nhau một cách tùy tiện bất chấp sự logic của ngôn ngữ.

Trước hết, cần xác định về chức năng, vị trí, nhiệm vụ của Công an là gì? Công an có phải chỉ để “thực hiện các nghị quyết chỉ thị và kết luận của đảng” hay thực hiện thao các nguyên tắc, luật pháp, văn bản đã được quy định cho Công an? Theo các văn bản quy định hiện hành tại Việt Nam hiện nay, thì những điều lệ, quy định cho vị trí của ngành công an như sau: “Công an nhân dân là lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội”.

Để thực hiện những nhiệm vụ của mình, công an có chức năng như sau: “Công an nhân dân có chức năng tham mưu với Đảng, Nhà nước về bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội; thực hiện quản lý nhà nước về bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội; đấu tranh phòng, chống âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch, các loại tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội”.

Nghĩa là lực lượng này được quy định chức năng tham mưu về bảo vệ an ninh quốc gia, bảo vệ pháp luật, chống tội phạm… mà hoàn toàn không có quy định nào là chỉ bảo vệ đảng hoặc phụ thuộc vào đảng.

Bởi ngay cái tên Công an Nhân Dân cũng bao hàm ý nghĩa rằng lực lượng này phải là của Nhân dân. Công an được hình thành từ nhân dân về nhân lực, về tất cả các điều kiện vật chất, cơ sở cho nó tồn tại. Người dân một nắng hai sương làm lụng đủ mọi cách để cống nộp mọi thứ nuôi lực lượng này từ chân đến đầu.

Mục đích việc người dân nuôi hệ thống công an, là nhằm để phục vụ nhân dân, phục vụ xã hội, để người dân được sống trong an ninh,  hòa bình và xây dựng đời sống hạnh phúc.

Nói một cách vắn tắt nhất, thì lực lượng công an, cảnh sát có chức năng, nhiệm vụ của bầy chó giữ nhà cho ông chủ. Mà ông chủ là người nuôi nấng, chăm sóc nó, ở đây là Nhân Dân. Còn đảng, dù là bất cứ đảng nào, đều chỉ là một tổ chức xã hội của một nhóm người nào đó, không có quyền lấy lực lượng bảo vệ xã hội, được nuôi nấng bởi tiền bạc, của cải của người dân, của toàn xã hội để bảo vệ mình. Đó là nguyên tắc của mọi xã hội văn minh biết cách tổ chức đúng với lẽ thường trên thế giới này.

Với chức năng, nhiệm vụ đã được quy định rõ ràng như vậy, lực lượng công an, cảnh sát sẽ làm đúng nhiệm vụ, công việc của mình như ở mọi xã hội, mọi quốc gia khác, nếu như ở đó không có một lực lượng chi phối toàn xã hội, mà sự chi phối đó không theo một quy luật nào ngoài luật rừng của đám lục lâm thảo khấu, được bắt đầu từ cuộc “Cướp chính quyền” từ năm 1945.

Điều người ta thấy rõ ràng ở đây, là các văn bản, các quy định của luật pháp như thế nào, thì điều đó cũng chẳng có ý nghĩa trên thực tế. Bởi hệ thống công an, cảnh sát, chỉ biết tuân thủ những kẻ cho ăn, những kẻ nắm quyền lực và tiền bạc. Mà điều dễ thấy ở đám cầm quyền, là sự bất chấp, là sự lỳ lợm và thiếu liêm sỉ nếu có ai nói đến văn bản, đến quy định, đến luật pháp.

Lực lượng đó là một phần của cái gọi là Phong trào Cộng sản quốc tế. Là một chi nhánh, một bộ phận của một thứ lực lượng theo một học thuyết phản động, phản tiến bộ mà thế giới đã vứt vào sọt rác lịch sử từ lâu. Mọi hoạt động của tổ chức ấy, nhằm phục vụ mục đích lâu dài của Chủ nghĩa Cộng sản là bành trướng khắp thế giới cáci học thuyết Mác – Lenin quái gở mà với lý thuyết ấy, thì “Khi lợi ích của đất nước, của dân tộc mâu thuẫn với lợi ích của phong trào Cộng sản Quốc tế, thì Đảng Cộng sản phải hy sinh lợi ích đất nước, lợi ích dân tộc”. Trong thực tế lịch sử Việt Nam, thì Đảng CSVN đã thực hiện xuất sắc điều này.

Mặc dù chế độ cộng sản trên toàn thế giới đã sụp đổ, nhưng không vì thế mà tổ chức Cộng sản tại Việt Nam thay đổi bản chất. Mà trái lại, chế độ ấy vẫn bám víu lấy những tàn dư còn sót lại, dù đó là những “quái vật” của nhân loại thế kỷ 21. Oái oăm thay, trong số đó có Trung Cộng, là kẻ thù truyền kiếp lâu đời của nhân dân Việt Nam. Chính vì vậy, càng ngày thì Đảng CS càng thể hiện đường lối phản động của mình khi nhận kẻ thù của dân tộc, của đất nước làm cha, làm quan thầy của mình.

Và vì thế, càng ngày, đảng càng thể hiện sự đối kháng với lợi ích đất nước, lợi ích dân tộc và nhân dân. Thế nên, đảng chơi trò tháu cáy, lấy lực lượng bảo vệ xã hội, bảo vệ nhân dân để bảo vệ quyền lợi của mình. Và nhân dân đã trở thành “thế lực thù địch” ngày càng mâu thuẫn sâu sắc, đối nghịch với đảng Cộng sản thể hiện rõ nét là “thế lực thân địch” hoặc “thế lực thờ địch” theo ngôn ngữ dân gian.

Cũng chính vì sự mâu thuẫn giữa lợi ích của đảng và của dân, lực lượng Công an được ưu ái nhiều nhất nhằm mua lấy lòng trung thành đối với đảng.

Lực lượng đó trên thực tế, sống bằng tiền bạc, nguồn lực, từ mọi thứ của người dân, nhưng mục đích chỉ là làm “thanh kiếm, lá chắn” cho đảng và “Chỉ biết Còn đảng, còn mình”, ngoài ra người dân, Cộng đồng, đất nước… đều không phải là điều mà lực lượng này quan tâm.

Và khi mà đảng đã dần dần thể hiện rõ ràng hơn bản chất của mình, là gông cùm, gánh nặng của dân tộc thì khi đó, lực lượng Công an, cảnh sát được thao túng và cung phụng bằng tiền của, tài sản của công dân bất chấp hạn định.

Với việc định nghĩa cho lực lượng công an Nhân Dân, nhưng lại “Chỉ biết còn đảng, còn mình”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã nghiễm nhiên tước bỏ vai trò và bản chất của ngành Công an. Biến lực lượng này thành lực lượng của riêng đảng.

Đó là sự tháu cáy và là sự phản động bởi đi ngược lại quy luật xã hội và đi ngược lại lợi ích của nhân dân.

Tưởng khá hơn, nhưng vẫn chỉ là bổn cũ soạn lại

Chuyện về câu khẩu hiệu “Công an Nhân Dân chỉ biết còn đảng, còn mình” đã được phát minh cách đây khoảng 15 năm trước đây. Khi trước mặt chính ngôi nhà Trụ sở Bộ Công an, câu khẩu hiệu này làm choáng váng cả mạng xã hội nói riêng và dư luận nói chung.

Câu khẩu hiệu đó đã ngay lập tức được các diễn đàn bình luận, trở thành nội dung tranh cãi và bàn luận ở nhiều nơi, với nhiều tầng lớp và ở nhiều góc độ khác nhau, để cuối cùng đi đến kết luận khá thống nhất rằng: Đó không là gì khác ngoài sự thể hiện tư duy dốt nát, thiếu vắng trí tuệ. Nó cũng thể hiện sự khủng hoảng về lý luận và đồng thời thể hiện sự vô liêm sỉ bất chấp tất cả mọi khái niệm về ngôn ngữ, thực tế của những người Cộng sản thời nay.

Khi các diễn đàn mạng nổi sóng và bình luận, dư luận xã hội bất bình bởi câu nói hết sức “thiếu chất xám” đó, thì các cơ quan của đảng như Ban Lý luận Trung ương, Ban Tuyên giáo với hàng trăm, hàng ngàn các loại Giáo sư, Tiến sĩ và hàng hàng tờ báo, truyền hình… đã im tịt không hề hé răng mở miệng bởi không dám nhận gạch đá dư luận.

Và trong dân gian, nhà Thơ Thái Bá Tân đã viết:

Vứt mẹ cái khẩu hiệu 
Còn đảng là còn mình. 
Thế mai kia đảng chết, 
Không lẽ mày quyên sinh?

(Thái Bá Tân – Nói với cháu rể)

Thế rồi thời gian qua đi, người ta cũng chỉ nghĩ rằng: Thôi có lẽ đó cũng chỉ là một lần “lỡ miệng” hoặc chỉ là sản phẩm của một quan chức nào đó trong một cơn ngáo đá không thể kiềm chế và người khác không dám cưỡng lại nên mới có cái sản phẩm quái gở đó. Thế nên, những câu nói đó, cũng dần dần quên đi, nếu có nhắc lại, thì người ta cũng chỉ nhắc đến như hiện tượng ngáo đá của các quan chức cộng sản vào cái thời mà ma túy dễ hơn mua rau này.

Thỉnh thoảng, nếu có quan chức nào vốn mắc căn bệnh “nhai lại” theo thói quen nịnh bợ và thiếu tư duy của quan chức, thì đềi bị cộng đồng và dư luận nhắc đến để minh chứng cho hiện tượng thiểu năng trí tuệ mãn tính mà thôi.

Thế rồi Tô Lâm lên vù vù các chức vụ đến chiếc ghế to nhất của đất nước, mà cả hai ghế luôn thì người ta nghĩ rằng “Cháu nó lú thì có chú nó khôn”, nên nếu Tô Lâm không biết cách nghĩ cho rành mạch, nói cho rõ ràng tròn vành rõ chữ, thì còn có đám cận thần, tay chân còn viết sẵn, còn mách nước cho mà phát biểu, thế nên sẽ hy vọng là đỡ ngáo đá hơn ngày xưa.

Nhưng, thiên hạ đã nhầm. Những lời Tô Lâm nói hôm nay, nhất là “Còn đảng, còn mình” thì người ta thở dài ngao ngán: Vậy là cũng chỉ đến thế mà thôi. Chỉ là não trạng nô lệ vẫn cứ bám dai dẳng vào Tô Lâm từ ngày xưa vẫn còn tồn tại.

Điều khác ở đây, là tại cuộc họp đó, Tô Lâm dùng Hồ Chí Minh làm chiếc bình phong để che đậy cho Đảng - là cái “Bình đựng chuột” ngày nay. Thế nên, Tô Lâm đã ghép cái gọi là “Công an Nhân Dân còn đảng còn mình” gắn vào miệng Hồ Chí Minh, rằng là “theo đúng di nguyện của bác”.

Quả là khá hỗn láo và táo bạo khi Tô Lâm cố gán cái suy nghĩ quái đản của mình cho Hồ Chí Minh. Sự gán ghép này, chỉ bởi Tô Lâm cho rằng, với cái hư danh mà Đảng đã tạo ra cho Hồ Chí Minh, thì cái hư danh ấy vẫn còn có thể làm lá chắn, tạo sự mê hoặc cho cộng đồng dân chúng mụ mị và tin vào đảng.

Nhưng, điều mà Tô Lâm không biết, đó là ngày nay, có thể là người dân không dám nói ra bởi súng đạn, bởi nhà tù sẵn sàng đón họ bằng các điều luật mơ hồ “Chỉ có ở Việt Nam”, nhưng không phải là họ không biết thực chất vấn đề xã hội, bản chất của đảng là gì.

Và đặc biệt là người dân rất hiểu đằng sau những vầng “hào quang Hồ Chí Minh” được đảng tạo ra nhằm lừa bịp dân chúng là gì, nó đã không còn tác dụng như xưa.

Điều người dân thấy rõ nhất ở đây, là dù leo lên đến chức vụ nào, dù ngồi ở chiếc ghế nào, thì bộ não ấy, tư duy ấy vẫn không hề thay đổi.

Và đó là đại họa của đất nước, dân tộc Việt Nam.

29.08.2024

J.B Nguyễn Hữu Vinh