Mấy ngày nay cư dân mạng râm ran chuyện chùa Cầu Hội An sau mấy năm trùng tu nó không giống với chùa Cầu nguyên bản và câu chuyện trở nên kịch tính hơn khi chuyên gia nhảy vào cuộc, bàn về chuyện trùng tu chùa Cầu. Người được nhắc đến là ông Trần Đức Anh Sơn, một chuyện gia bảo tàng bảo tồn có uy tín trong nước, theo nhận định được đăng tải trên báo Quảng Nam, ông cho rằng quá trình trùng tu đã thành công. Tuy nhiên, vấn đề đáng bàn ở đây lại nằm ở khía cạnh khác, thế nào là trùng tu, và trùng tu cho ai?
Đương nhiên, chùa Cầu là di sản văn hóa thế giới, một khi trùng tu chùa Cầu thì phải có UNESCO đồng ý, thông qua phương án mới có thể tiến hành. Tuy nhiên, quá trình tiến hành ra sao, có đi đến thành công hay không thì lại là chuyện khác.
Chuyện chùa Cầu được trùng tu và trong quá trình trùng tu, đã có lùm xùm về bản gốc và dị bản sau khi trùng tu, chính vì thiết kế của các chuyên gia có phần quá khác so với bản gốc nên đôi bên đã có lời qua tiếng lại, sau đó có những cuộc họp để đi đến kết quả chùa Cầu như ngày hôm nay đang thấy. Và, khi chùa Cầu chính thức được bóc bỏ, tức dở toàn bộ mái che cũng như tường bao bằng tôn thì nhiều người ngỡ ngàng vì thấy nó quá khác lạ. Có người nhìn thấy nó sến súa, có người nhìn thấy màu sơn có vấn đề, đường nét cũng khác lạ...
Các blogger, tiktoker bắt đầu đăng tải bài viết, nhận xét nhằm bày tỏ sự thất vọng sau khi tu bổ. Đương nhiên, về phía Hội An, các quan chức, cán bộ, đặc biệt là ông Nguyễn Sự, một cựu chủ tịch thành phố, về hưu cũng ngót nghét mười năm nhưng luôn có mặt trong mọi cuộc trả lời phỏng vấn về các vấn đề hệ trọng của thành phố này giống y như đương chức. Nhiều người mới nghe còn hiểu nhầm rằng ông Sự mới thực sự là chủ tịch Hội An chứ không phải người khác, càng không phải một người đã về hưu. Nhìn chung, hầu hết các ý kiến đều tụng ca quá trình trùng tu chùa Cầu.
Chưa dừng ở đó, tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn đăng một bài khá dài trên báo Quảng Nam để nói về quá trình “trùng tu hạ giải” chùa Cầu. Tức trùng tu bằng cách mở tung “tác phẩm”, công trình để (có thể) xây dựng lại.
Như vậy, khái niệm trùng tu theo kiểu trùng tu hạ giải rất gần với khái niệm phục dựng, phục chế, thậm chí, các ví dụ của ông Sơn về quá trình trùng tu một số công trì ở Kyoto, cố đô Nara - Nhật Bản lại càng cho thấy sự nhập nhằng giữa phục dựng, phục chế với trùng tu. Ông Sơn viết: “Là người từng công tác trong ngành bảo tồn bảo tàng ở Huế trong 17 năm; từng tu nghiệp trong ở lĩnh vực khảo cổ học, bảo tồn di tích và quản lý di sản văn hóa ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức và Pháp trong khoảng thời gian từ năm 1997 đến 2004, và đã vài lần đến hiện trường tu bổ Chùa Cầu để tham quan, xem xét trong năm 2023, cũng như quan sát các hình ảnh chụp chi tiết Chùa Cầu trước và sau khi trùng tu (được báo chí và mạng xã hội đăng tải), tôi khẳng định rằng: đội ngũ trùng tu Chùa Cầu đã thực hiện bài bản, khoa học, nghiêm túc và kết quả trùng tu là tốt đẹp, trả lại cho Hội An một Chùa Cầu đúng với diện mạo, hình hài bản thể nhưng vững chãi hơn, kiên cố hơn (...).
Tôi đánh giá cao việc lựa chọn phương án này, bởi lẽ, sau hơn 400 năm tồn tại trong điều kiện thời tiết khí hậu khắc nghiệt ở miền Trung: nắng gắt, mưa dầm, lũ lụt đe dọa hàng năm, nên Chùa Cầu đã xuống cấp và hư hỏng nặng: phần móng bị lún, nghiêng; nhiều kết cấu bằng gỗ bị mối mọt, mục ruỗng; hệ thống tường bao bằng gạch bị bong tróc…, đã khiến cho tổng thể Chùa Cầu bị biến dạng phần nào; liên kết kiến trúc bị yếu đi, khiến công trình có thể sụp đổ, nhất là khi có mưa bão tấn công. Vì thế, lựa chọn phương án “trùng tu hạ giải” nhằm xử lý triệt để phần móng: cân chỉnh, gia cố, gia cường để tăng độ chịu lực; tháo dỡ phần cấu kiện gỗ để thay thế các bộ phận bị mục nát; thay thế ngói lợp bị vỡ, gia cố tường bao bằng gạch ở hai đầu cầu; thay thế những bộ phận bằng gỗ đã hư hại ở mặt cầu và lan can cầu là cần thiết.
Nếu lựa chọn phương án “tu bổ từng phần” thì sẽ không giải quyết rốt ráo các chứng bệnh thâm niên của Chùa Cầu, như 6 lần trùng tu trước đây.
Cũng như các hình ảnh chụp tổng thể Chùa Cầu và chụp chi tiết các kết cấu gỗ bên trong di tích, mà báo chí và mạng xã hội đăng tải trong hai ngày qua cho thấy đội ngũ trùng tu Chùa Cầu đã làm đúng, làm tốt, đảm bảo nguyên tắc bảo tồn và “tính chân xác” của di tích Chùa Cầu, không có gì đáng phải phê phán, bỉ bai.”
Rốt cuộc, câu chuyện có hạ nhiệt khi ý kiến chuyên gia được đưa ra hay vẫn tiếp tục sôi động? Hình như mọi thứ càng lúc càng sôi sục chứ không hạ nhiệt. Bởi lẽ, ý kiến của ông Sơn cũng chỉ là một ý kiến riêng lẻ của một chuyên gia Việt Nam “mang tầm quốc tế” nhằm bảo vệ một cái đã rồi.
Và nếu hỏi các công trình được trùng tu ở Huế cho đến lúc này nó ra sao thì hầu hết có chung nhận xét là các chuyên gia còn lâu mới đuổi kịp các thợ mộc ở các làng nghề cổ trước đây và mô hình trùng tu họ đưa ra luôn mang dấu hiệu sến súa, hiện đại hóa một cách nửa nạc nửa mỡ. Hay nói đúng hơn, cái gọi là “trùng tu hạ giải” chỉ là phương thức đập bỏ cái cũ, xây lại cái mới có dùng một số nguyên vật liệu của cái cũ, phần nào khó tháo dở thì giữ nguyên, sơn phết lại cho có, gọi là giữ nguyên trạng, kì thực nó bị phá nát từ trong ra ngoài. Và khi nhìn cái được trùng tu, người ta chỉ biết ngỡ ngàng mà chấp nhận chuyện đã rồi.
Có rất nhiều công trình tại Việt Nam sau khi trùng tu chẳng ra làm sao cả, đến khi người dân lên tiếng quá nhiều thì chuyên gia mới thông báo “cái này chúng tôi đang thử nghiệm màu sơn”, rồi sau đó sơn lại. Tình trạng chùa Cầu lúc này cũng y như vậy. Chưa bàn về chi tiết, chỉ nói về màu sơn, màu sơn mới của nó quá sáng so với màu sơn cũ. Có thể nói rằng rêu phong thì cần có thời gian, nhưng màu sơn thì theo thời gian mà phai nhạt đi chứ không bao giờ đậm hơn.
Nhìn vào chùa Cầu sau khi trùng tu, người ta thấy mọi thứ sáng trưng, tưng bừng và sặc sỡ, trong khi đó, màu sơn của chùa Cầu cũ có tông màu đậm, trầm, thần thái, hồn vía và sự cổ độ của chùa Cầu lại nằm ở màu sơn, nó đập vào mắt người thưởng ngoạn bằng một gam màu nóng, vững chãi và trầm mặc. Với màu sơn hiện tại, khi rêu phong mọc lên sẽ rất chói với màu sơn, nó có thể đen lại ở các phần trắng và lợt đi ở các phần màu khác, lúc đó, nó nhợt nhạt hơn chứ không bao giờ mộc mạc hơn, phải tin chắc điều này.
Và nói cho cùng, đương nhiên khi các chuyên gia vào cuộc (có điều kiện, các chuyên gia Việt, trí thức Việt chẳng bao giờ làm cái gì mà không có mục đích, danh lợi tính cả. Họ phải có lợi mới làm và đương nhiên là quá trình ăn chia chẳng nhỏ!) thì chuyện vốn đã rồi, lại càng thêm rồi. Thế nhưng trong con mắt của người dân, trong đó gồm các chuyên gia tự do và những người từng gắn bó với chùa Cầu, từng gắn bó với các công trình được trùng tu họ nghĩ gì, thấy như thế nào lại là chuyện khác!
Việc “hạ giải” một công trình rồi xây dựng lại, dùng một ít vật liệu của cái cũ để xây cái mới giống với cái cũ thì nên gọi là phục dựng, phục chế, tái thiết, tái chế hay trùng tu? Cũng nên làm rõ các khái niệm này!
Bài bình luận gần đây