Một đời người như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, dù đứng trên góc độ nào, thì vẫn có thể khẳng định đời ông là một đời Cộng sản, và đương nhiên mọi lý tưởng, ước mơ, tâm huyết, ông dành cho sự nghiệp Cộng sản, một sự nghiệp Cộng sản có thành tựu. Thế nhưng, nếu hỏi với một đời Cộng sản và lý tưởng của mình, ông đã để lại được gì trước khi nhắm mắt, e rằng câu trả lời rất mâu thuẫn.
Mâu thuẫn bởi lẽ người ta mới khen ông là người Cộng sản thanh liêm đó, thì người ta cũng nguyền rủa ông là người Cộng sản bảo thủ, hèn và tham lam. Những người yên mến ông, thần tượng ông thì xem ông như một vị thánh Cộng sản, còn những người phản đối, phanh phui ông thì xem ông như một tội đồ.
Người yêu mến ông, hâm mộ ông luôn nhớ đến ông như một người đốt lò chống tham nhũng vĩ đại trong lịch sử các lãnh đạo Việt Nam, một người có một đời sống thanh bần, ngay trong lý lịch cũng nhận mình là thành phần “bần cố nông” và cả một đời làm lãnh đạo, chỉ đi một chiếc xe cũ kĩ, cọc cạch, trong lúc các lãnh đạo khác chọn siêu xe, chọn những thứ đắt giá.
Người hâm mộ ông, yêu mến ông luôn nghĩ về ông như một người coi trọng danh dự, đam mê văn chương, sống nhân văn và luôn khẳng định “dưới làn áo mỏng này là một trái tim hồng, rất hồng”. Người ta luôn nghĩ đến một nhà quản trị kiệt xuất, vượt qua biết bao thế lực và cám dỗ để lèo lái con thuyền quốc gia, dân tộc. Nói sâu xa hơn, người hâm mộ ông luôn tin rằng ông là một nhà lãnh đạo anh minh, luôn lấy chữ Nhân làm nòng cốt.
Tuy nhiên, những người phản đối ông, lại nhìn thấy ông là một kẻ đóng diễn quá tốt trong vai trò người Cộng sản thanh liêm của mình và đằng sau vai diễn ấy là những ngọn võ cao thâm có thể quật ngã mọi đối thủ trong trò chơi quyền lực, trong sàn đấu hết sức gay cấn và đầy thủ đoạn của chính trị Việt Nam hiện tại. Bởi người ta tin rằng nếu ông thực sự thanh liêm và coi trọng danh dự thì ông sẽ không cố chấp tham quyền cố vị và lèo lái vấn đề để thay đổi các qui định hiến pháp nhằm đạt mục đích làm lãnh đạo cho đến lúc già, lúc chết.
Và, nếu thực sự công tâm, thanh liêm, ông sẽ không bao giờ để các ứng viên Tổng Bí thư bị rớt đài một cách đau đớn, từ Nguyễn Xuân Phúc cho đến Võ Văn Thưởng và sau này là Vương Đình Huệ. Nếu nhìn bề ngoài, có vẻ như đây là cuộc chiến giữa Tô Lâm và các đối thủ, nhưng nhìn sâu vấn đề, Nguyễn Phú Trọng lại đứng ở vai trò kẻ Tọa Sơn Quan Hổ Đấu (ngồi trên núi cao nhìn cọp cắn giết nhau). Và khi con hổ cuối cùng sống sót, chuyện gì sẽ xảy ra với nó, chắc ai cũng rõ.
Cuộc chơi của ông Trọng trong võ đài quyền lực lần này là cuộc chơi đứt hơi, tức tuổi già, phong độ không đủ, thể lực đã kém nhưng tham vọng thống lĩnh còn quá cao, khi con hổ cuối cùng liếm láp xong vết máu trên lưng của nó thì nó chuyển sang một cái tát cực mạnh vào kẻ đã bày cuộc chơi. Và, điều đáng nói là kẻ bày cuộc chơi hiểu và đề phòng điều này từ trước nhưng không còn đủ sức để chiến đấu hoặc để bỏ chạy, việc nhận một cái tát như một định mệnh, một chung cục của trò chơi.
Người không ưa ông, cho rằng trong thời đại mà ông lãnh đạo, dường như Việt Nam hết sức nhún nhường trước Trung Quốc và các quan hệ với phương Tây luôn ở mức cầm chừng, các đồng chí của ông, người nào nghiêng về phương Tây, có tư duy Tây hóa đều bị ông cho vào lò (chứ còn tham nhũng thì kẻ nào chả có, thậm chí kẻ tham nhũng tàn bạo vẫn nhơn nhơn ra đó thôi!). Lò chống tham nhũng của ông, dưới cái nhìn này, nó trở thành lò thiêu dành cho đối thủ chứ không phải lò thiêu của nhân dân dành cho kẻ tham nhũng.
Và, dưới thời ông lãnh đạo, dường như các đảng viên Cộng sản bị đày đọa kinh khủng nhất. Những người bị ông đày đọa có thể đã vào lò, còn những người từng là đảng viên Cộng sản hoặc công thần như đảng viên Lê Đình Kình, có đến 60 năm tuổi đảng, sống ngay gần “mặt trời”, thế mà khi ông Kình bị chết tức tưởi, nửa đêm bị tấn công, tróc nã, giết chết như thể bị săn đêm bởi những người dưới quyền của ông Trọng... Ông Trọng không những không bảo vệ mà không có lấy một tiếng nói nào để giúp cho người còn sống thoát bớt kiếp nạn. Điều này còn ghê gớm hơn cả Hồ Chủ tịch, bởi chí ít, sau biết cố cải cách ruộng đất 1954 - 1955, Hồ Chủ tịch còn khóc lóc, buồn bã mấy ngày. Đến cả diễn để an ủi, ông Trọng cũng không có được.
Đặc biệt, những người không ưa ông cho rằng hình ảnh thanh liêm, thanh bần, bần cố nông của Nguyễn Phú Trọng chỉ là trò diễn kịch chính trị. Và đặc biệt, trong cuộc đời làm chính trị của mình, ông đã quá may mắn vì được chết đúng lúc. Bởi trong trò chơi tọa sơn quan hổ đấu của mình, ông quá tự tin mình là con người nhưng những con hổ đang đấu lại xem ông là con hổ và con chiến thắng sẽ đấu với ông trận cuối. May sao sức tàn lực kiệt, ông không chịu nổi cái tát của nó nên đổ gục, nếu không, ông kéo dài trận đấu, mùi hôi thối, đờm dãi của thân xác lộ ra, sẽ chằng còn chút thể diện nào. Bởi, nếu như vụ 3000 tỉ Capital bị phanh phui, châm ngòi cho nhiêui2 thức khác bị phanh phui, chắc chắn mọi thứ như thanh liêm, thanh bần gì đó của ông sẽ bị đụng chạm khó lường.
Hay nói khác đi, trong trò chơi chính trị của mình, ông rất may mắn, ông nhận được cái tát ân huệ đúng lúc, đúng thời điểm để đi vào lịch sử mà mọi thứ còn lại chẳng mấy ai phanh phui để làm chi, bởi chẳng ai dại ném cứt vào tượng thờ mình đã đặt trên bệ cho dù nó như thế nào, đó là luật chơi!
Và, ộng chết rất đúng lúc, đó là thành công lớn nhất của một đời làm đảng viên Cộng sản, ông chết khi ôm chức mà vẫn được ca tụng, vẫn được tôn sùng. Nói một cách khác đi, giả sử như có bàn tay nào đó tác động vào cái chết của ông dù vô tình hay hữu tình, thì bàn tay đó vừa là tội đồ vừa là ân nhân. Tội đồ bởi nó đã lấy đi sinh mệnh của ông, nhưng lại là ân nhân bởi nó đã lấy đi sinh mệnh trong lúc danh dự của ông chưa bị tổn thương, chưa bị phanh phui bất kì điều gì và ông vẫn là thần tượng của những người yêu mến ông.
Thứ mà cả đời ông cần là danh dự, bởi ông có thừa tiền. Điều này khác với thứ mà người khác cần, tức là tiền, không phải bởi họ thừa danh dự nhưng họ chưa đủ quyền lực để đảm bảo số tiền nhiều để mua danh dự. Ông có quyền lực, có tiền, làm sao người ta có thể đếm xuể, thứ ông cần là danh dự, và ông đã chết đúng thời điểm, đúng cơ hội, không hề sớm, cũng không hề muộn! Ông chết với hình ảnh thanh liêm!
Bài bình luận gần đây