Khắp các mặt báo nhà nước, hầu như chỉ một giọng điệu công báo, đưa lại tin phát đi từ cơ quan công an tỉnh Long An về tội “lừa đảo” của ông Lê Thanh Nhất Nguyên, nơi mà giờ đây đã giật giải quán quân về mưu mẹo, lừa đảo, gài bẫy và trơ trẽn kết tội bất kỳ ai mà họ nhắm đến.
Tin nói ông Lê Thanh Nhất Nguyên, một trong những người của địa điểm tu tại gia mang tên Tịnh Thất Bồng Lai (sau đổi thành Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ), đang chịu án tù “lợi dụng quyền tự do dân chủ”, lại bị đẩy ra khởi tố tiếp một tội danh khác là “lừa đảo, chiếm đoạt tài sản”, mà không nói rõ ông Nhất Nguyên lừa đảo ai và lừa đảo như thế nào
Bức ảnh của Lê Thanh Nhất Nguyên có trên các trang báo đem lại một trạng thái khó tả. Gương mặt của ông ta không phẫn nộ, không tuyệt vọng và nếu chú ý, dường như có một cái nhếch mép nửa cười, nửa khinh bỉ trong im lặng. Có lẽ ông Nhất Nguyên quá hiểu việc đưa ông ra khởi tố một tội danh là cách để làm nhục, để rửa mặt cho công an tỉnh Long An sau những sai lầm là chuyện phải đến, không có gì để bàn.
Bản tin đầy những lời dối trá khi gọi những người ở Tịnh thất Bồng Lai là giả sư, giả trẻ mồ côi đã không thể chứng minh được ngôn từ này, ngay từ lúc công an đưa ông Nhất Nguyên và những người cùng cư ngụ ra tòa lần đầu tiên. Mọi lời cáo buộc đã bị bẻ gãy bởi nhóm 5 luật sư bào chữa. Sau đó, cuộc trả thù hèn hạ đã mở rộng đến mức công an chuyển sang săn đuổi, khiến 3 vị luật sư trong nhóm là Đặng Đình Mạnh, Nguyễn Văn Miếng và Đào Kim Lân phải đào thoát khỏi Việt Nam, trở thành một sự kiện quốc tế.
Giờ đây, trong sự hãi hùng của giới luật sư Việt Nam nói chung, công an Long An lại đẩy đến tội danh đã từng khởi tố thất bại, khi không còn ai dám đứng bên cạnh những người của Tịnh thất Bồng Lai để nói ra sự thật, và vạch mặt những âm mưu đê tiện của công an Long An.
Đây không phải là lần đầu công an tỉnh Long An gài bẫy những người ở Tịnh thất Bồng lai. Năm 2017, khi những người ở nơi tu tập độc lập nổi tiếng, và được yêu mến khi xuất hiện trên truyền hình, Đã có không ít công chúng tìm đến gửi tặng tiền và hiện vật. Thậm chí có nhiều người Việt ở nước ngoài thấy công việc từ thiện thường xuyên của Tịnh thất Bồng lai cũng góp phần vào đó. Khi căng thẳng giữa Tịnh thất Bồng lai và công an tỉnh Long An ngày càng dâng cao, trên mạng đã xuất hiện nhiều đoạn audio và video của những người từng đóng góp giúp cho Tịnh thất tiết lộ rằng, công an Long An đã tìm gặp và yêu cầu trợ giúp chính quyền, bằng cách tố cáo Tịnh thất lừa gạt và lấy tiền của họ. Phần lớn những người đối thoại với công an đều lo sợ, nhưng cũng không muốn tay mình vướng vào tội ác, nên đã nói thẳng trên mạng những chuyện này.
Câu chuyện của ông Nhất Nguyên hoàn toàn là bị công an gài bẫy một cách đê tiện. Một ngày, có người gọi cho ông Nguyên và nói ra quán cà phê để nhận tiền gửi tặng cho Tịnh thất. Khi đến nơi, ông Nguyên đã phát hiện mình đang bị gài bẫy, cho nên đã không ký nhận bất kỳ điều gì. Câu chuyện này xảy ra cùng với một kịch bản mà công ty Tân Hiệp Phát hẹn ông Võ Văn Minh để trao số tiền theo yêu cầu bồi thường vì chai nước bán cho ông Minh có ruồi. Tình huống hoàn toàn giống nhau: khi người cầm tiền vừa rút ra để trên bàn thì công an đã ập vào lấy đó làm bằng cớ.
Lịch sử của một ngành công an từng trơ trẽn đến mức không có vật chứng trong vụ án mạng của Hồ Duy Hải, đã cho người ra chợ mua về làm tang vật, thì rõ ràng không có chuyện gì họ không dám làm.
Nhiều người không rõ câu chuyện của Tịnh thất Bồng lai, ắt sẽ đặt câu hỏi rằng tại sao công an phải cố gài bẫy và hại những người ở đo như vậy?
Đơn giản bởi vì từ đầu, những người ở Tịnh thất đã không ngần ngại vạch mặt chuyện công an địa phương Long An gài họ làm giấy chứng minh nhân dân với giá 150 triệu đồng / một người, để có thể đăng ký làm hộ chiếu đi trình diễn ở nước ngoài. Bên cạnh đó, việc cơ sở tu tập độc lập theo phái Bửu Sơn Kỳ Hương ở miền Tây này là một cái gai trong mắt Giáo hội Phật giáo Quốc doanh tay sai. Thích Minh Thiện, kẻ đứng đầu Phật giáo Long An, kết hợp với tay thầy tu khát máu Thích Nhật Từ đã chung nhau tạo một bộ tố cáo dài 8 trang giấy A4, nói những người ở Tịnh thất Bồng Lai là giả tu, loạn luân, lừa đảo… mục đích là để hủy diệt nơi tu tập độc lập này.
Điều nực cười là với mọi tội danh rất kêu, phiên tòa tháng 7/2022 lại bất ngờ kết tội 6 người ở Tịnh thất Bồng lai với một điều không hề liên quan trong cáo trạng là “lợi dụng các quyền tự do dân chủ” theo điều 331, vin vào cớ họ nói ông Thích Nhật Từ “ngu như bò”, và nói xấu cơ quan công an tỉnh Long An. Chi tiết liên quan về công an tỉnh Long An thì không được tiết lộ trên báo chí, nhưng đơn giản là mọi thứ bắt đầu từ chuyện các video ở Tịnh thất tiết lộ công an địa phương đòi ăn 150 triệu / người cho một giấy chứng minh.
Đó cũng là lý do mà ở phiên tòa xử, người ta cũng ngạc nhiên khi có một câu hỏi không đâu vào đâu của thẩm phán với ông Lê Tùng Vân, rằng, vì sao nơi này không chịu gia nhập Giáo Hội Phật giáo Việt Nam? Chính câu trả lời khẳng khái và mạnh mẽ của Thầy ông nội đã 90 tuổi rằng “Giáo hội không có gì xứng đáng để tôi vào”, đã góp thêm sự tức giận của chính quyền, tạo nên án tù cho tất cả những người ở nơi đây.
Vụ án đã được coi là kết thúc, và tất cả những người ở Thiền Am đã đi tù. Tưởng chừng mọi thứ đã xong, nhưng không phải vậy. Những người yêu công lý và hiểu câu chuyện oan khiên của Tịnh thất Bồng lai đã không ngừng nhắc về những lời tố cáo không được xét xử, như một cách để vạch mặt hệ thống công an đồi bại ở Long An. Chính vì lẽ đó mà các quan thầy ở Long An đã đứng ngồi không yên.
Từ đầu năm đến nay, công an tỉnh Long An phát đi những tin tức liên tục để nhằm thao túng dân chúng. Lúc thì khởi tố lại vụ án loạn luân, lúc thì thuyết phục được người giúp tặng tiền cho Tịnh thất trở mặt tố cáo tội “lừa đảo”. Mục đích để tạo vết nhơ về những người ở Tịnh thất. Và mục đích lớn hơn là để rửa bộ mặt bẩn thỉu của công an tỉnh Long An bằng chính sinh mạng và oan khiên của những người không chịu khuất phục.
Không giống như những quan chức cộng sản tham nhũng ngàn tỷ ra tòa khóc lóc, chạy vạy với những bằng khen, chứng nhận công trạng… Ông Lê Thanh Nhất Nguyên trong tấm hình mà báo chí nhận được từ công an và tung ra, ánh mắt chứa đầy sự hiểu biết đến tận cùng về bộ máy thối nát của công an Long An. Ông Nguyên như mỉm cười, và cái nhếch mép của ông cũng tựa như là một sự khinh bỉ với bản án đang áp đặt lên ông.
Làm ra vẻ có luật pháp, nhưng thật ra chỉ là bàn tay độc tài sắp đặt tung hứng. Bất kỳ người dân Việt Nam nào nói về công an Long An, hay công an Việt Nam nói chung, cũng đều có cái nhếch mép không khác ông Nhất Nguyên.
Bài bình luận gần đây