Hiện tại, nếu đặt câu hỏi: Người Việt có ý thức dân chủ chưa? Câu trả lời là bắt đầu có. Đặt tiếp câu hỏi: Người Việt hiểu biết về dân chủ tới đâu rồi? Câu trả lời là chưa tới đâu cả. Vì sao? Vì ba nguyên nhân chính: Các nhà dân chủ thiếu trung tính; Chính quyền đàn áp dân chủ và; Dân chủ chưa kịp lớn đã bị chết non.
Ở khía cạnh thứ nhất, các nhà hoạt động dân chủ thiếu trung tính. Điều này dễ dàng nhận thấy, hầu như các nhà hoạt động dân chủ đều rơi vào căn bệnh thiếu trung tính, từ anh Điếu Cày Nguyễn Văn Hải cho đến chị Tạ Phong Tần, Mẹ Nấm, chị Huỳnh Thục Vy, anh Cù Huy Hà Vũ... Dường như xét lại toàn bộ quá trình đầy hào khí dân chủ của họ, lại có gì đó thiếu trung tính, dẫn đến tình trạng thái quá (nhìn vào quá trình tranh luận của họ với nhau, đặc biệt là cuộc tranh luận giữa anh Nguyễn Văn Hải và chị Tạ Phong Tần trong thời gian gần đây), người ta không khỏi thất vọng bởi các anh chị đã để nóng giận (thiếu trung tính) dẫn dắt ra ngoài quĩ đạo dân chủ và văn minh.
Đương nhiên nhà hoạt động dân chủ không phải là thánh, họ cũng có hỉ nộ ái ố giống như bất kì con người nào. Nhưng sự hỉ nộ ái ố của một nhà dân chủ sẽ phát triển và bùng vỡ trên cơ sở tri thức và dân chủ, tức tôn trọng đối phương trên mọi khía cạnh, đặc biệt không để sự hỉ nộ ái ố ấy nhen nhóm từ những cảm xúc/nguyên nhân có tính vật dục và mang chiều hướng bế tắc bởi cả hai bên đều có sự cố chấp riêng.
Tiến trình dân chủ là một tiến trình tuy không hề đề cập nhưng tính nhân văn, yếu tố nhân cảm phải được đặt lên hàng đầu. Bởi bất kì hệ thống khoa học hay mô hình xã hội dân sự nào không được xây dựng trên cơ sở nhân văn, bất kì công trình dân chủ nào bỏ qua yếu tố nhân cảm, thì những gì chúng ta xây được chỉ là những lớp áo giấy đắp lên một gương mặt bằng đất sét, sau khi chúng ta cố gắng bồi hồ, tô sơn, cùng lắm chỉ được chiếc mặt nạ. Gương mặt dân chủ là một gương mặt thật, bằng xương bằng thịt, có máu hồng và đẫm nước mắt thân phận của con người. Nó không bao giờ là một gương mặt vô cảm nhưng đầy toan tính.
Muốn có một gương mặt dân chủ thực thụ, thì con người cõng trên lưng sứ mệnh dân chủ phải gồng mình chịu đựng, vượt qua bản thân mình. Có rất nhiều người có khả năng vượt qua trở ngại xã hội, vượt qua cả cự ly sinh tử, không sợ chết, thế nhưng người ta không vượt qua được điều rất nhỏ, đó là tự ái bản thân và cái tôi quá lớn. Khi sự nghiệp dân chủ chỉ mới manh nha, người ta đã hành xử theo cách của một nhà dân chủ đạt được thành tựu lịch sử và người ta cảm thấy mình như một ngôi sao. Rất tiếc, khi anh đang cảm giác mình là ngôi sao trong thế giới dân chủ nói riêng và trong thế giới này nói chung, tức là anh đang để cho bản năng thúc giục đôi chân của anh bước ra khỏi vòng giới hạn của dân chủ, anh cũng đang tự đề cao mình và đẩy người khác xuống một bậc thấp hơn mình, anh đang phá vỡ dân chủ rồi đấy!
Đó là những nhà dân chủ đã định hình, còn một số nhà hoạt động dân chủ theo cách phản biện xã hội. Thoạt nhìn, có những “ngôi sao dân chủ” đầy kì vọng trong nước, hiện nay, họ là những người được xem, là trung tâm của tiến bộ trong cộng đồng mạng. Thế nhưng, khi gặp một sự cố dân chủ, ví như sự xuất hiện của giáo sư Phan Xuân Trường cùng những phát biểu có phần vội vã, hớ hênh của ông trong việc bổ túc/bổ sung cho những mô hình xã hội, cho lý tưởng xây dựng xã hội của mình, các phát biểu này được cắt lẻ, tách biệt với chuỗi ý hướng trong video gốc và biến nó thành trò cười... thì các nhà phản biện xã hội tại Việt Nam không những không xem nhưng thả sức công kích mà còn “xem đến lần thứ ba, thứ tư” nhưng vẫn thả sức công kích, thậm chí trích dẫn lưng chừng ý của người khác để công kích. Điều này cho thấy sự thiếu trung tính.
Bởi việc đảm bảo trung tính, khách quan là thái độ đầu tiên, tối cần trong khoa học và cũng tối thiết trong tư duy dân chủ. Nếu chỉ vì không ưa hoặc ghét ai đó, anh thỏa sức công kích, thậm chí rủa sả, đến khi sự thật không giống như anh đang công kích thì anh vẫn cố y, vẫn già mồm tiếp tục công kích, sự công kích của anh lúc này không nhằm bảo đảm đúng - sai mà nhằm bảo đảm “uy tín” của anh. Tức anh đã nói là phải đúng. Cách nghĩ này có tính độc đoán và mang dáng dấp độc tài, nếu có đủ quyền lực và tầm phủ sóng, nó sẽ nghiễm nhiên chuyển thành độc tài.
Chính vì lẽ này, mà hầu như người Việt Nam nào cũng hiểu, cũng nắm, cũng rõ khái niệm dân chủ, nhưng hỏi dân chủ tới đâu thì câu trả lời lại chưa tới đâu cả. Tức mọi thứ gọi là dân chủ anh đưa ra chỉ là những mô hình lý tưởng phù hợp với lý tưởng của anh và để đảm bảo nó là mô hình lý tưởng, anh sẵn sàng trù dập, công kích và xóa sổ bất kì mô hình nào trái ngược hoặc không giống, không tương thích với nó. Điều này vô hình trung chứng minh rằng anh là người rất nhiều tham vọng, thứ mà anh lâu nay gọi là dân chủ, kì thực đó là tham vọng của anh đang cố gắng phổ biến, phổ thông hóa nó bằng con đường phản biện xã hội, phản dân chủ. Và, đây là đầu mối cho thấy tại sao các nhà dân chủ thường hiềm khích với nhau, ít ai thực tâm nương tựa, che chở cho ai và cũng ít có trí thức nào nễ các nhà dân chủ, nhà phản biện xã hội.
Và đây cũng là nguyên nhân, lý do để thấy rằng quá trình dân chủ tại Việt Nam, đến lúc này vẫn lờ đờ nước hến, thậm chí có lúc bốc mùi bởi những con hến quá lờ đờ. Kiểu chơi chụp mũ, qui kết những người không đồng chính kiến, không đồng quan điểm chính trị với mình thành kẻ “bưng bô chế độ” hoặc kẻ “nịnh thối” hoặc kẻ “xu phụ độc tài” mà không có bất cứ công trình hay bài viết nào chứa các dữ liệu, luận điểm, luận cứ để chứng minh, cho thấy A, B, C nào đó như vậy là một cách “phản biện” ngụy tạo và phản dân chủ. Hay nói khác đi, đây cũng là một kiểu hành xử đầy chất độc đoán, độc tài, mượn hơi đám đông để dìm một ai đó. Những cách chơi phản dân chủ nhưng lại khoác áo dân chủ đang làm cho dân chủ Việt Nam trở nên rối rắm, mất phương hướng.
Và đây là cái cớ, là cơ hội, là thời điểm tốt nhất để chính quyền tha hồ đàn áp, bóp chết dân chủ. Và điều đó đã xảy ra, đang xảy ra một cách khó lường.
Nói rộng ra, trong nhân dân, dù muốn hay không muốn, khi nhắc đến dân chủ, tìm hiểu dân chủ, nghiên cứu và theo đuổi dân chủ... người ta phải nhìn vào những tiêu điểm về dân chủ. Họ là những nhà hoạt động có thâm niên, họ là những người có hiểu biết, họ là những trí thức, họ là những người dám hi sinh bản thân vì việc lớn... Thế nên nhân dân, quần chúng mới theo đuổi, tôn sùng, tin yêu... và cả thần tượng họ. Thế rồi mọi thứ trở nên dừng khựng, chết yểu bởi những gì người ta kì vọng bị phá vỡ. Và tiến trình còn dở dang, đã chuyển sang lủng củng.
Và, đến bao giờ Việt Nam có không khí dân chủ thực sự? Điều ấy chỉ có/đến khi con người nói chung, và đặc biệt các nhà hoạt động phản biện xã hội, hoạt động dân chủ nói riêng có được tư duy khoa học thực thụ, có được tính độc lập và trung tính trong hành xử, công tâm với khoa học, với bản thân và với đối tác, đối phương. Chỉ khi ấy, dân chủ mới thực sự có mặt nơi bạn đứng.
Bài bình luận gần đây