Bắt đầu từ ngày 1 tháng 7 năm nay, lương cơ sở của công chức, viên chức nhà nước được tăng theo hệ số mới. Đây là tin vui của những người làm việc trong hệ thống Nhà nước, bởi chí ít, mức lương mới sẽ bảo đảm cho họ bù giá trong quá trình lạm phát kinh tế, bụng họ không đến nỗi xệp. Và đương nhiên, họ cũng sẽ nở được nụ cười khi nhận lương. Điều này bù cho đa số người sẽ thấy buồn, lo và khóc mếu. Vậy người cười thì thấy rồi, còn người khóc là ai?
Họ là ai? Câu trả lời quá rộng cho câu hỏi, họ là hầu hết nhân dân trên cả nước, từ ông phu xe, bà bán vé số, bán nước mía, bán trà đá, người chăm bệnh thuê, người lao công, người bồi bàn, bà bán rau, ông xe ôm... Họ là những người không thuộc hệ thống nhà nước và họ cũng đóng thuế giống như mọi người, đặc biệt, họ chịu hậu quả của trượt giá còn nặng nề hơn mọi người.
Cái sự buồn đầu tiên của họ là cũng bắt đầu từ ngày 1 tháng 7 này, họ phải mua bảo hiểm y tế với giá cao hơn trước đây rất nhiều, nếu như trước đây, mua bảo hiểm y tế với giá hơn 900,000 đồng/người đã là quá kinh khủng đối với lao động nghèo (nhưng không thuộc bảo chứng nhà nước, không được hỗ trợ giá vì không được xét hộ nghèo, mà hộ nghèo bây giờ khó xét lắm, họa hoằng người ta vì nễ mới xét cho gia đình các quan chức, chứ thường dân thì rất khó, bởi đó là gương mặt chung của xã hội, xét càng nhiều hộ nghèo thì chính quyền càng muối mặt...), thì bây giờ giá hơn 1,200,000 đồng/người là một cái giá không thể nói là không làm toát mồ hôi hột với dân lao động. Thế nhưng qui định cũng đã ban hành, giá cũng đã thực thi, nếu muốn có bảo hiểm, họ phải chạy vạy để mua, vậy thôi!
Mà trong xã hội, giới lao động nghèo lại là giới cần bảo hiểm y tế nhất, vì lẽ, dinh dưỡng không đủ, đời sống khó khăn, chật vật, vệ sinh an toàn thực phẩm không có, nguồn thực phẩm rẻ mạt và độc hại, tương lai xám xịt... chỉ chừng đó cũng đủ vừa hoành hành thể xác, vừa phá vỡ tinh thần, khiến cho tỉ lệ người lao động nghèo đau ốm bao giờ cũng cao ngất trong xã hội. Và họ không còn cách nào khác là phải mua bảo hiểm y tế.
Mua bảo hiểm y tế với người nghèo như là một biện pháp an ninh sức khỏe, an ninh y tế, để nhỡ có đau ốm gì thì đến phòng khám đa khoa, khám và nhận vài viên thuốc, cho dù đó là thuốc nội, thuốc dỏm nhưng ít nhất cũng đỡ tốn tiền và bảo đảm sức khỏe để mà cày tiếp cho chén cơm manh áo. Cái vòng lẩn quẩn cày bừa vì chén cơm manh áo, ăn nhín uống nhịn, bệnh tật, rồi vào viện, rồi ra viện và cày tiếp là cái vòng dành cho người nghèo (đương nhiên nhà giàu cũng vẫn bệnh, nhưng đó là thứ bệnh của nhà giàu, không thoi thóp và đau đớn như nhà nghèo!). Chính vì cái vòng lẩn quẩn đeo bám này, họ buộc lòng phải mua bảo hiểm y tế, nó như một thứ vật phòng thân bất khả chối từ vì nếu không có nó, khi đau ốm, mọi thứ sẽ trở nên kinh khủng.
Thế nhưng đâu chỉ riêng chuyện bảo hiểm y tế tăng giá, có hàng ngàn thứ vật giá leo thang và thị trường liên tục lạm phát song song với thất nghiệp tràn lan, tăng lương cơ sở là biện pháp chữa cháy cấp thời của chính phủ trước thực tế xã hội. Tăng lương, nó cũng cho thấy rằng chính phủ đã hoàn toàn bất lực trước việc quản lý thị trường, và thị trường có lối đi tự do của nó, chính phủ không thể kéo nó lại, đó là một cách nghĩ.
Trong góc độ khác, thị trường liên tục lạm phát cũng có thể nằm trong chủ ý của chính phủ, điều này làm giảm mất giá trị đồng tiền và đương nhiên, lượng vàng bạc cũng như lượng tiền bản vị vàng đưa từ nhân dân vào ngân hàng nhà nước thông qua các kênh tiết kiệm ở các ngân hàng bên dưới đã được qui thành vàng trước đây bằng con đường độc quyền nhập khẩu vàng đã nhanh chóng bị biến dạng. Trước đây người dân gởi tiết kiệm một lượng vàng thì bây giờ, rút cả vốn lẫn lãi ra để sắm vàng lại, không tới nửa lượng, may mắn lắm (tức mới gởi) thì còn được nửa lượng. Như vậy, để đồng tiền mất giá trị, để thị trường lạm phát cũng là một cách chạy nợ của chính phủ trước nhân dân.
Bởi khi nhân dân nắm trong tay đồng bạc của chính phủ, tức đang nắm tờ bảo chứng nợ cho chính phủ, tức họ phải bỏ ra một khoản tài sản tương đương với tờ tiền đang cầm để thu tờ tiền ấy vào tay. Người lao động thì bỏ sức lao động, người buôn bán, sản xuất thì bỏ sản phẩm và quá trình/thời gian kinh doanh... Và một khi tờ giấy nợ bị mất giá, tức chính phủ đang chạy nợ một cách khéo léo. Và cái khổ, cái nặng nề thuộc về người “chủ nợ”.
Đương nhiên “chủ nợ” không hề hay biết về món giấy nợ mình cầm trên tay và cứ như vậy mà loay hoay với rất nhiều thứ phiền toái trong đời sống, các khoản tiền liên tục tăng giá trong khi đồng thu nhập ít ỏi phải xé nhỏ, chia đều cho từng món nho nhỏ, hẹp dần, đời sống cũng co cụm dần, và có thể, người ta sẽ tự an ủi rằng “đời còn có lắm người khổ hơn mình” để mà tiếp tục sống, tiếp tục loay hoay, liếp tục lẩn quẩn, tiếp tục cuốn như con vụ trong guồng quay cuộc đời.
Ngay cả những người được tăng lương cơ bản cũng chưa chắc họ đã cười được, bởi lương thường tăng để đuổi kịp thời giá chứ ít có chuyện thời giá đuổi bắt mức lương. Nên chi, việc tăng lương chỉ giúp cho viên chức, cán bộ đủ bù trượt giá, việc còn lại, muốn khấm khá, thoải mái, họ phải nghĩ đến một thứ gì đó tựa như việc làm bất lương, bởi chỉ có việc làm bất lương (ở đây hiểu theo nghĩa bất lương là không có lương mà vẫn có thu nhập cũng được) mới đảm bảo đời sống của họ thoải mái. Theo cách nhìn này, sự bất lương thường bắt nguồn từ sự quản lý yếu kém, lỏng lẻo và vô trách nhiệm của nhà cầm quyền, của chính phủ. Và người ta thường nói vui với nhau rằng khi cái nịt bụng của Thủ tướng càng dài ra thì miếng ăn của người dân càng ngắn lại. Không biết nên hiểu câu này theo tình cảnh nào và theo góc nhìn nào đây?! Nhưng rõ ràng, có một thực tế là liên tục các đời Thủ tướng sau này, hình như đồng tiền liên tục rớt giá, thị trường liên tục lạm phát và nạn thất nghiệp xảy ra không thể kiềm chế được (bởi lượng doanh nghiệp phá sản quá nhiều).
Cũng liên tục các đời Thủ tướng sau này, cứ ông nào tuyên bố nghe lếu láo một chút là gặp sự cố ngay, Nguyễn Tấn Dũng tuyên bố Vinashin và Vinalines là hai quả đấm thép của kinh tế Việt Nam thì liền sau đó, nó thành hai đống sắt vụn chất chồng nợ nần. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, sau này là Chủ tịch, tuyên bố nếu cột điện Mỹ có chân nó cũng sẽ chạy sang Việt Nam trốn dịch thì liền sau đó, đại dịch tràn lan, người chết như rạ và người bỏ trốn, vượt biên sang xứ người làm thuê ngày càng đông. Đến Thủ tướng Phạm Minh Chính, ông tuyên bố “dân chủ là đủ ăn, đủ mặc, đủ ở” thì liền sau đó, nạn thất nghiệp, nạn thiếu đói, nạn lạm phát hoành hành...
Điều này cho thấy các lãnh đạo có vẻ như “năng thuyết bất năng hành” thì phải?! Và, mọi thứ tươi sáng nghe có vẻ còn xa vời lắm. Nhưng, có một thực tế rất gần, là người lao động nghèo hay người làm công chức đều cảm thấy bất an, mệt mỏi vì chuyện tăng lương cơ sở. Vì sao, chắc cũng không cần nhắc lại!
Bài bình luận gần đây