Những ai theo dõi thời sự, đều không thể quên được việc nhà báo Huy Đức bị bắt cóc, chỉ sau vài ngày ông ta có hai bài viết trên trang Facebook gây nhiều xôn xao trong nước. Lý do của việc bắt giữ ngay sau đó, phần lớn là đồn đoán. Vì hai bài viết đó nhắm đến hai nhân vật quyền lực quan trọng của Ba Đình hiện thời, nên sự thắc mắc lớn nhất, là ai đứng sau lệnh bắt Huy Đức.
Nhiều ngày sau vụ bắt cóc gây xôn xao, thậm chí giới truyền thông và tổ chức xã hội dân sự lên tiếng chỉ trích, ngày 7 Tháng Sáu, báo chí nhà nước mới đưa tin Huy Đức (cùng luật sư Trần Đình Triển) bị bắt để điều tra về tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân theo Điều 331 Bộ Luật Hình Sự.
Nhưng thông báo của Bộ Công An về việc bắt giữ ông Huy Đức, và gọi là “điều tra,” nghe có gì đó rất khiên cưỡng, vì ngoài những quan điểm bình luận hoàn toàn cụ thể của nhà báo này, giới thiệu một góc nhìn thẳng thắn, khó có thể nói là ông Huy Đức còn bị “điều tra” gì nữa.
Chỉ có thể suy đoán trong trong sự mù mờ của thông báo bắt giữ ngày 7 Tháng Sáu, là có thể phía công an bắt ông Huy Đức để “điều tra” xem ông ở phía nào của cuộc chiến Ba Đình đang điên đảo, và bài viết của ông ta, thực sự dự báo gì, của phe nào.
Có hai bài viết, được coi là là nhắm đến hai người. Bài “Những suy nghĩ không rời rạc” được nói là nhắm đến ông Nguyễn Phú Trọng. Còn bài “Một quốc gia không thể phát triển dựa trên sự sợ hãi” được coi là nhắm đến Tô Lâm. Các bình luận vẫn coi việc bắt giữ là về phía Tô Lâm. Các tờ báo như CNA, DW, New York Times… nếu không nhắc tên Tô Lâm, thì cũng nhắc đến bài báo mà Huy Đức tấn công trực diện cách mà Bộ Công an đang kiểm soát đất nước.
Ngày 25 Tháng Sáu, tờ Công An Nhân Dân xuất hiện bài viết, có tựa đề “Huy Đức nhầm lẫn hay cố ý “dắt mũi” dư luận qua bài viết “Một quốc gia không thể phát triển dựa trên sự sợ hãi?” Nếu nói đây là bài viết xác định ai là người bắt Huy Đức cũng không sai, nhưng nếu nói là phía công an dùng bài báo này để giải thích việc ai bắt, và vì sao bắt Huy Đức, thì hoàn toàn rõ ràng hơn.
Tác giả bài báo có tên, nhưng vẫn là vô danh, theo kiểu mọi bài viết lên giọng tư tưởng truyền thống của báo chí nhà nước.
Bài báo tấn công vào một trong những ý trong bài viết “Một quốc gia không thể phát triển dựa trên sự sợ hãi” của Huy Đức, là chỉ trích quy định quản lý dao có tính sát thương cao trong Dự thảo sửa đổi Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017.
Ông Tô Lâm giới thiệu trước Quốc Hội về “Dự thảo sửa đổi Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017” và đưa dao có tính sát thương cao vào danh mục vũ khí thô sơ cần quản lý. Và bài báo ngày 25 Tháng Sáu muốn tập trung dẫn dắt dư luận quanh sự “thiếu hiểu biết” của Huy Đức về tình trạng quản lý dụng cụ có thể sát thương.
Nói chung, bài báo cố bẻ nội dung bài viết của ông Huy Đức về hướng tầm thường hơn, và thiếu nhận thức xã hội. Nhưng nếu nhìn kỹ, đây là thủ thuật được dàn dựng để xóa những lời đồn và suy luận về nội hàm của bài viết “Một quốc gia không thể phát triển dựa trên sự sợ hãi” là Huy Đức muốn trình bày một Bộ Công An quyền lực, nuốt ngân sách vô độ, luôn vẽ ra những hiểm nguy để chứng minh giá trị tồn tại của một ngành đang phát triển thành một nhà nước hắc ám thứ hai, bên cạnh việc nhà nước có tên gọi đang điều hành đất nước.
Những ai đọc bài viết của nhà báo Huy Đức, đều tự mình hình dung được từ câu chuyện kiểm soát dao của ông Tô Lâm, đến một lực lượng đang thao túng đất nước trong sợ hãi, dựng lên những hình ảnh lực lượng khủng bố chính quy như ở Tây Nguyên để tăng quyền lực. Lực lượng được gọi là thanh gươm và lá chắn của nhà nước, nhưng lúc này ông Tô Lâm và Bộ Công An hoàn toàn nắm thóp, cầm giữ hầu hết các quan chức của Bộ Chính Trị làm con tin, qua những bộ hồ sơ sai phạm mà hầu như quan chức nào của chế độ CSVN đều cũng có, bao gồm ông Tô Lâm.
“Liệu một tay viết lão luyện như Huy Đức có thể nhầm lẫn hay không chịu nghiên cứu kỹ văn bản? Nếu ông không hiểu nhầm thì lẽ nào đang yêu cầu việc cho phép tự do sở hữu vũ khí có tính sát thương cao? Như ông nói ‘một quốc gia không thể phát triển dựa trên sự sợ hãi’ – trong sự sợ hãi không ai có thể thoải mái học tập, lao động, sáng tạo, thậm chí không thể ngay cả việc ngủ ngon. Lẽ nào ông muốn đất nước đang là nơi được tín nhiệm để tổ chức các cuộc gặp trọng yếu quốc tế của mình trở thành nơi mà bất kỳ lúc nào người dân cũng có thể trở thành nạn nhân của bạo lực dùng súng, dao hay các loại vũ khí có tính sát thương cao khác?,” bài báo trên Công An Nhân Dân, ký tên vu vơ Châu Thành, cố kéo bình luận của Huy Đức về mức thấp nhất là “hiểu lầm,” do kém cỏi.
Vụ bắt giữ ông Huy Đức, cũng được coi là một cách “dằn mặt,” theo nhận định của những nhà quan sát thời sự trong nước. Vì bởi bỏ tù nhà báo này hoàn toàn không có lợi cho phía bắt giữ. Bởi từ nhiều phía, Huy Đức vẫn được coi là cây bút đóng góp để xây dựng một chế độ tốt hơn, và triệt phá những kẻ sai phạm, tham nhũng.
Khác với Phạm Chí Dũng, cũng là một người từ trong hệ thống bước ra, nhưng đã bỏ Đảng, lập cột truyền thông và hoàn toàn đả kích chủ nghĩa cộng sản. Ông Huy Đức hiện vẫn là một đảng viên, vẫn là một người được nhìn nhận đã đóng góp cho cuộc chiến phía Bắc 1979, và vẫn có lối viết không tấn công triệt hạ Đảng.
Với cách “giải thích” của công an về việc bắt giữ Huy Đức, qua bài báo hiếm hoi ngày 25 Tháng Sáu, có dự đoán rằng Huy Đức sẽ được câu lưu điều tra thêm vài tháng, rồi sẽ được trả tự do, nhưng với một điều kiện là ông Trọng còn sống đến lúc đó.
Hiện có tin nội bộ chưa được kiểm chứng nói rằng phía nước ngoài chẩn đoán, nói ông Trọng đã đến giai đoạn cuối của căn bệnh ung thư, thời gian cuối cũng gần kề.
Nếu ông Trọng rời khỏi chiếc ghế tổng bí thư, thì việc mọi cánh tay sợ hãi trong bộ máy Đảng cùng nhiệt liệt đồng ý ông Tô Lâm vào ghế tổng bí thư, kiêm chủ tịch là điều có thể đoán được. Và bài báo dò đường cho phương án trả tự do cho Huy Đức, cũng như số phận của nhà bào này, chắc lại sẽ chìm vào bóng tối.
Bài bình luận gần đây