Nếu trong vài tháng tới, Lê Thanh Hải bị chính thức truy tố vì những tội danh đang được đồn đoán, chắc chắn sẽ có nhiều người vỗ tay tán thưởng. Với châm ngôn hành động mà vẫn được giới cầm quyền ở miền Nam xì xầm với nhau rằng “mình không ăn, tụi ngoài Bắc sẽ ăn hết”, Hải – Hai Nhật, người thống trị chính quyền Sài Gòn trong hai thập niên, xứng đáng nhận mọi mức án mà người dân Sài Gòn căm hận chờ đợi, thậm chí là tử hình.
Hải được coi là nhân vật bất khả xâm phạm trong giới cộng sản, do mối quan hệ chằng chịt cũng như nắm nhiều hồ sơ đen của các quan chức nào, gọi là đối đầu với ông ta. Chính vì vậy mà, mạng xã hội Việt Nam gần như vỡ tung khi đọc được dòng tin ngắn trên trang X, của nhà báo Anh Bill Hayton: “Lê Thanh Hải đã bị bắt vì rửa tiền và chuyển tiền ra nước ngoài, gây thiệt hại 50 tỷ USD cho Chính Phủ Việt Nam; Hợp tác với gián điệp Trung Quốc phá hoại kinh tế Việt Nam suốt 15 năm ở TP.HCM.”
Bị bắt, không rõ là có hồ sơ bắt, bị đưa vào tầm ngắm để bắt hay sắp bắt... mọi thứ đang là tin đồn. Nhưng với những tiết lộ này, thật là như tin sét đánh ngang tai, mọi ánh mắt điều nhìn về Nguyễn Phú Trọng, xem ông ta có thật sự dám mồi lửa cho chiếc lò nướng có con cá mập Lê Thanh Hải này hay không?
Hải tham gia cộng sản từ năm 1966, ẩn trú ở Chợ Lớn, khu vực người Hoa của miền Nam, trong vai trò trinh sát và tham gia các cuộc ám sát, khủng bố. Hải đóng vai vai một thanh niên miền Tây lên học nghề thợ hàn và hành động theo chỉ đạo của Bắc Việt. Bằng một cách thần kỳ nào đó, Hải vẫn bình yên vô sự trong cuộc tấn công Mậu Thân, mặc dù các đồng chí thì đều bị bắt, bị chết. Do lực lượng cán bộ bị tiêu hao nặng nề, sự thăng tiến của Hải trong hàng ngũ đảng đã bắt đầu.
Sau 1975, Hải được tin cậy vì không có nhiệm vụ nào tàn nhẫn đến đâu, vô lương tâm thế nào mà Hải không làm xong. Ông Bảy, một người trong nhóm ám sát ở Sài Gòn cùng Hải, để tên giả, kể rằng Hải và đàn em nhìn chỗ nào thích, là tạo hồ sơ đẩy gia đình người ta đi kinh tế; cho đàn em vào trấn chiếm ở các ngôi nhà, hãng xưởng mà Hải đã chọn từ trước, sau đó bằng các loại bán hóa giá tài sản cướp được, Hải vừa tạo tiền của cho mình, vừa trở thành “người ơn” cho các cán bộ từ Bắc vào.
Qua thế lực của gia đình nhà vợ, Hải được bổ nhiệm làm Bí thư Thành ủy Quận Năm, tức là Chợ Lớn, nơi mà mặc dù bị suy yếu bởi chiến dịch tịch thu, cướp phá kéo dài suốt 15 năm của Đỗ Mười với âm mưu bần cùng hóa miền Nam để "xây dựng chủ nghĩa xã hội", nhưng trung tâm kinh doanh đặc biệt này của người Hoa vẫn tiếp tục tồn tại với phương châm tiền đi trước, cho công việc tiếp bước. Hải khôn ngoan bám chặt vào đây.
Lê Thanh Hải có một lợi thế đặc biệt, là người gốc Hoa, nên dễ dàng kết nối với các hệ thống kinh tài từ người Hoa, tạo lợi thế cho việc Hải nắm quyền tổ chức đảng Thành phố Hồ Chí Minh. Chỉ trong 10 năm gầy dựng, đô thị giàu có phía Nam đã trở thành lãnh địa của Hải.
Sài Gòn đứng lên từ đống tro tàn, không nhờ vào các khoản trợ cấp từ trung ương, ngược lại là nơi đóng góp lớn nhất vào ngân sách quốc gia. Do vậy, Sài Gòn dưới thời Hải (người trở thành Trưởng Ban thường vụ Thành ủy năm 2001, và năm 2006 và một lần nữa vào năm 2011, Bí thư Thành ủy TP.HCM) có được quyền tự chủ đáng kể. Việc Hải đồng thời được bầu vào Bộ Chính trị, cơ quan hoạch định chính sách hàng đầu của Đảng Cộng sản Việt Nam, đã chứng minh cho thế lực ngấm ngầm của vùng bán tự trị, dù đang bị cưỡng chiếm này.
Hai nhiệm kỳ của Nguyễn Tấn Dũng làm thủ tướng trùng với nhiệm kỳ của Hải làm bí thư Thành ủy TP.HCM. Tâm thế kiêu ngạo của giới cộng sản miền Nam khiến Dũng và Hải là đồng minh tự nhiên. Trên thực tế, ai cũng biết giới cộng sản miền Nam không màng đến việc khuất phục trước ban bí thư của Đảng Cộng sản người Bắc cầm nắm. Và đó cũng là nỗi căm hận và lo sợ của các đời Tổng bí thư cộng sản, cho đến Nguyễn Phú Trọng.
Đổ vỡ bắt đầu từ sự tàn bạo của Hải
Thế nhưng Hải, giờ đã hơn 70 tuổi, thay vì hành động để tạo được hình thái bán tự trị của miền Nam, giúp cho người dân phía Nam đứng lên, thoát khỏi tâm tư công dân hạng hai sau 1975, thế nhưng Hải đã mờ mắt trước các chương trình, dự án thu vén tàn khốc của giới lãnh đạo miền Bắc. Hai Nhật và các cộng sự của mình đã quyết chọn làm giàu thực sự trong vị thế quyền lực của mình.
Từ khi biến thành một lãnh chúa trục lợi không thương xót, Hải đã được mô tả là kẻ sẵn sàng chiếm đoạt đất đai, công khai mua bán chức vụ, trả thù đối thủ, đưa người thân vào những vị trí béo bở, thu tiền hoa hồng… Vụ án cướp đất Thủ Thiêm là một trong những minh chứng rõ nét nhất về sự tham tàn và độc ác của Hải, khi thúc đạo quân tay sai của mình bằng mọi cách phải chiếm được đất. Một người dân Thủ Thiêm kể lại rằng vào nửa đêm họ bị xô thức dậy giữa vô số công an, loa, đèn cao áp, và dí súng vào đầu với câu hỏi “muốn giữ đất hay muốn ăn đạn”.
Hầu hết tất cả những bí thư được cử từ Hà Nội đến để cầm quyền ở Sài Gòn đều bị cô lập, chỉ loanh quanh vào chuyện đàn áp người dân, và phong tỏa một vài công ty kinh tế không đáng kể. Mục tiêu phá cái khung cầm quyền mang tính tự trị của Hải ra lập ra ở Sài Gòn, đều bị tất cả các quan chức từ ngoài Bắc điều vào nhìn ngó với sự ngao ngán.
Hồ sơ về sai phạm của Lê Thanh Hải đã được Nguyễn Phú Trọng cho hình thành từ năm 2016, nhưng phải đợi đến lúc Lê Thanh Hải về hưu, thì thực sự mọi chuyện mới có thể bắt đầu. Những số tiền làm ra của Hải ở Sài Gòn, khiến giới cộng sản miền Bắc chảy nước miếng, đều là trong lĩnh vực bất động sản, cụ thể là việc chuyển đổi mờ ám đất đai do nhà nước sở hữu sang mục đích thương mại.
Từ hồ sơ năm 2016, đến năm 2018, lò của Trọng mới bắt đầu "đốt" được vài tay chân của Hải như Tất Thành Cang, Nguyễn Thanh Tài, Lê Hoàng Quân… tất cả là những vụ chuyển nhượng đất công bất hợp pháp thành tiền, có lúc lên đến cả tỷ USD.
Lửa lò đã cháy đến miền Nam
Trọng phát động chiến dịch tập trung điều tra vụ dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Từ lệnh trung ương, dân Thủ Thiêm mới có được những lần kêu oan, chửi thẳng tên các quan chức và thậm chí ném dép vào vào đại diện tiếp dân. Trọng muốn dùng tiếng kêu khóc của dân oan để đánh Hải, chứ không hề có ý định đem lại công bằng cho 14.600 hộ gia đình bị xô thành kẻ màn trời chiếu đất.
Vào Tháng Năm năm 2018, Trọng thúc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ra yêu cầu các thanh tra viên chính phủ tìm hiểu lý do tại sao sau hơn hai thập kỷ và chi hàng tỷ đô la tiền công quỹ, bán đảo Thủ Thiêm vẫn phần lớn là đầm lầy.
Cuộc điều tra theo hai hướng. Một hướng đưa ra bằng chứng cho thấy các quan chức Thành phố Hồ Chí Minh đã thay đổi quy hoạch tổng thể được Thủ tướng tiền nhiệm Võ Văn Kiệt phê duyệt vào năm 1996, để chiếm dụng nhiều hơn diện tích làng hiện có và thu hẹp các khu đất được chỉ định làm nơi tái định cư.
Hướng điều tra thứ hai của các thanh tra viên là phân tích quá trình đấu thầu hạ tầng của Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Vào tháng 6 năm 2019, họ đã công bố một báo cáo nêu chi tiết những sai phạm nghiêm trọng và cho biết chính quyền thành phố phải trả lại số tiền tương đương 1,1 tỷ đô la Mỹ cho chính quyền trung ương.
Nhưng cả hai hướng điều tra, đều không bứng nổi Hải. Hồ sơ chỉ kết luận được là dự án Thủ Thiêm đã "làm tổn hại đến uy tín của tổ chức đảng Thành phố Hồ Chí Minh và chính quyền đối tác... mà ông Lê Thanh Hải phải chịu trách nhiệm chính". Do đó, Bộ Chính trị quyết định tước bỏ các chức danh trong Đảng của ông ta một cách hồi tố.
Cho đến lúc vào tình thế được coi là ngặt nghèo hiện nay, ông Hải vẫn là gai trong giày của ông Trọng. Hạ được Lê Thanh Hải, tức hạ được trùm cuối của cánh cộng sản miền Nam bất trị, và có thể thu gom được các đầu mối kinh tài cho bộ máy chính trị này, cụ thể như vụ ngân hàng SCB và bà Trương Mỹ Lan.
Câu hỏi cuối cùng cho hệ thống cầm quyền cộng sản hiện nay, rằng sau khi thanh toán được các băng nhóm cộng sản miền Trung và miền Nam, chính trị Việt Nam sẽ ra sao? Nửa thế kỷ sau khi thống nhất đất nước bằng bạo lực, Hà Nội đang mon men đến chuyện thống nhất được nội bộ "đồng chí" từ di sản chiến tranh. Nhưng sau ông Trọng, sẽ không có ai có gương mặt nào có đủ lực toàn trị để truy bắt, thanh trừng, giữ cho đảng cộng sản còn chút hình ảnh lý tưởng của mình. Cuộc phân tranh vì danh lợi trên nóc Ba Đình về sau, cho thấy sẽ còn tương tàn hơn bao giờ hết.
Bài bình luận gần đây