Hơn tuần này, dường như hình ảnh tu sĩ Thích Minh Tuệ (người được cho rằng đang tu theo Hạnh Đầu Đà trong Phật Giáo nguyên thủy) chiếm hầu như mọi trang mạng xã hội. Và làn sóng hưởng ứng, tôn sùng cách tu của Thích Minh Tuệ nhanh chóng trở thành những đám đông, đặc biệt đám đông ở Nghệ An lên đến hơn năm ngàn người. Điều này vô hình trung gợi nhớ đến các đám đông theo Thích Trúc Thái Minh, Thích Chân Quang, Thích Nhật Từ... Và các đám đông này cho thấy điều gì?
Trước nhất, hãy nhắc về các đám đông hàng ngàn người theo Thích Trúc Thái Minh, Thích Nhật Từ, Thích Chân Quang... Họ là ai?
Xin thưa, họ là những Phật Tử và họ đã bị các trang mạng xã hội ném đá, phàn nàn, thậm chí nói nặng lời vì họ “mê tín, ngu muội, vô minh...”. Kỳ thực, có đến nỗi phải nói họ như vậy không?
Cũng giống như đám đông đi theo sư Thích Minh Tuệ hiện tại, có người quỳ khóc nức nở, có người xuống tóc đòi theo thầy Minh Tuệ... đủ các sắc thái nhuốm màu thần tượng. Như vậy, có nên kết luận họ vô minh hay không?
Tôi nghĩ là không, bởi quần chúng, nhân dân mãi là những đám đông, điều này luôn tồn tại và nó chỉ chấm dứt khi nhân dân không cần bất kì trật tự chính trị, trật tự hành chính nào. Bất kì quốc gia nào, hễ có quần chúng ắt có đám đông. Mà đám đông ấy chắc chắn có cả những trí thức, họ có lý lẽ của họ, rất khó lạm bàn, bởi ngoài cái Lý còn có cả cái Lẽ.
Cái Lý ở đây là sự hiểu biết về kinh Phật, kiến thức Phật Học và các triết lý của Đức Phật được ứng dụng phù hợp với đời sống. Nhưng cái Lẽ ở đây chính là cơ địa và thân phận con người, thân phận xã hội của từng người riêng lẻ cùng với hệ hình ứng xử của họ.
Cái Lý, có vẻ như là cái Lý chung, không cần bàn thêm, bởi kinh sách, mọi triết lý của Đức Phật đều xoay quay trục Nhân - Quả và muốn cho các đệ tử của Ngài thấy lý Nhân - Quả để hành động. Trong việc hành động theo lý Nhân - Quả sẽ có rất nhiều mô phạm đạo đức tương ứng và tốt đẹp... có lẽ không cần bàn thêm.
Nhưng cái Lẽ, nhất là cái Lẽ của người Việt, một dân tộc mang thân phận nhược tiểu, dễ khóc, dễ than vãn, dễ nỗi nóng, dễ điên loạn và bốc đồng, dễ bạo động... Tính cách chung của một dân tộc trải qua quá nhiều chiến tranh, đói khổ và mất mát.
Và những đám đông cuồng tín, cuồng thần tượng, cuồng nộ... là biểu hiện của một dân tộc giàu tiền bạc trong sinh quyển thực dụng, trong cơ chế chính trị và tôn giáo không có tự do, kìm kẹp, thiếu dưỡng chất tiến bộ.
Không riêng gì tu sĩ Thích Minh Tuệ mới tạo ra được hiệu ứng đám đông hàng ngàn người, mà trước đây (thiết nghĩ sau này vẫn sẽ vậy) những đám đông hàng ngàn, hàng vạn người chạy ra đường, thậm chí múa may quay cuồng và khỏa thân, hò hét sau một trận cầu, gây ra ách tắc giao thông, tai nạn xe cộ và xả rác khắp mọi nơi. Rồi những đám đông đi đón giao thừa, những đám đông kéo ra biển nhân ngày lễ, những đám đông kéo lên Yên Tử, Ba Vàng, điện Cậu ở Tây Hồ... nhiều vô kể. Không có nơi nào có thể nhanh tập hợp các đám đông như Việt Nam.
Do đâu? Đây lại là một phạm trù về tâm lý học và phân tâm học, một dân tộc bị tổn thương và mặc cảm trong tâm lý lúc nào cũng được quyền Ca Ngợi và Tự Hào nhưng không được phép Ta Thán và Phản Biện, kẻ nào biết tự hào, biết ca ngợi thì tồn tại, phát triển và gặp suông sẻ, kẻ nào Ta Thán, Phản Biện thì gặp những điều không may, xui rủi, thậm chí tai vạ.
Bằng chứng của việc này là tất cả những cá nhân và tập thể phản biện trong xã hội đều gặp những điều bất lợi, bất trắc và nguy hiểm. Ngược lại, tất cả những kẻ a dua, biết nịnh, biết ngợi ca và tự hào đều trở nên đỏ da thắm thịt, vinh thân phì gia.
Với một xã hội tổn thương nặng nề như vậy, người thấp cổ bé miệng hoặc là bị vùi dập, hoặc là cắn răng cắn cỏ mà nỗ lực vượt thoát bằng cách lạn lách, nịnh bợ, bất chấp, thủ đoạn (nếu có được!)... thì chắc chắn một điều, trong sâu thẳm nội tâm của cả kẻ thắng và người thua đều mang nặng vết thương.
Vết thương này mưng đau và biến thành tiếng gào chung trong một sắc thái khác, đã được bao bọc dưới lớp vỏ tự hào hoặc trào lộng mỗi khi có cơ hội. Những đám đông như một chỉ dấu cho các mặc cảm và tổn thương xã hội. Hay nói khác đi, con người luôn cố tìm kiếm một điều gì đó đủ để khóc, cười, gáo thét, quên mình, xả bỏ bản thân trong chốc lát và chấp nhận đánh đổi vì nó. Trạng thái chấp nhận đánh đổi có thể đến từ ý thức hoặc vô thức.
Xã hội luôn trong trạng thái tâm lý căng thẳng, tổn thương và mặc cảm. Đương nhiên, bóng mát tôn giáo sẽ là chỗ để xoa dịu hữu hiệu cho xã hội. Nhưng, các tôn giáo “chính thống” tại Việt Nam lại là cánh tay nối dài của đảng Cộng sản. Họ là một thứ cơ quan ngôn luận khác nhằm tuyên truyền với nhân dân về tính ưu việt của đảng cầm quyền. Chính vì chức năng đặc trưng của tôn giáo tại Việt Nam mà hầu hết, các cơ sở tôn giáo chính thống đều thực hiện hai nhiệm vụ gồm nhiệm vụ tuyên truyền và nhiệm vụ thâu tóm tài chính. Tuyên truyền là nhiệm vụ bắt buộc, những ngôi sao tuyên truyền trong tôn giáo như Thích Chân Quang, Thích Trúc Thái Minh, Thích Nhật Từ... cho đến thời điểm này đã hoàn toàn rõ chân tướng và họ không ngần ngại phơi bày con người thật của họ bởi họ đã thực hiện xong trách vụ và sứ mệnh của các nhà tu chính thống dưới lá cờ Đảng.
Điều này vô hình trung đẩy tổn thương của con người lên cao một bậc, tức từ chỗ tổn thương, mặc cảm và cam chịu, họ chuyển sang mê tín, dị đoan, không còn biết phân biệt đúng sai, phải trái bởi “bậc khai thị” đã nói với họ như vậy... như vậy...!
Tuy nhiên, sâu thẳm bên trong họ vẫn còn một thứ ánh sáng của từ tâm và giác linh, tánh giác, nó bị lấn át chứ không mất đi hẳn, nó sẽ trỗi dậy khi cần thiết, dưới hình thái cộng hưởng của đám đông. Nó có thể bị đánh trao bởi đám đông fan cuồng, đám đông lễ hội, tranh đoạt, chụp giật lộc lá, hoặc đám đông cuồng thần tượng...
Những đám động kéo theo thầy Thích Minh Tuệ trong hai tuần vừa qua là những đám đông Phản-Tỉnh-Tổn-Thương. Họ là những người luôn thao thức, tìm kiếm hình ảnh vị chân tu, với niềm tin tôn giáo nguyên sơ, họ cũng có thể là những đám đông cầu lộc và tin rằng bậc chân tu sẽ gieo duyên thực sự, không phải thứ duyên ba xàm của các sư đội lốt, họ cũng có thể là người không có tôn giáo, thậm chí cán bộ nhà nước, vì yêu mến hình ảnh đẹp... Tất cả họ đều khủng hoảng về hình ảnh Chân - Thiện - Mỹ và bất kì hình ảnh nào mang dấu hiệu của chân thiện mỹ sẽ nhanh chóng cuốn hút họ.
Thiên hình vạn trạng kiểu đám đông, nhưng, đám đông luôn bị dẫn dắt bởi truyền thông, sư Thích Minh Tuệ đã thực hành tu theo Hạnh Đầu Đà hơn sáu năm, đi khắp đất nước đã nhiều vòng, và cũng chẳng mấy người để ý tới sư, không phải do họ không thấy mà cái sự thấy của họ không được “khai thị” bởi truyền thông.
Ngay lúc này, tình hình chính trị rối ren, xã hội bất ổn về kinh tế, truyền thông, có lẽ không phải ngẫu nhiên mà phổ biến rộng rãi hình ảnh một nhà tu không có gì cả nhưng được xem như giàu vô biên, ăn một ngày một bữa “cư trần lạc đạo” và luôn mang đến cho người khác cảm giác “thấy đủ là đủ”...
Đương nhiên tôi không dám khẳng định bất kì điều gì về vị tu sĩ đáng kính Thích Minh Tuệ, nhưng tôi cũng không thể nói rằng những đám đông vây quanh thầy Thích Minh Tuệ không phải là sản phẩm nhào nặn từ một bàn tay có chủ ý thông qua truyền thông, trong lúc này...!
Nhưng dù sao, con người vẫn còn cầu Chân - Thiện - Mỹ là vẫn còn hi vọng, không đến nỗi quá tối tăm!
Bài bình luận gần đây