Chuyến đi cầu viện Tập Cận Bình từ ngày 7 đến 12-4 của Vương Đình Huệ, do đảng trưởng Nguyễn Phú Trọng tổ chức, có vẻ không ăn thua với đòn phép của Tô Lâm. Cuộc chiến của Tô Lâm nổ ra, dường như đã tính luôn cả bước Huệ sẽ tiếp cận Tập Cận Bình để xin đảm báo cho chiếc ghế kế thừa Tổng Bí Thư của Huệ. Ngay khi về nước, đòn tấn công mới của Lâm nhắm vào Huệ lại tiếp tục nổ ra làm chấn động hậu trường Ba Đình.
Cái đích của Tô Lâm đã rõ: đường đến Đại Hội 14 của CSVN phải bằng phẳng và không còn kẻ nào đối đầu với ông ta. Và những gì vừa xảy ra, cho thấy còn nhiều phát súng nữa vẫn đang hờm vào Huệ.
Ngay khi hể hả bắt tay với các quan chức cao cấp của Bắc Kinh và ra về, mặt Vương Đình Huệ đã tái mét khi thấy dưới chân máy bay đã có mấy chiếc xe bảng số 80 đang chờ để áp giải Phạm Thái Hà về cơ quan điều tra. Hà là cánh tay phải lâu năm của Huệ để bàn tính trong các nước cờ đối phó chính trị lẫn leo cao, và Phạm Thái Hà hiện cũng nắm giữ chức Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, kiêm trợ lý cho Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Mặc dù sự vụ được giấu kín, nhưng tin tức ở trong nước đến chiểu tối ngày 17-4 đã lan nhanh qua các tin nhắn riêng. Có tin nói Phạm Thái Hà bị khởi tố bắt giam tội danh “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” quy định tại khoản 3, Điều 356 Bộ luật Hình sự. Nhưng cũng có tin nói tay này bị buộc tội “nhận hối lộ”, quy định tại khoản 4, Điều 354 Bộ luật Hình sự.
Nhưng dù là tội gì, rõ ràng sợi dây liên đới dẫn đến Huệ đã hiện ra. Lịch sử đảng CSVN đương đại vẫn rành rành chuyện vào Tháng Một 2023, hai ông Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam đã phải từ chức vì các trợ lý mắc sai phạm. Để biểu quyết xác định sai phạm của hai nhân vật này, 486 đại biểu Quốc hội đã được họp mật theo từng tổ, nghe đọc chi tiết các vấn đề sai phạm của từng người, văn bản có đóng dấu mật, không phổ biến bên ngoài, có chữ ký xác nhận của Tô Lâm và cả chữ ký xác nhận có xem qua của Nguyễn Phú Trọng. Dĩ nhiên, lối thoát cuối cùng Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam là phải làm đơn xin từ chức, và cuối cùng được 96,99% số nghị gật bỏ phiếu lúc đó, tán thành.
Vụ bắt Phạm Thái Hà, chỉ là bước hai của tổng kế hoạch loại bỏ Vương Đình Huệ. Bước một, trong những ngày Vương Đình Huệ cầu viện Bắc Kinh, thậm chí đem chuyện các mỏ đất hiếm của Việt Nam ra để nhử mồi cầu thân, thì ở quê nhà, Tô Lâm mở đại án liên quan để Tập đoàn Thuận An.
Thuận An là cái tên ít ai để ý, nhưng người cầm đầu là Chủ tịch Nguyễn Duy Hưng đã luôn lót tiền khéo và đậm cho Phạm Thái Hà. Nhờ vậy, tập đoàn Thuận An luôn vượt qua các nhà thầu khác để nhận ngân sách xây dựng hàng trăm ngàn tỷ từ nhiều năm nay. Các tuyến đường cao tốc khắp đất nước đều có bàn tay vận động hậu trường của Tập đoàn Thuận An để giành lấy.
Dĩ nhiên, mọi chuyện đều có cái gật đầu của Huệ thì Hà mới dám ký và vận động hành lang cho tập đoàn Thuận An. Tổng kết quá trình, tiền hối lộ cũng đã lên đến con số ngàn tỷ, mà chắc chắn không thể nào Hà dám ôm hết một mình.
Qua sự bảo trợ chính trị của liên minh Huệ - Hà, ông chủ tập đoàn Thuận An còn thao túng đến mức bán lại các gói thầu giành được cho các công ty xây dựng khác, đem riêng về cho mình những số tiền hoa hồng khổng lồ. Và từ đó, các vụ thu tiền phí cao tốc bất minh và ngang ngược đã diễn ra trên suốt cả nước mà không ai hiểu nổi. Những người lên tiếng phản đối và vạch trần sự việc này lần lượt vào tù hay phải bỏ đi tỵ nạn chính trị.
Nhiều nguồn tin vội, cho rằng Huệ đã phải im lặng từ chức. Thế nhưng nhằm dập tắt các tin đồn bất lợi, ngày 17-4, Vương Đình Huệ đã ra mặt trong cuộc họp mở màn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV vào ngay ngày đầu, vốn không cần Chủ tịch Quốc Hội có mặt, mà chỉ cần đại diện là Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường. Dĩ nhiên, Huệ muốn bắn đi thông điệp rằng mình là người không dễ gục ngã.
Nhưng đường dài mới biết sức ngựa. Giờ đây Phạm Thái Hà, đàn em thân tín đã gắn bó với Huệ suốt gần 20 năm, là người đã đi cùng với Huệ qua nhiều nấc thang quyền lực, hiểu và nắm rõ những phần ăn của mình và ông chủ, đang đối diện với những thủ thuật tra vấn kinh sợ của đàn em Tô Lâm, từng đêm trong ngục tối, liệu Hà sẽ bảo vệ ông chủ của mình đến mức nào?
Còn ông Trọng ắt cũng đang bứt tóc nghĩ đến cách giải vây cho Huệ. Nhưng câu chuyện “đốt lò không có vùng cấm” mà ông ta vẽ ra, nhằm triệt tiêu các đối thủ chính trị của mình, giờ đây trở thành chuyện há miệng mắc quai, và phải nhượng bộ cho Tô Lâm diễn trò “trong sách hoá nội bộ”. Điều này khiến Trọng có thể không còn dám nghĩ đến chuyện về hưu trước đại hội CSVN năm 2026, vì bàn cờ quyền lực của Ba Đình có thể bị Tô Lâm hất tung vào bất cứ lúc nào.
Bài bình luận gần đây