Trong tác phẩm nổi tiếng Cửu Long Cạn Dòng Biển Đông Dậy Sóng của tác giả Ngô Thế Vinh, dường như mọi mối lo và mọi mối nguy về đồng bằng Sông Cửu Long đã được ông đề cập, tuy nhiên, vẫn còn một vấn đề khác mà không nhắc tới nó, có vẻ như chưa lột tả hết được mối nguy tứ bề thọ tử của vùng đất này, đó là đòn hiểm “thù trong giặc ngoài” mà bấy lâu nay, mảnh đất này đang gồng lưng chịu đựng.
Thế nào là thù trong giặc ngoài? Trước nhất, có lẽ phải nhắc đến bối cảnh chung của đồng bằng Sông Cửu Long, đó là nguồn sống dựa vào con nước lớn - ròng, dựa vào mùa nước nổi của khu vực này đã bị cắt đứt kể từ khi các nước thượng nguồn sông Mê Kông liên tục xây thủy điện, chặn đứng lưu lượng nước của dòng sông này và biến đồng bằng Sông Cửu Long thành một cái túi hứng nước nếu như tình trạng vỡ đập xảy ra và ngược lại, biến nơi này thành một bãi đất khô cằn.
Điều này chính thức cắt đứt sinh kế của người dân khu vực và chặt gãy nền kinh tế của một quốc gia lấy nông nghiệp làm chủ lực như Việt Nam.
Bởi nói cho cùng, công nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam đứng vào top mạnh của thế giới là nhờ vào sức cung cấp của đồng bằng Sông Cửu Long, lượng gạo xuất khẩu hằng năm hầu như dựa vào hơn 60% gạo của đồng bằng sông Cửu Long, số lúa, gạo còn lại dựa vào đồng bằng Tuy Hòa và đồng bằng sông Hồng cùng một số nơi khác. Trong tình trạng sông lạch khô cạn và nước liên tục nhiễm mặn, càng về sau càng hạn mặn nặng nề như đang thấy, thì chẳng bao lâu nữa, nơi này sẽ không sản xuất nông nghiệp được nữa, diện tích sản xuất lúa ngày càng thu hẹp và lượng gạo xuất khẩu sẽ giảm dần theo năm.
Một khi đồng bằng Sông Cửu Long không còn cơ hội sản xuất gạo thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra và nguyên nhân này do đâu?
Đến giờ phút này, không thể nói gì khác về nguyên nhân cái chết của đồng bằng Sông Cửu Long, đó là do Cộng sản, trong đó, cộng sản Việt Nam là tay trong, cộng sản Trung Quốc là kẻ xâm lược, và cả hai ông cộng sản này đã tha hồ xâu xé, bức tử một vùng đồng bằng trù phú, thịnh vượng, để nhanh chóng biến nó thành cánh đồng hấp hối và cuối cùng, có thể là một khu công nghiệp lớn phía Nam, hay một bãi rác thải của Nam Trung Hải.
Từ những bước đầu tiền, những nhát dao đầu tiên tùng xẻo đồng bằng Sông Cửu Long, một mặt, các thủy điện thượng nguồn Mê Kông hình thành, lấy dần nguồn nước của vùng đất này, mặt khác, có sự tiếp tay của chính quyền Cộng sản Việt Nam, hàng triệu lít thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, hóa chất nói chung từ Trung Quốc được tuồn qua các cửa khẩu phía Bắc Việt Nam, chạy thẳng xuống miệt Tây Nam Bộ, và cuối cùng, đồng bằng Sông Cửu Long là cái nơi xả cuối cùng của hàng triệu lít hóa chất gọi là thuốc trừ sâu, thuốc dưỡng cây, thuốc kích thích sinh trưởng... Cùng hưởng lợi bằng cách tùng xẻo trên nền đất vốn phì nhiêu, trù phú này là những công ty hóa chất Việt Nam liên tục sản xuất và chạy đua giá sản phẩm với các hãng Trung Quốc. Cho đến thời điểm hiện nay, dư lượng hóa chất trong đất ở khu vực đồng bằng Sông Cửu Long có thể nói là không thể kiểm soát được nữa.
Và hệ quả của vấn đề này vô cùng nghiêm trọng, nền sinh thái bị phá vỡ, đất đai trơ lì, cằn cỗi và không còn phì nhiêu hay trong lành nữa.
Với mức độ bị đầu độc quá cao, liên tục bị hạn mặn và nguy cơ bị cắt nguồn nước ngày càng đến gần, liệu đồng bằng sông Cửu Long còn thoi thóp được bao lâu nữa? Và nếu tồn tại được thì tồn tại bằng cách nào?
Nếu như đồng bằng Sông Cửu Long tồn tại, có lẽ sẽ tồn tại theo một hướng khác, hướng của du lịch hóa, thương mại hóa và công nghiệp hóa, chắc chắn, không bao lâu nữa, nền nông nghiệp lâu đời của khu vực đồng bằng này sẽ bị bức tử, đó là tương lai thấy được, không thể khác đi. Nhưng ai đứng sau cái chết của đồng bằng Sông Cửu Long?
Như đã nói, ngay từ đầu, nếu như miền Nam không phủ sắc đỏ Cộng sản xã hội chủ nghĩa thì đồng bằng Sông Cửu Long không có sự thay đổi đáng kể. Mặc dù những con đập phía thượng nguồn Mê Kông có thể làm cạn dòng Cửu Long nhưng dòng chảy chính, đó là dòng sự sống, dòng chảy tâm hồn người miệt sông nước Cửu Long không đến nỗi cạn kiệt như bây giờ, khi mà lòng người trở nên rã rời, bại xuội, tâm hồn xơ cứng và tính thực dụng có mặt khắp mọi nơi.
Từ chỗ một nơi thơ mộng, hiền hòa, thật thà, chân chất, không biết tự bao giờ kể từ sau 1975, miệt đồng bằng Sông Cửu Long trở thành cái nôi cung cấp chân dài cho cả nước và là cái chợ bán vợ liên lục địa của cả nước. Rồi không biết tự bao giờ, đàn ông miệt sông nước Cửu Long trở nên cay cú, hằn học và thù hận vì mất vợ, cái nhìn thiện cảm của họ đã mất.
Giả sử miệt Tây Nam bộ chuyển loại hình kinh tế thành kinh tế du lịch, thì cũng chẳng bao lâu, nền du lịch ở đây sẽ chết yểu vì mặt bằng văn hóa thấp, dân tình không còn thuần hậu, điểm đến khô cằn, thiếu màu xanh, thiếu phì nhiêu và quan trọng nhất là khi mà đi đâu, kĩ nghệ chân dài cũng có thì miệt Tây Nam Bộ trở thành “cố đô” già cỗi... Đó là mối nguy của du lịch đồng bằng Sông Cửu Long.
Giả sử biến nơi này thành trung tâm thương mại khu vực? Chuyện ấy đã có lâu nay và đây là điểm nút của ba nước Việt Nam - Campuchia - Thái Lan trong vấn đề giao thương hàng hóa, đặc biệt là hàng “ngoại ngạch”. Nhưng, đường sá, hệ thống giao thông vốn dĩ quen với đường sông đang chuyển đổi thành đường bộ cùng với nguy cơ sạt lở của khu vực này lại trở thành mối lo ngại của nhiều người, việc hình thành trung tâm thương mại khu vực hay cả nước là chuyện không tưởng.
Vấn đề còn lại, khu công nghiệp lớn, có vẻ như khả thể, tính khả thể của nó không đến từ điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, con người mà hình như đến từ dự tính và âm mưu của kẻ khác, vốn đã ủ từ rất lâu.
Khi mùa nước nổi mất đi, đồng bằng trở thành bãi cạn và mọi thứ trở nên “ổn định”, với nguồn lao động dư thừa, hằng năm phải kéo lên Bình Dương, Sài Gòn nhiều vô số kể, thì việc đầu tư tạo ra những khu công nghiệp, tận dụng nguồn lao động tại chỗ là chuyện trong khả năng.
Lúc này, nhà đầu tư của “nước láng giềng anh em” sẽ vớ bẫm, bởi đây là kế sách lâu dài, đầu tư lâu dài của họ, đã đến lúc họ thu hái thành quả.
Và, điều mà người Trung Quốc chưa làm được tại Việt Nam chính là thao túng miệt đồng bằng Sông Cửu Long, bởi đến thời điểm này, từ Đông Bắc, Tây Bắc, Tây Nguyên, miền Trung, các tỉnh miền Đông đất đỏ của Việt Nam đều đã có mặt họ, chỉ riêng miệt đồng bằng Sông Cửu Long là họ chưa cài cắm thứ gì đáng kể.
Một khi nền kinh tế nông nghiệp của nơi này chết đi, tiếng kêu cứu về một nền công nghiệp thay thế phát ra thì họ tức tốc có mặt, và lúc ấy, mọi sự coi như đã rồi. Mà chuyện ấy, có vẻ như đang đến rất gần, bởi đồng bằng Sông Cửu Long đang hấp hối để đi đến cái chết bởi thù trong giặc ngoài. Một cái chết tức tưởi và hoàn toàn do con người (đại diện) chọn lấy!
Có thể nói rằng, tình trạng hiện tại của nông nghiệp đồng bằng sông Cửu Long là Tứ Bề Thọ Tử, không lối thoát!
Bài bình luận gần đây