You are here

Một nền tư pháp tùy tiện

Ảnh của nguyenhuuvinh

Mới đây, cái gọi là “Chống tham nhũng” đã bước sang một giai đoạn mới. Thay vì những câu khẩu hiệu “Quyết tâm”, “triệt để”, “Bất kể người đó là ai”, “không có vùng cấm”… thì hệ thống đảng đã bắt đầu đưa vào những khái niệm mới, những ý định của lãnh đạo, các lời lẽ thay chỉ thị không bình thường trong việc xử lý các cá nhân tham nhũng, hối lộ, ăn cắp, ăn cướp của công.

Gần đây những vụ đại án được đưa ra để gọi là “Xét xử” đã cho thấy những cách hành xử “Chẳng giống ai” ở cái gọi là Tòa Án. Ở đó, luật pháp được sử dụng một cách tùy tiện, theo ý thích cá nhân, chẳng hề có bất cứ một nguyên tắc nào của sự bình đẳng, tôn trọng luật pháp như cả hệ thống thường rêu rao.

Những phiên tòa đó là chứng minh rõ ràng nhất cho câu nói của nguyên Chánh án TAND Tối Cao Trịnh Hồng Dương rằng: “Án dân sự, xử thế nào cũng được, xử đúng cũng được, xử sai cũng được”. Người nói câu nói đó, đã lìa xa cõi thế 16 năm nay, nhưng giá trị câu nói vẫn nguyên xi sau chừng đó năm nhà nước hô hào xây dựng “Nhà nước pháp quyền”.

Nhà nước pháp quyền?

Từ rất lâu,nhà cầm quyền Việt Nam hô hào xây dựng một nhà nước pháp quyền. Khắp nơi nơi, câu khẩu hiệu “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật” được giăng ngang giăng dọc như nói lên quyết tâm của cả hệ thống chính trị.

Thế nhưng, một điều dễ thấy, đó là hễ cứ có điều gì mà trống giong, cờ mở, khẩu hiệu rợp trời, loa, kèn inh tai nhức óc, thì chỉ là chuyện đánh trống bỏ dùi chẳng có mấy tác dụng.

Việc xây dựng Nhà nước Pháp quyền là một trong các ví dụ ấy.

Nhà nước pháp quyền là một nhà nước liên quan chặt chẽ với pháp luật, mọi hành vi được pháp luật hợp pháp hóa; Nhà nước pháp quyền là nơi pháp luật phản ánh ý chí chung của toàn thể một quốc gia và của nhân dân. Mỗi nhân dân có nghĩa vụ tuân theo pháp  luật và đặt việc tôn trọng các quyền của con người cũng như nguyên tắc tương ứng.

Ở một góc độ khác, khái niệm nhà nước pháp quyền được hiểu là nhà nước thừa nhận tất cả các đạo luật và văn bản dưới luật do cơ quan lập pháp đặt ra, đó là Nhà nước bị hạn chế bằng pháp luật, Nhà nước đứng trong pháp luật, chứ không phải Nhà nước đứng ngoài hoặc đứng trên pháp luật.

Tựu trung lại, Nhà nước pháp quyền được hiểu là hình thức tổ chức nhà nước mà trong đó vai trò của pháp luật được xem là tối thượng trong đời sống nhà nước cũng như trong đời sống xã hội.

Nhà nước pháp quyền được xây dựng và hoạt động dựa trên một cơ sở hệ thống pháp luật có tính dân chủ, công bằng và đồng thời dựa trên các nguyên tắc chủ quyền nhân dân, phân công và kiểm soát quyền lực nhà nước, nhằm đảm bảo quyền và lợi ích của cá nhân, công bằng bình đẳng của xã hội.

Trong hệ thống đó, không có bất cứ một đảng phái, một cá nhân nào được đứng ra ngoài khỏi hệ thống luật pháp, không một ai được đứng trên luật pháp. Tất cả đều bị luật pháp chế tài.

Thế nhưng, nếu xây dựng nhà nước Pháp quyền theo các định nghĩa trên đây, thì rõ ràng nội dung đó đã đá ngược lại sự tồn tại bất chấp luật pháp và hành xử theo luật rừng chứ không theo luật pháp của Đảng CSVN hiện nay. Bởi tổ chức này chỉ là của một nhóm người tự xưng là lãnh đạo của giai cấp công nhân mà Hiến pháp đã quy định rõ ràng rằng cái đảng CSVN này phải hoạt động tuân theo luật pháp.

Vậy nhưng, đã gần 100 năm nay kể từ khi nó hình thành rồi du nhập vào Việt Nam, đã gần 80 năm nó nhảy lên cướp chính quyền rồi cai trị đất nước, nhưng không hề theo một luật pháp nào.

Tất cả đều theo “Nghị quyết” và tùy hứng cá nhân.

Chính vì vậy, nó đặt ra một khái niệm quái gở là: “Nhà nước pháp quyền XHCN”.

Nhà nước pháp quyền XHCN?

Gần đây, dư luận xã hội Việt Nam lại xôn xao bởi một khái niệm mới về một vấn đề thuộc lĩnh vực pháp luật và thi hành luật pháp tại Việt Nam.

Hệ thống chính trị đã lại tiếp tục dùng biện pháp thao túng và làm biến dạng luật pháp bằng những khái niệm ngôn ngữ bịa đặt hết sức quái gở và hài hước trước thiên hạ.

Tại cuộc họp báo chiều 16/8/2023, khi nói về vụ án Việt Á, Phó ban Nội chính Trung ương Nguyễn Văn Yên cho biết rằng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực có chủ trương phân loại xử lý người vi phạm.

Theo đó, người lợi dụng chức vụ, quyền hạn để tác động, chỉ đạo cấp dưới làm trái quy định nhằm mang lại lợi ích cho bản thân và Công ty Việt Á; người cầm đầu, chủ mưu, vụ lợi... "sẽ bị nghiêm trị". Còn những người phạm tội nhận hối lộ, nhưng “không có động cơ vụ lợi” thì sẽ được “Ban Chỉ đạo thống nhất chủ trương tha, miễn.

Ông ta giải thích điều này gọi là "chủ trương nghiêm khắc nhưng nhân văn" này nhằm để đội ngũ y bác sĩ, những người không may bị xử lý sẽ yên tâm công tác.

Tưởng rằng, có câu chuyện ấy là vì tình thế đảng buộc phải xé rào, xé nguyên tắc và xé luôn cả Hiến pháp, luật pháp để “Cứu bồ” sau việc xét xử cựu phó chủ tịch tỉnh Quảng Ninh hồi tháng 7 trước đó đã bị dư luận lên án về sự bất minh trong việc thi hành luật pháp. Khi mà xử án, xử lý các vụ án căn cứ vào đối tượng phạm tội thuộc tầng lớp nào, phe nhóm nào mà truy tố, mà xử án tùy thích còn luật pháp chỉ là thứ trang trí.

Dư luận cứ vậy ầm ĩ đồn thổi chưa hết, thì mới đây, lại cũng chính Nguyễn Văn Yên, vào chiều 22/11/2023 nói trước báo chí về Đại án Vạn Thịnh Phát như sau: Ban Nội chính Trung ương quyết định rằng người nhận tiền trong vụ Vạn Thịnh Phát và ngân hàng SCB nhưng không vụ lợi, sẽ không bị xử lý hình sự mà kỷ luật Đảng, xử lý hành chính.

Nghĩa là đảng lại tiếp tục quyết định xé bỏ luật pháp để cho cái gọi là “Ban Nội chính Trung ương” tùy tiện xử lý trong mọi trường hợp vi phạm luật pháp một cách rõ ràng trước bàn dân thiên hạ.

Nền tư pháp tùy tiện, làm cảnh

Không phải ngẫu nhiên mà Bà Ngô Bá Thành, một luật sư được coi là nổi tiếng, Đại biểu QH Việt Nam đã thốt lên giữa Quốc hội rằng: “Chúng ta có một rừng luật, nhưng chỉ xài mỗi luật rừng”.

Một trong những công cụ để dùng luật rừng thực hiện “Nhà nước đảng quyền” tại Việt Nam đó là “Ban Nội chính Trung ương”.

Người ta đặt ra câu hỏi: Trong hệ thống luật pháp và Hiến pháp Việt Nam, Ban Nội chính được quy định ở mục nào, điều khoản nào của Luật pháp mà nó được quyền sinh, quyền sát, được quyền quy định tha ai, bắt ai, xử ai và thưởng ai… bất chấp nguyên tắc luật pháp?

Người ta biết, cả hệ thống công an đông nhung nhúc với đủ loại thiết bị, trang bị, cơ quan, đoàn thế để điều tra mà rất nhiều vụ việc không thể điều tra được, rất nhiều vụ án oan sai. Hiện tượng ép cung, tra tấn nạn nhân buộc nhận tội, hiện tượng mớm cung, thông cung đã diễn ra phổ biến đến mức Quốc hội đã nhiều lần kêu lên rằng cần có biện pháp chống dùng nhục hình, nâng cao chất lượng điều tra, tránh án oan, tránh tra tấn… giảm án oan. Vậy mà còn chưa lần ra tội phạm. Huống chi, cái gọi là Ban Kiểm tra Trung ương hay Ban Nội chính, cũng chỉ là mấy kẻ nằm trong hệ thống “số lượng không nhỏ cán bộ trong đảng thoái hóa, biến chất…” lại ngồi với nhau để định tội, để bày ra hết trò nọ, trò kia cứ như Thánh phán từ trong bụi rậm mà ra cho thiên hạ cứ vậy mà thi hành, mà lạy lục.

Cứ nhìn Ủy viên Trung ương đảng Phạm Xuân Thăng – Bí thư Tỉnh uỷ Hải Dương Trưởng Ban Phòng chống Tham nhũng và lãng phí của Tỉnh Hải Dương là một ví dụ.

Ngày 17/12/2021, khi Công an khởi tố bắt Phạm Duy Tuyến – Giám đốc CDC Hải Dương và Nguyễn Mạnh Cường – Kế toán trưởng CDC Hải Dương, thì ngày 21/12/2021, Phạm Xuân Thăng đã lớn giọng: “Sai phạm của ông Phạm Duy Tuyến là rất nghiêm trọng, đi ngược với nỗ lực chống dịch của cả hệ thống chính trị, gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân”. Rồi chỉ đạo: “Xử lý nghiêm, không có vùng cấm đối với sai phạm. Đồng thời, yêu cầu Ban cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo Sở Y tế, Sở Tài chính rà soát, làm rõ trách nhiệm từng cơ quan và lãnh đạo cơ quan liên quan”.

Và cấp dưới chưa kịp làm theo chỉ đạo, thì ngày 17/9/2022, Cơ quan CSĐT – Bộ Công an đã khởi tố bị can, bắt tạm giam, khám xét Phạm Xuân Thăng, và Thăng nhận tội đã nhận hối lộ số tiền đặc biệt lớn, riêng từ CDC là khoảng 4,3 tỷ đồng.

Người ta cũng thấy một Thiếu tướng, Ủy viên Trung ương, Chủ tịch Thành Phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã công khai lên án các nơi trông giữ xe trên các phố, các phường đều là sân sau của Công an và yêu cầu chấm dứt. Để rồi sau đó, chính Nguyễn Đức Chung bị lâm nạn bởi chính các sân sau của mình. Tương tự Nguyễn Xuân Phúc khi làm Thủ tướng đã cao giọng rằng: Ông nào cũng có sân sau, đừng tưởng Thủ tướng không biết, có ông còn có đến 13-14 sân sau. Thế rồi, Nguyễn Xuân Phúc lại bị đốn ngã ô nhục vì chính sân sau của gia đình mình.

Những ví dụ đó, để nói lên rằng: “Đừng nghe lời Cộng sản nói”, vẫn là một chân lý không thay đổi.

Vậy thì vài ba cái tên trong cái gọi là Ban Nội chính, Ban Kiểm tra trung ương… chẳng hề là thần, cũng không là Thánh, lại càng không phải là những kẻ từ hành tinh khác vào đây để có thể miễn nhiễm với căn bệnh tham nhũng vốn là căn bệnh truyền thống, cố hữu của người cộng sản – thì làm sao có thể đủ khả năng để đưa ra những quyết định sinh sát cả xã hội, cả đất nước, cả dân tộc một cách công minh, sáng suốt.

Và như cha ông đã dạy: “Đường đi hay tối, nói dối hay cùng” hệ thống quan chức cộng sản không thể nào có đủ khả năng để giải thích cho thiên hạ hiểu được những sự bất minh, bất chính và bất nghĩa, bất chấp luật lệ, lương tâm của mình khi hành xử việc nước. Thì một trong những phương pháp của họ là “sáng tác ngôn ngữ” nhằm phục vụ cho việc bao biện những điều mà thiên hạ không chấp nhận được.

Ở Việt Nam, thời cộng sản, người ta đã đi từ ngạc nhiên sửng sốt ban đầu rồi dần dần quen với khả năng “lầy” vô địch của nhà cầm quyền khi sáng tác ngôn ngữ mới mà thực chất là bóp méo, cưỡng bức ngôn ngữ, phá hoại ngôn ngữ Tiếng Việt để ngụy biện, để bao che cho những điều chẳng giống ai của hệ thống chính trị ấy.

Người ta đã nghe cách diễn đạt ngôn ngữ của công an đã trở thành câu cửa miệng với ý mai mỉa của người dân như “Gạt tay trúng má” Nghĩa là công an đánh dân vỡ mặt. “Giơ chân hơi cao” là khi công an đá dân gãy sườn, rồi “dân húc đầu vào gậy cảnh sát” khi mà Cảnh sát giáng thẳng gậy vào đầu người tham gia giao thông v.v…

Và nay thì cụm từ “Nhận hối lộ nhưng không vụ lợi”

Theo định nghĩa Tiếng Việt, vụ lợi là những lợi ích vật chất, tinh thần mà người có chức vụ, quyền hạn đạt được hoặc có thể đạt được thông qua hành vi tham nhũng.

Vậy quan chức tham nhũng, nhận hối lộ từ Việt Á, từ Vạn Thịnh Phát… nhưng không vụ lợi thì nghĩa là gì? Phải chăng họ nhận hối lộ chỉ để cho vui, để làm từ thiện, để nộp lại cho đảng ăn chơi hay chỉ để cho bằng chị bằng em trong hệ thống tham nhũng mà không hề cho mình hoặc gia đình, đảng phái của mình?

Mục đích

Thật ra, đó là một cách giải thích, để mở lối dễ dàng giải thoát cho các tội phạm tham nhũng và hối lộ thuộc phe nhóm của mình, không thể có một cách giải thích nào khác cho hiện tượng này.

Với những cách giải thích hết sức ngược ngạo, tỏ thái độ bất chấp, coi thường dân chúng, xã hội, một mặt thể hiện quyền uy của mình khi cầm chắc cây súng trong tay, nhà cầm quyền Việt Nam tha hồ thể hiện đầy đủ những điều mà ai cũng biết rằng chỉ có ở chế độ độc tài.

Cũng với tư duy bất chấp tất cả cái gọi là pháp luật, pháp quyền, coi những quyết định, ý thích cá nhân của mình là của vua, của hoàng đế có quyền sinh quyền sát trên dân chúng, nên Nguyễn Phú Trọng mới đây đã tự đặt ra những quy định theo ý thích của chính ông ta. Ông ta nói rằng: “Nếu đã vi phạm rồi, thấy tay nhúng chàm rồi tốt nhất là xin thôi”. Và rằng: “Anh nào đã vi phạm rồi thì nộp tiền lại thì tôi tha, tôi xử nhẹ”… và ông ta tự cho rằng vậy là “nhân văn”.

Hỡi ôi, cái gọi là “nhân văn” ấy, chỉ là một sự đầu hàng vô điều kiện của Nguyễn Phú Trọng trước cái gọi là đốt lò, đốt củi chống tham nhũng mà onog ta gõ phèng la não bạt mấy chục năm nay. Bởi với việc cả hệ thống thối nát, đụng đâu thì rữa bấy ở đó, nếu cứ làm căng, nếu cứ bắt bớ, cứ bỏ tù theo luật, thì “lấy đâu ra cán bộ mà làm việc” – Nguyễn Sinh Hùng – và làm sao kết nạp kịp đảng viên cũng như lấy đâu cho đủ nhà tù mà nhốt đám đảng viên của đảng.

Và đó là cái đạp chí tử vào cái gọi là “Nhà nước pháp quyền” ở Việt Nam.

Bởi chẳng có nhà nước pháp quyền nào mà một cá nhân cứ hành xử tự ý muốn bắt ai thì bắt, thả ai thì thả theo ý thích và bất chấp sự quy định của luật pháp.

Bởi ngay cả Nguyễn Phú Trọng, chẳng hề có bất cứ vai trò nào được hệ thống Hiến pháp và luật pháp Việt Nam quy định. Ông ta chỉ có vai trò trách nhiệm trong cái đảng của ông ta mà thôi.

Thế nên hệ thống Hiến pháp và pháp luật ấy, chẳng có ý nghĩa gì đối với đảng, Đảng CSVN vẫn luôn luôn đứng ngoài nó và sẵn sàng xé bỏ nó bất cứ lúc nào. Rồi khi cần thiết, đảng có thể nhảy ngang vào điều khiển cả ba hệ thống theo ý mình bất chấp thực tế, bất chấp cái gọi là Pháp quyền. Khi đó, nó thể hiện một cách chính xác nhất cái “Nhà nước Đảng quyền Việt Nam” và khi đó, luật lệ được sử dụng là luật rừng.

Đó là tiền đề để tạo ra một nền tư pháp tùy tiện hiện nay.

28.02.2024

J.B Nguyễn Hữu Vinh