Một vụ việc dân bàn tán xôn xao
Mấy hôm nay, Mạng xã hội xôn xao bàn tán về hành động của Giám đốc Công an Hà Tĩnh đã tự ý tha cho một người đàn ông say rượu đến mức quên cả lối về. Người đàn ông ấy sau khi đi làm xong việc đã uống rượu say bí tỉ và không thể tìm ra lối về nhà sau nhiều lần lạc lối thì gặp chốt công an.
Tại đó, người thợ nề đã thú nhận uống rượu say đến mức bị “như ma làm” và đã điều khiển xe máy chạy đến 3 vòng loanh quanh vẫn không về được nhà và rồi lại “ma làm” dẫn đến chốt công an đang đo nồng độ cồn. Giám đốc Công an tỉnh đã bắt tay, hỏi han người đàn ông say rượu kia, rồi cảm thông rằng làm thợ nề thì làm sao đủ tiền mà nộp phạt, rồi lệnh cho cấp dưới rằng ông đặc cách không đo nồng độ cồn ông này mà gọi vợ con đến đưa ông ta về nhà.
Và chỉ chờ có vậy, báo chí được dịp tung hô rằng vậy là ông Giám đốc Công an Tỉnh này nhân văn, là cao cả, là thương người, thương dân và đủ mọi lời lẽ tốt đẹp… Theo cách đưa tin của báo chí Việt Nam, thì hành động của Giám đốc Công an Hà Tĩnh là hành động đẹp, chắc lại sẽ nên “viết thành sách” như “ngài Cựu Thiếu tướng, Giám đốc Công an Hải Phòng Đỗ Hữu Ca” qua vụ tập kích tấn công nhầm cái boongke nhà Đoàn Văn Vươn ở Hải Phòng năm xưa chăng.
Vậy là câu chuyện ấy, đoạn video ấy được đưa lên mạng xã hội và vô vàn lời bàn tán xung quang vụ việc này.
Chiến dịch, phong trào và những vấn nạn sau lời lẽ tốt đẹp
Chắc câu chuyện sẽ cũng chẳng ồn ào đến mức ấy, nếu như không có chuyện Bộ Công an đã và đang phát động phong trào, ra quân khắp cả đất nước kiểm tra gắt gao những người tham gia giao thông để kiểm tra nồng độ cồn trong máu. Những người tham gia giao thông đều có thể bị bắt dừng xe, thổi vào thiết bị đo nồng độ cồn và ngay lập tức bị bắt giữ, bị phạt rất nặng nếu có nồng độ cồn đo được qua hơi thở.
Việc kiểm tra nồng độ cồn, hạn chế những người say xỉn điều khiển phương tiện tham gia giao thông là điều được hoan nghênh. Bởi Việt Nam là đất nước đứng đầu thế giới về số người chết hàng năm do tai nạn giao thông là điều nhức nhối, và những năm qua, tai nạn giao thông luôn là nỗi sợ hãi của người dân Việt Nam.
Tuy nhiên, cũng như bao vấn đề khác, phong trào khác được đưa ra với mục đích, ý nghĩa tốt đẹp, thì khi thực hiện, đã ngay lập tức bộc lộ những vấn đề có tính hệ thống, có tính đặc thù của thể chế độc tài. Đó là lợi dụng việc có ý nghĩa tốt đẹp đó, cho những mục đích không mấy tốt đẹp phía sau và hậu quả thì vẫn cứ là người dân chịu.
Phong trào ra quân khắp cả nước đo nồng độ cồn, đã tạo ra một cơn sốc trong xã hội.
Việc đo kiểm tra có thể xảy ra ở bất cứ nơi nào, bất cứ lúc nào nếu cơ quan côn an thấy ở đó có khả năng có nhiều con mồi dính bẫy. Từ đường quốc lộ, đường nhánh, đường làng, ngõ xóm, cạnh quán ăn, đường đi ra sau quán nhậu, đường về nhà sau giờ làm việc, nghỉ ngơi.
Mà cái máy của cơ quan công an dùng đo nồng độ cồn thì nó nhạy lắm, nhiều trường hợp người dân đã kêu trời lên rằng chẳng hề có uống bia cũng càng không uống rượu mà cứ bị dính nồng độ cồn. Thế rồi các nhà khoa học lại lên báo giải thích rằng thì là có những loại hoa quả nó lên men nên dù ăn tối hôm trước thì nó cứ lên men và có nồng độ cồn trong người, do vậy khi đo vẫn cứ dính nồng độ cồn như thường.
Người dân hoảng. Vậy thì biết làm sao để có thể an toàn ra đường bây giờ, bất cứ khi nào, chỗ nào công dân cũng có thể trở thành tội phạm, ra đường không bị công an bắt, không bị phạt thì đã là phúc nhà rất lớn, là ơn đảng, ơn bác cao rộng biết nhường nào.
Thậm chí, mới đây, người ta còn phát hiện ra rằng để có máy nhạy hơn mức độ cần thiết, một loạt CSGT ở Tỉnh Hải Dương còn tự sắm và sử dụng máy đo dởm được mua từ ngoài chợ giời đưa vào thổi nồng độ cồn cho chắc, cứ thổi là… dính.
Thế nên, với những thiết bị này, thì chắc chắn 100% và thậm chí hơn 100% dính bẫy.
Và mấy tháng qua, xã hội rối loạn với nạn công an thổi, đo nồng độ cồn. Hàng loạt nhà hàng, quán ăn, quán bia, nhà máy rượu đình đốn, khách khứa đìu hiu, quạnh quẽ mà chỉ biết kêu trời.
Bởi khách đi đường còn chưa biết bất cứ lúc nào cũng có thể bị bắt, bị thổi và đo, để rồi phạt, rồi thu giấy phép lái xe, rồi giữ phương tiện, rồi phạt tiền… đủ mọi hình thức thì nói gì đến các thực khách, càng không nói đến mấy đệ tử lưu linh.
Và hẳn nhiên, cái ngành công nghệ rượu bia Việt Nam với sản lượng bốn tỷ lít bia mỗi năm đứng trước nguy cơ… sập tiệm.
Vấn đề là "Thớt có tanh tao, ruồi đổ đến”
Nhưng những vấn nạn xã hội gặp phải khi công an quyết liệt bằng mọi cách bắt bớ với danh nghĩa đo nồng độ cồn đâu có quan trọng, bởi chỉ riêng Hà Nội, thì riêng năm 2023, công an thành phố xử phạt hơn 350 tỷ đồng. Vậy thì cả nước với 64 tỉnh, thành phố, số tiền phạt sẽ là bao nhiêu ngàn tỷ? Có lẽ chỉ cần đứa trẻ con học lớp 3 cũng tính ra con số khổng lồ này.
Nên nhớ rằng: Ngoài số tiền hàng năm được cấp từ ngân sách nhà nước cho ngành công an cao gấp hàng chục lần các ngành khác, thì công an còn có vô số nguồn thu khác. Chỉ riêng nguồn thu từ số tiền phạt vi phạm Giao thông của người dân mỗi năm cả mấy ngàn tỷ đồng. Nay đến cả hàng ngàn tỷ đồng phạt do vi phạm nồng độ cồn, thì mỗi năm số tiền đổ về cho ngành công an được sử dụng là bao nhiêu.
Riêng Hà Nội, ngoài 350 tỷ đồng nộp phạt chính thức. Số mà CSGT và người tham gia giao thông “Chia đôi” tiền phạt trên đường là bao nhiêu.
Thế nên, đúng quy luật: “Thớt có tanh tao, ruồi đổ đến” là nguyên tắc mà cha ông ta đã nói từ xưa.
Dưới danh nghĩa phong trào bảo đảm an toàn giao thông, ra quân đo nồng độ cồn, người dân lại lao đao, khốn khổ thêm như bao nhiêu chính sách khác của đảng, của nhà nước xưa nay.
Cứ mỗi lần có phong trào, có chính sách mới, người dân lại trả giá bằng chính mạng sống của mình chứ không chỉ là chuyện tiền bạc. Trước đây, chỉ vì cái lệnh đội mũ bảo hiểm mà biết bao mạng người đã ra đi oan ức và khuất tất bằng nhiều hình thức, từ nhiều nơi, ở nhiều lứa tuổi… Thì những ngày gần đây, hàng loạt vụ án được khởi tố bắt đầu từ cái lệnh “đo nồng độ cồn”. Từ đó, hàng loạt các vụ “thanh niên thông chốt” – nghĩa là bỏ chạy thục mạng khi gặp đội CSGT đang đo nồng độ cồn. Thế rồi nhiều cảnh sát đứng chặn đường đã bị những người tham gia giao thông đâm trọng thương vì không làm chủ được tốc độ. Và hẳn nhiên là được vào tù vì… chống người thi hành công vụ. Còn dân lại đổ tiền ra để thăm hỏi, để tặng thưởng, để thăng quân hàm cho các cán bộ, chiến sĩ công an cảm tử dám xông ra bất chấp nguy hiểm chặn đầu phương tiện giao thông để bắt bằng được đo nồng độ cồn.
Phải nói kỹ như vậy về việc đo nồng độ cồn đang phát triển rầm rộ hiện nay tại Việt Nam, để thấy được việc làm của ông Giám đốc Công an Hà Tĩnh vừa qua để lại dư âm trên mạng không phải là sự ngẫu nhiên.
Nhân văn, thương dân, cao cả… bằng cách vi phạm luật pháp?
Hành động của Giám đốc Công an Hà Tĩnh tự ý điều hành cấp dưới tha cho người đàn ông say rượu điều khiển xe máy ấy, dù được đám báo chí tán tụng lên mây xanh, thì người ta vẫn chỉ ra rằng: Với hành động ấy, Giám đốc Công an Tỉnh này đã ngang nhiên đạp lên những quy định của luật pháp.
Bởi trong tất cả các văn bản luật pháp, không hề có văn bản nào cho phép Giám đốc Công an được phép đặc cách tha cho bất cứ ai vi phạm hành chính, vi phạm luật pháp. Dù là Giám đốc Công an Tỉnh, thì ông ta cũng chỉ là một công dân, cũng là một người có trách nhiệm thi hành đúng luật pháp yêu cầu theo những chức năng, nhiệm vụ được nhà nước giao phó phù hợp luật pháp, góp phần xây dựng hệ thống pháp luật nghiêm minh.
Trong khi đó, chính quyền đang hò hét “Việt Nam là Nhà nước Pháp quyền”. Mà nhà nước Pháp quyền thì không có bất cứ cá nhân, Giám đốc, hay Chủ tịch nào được bỏ qua những quy định luật pháp.
Thế nên, việc Giám đốc Công an Tỉnh Hà Tĩnh tự ý “tha” cho người sau khi đã say rượu còn điều khiển phương tiện tham gia giao thông là việc dẫm đạp lên quy định pháp luật. Đó là sự tùy tiện, tự cho mình cái quyền hành muốn bóp méo, sử dụng luật pháp tùy thích. Đó là điều tối kỵ khi xây dựng nhà nước pháp quyền.
Những lời giải thích của Giám đốc Công an Hà Tĩnh về việc tha cho ông này như: vì ông ta “thật thà, chất phác và lương thiện” là không đủ cơ sở về luật pháp. Vậy hóa ra những người khác khi vi phạm bị phạt, bị tước bằng lái, chỉ vì uống một vài lon bia đều là những kẻ không thật thà và lương thiện cả hay sao?
Việc Giám đốc Công an Hà Tĩnh lý giải rằng vì ông ta nghèo càng thiếu tính thuyết phục. Bởi trong hàng trăm ngàn người bị phạt, bị tước bằng lái, bị giữ phương tiện, thì có được mấy người giàu… như Công an?
Diễn, hay là căn bệnh của thói độc tài?
Nhiều người cho rằng đây chỉ là hành động “diễn lấy tiếng” mà thôi. Bởi những thắc mắc được đưa ra là liệu có sự ngẫu nhiên khi ông thợ nề này lạc đường do say rượu đến mức quên cả lối về lại gặp lúc Giám đốc Công an Tỉnh có mặt ở đó. Vậy nếu không có mặt Giám đốc Công an thì nhà ông ta gặp họa lớn rồi không? Bởi làm thợ nề tiền đâu mà nộp phạt?
Và người ta còn chỉ ra rằng: Ông ta say đến mức chạy đi chạy lại đến 3 lần vẫn không biết lối về, nhưng khi gặp Giám đốc Công an thì nói năng lưu loát, bấm điện thoại nhoay nhoáy, thậm chí nhớ rất rõ nick name của vợ là “Đó rách ngáng trộ” và còn giải thích ý nghĩa chữ này cho ông Giám đốc nói giọng Bắc rất rõ ràng…
Điều này cũng có cơ sở, bởi người ta đã thấy quá nhiều những vở diễn của ngành công an như trả lại tài sản nhặt được, đưa cụ già qua đường, đưa học sinh muộn giờ thi… mà nhiều khi hậu trường bị lộ cho thấy trường quay được chuẩn bị công phu nhưng vẫn chưa kỹ lắm.
Cũng có người cho rằng đây là sự bột phát thiếu suy nghĩ hoặc hành động này dân gian hay gọi là “Chơi ngu lấy tiếng” mà bị hố chứ bình thường suy nghĩ chín chắn chẳng ai làm vậy trước bàn dân thiên hạ để công khai ra cho dân chúng họ cười.
Nguồn gốc là ở thói độc tài
Việc làm của Giám đốc Công an Hà Tĩnh có vẻ không giống ai, không giống các quan chức nhà nước xưa nay khi mà cán bộ cấp cao lại còn biết đến người dân lao động nghèo khổ không đủ tiền nộp phạt để mà tha. Là một cán bộ hành xử hoàn toàn trái pháp luật mà lại biện minh rằng như vậy là nhân văn, là tử tế… Hóa ra là luật pháp ở đất nước này nếu thi hành đúng thì thiếu nhân văn, không tử tế sao?
Và nhiều người đặt câu hỏi: Lẽ nào làm đến Giám đốc Công an một tỉnh mà ông ta không biết điều mình làm là vi phạm luật pháp nghiêm trọng, lại còn làm gương cho biết bao nhiêu người khác coi luật pháp chỉ là mớ giẻ rách và tự hành động theo ý thích của mình, miễn là có quyền?
Thế nhưng, ngẫm lại thì điều đó chẳng có gì lạ trong nhà nước độc tài Cộng sản.
Chẳng cần lấy ví dụ xa xôi mà lấy ngay cá nhân Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Đảng CSVN, người đứng đầu việc hò hét Xây dựng Nhà nước Pháp quyền, rồi đủ mọi lời lẽ hô hào về luật pháp, về nguyên tắc… lại là người dẫn đầu việc xé bỏ mọi quy định, luật lệ, điều lệ để cố ngồi lỳ lại chiếc ghế quyền lực của mình cho đến nay trong đảng, đó là một điển hình của việc ngồi xổm lên điều lệ đảng.
Nguyễn Phú Trọng thậm chí ngang nhiên kể chuyện cán bộ cao cấp của đảng vác cả valy tiền đola đến Ban Kiểm tra Trung ương để hối lộ, những ông ta đã cho đem về mà không ngay lập tức báo cho bên luật pháp bắt tại chỗ hành vi hối lộ.
Thậm chí mới đây, Nguyễn Phú Trọng còn ngang nhiên rằng: “Anh nào đã trót nhúng chàm thì rửa tay đi, nộp lại tiền hoặc xin nghỉ đi thì tôi tha, hoặc xử nhẹ”… để nói về việc bắt bớ, xử lý đống quan tham đã là “số không nhỏ” trong đảng hiện nay.
Và ông ta không hề trả lời được câu: Ai cho ông ta cái quyền ấy?
Quả thật, ông ta chẳng có bất cứ một văn bản nào trao cho mình cái quyền lực ấy để tự ý muốn tha ai thì tha, muốn bắt ai trong xã hội, trong hệ thống nhà nước, khi chỉ là một anh đảng trưởng.
Nhưng, anh ta lớn tiếng đặt ra quy định ấy, chỉ đơn giản vì ông ta có nhà tù, có súng đạn và nhung nhúc công an.
Và đó là cách hành xử tùy tiện bất chấp luật pháp của những kẻ độc tài, toàn trị và thiếu hiểu biết.
Đó cũng là một trong vô vàn triệu chứng của căn bệnh độc tài không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới.
Và cái khẩu hiệu nhà nước pháp quyền, chỉ là sự hài hước, sự nhạo báng cả 100 triệu người dân Việt Nam mà thôi.
22/01/2024
J.B Nguyễn Hữu Vinh
Bài bình luận gần đây