Nói là phép thử cho sang thôi, chứ thực hay thử bây giờ cũng như nhau, vấn đề chỉ cho thấy sau gần nửa thế kỉ thống nhất, đất nước hoàn toàn thống nhất về mặt địa lý nhưng tư tưởng và tình cảm con người vẫn phân rõ hai vùng. Vĩ tuyến 17 năm xưa chỉ phân ranh giới giữa miền Bắc và miền Nam, với hai chính thể rõ ràng, còn vĩ tuyến tư tưởng bây giờ không phân ranh giới rõ ràng, nó bàng bạc khắp đất nước, xẻ đôi đất nước bằng giới tuyến Dân Chủ và Độc Tài.
Trong những ngày đầu năm 2024, tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lâm bệnh nặng, phải nhập viện cấp cứu đã tạo ra những xung dư luận trái chiều, và các xung dư luận này cho thấy đất nước đang phân rã về mặt tư tưởng cũng như lòng người ngày càng phân ly, chia lìa, một đất nước tan hoang cõi lòng nơi mỗi người dân mặc dù hằng ngày họ phải làm việc, nói năng, đi đứng, bắt tay nhau...
Tin mừng?!
Có rất nhiều trang facebook cá nhân không ngần ngại mong tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chết một cách chính thức để khui bia ăn mừng, điều này, dù đứng trên góc độ nào cũng có chút gì đó thiếu nhân cảm, bởi tuổi của ông Trọng đã cao, trong cuộc đời làm lãnh đạo đảng của ông, so với các lãnh đạo khác, dù sao ông cũng có phần thanh liêm hơn và có công đốt lò chống tham nhũng.
Tuy nhiên, trong mắt các nhà dân chủ và những người chống bành trướng Trung Quốc, người ta xem Nguyễn Phú Trọng là tội đồ, là thái thú của Trung Quốc, mọi động thái của ông Trọng đều cho thấy ông là người thân Trung và sẵn sàng chịu chi phối của thiên triều Trung Quốc. Đương nhiên, cách nhìn nhận này chưa chắc chính xác nhưng rõ ràng có cơ sở và có cái lý của nó, cũng khó bề phản bác.
Và với những nhà đấu tranh dân chủ, kể cả những người có quan tâm đến tiến trình dân chủ Việt Nam đều coi ông Trọng là một lực cản lớn, là hòn đá quá nặng đè ngang tiến trình dân chủ và tiến bộ của Việt Nam.
Nếu so sánh các đời Tổng Bí thư, có vẻ như đời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là đời dễ thở nhất cho giới đấu tranh dân chủ, dễ thở ở đây trên phương diện ngôn luận. Thử so sánh phát biểu kiểu “gã lông trắng” (ám chỉ mái đầu bạc của ông mà một số cư dân mạng đã dùng, nếu như vào đời các Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh hay Lê Duẩn, Nông Đức Mạnh hay Đỗ Mười thì e rằng khó mà tồn tại.
Tôi còn nhớ đến chuyện cách đây gần bốn chục năm, lúc đó Thủ tướng Phạm Văn Đồng về thăm quê, tôi nghỉ hè, về Quảng Ngãi chơi với nhà ngoại, ông cậu của tôi nghe tiếng hụ còi của đoàn xe ông Đồng đi qua ngoài đường cái, mới nói với vợ “Thằng khứa này cũng vầy vậy mà làm gì ồn ào, rau muống hắn bảo ngang với thịt bò thì cũng ngu như bọn mình thôi!”. Nói trong nhà, nhưng không hiểu sao câu chuyện lại đến tai cơ quan của đảng. Hôm sau, ông bị mời lên ủy ban xã, bị viết bản kiểm điểm và khi về nhà, hai má sưng vếu vì bị bạt tai.
Kể từ đó, ông cậu tôi luôn nghi ngại bà mợ tôi, cho dù đến giờ hai người vẫn sống với nhau, đã có cháu, có chắt, nhưng dường như khoảng cách hoài nghi giữa hai ông bà vẫn chưa bao giờ hết, hay nói khác đi là có một thứ ranh giới vô hình về mặt tư tưởng, chính kiến đã chăng ngang hạnh phúc của hai người.
Nếu như ông cậu tôi phát biểu câu ấy bây giờ, chắc không đến nỗi bị kéo lên phường bạt tai và viết bản kiểm điểm, bởi vì bây giờ tai mắt đảng nhiều lắm, nhưng người nói ‘phản động” thì nhiều vô kể, nếu bắt hết người nói như ông cậu tôi lên xã để bạt tai, không chừng cán bộ bị tổn thương cánh tay và bàn tay vì phải bạt tai suốt ngày.
Nhưng dù sao, thời đại bây giờ, vấn đề tự do ngôn luận cũng dễ thở hơn thời xưa, đương nhiên là so với cùng một quốc gia như Việt Nam, chứ so với thế giới tiến bộ thì Việt Nam vẫn còn ở tận đáy giếng, thật!
Tin buồn?!
Với một bộ phận người, tin ông Trọng chết sẽ là tin để “khui bia” thì với một số người, tin ông Trọng chết là tin buồn. Bởi người ta thấy ngay rằng mất đi một người đốt lò chống tham nhũng, đốt một cách bền bĩ và không nương tay, và nhìn một cách khách quan, ông cũng là Tổng Bí thư thanh liêm nhất so với các tiền nhiệm vốn nhiều “tai tiếng hậu cung” của ông.
Và, khi thương thì trái ấu cũng tròn, việc ông Trọng ôm ghì ghế Tổng Bí thư, thậm chí có nguy cơ ôm ghế cho đến lúc tạ thế của ông lại được những người mê tín ông cho rằng đó là “phước báu” của đảng, của quốc gia, bởi vì chỉ có ông mới đủ thanh liêm cũng như quyết tâm chống tham nhũng đến cùng, nếu ông chết đi hoặc về hưu, thì liệu người kế nhiệm của ông có thể làm được công việc đốt lò chống tham nhũng giống như ông hay không?!
Câu hỏi này cho thấy tình trạng tham nhũng đã vượt khả năng kiểm soát của hệ thống đảng tại Việt Nam hiện nay, và niềm tin của nhân dân vào việc củng cố, chấn chỉnh hệ thống là hoàn toàn không có, bên cạnh, điều đó cũng phản ánh về tình trạng xuống cấp trầm trọng của hệ thống cán bộ nhà nước mà người ta không còn tin vào bất cứ cán bộ nào, hình như, Nguyễn Phú Trọng trở thành chiếc phao cứu sinh duy nhất cho uy tín đảng cũng như cho những gì còn thuộc về liêm sỉ, chống tham nhũng (cho dù điều ấy cũng mang tính hình thức nốt!).
Và, với một số người, việc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chết hay sống không còn thuộc về mối quan tâm của họ nữa, ngay cả việc đảng Cộng sản này chết đi, một hệ thống lãnh đạo đa nguyên, đa đảng lên thay thế cũng không còn là mối quan tâm nhiệt tình như trước nữa. Bởi với nhiều năm phơi bày, vấn đề người ta quan tâm là căn tính, tâm tính của người Việt, chứ không phải căn tính hay tâm tính của đảng cầm quyền.
Với một mặt bằng chung tâm tính có gì đó na ná người Trung Quốc, mưu cơ, thủ đoạn, gian xảo, bất chấp và lật kèo, đó là tâm tính chung của rất nhiều người có tham vọng quyền lực trên xứ sở này. Và khi có thay đổi, chắc chắn kẻ có tham vọng quyền lực sẽ nhảy lên phất cờ lệnh đầu tiên, bởi sau một quá trình chờ đợi, chuẩn bị, họ sẽ chọn đúng điểm rơi.
Và nếu như có sự thay thế, với những kẻ như đã nói lên nắm quyền điều hành đất nước, thì câu chuyện lịch sử sẽ đi từ bi kịch này sang bi kịch khác. Không riêng gì Việt Nam, bài học loại bỏ độc tài ở một số quốc gia đã cho thấy kinh nghiệm ấy.
Trong một cơ chế độc tài gần nửa thế kỉ, nó quá đủ để người tri thức chân chính tự thấy mình không phù hợp với xã hội, tự chọn chỗ lui về trong im lặng, suy tư và chiêm nghiệm về nhân tình thế thái, tự cống hiến bằng sự âm thầm của một trí thức, gần như họ rời bỏ khỏi cuộc chơi chính trị. Rất hiếm hoi các trí thức chân chính trong hệ thống quyền lực.
Nếu có sự thay đổi, chắc chắn các trí thức chân chính cũng là kẻ ngoài cuộc. Vậy thì thay đổi có hứa hẹn gì không?! Chính vì vậy mà người ta trở nên bàng quan, thậm chí bi quan về một sự thay đổi hay sự kéo dài nào đó.
Và, tin đồn về cái chết của Tổng Bí thư những ngày đầu năm như một phép thử, nó cho thấy đất nước đã phân rã và lòng người đã ly tán ngay trong căn phận quốc gia, dân tộc của mình, ngay trong ngôi nhà của mình đến mức độ nào.
Bài bình luận gần đây