Nhìn lại cái gọi là “Chống tham nhũng”
Năm 2023 đã lùi về quá khứ. Một năm trôi đi, chúng ta thấy gì?
Các hãng thông tấn, báo chí trong nước và trên thế giới đua nhau tổng kết các sự kiện nổi bật của năm, những vấn đề kinh tế, xã hội lớn của đất nước, của thế giới trong năm 2023.
Với hệ thống khổng lồ các cơ quan truyền thông hiện nay, chúng ta có thể đọc được nhiều bản tổng kết từ sơ bộ đến chi tiết về ngành, nghề và các lĩnh vực của họ.
Tại Việt Nam, ngoài những bản tổng kết thành tựu và sự kiện qua một năm mà những con số chẳng mấy có tác động đến cảm xúc của người đọc ngoài những suy nghĩ âu lo, u ám. Dù ở trong các bản báo cáo, tổng kết ấy có nhiều cách sử dụng ngôn ngữ và số liệu nhằm tạo nên những sự tích cực trong suy nghĩ người đọc. Dù có nhiều cách để nhằm biện hộ, lý giải cho những thất bại trong việc thực hiện các kế hoạch, các lời hứa của các cơ quan, quan chức… nhưng những điều đó không làm thay đổi được một sự thật là mọi mặt đời sống xã hội đang như một con bệnh trầm cảm ngày càng nặng.
Công cuộc “Chống tham nhũng”: Trách nhiệm người đứng đầu?
Riêng theo dõi về cái gọi là “Công cuộc chống tham nhũng” mà đảng CSVN đã hò hét mấy chục năm qua với biết bao nhiêu sự kiện, biết bao nhiêu thăng trầm, biết bao nhiêu con số và qua đó, người dân thấy biết bao tài nguyên, tiền của, tài sản của nhân dân đã bị đám cướp này biển thủ, phá hoại khủng khiếp ra sao.
Một năm qua, chúng ta thấy vài nét đáng chú ý nào trong cái gọi là “Chống tham nhũng” “đốt lò” của Nguyễn Phú Trọng?
Mới đây, trên mạng xã hội có câu thơ được truyền bá như sau:
"Ông Trọng có lò mới xây
Ông chặt, ông đốt... những cây ông trồng"
Quả rằng câu thơ dân gian này là bản tổng kết hết sức đầy đủ, sắc bén và có tính khái quát cao về cái gọi là “sự nghiệp chống tham nhũng” nhằm để Xây dựng đảng của TBTĐCSVN Nguyễn Phú Trọng.
Có thể thấy điều đó rõ ràng qua các con số như sau:
Ngay khi chiếm được cái ghế Tổng Bí thư ĐCSVN, Nguyễn Phú Trọng hò hét loạn xị ngậu rằng: Rằng đảng “coi cán bộ và công tác cán bộ là "cái gốc của mọi công việc", "nguyên nhân của mọi nguyên nhân", "then chốt của then chốt" (Nguyễn Phú Trọng nói về phương án nhân sự khóa 12)
Rằng: “Kiên quyết không để lọt vào Ban Chấp hành Trung ương những người có một trong các khuyết điểm, như:.. tham vọng quyền lực, xu nịnh, chạy chọt, vận động cá nhân, tư tưởng cục bộ, phe cánh, lợi ích nhóm, không dám đấu tranh bảo vệ lẽ phải”
Thế nên, tiêu chuẩn đảng viên nhất là Ủy viên BCH Trung ương phải: “Có phẩm chất đạo đức và lối sống trong sáng. Bản thân không tham nhũng, quan liêu, cơ hội, vụ lợi, tham vọng quyền lực và kiên quyết đấu tranh chống các biểu hiện tiêu cực, quan liêu, tham nhũng; không để vợ, chồng, con, người thân lợi dụng chức quyền để trục lợi…”
Thế rồi, sau hai năm hò hét và quyết tâm, thề thốt, với trách nhiệm người đứng đầu, chịu trách nhiệm toàn bộ, kết quả ra sao?
Sáng ngày 30/6/2022, Bộ Chính trị tổ chức hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022 theo hình thức trực tiếp và trực tuyến tại điểm cầu các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực chủ trì hội nghị. Tại đó, sau 2 nhiệm kỳ 10 năm của Nguyễn Phú Trọng trên chức danh là người đứng đầu đảng, là người tuyển chọn nhân sự, thì con số mà Ban Nội chính đảng đưa ra báo cáo đã là:
“Trong 10 năm qua, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 2.700 tổ chức Đảng, gần 168.000 đảng viên”. Hẳn nhiên, con số này là còn thua xa thực tế.
Thế rồi trước những phản ứng của dư luận xã hội, trước những hô hào của TBT và hệ thống chính trị, người ta cứ tưởng những con số xót xa đó sẽ giảm xuống, đồng nghĩa với những đại nạn bị cướp bóc của người dân đỡ hơn. Nhưng không, cũng tại các số liệu do đảng đưa ra, thì con số về kỷ luật đảng của bộ phận chống tham nhũng như sau:
“Trong năm 2023, cấp ủy các cấp và chi bộ đã thi hành kỷ luật 18.130 đảng viên (tăng 10,64% so với năm 2022), 423 tổ chức đảng (tăng 2,92% so với năm 2022); thi hành kỷ luật có 3.073 cấp ủy viên (chiếm 16,94%).
UBKT các cấp đã thi hành kỷ luật 183 tổ chức đảng và 6.302 đảng viên, có 1.975 cấp ủy viên (chiếm 31,34%); trong đó, UBKT các địa phương, đơn vị thi hành kỷ luật 154 tổ chức đảng và 6.237 đảng viên, UBKT Trung ương thi hành kỷ luật 29 tổ chức đảng và 65 đảng viên”.
Điều dễ thấy nhất là tất cả chỉ tiêu, các con số đã tăng lên rất nhanh chóng, nếu con số trung bình 10 năm trước là gần 16.800 đảng viên/năm, thì nay đã lên đến 18.130 đảng viên.
Nhưng, đấy chỉ mới là phần nổi của tảng băng chìm. Bởi cũng theo báo cáo này, thì “Trong năm 2023, UBKT các cấp nhận được 25.401 đơn thư tố cáo, phản ánh tổ chức đảng, đảng viên; đã giải quyết 46 đơn tố cáo tổ chức đảng, 1.297 đơn tố cáo đảng viên”. – Nghĩa là con số được giải quyết là 1.343/25.041 chỉ chiếm 5,26% số vụ việc bị tố cáo – Cũng có nghĩa là con số 18.130 đảng viên bị kỷ luật chỉ tương ứng với 5,26% số đảng viên bị tố cáo.
Nhưng chừng đó, cũng đã đủ nói lên sự khốn cùng của đất nước này đã đến mức độ nào. Bởi đi kèm với một đảng viên bị kỷ luật, là hàng chục đảng viên chưa bị kỷ luật khác đang ngày đêm tham nhũng, cướp bóc tài sản và xương máu của nhân dân.
Bởi đi cùng với một cái gọi là kỷ luật, khởi tố đảng viên, là hàng tỷ, chục tỷ tiền của và tính mạng của người dân đã bị bòn rút, đã bị phá hoại.
Bởi đi cùng với một ủy viên Trung ương đảng, một ủy viên Bộ Chính trị, một viên tướng tá… kỷ luật hay khởi tố, vào tù là hàng trăm, hàng ngàn tỷ tiền của dân đen đã bị cướp, bị phá.
Và đi cùng một tổ chức đảng bị kỷ luật, là cơ đồ, tài sản và tương lai của một vùng, một ngành, một lĩnh vực đã bị nhấn chìm hàng chục năm hoặc không còn lối thoát để đi đến tương lai.
Điều hài hước, là qua 10 năm của hai nhiệm kỳ trước đây do Nguyễn Phú Trọng làm lãnh đạo tuyệt đối, ngoài việc đạt được 168.000 đảng viên và 2.700 tổ chức đảng bị kỷ luật, thì đảng vẫn xây dựng được 250 văn bản “Xây dựng đảng” – Đây cũng là nguồn cơn của sự độc tài và là nguồn gốc vững chắc cho sự tham nhũng trong hệ thống chính trị Việt Nam.
Và như vậy, thì câu chuyện “Ông chặt, ông đốt những cây ông trồng” là điều vô cùng chính xác..
Tham nhũng như nước vỡ bờ và sự thoái lui của Nguyễn Phú Trọng
Thế rồi, trước hiện tượng tham nhũng như nước lũ tràn về không thể ngăn chặn bằng bất cứ cách nào, thì TBT Nguyễn Phú Trọng đã thể hiện sự bất lực của mình bằng nhiều cách bất chấp luật pháp, bất chấp liêm sỉ và những lời Nguyễn Phú Trọng đã nói ra.
Gần đây, Nguyễn Phú Trọng đã thay vì “Kiên quyết”, “không có vùng cấm”, triệt để đấu tranh đến tận gốc tham nhũng, thù hồi tiền của, phục hồi niềm tin của nhân dân với đảng… Toàn những lời lẽ hô hào choang choảng. Thì nay Nguyễn Phú Trọng buộc phải xuống thang và bó tay trước cả hệ thống đang đi ngược lại những lời hô hào, nhưng việc làm trái ngược của Nguyễn Phú Trọng bằng cách tuyên bố: “Những ai đã nhúng chàm, thì xin nghỉ hoặc nộp lại tiền thì sẽ tha cho”. – Điều đó được hiểu rằng cái gọi là “Kiên quyết, triệt để diệt tận gốc nạn tham nhũng”… đã vứt đi.
Điều đó cũng được hiểu rằng một lần nữa, Nguyễn Phú Trọng đã vứt hết mọi luật lệ, luật pháp để tự đặt ra quy định hình phạt, quy định việc tha bổng, quy định việc thi hành các biện pháp đối với bọn trộm cướp, tham nhũng trong hệ thống.
Bởi theo đúng nguyên tắc, Nguyễn Phú Trọng chỉ là một đảng trưởng của một đảng, chẳng có vai trò gì trong việc quyết định luật pháp chém ông nọ, bỏ ông kia, nuôi ông này theo ý kiến riêng của cá nhân Nguyễn Phú Trọng.
Để thực hiện những ý tưởng trái luật pháp của mình, Nguyễn Phú Trọng dựa vào cái gọi là Ủy Ban Kiểm tra Trung ương. Cái Ủy ban đó, chẳng có vị thế nào, vị trí nào được quy định trong Hiến pháp, Pháp luật hiện tại. Nhưng nó là một tổ chức siêu quyền lực hiện nay.
Vậy nó có thể làm được gì?
Người ta biết, cả hệ thống công an đông nhung nhúc với đủ loại thiết bị, trang bị, cơ quan, đoàn thế để điều tra mà rất nhiều vụ việc không thể điều tra được, rất nhiều vụ án oan sai. Hiện tượng ép cung, tra tấn nạn nhân buộc nhận tội, hiện tượng mớm cung, thông cung đã diễn ra phổ biến đến mức Quốc hội đã nhiều lần kêu lên rằng cần có biện pháp chống dùng nhục hình, nâng cao chất lượng điều tra, tránh án oan, tránh tra tấn… giảm án oan. Vậy mà còn chưa lần ra tội phạm.
Huống chi, cái gọi là Ban Kiểm tra Trung ương hay Ban Nội chính, cũng chỉ là mấy kẻ nằm trong hệ thống “số lượng không nhỏ cán bộ trong đảng thoái hóa, biến chất…” lại ngồi với nhau để định tội, để bày ra hết trò nọ, trò kia cứ như Thánh phán từ trong bụi rậm mà ra cho thiên hạ cứ vậy mà thi hành, mà lạy lục.
Thế nhưng, không có cái Ủy Ban đó, thì Nguyễn Phú Trọng biết lấy gì mà hành động. Và lại cứ ma đưa lối, quỷ dẫn đường, cái Ủy ban đó, bằng mọi cách lại đem ra thi thố những ý đồ quái gở của Nguyễn Phú Trọng.
Tại cuộc họp báo chiều 16/8/2023, khi nói về vụ án Việt Á, Phó ban Nội chính Trung ương Nguyễn Văn Yên cho biết rằng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực có chủ trương phân loại xử lý người vi phạm.
Theo đó, người lợi dụng chức vụ, quyền hạn để tác động, chỉ đạo cấp dưới làm trái quy định nhằm mang lại lợi ích cho bản thân và Công ty Việt Á; người cầm đầu, chủ mưu, vụ lợi... "sẽ bị nghiêm trị". Còn những người phạm tội nhận hối lộ, nhưng “không có động cơ vụ lợi” thì sẽ được “Ban Chỉ đạo thống nhất chủ trương tha, miễn.
Chiều 22/11/2023 nói trước báo chí về Đại án Vạn Thịnh Phát, Ban Nội chính Trung ương quyết định rằng người nhận tiền trong vụ Vạn Thịnh Phát và ngân hàng SCB nhưng không vụ lợi, sẽ không bị xử lý hình sự mà kỷ luật Đảng, xử lý hành chính.
Nghĩa là đảng lại tiếp tục quyết định xé bỏ luật pháp để cho cái gọi là “Ban Nội chính Trung ương” tùy tiện xử lý trong mọi trường hợp vi phạm luật pháp một cách rõ ràng trước bàn dân thiên hạ.
Trước hết, cần phải nói rõ vài điều rằng: Nhà cầm quyền CSVN luôn rêu rao rằng đây là một “Nhà nước pháp quyền”, mọi lời hô hào xưa nay từ miệng đảng, khẩu hiệu giăng khắp mọi lối xóm đường quan rằng là “Sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật” thế nhưng, có lẽ đi với những câu khẩu hiệu về những lời nói này của người Cộng sản, thì cần ghi chú thêm câu nói của cố TT Nguyễn Văn Thiệu: “Đừng nghe lời Cộng sản nói, hãy xem việc cộng sản làm”.
Bởi cái gọi là Hiến pháp và pháp luật ấy, chẳng có ý nghĩa gì đối với đảng, Đảng CSVN vẫn luôn luôn đứng ngoài nó và sẵn sàng xé bỏ nó bất cứ lúc nào.
Không lối thoát, bởi thể chế sinh ra tham nhũng
Có thể nói, không phải đến vài ba chục năm gần đây đảng mới hô hào chống tham nhũng và càng chống thì tham nhũng càng lớn. Việc đảng CSVN hô hào chống tham nhũng đã có từ khi khai sinh ra đảng. Người ta vẫn truyền tụng câu chuyện Hồ Chí Minh cho xử và kết án tử hình Trần Dụ Châu vào ngày 5/9/1950, tại thị xã Thái Nguyên tại phiên tòa đặc biệt xử vụ tham nhũng của Tòa án binh Tối cao. Châu bị tước quân hàm Đại tá và khai trừ ra khỏi Đảng ngay tại phiên tòa. Ngày 6 tháng 9 năm 1950, Trần Dụ Châu bị thi hành án bằng xử bắn tại Thái Nguyên. Đảng coi đó như là sự trong sạch và thái độ kiên quyết trong đảng.
Thế rồi đảng chỉ từ mấy ngàn, tăng lên mấy triệu và trở thành đại họa cho dân tộc Việt Nam đến nay.
Và lịch sử đó, những diễn biến thời gian mấy chục năm qua suốt quá trình tồn tại và chống tham nhũng đã chứng minh một điều: Sự tồn tại của thế chế cộng sản sự tồn tại của tham nhũng luôn đồng hành với nhau.
Bởi Tham nhũng đã trở thành mục đích, là lý tưởng của những cán nhân theo đuổi con đường trở thành đảng viên cộng sản.
Ở đó, là cơ hội để kiếm chức, kiếm quyền, để có cơ hội tham nhũng. Bởi không phải 100% đảng viên đều có cơ hội tham nhũng, nhưng những kẻ tham nhũng 100% là đảng viên.
Bởi chỉ có đảng viên mới có thể có chức quyền theo lời Hồ Chí Minh: “Đảng ta là đảng cầm quyền”. Mọi thứ được nêu lên rằng là “Lý tưởng, là hy sinh, là giải phóng”… chỉ là sự lừa bịp.
Còn ngày nay, ở xã hội Việt Nam Đảng CSVN là cơ hội để các cá nhân có thể tham nhũng trong xã hội.
Vì vậy, khi cơ chế cộng sản còn tồn tại, thì nạn tham nhũng là đại họa đương nhiên.
J.B Nguyễn Hữu Vinh
Bài bình luận gần đây