Bi, hài kịch!
Chúng tôi gọi các “Đại án” ở Việt Nam vừa qua như vụ “Việt Á” và “Chuyến bay giải cứu” là những vở Bi, hài kịch của xã hội Việt Nam thời Cộng sản.
Những vụ đại án được coi là những “bi kịch” nhưng cái bi kịch này không chỉ trên sân khấu hay trong tác phẩm văn học, mà những tấn bi kịch này đang diễn ra trong thực tế đời sống xã hội. Ở đó, mỗi người dân là những những chuyện kể về những số phận và biến cố bi thảm trong đời thực ở xã hội Việt Nam. Đặc biệt là những giai đoạn khốc liệt, khó khăn nhất khi cả thế giới đương đầu với Đại dịch Covid-19. Ở Việt Nam, những diễn biến của đại dịch, những bế tắc xã hội, những hậu quả mà người dân Việt Nam đã phải chịu bằng một “đặc tính riêng có” của Việt Nam nhưng hàng triệu con người hoảng hốt bỏ chạy khỏi các trung tâm thành phố, công nghiệp. Hàng loạt các bi kịch đã xảy ra tại các khu dân cư, trên con đường chạy trốn bởi dịch bệnh, bởi hệ thống công quyền… được mạng xã hội phản ánh dù không đầy đủ, nhưng đủ để nói lên tính khốc liệt, sự khốn khổ của người dân và nhất là bản chất của hệ thống công quyền. Hàng chục ngàn con người đã bỏ mạng bởi dịch bệnh mà không đáng phải chấp nhận cái chết. Chỉ bởi sự vô cảm, bởi sự cứng nhắc, bởi sự kiêu ngạo Cộng sản, bởi những sai lầm chẳng giống ai của hệ thống công quyền, không thể cứu vãn gây ra.
Đặc biệt, đó cũng là hậu quả của hệ thống quan chức, công quyền trong bất cứ trường hợp nào, cũng lấy mục đích tham nhũng, ăn cướp hoặc phục vụ mục đích ăn cướp, róc rỉa người dân lành vô tội trong một “Nhà nước của dân, do dân, vì dân”.
Và chính cái “Nhà nước của dân, do dân, vì dân” ấy, đã thực hiện những tấn bi kịch một cách hoàn hảo. Để rồi nhìn vào đó, người ta không thể nào nhịn nổi tiếng cười.
Thông thường là vậy, một xã hội khi đi đến tận cùng của sự suy đồi, thì nó đi từ trạng thái Bi sang Hài. Cũng như con người khi đến đường cùng của sự đau khổ, thì nhiều khi tiếng cười được cất lên, được mang đến một cách vô thức.
Những vở hài kịch đó không chỉ nằm ở những chiến dịch “Chống dịch như chống giặc”, “Mỗi nhà dân, mỗi thôn xã, xóm làng đều là những pháo đài”, ở những cuộc hành quân, đưa xe tăng thiết giáp vào Sài Gòn để chống dịch. Hẳn nhiên, là ai cũng biết Xe tăng, thiết giáp và quân đội không thể bắn vào virus vô hình vô dạng, chỉ có người dân là hữu hình và có thể hứng chịu súng đạn, thiết giáp và xe tăng mới có tác dụng mà thôi.
Nhưng, những vở hài kịch còn nằm ở môi miệng người cộng sản. Chắc chắn một điều là những câu nói của quan chức Việt Nam rằng: “Việt Nam là điểm đến an toàn”, “Nếu cột điện ở Mỹ có chân cũng sẽ về Việt Nam” (Nguyễn Xuân Phúc) rằng “Dù có nhiều ca nhiễm, dù con virus này ở đâu có đáng sợ, nhưng mà với Việt Nam ta, chắc chắn là nó không làm gì được" hoặc “Tất cả cuộc sống của người Việt Nam hôm nay là niềm mơ ước của nhiều nước trên thế giới. Chúng ta có được thành công đó là nhờ sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị” (Vũ Đức Đam)… thì đằng sau, khi phát hiện ra thực chất đó là những Trùm cuối, là những con sâu, những tên cướp đã rắp tâm lợi dụng dịch bệnh để tổ chức những trận cướp trên quy mô cả hệ thống chính trị.
Đó là những kit-test Việt Á được tổ chức nhanh chóng bằng cả hệ thống quan chức tham nhũng, những người cầm đầu, có trách nhiệm lớn nhất trong công cuộc phòng chống dịch bệnh của cả nước.
Đó là những hệ thống quan chức đủ mọi ngành, mọi cấp, từ chính quyền đến chuyên môn, các Bộ, Ngành… và đội ngũ dư luận viên của đảng cổ vũ rồi tổ chức những chuyến bay “Ngạo nghễ” để “Đón công dân Việt Nam về chăm sóc” nhưng thực chất là bóp hầu, bóp cổ người dân, thậm chí cả những xác chết từ nước ngoài để được đưa về đất nước.
Những màn Hài kịch
Nhưng, cái Bi, Hài kịch trong thực tế đời sống đã diễn ra, vừa được kết thúc bằng hai màn hài kịch có thể gọi là “Vĩ đại” bằng những vụ điều tra, xét xử mang đậm tính chất “Nhà nước pháp quyền XHCN”.
Ở đó, việc phát hiện, điều tra, xét xử của cả hệ thống luật pháp nước nhà đã không thể ngăn cản được người dân bật lên những câu hỏi, những thắc mắc dẫn đến những câu chửi thề, rồi cuối cùng là là những trận cười méo mó.
Người dân theo dõi những diễn biến từ đầu cho đến khi vụ án “Chuyến bay giải cứu” đã kết thúc phiên phúc thẩm. Người dân thấy gì?
Ở đó, người ta giật mình thấy nhiều điều tưởng chừng không thể, mà vẫn xảy ra như không giữa cái gọi là “Nhà nước pháp quyền” này.
Ở đó, người ta thấy rằng có một hệ thống luật pháp nhưng được sử dụng với nhiều cách khác nhau. Việc sử dụng, suy diễn nó ra sao, phụ thuộc đối tượng mà hệ thống đó nhắm đến mà không phụ thuộc bản chất tội phạm của bị cáo ra sao.
Ở đó, tòa được sử dụng để tuyên những bản án bỏ túi, những bản án nặng hay nhẹ, phụ thuộc thân thế, tiền bạc, khả năng… đặc biệt là thái độ “biết điều” của từng bị cáo ra sao.
Người ta có thể thấy một điều tra viên như Hoàng Văn Hưng với lý lẽ vững chắc làm cho tòa tối mặt không thể cãi, không thể đối chất đã bị tòa tuyên án chung thân dù Viện Kiểm sát đề nghị 19-20 năm tù. Sở dĩ tuyên chung thân, chỉ vì “thái độ” và lý lẽ làm Tòa không cãi được. Thế rồi, khi anh ta biết dù có cãi bằng trời, lý luận hay tranh biện đúng đến mấy, thì Tòa vẫn có thể bất chấp tất cả để trả thù bằng mức án nặng nhất. Bởi Tòa đâu có xử bằng lý lẽ, bằng chứng cứ. Thì anh ta đành chấp nhận chịu thua.
Và khi anh ta chịu thua, có nghĩa là Tòa không cò bị bẽ mặt, thì Tòa tuyên lại 20 năm tù giam.
Ở đó, người ta thấy một can phạm nhận 2,8 triệu đola, nghĩa là hàng chục tỷ đồng để chạy án. Nhưng rồi chỉ chi 800.000 đola, còn lại thì chiếm đoạt.
Ở đó, dù tay cán bộ điều tra đã khẩn thiết yêu cầu truy tố ngay can phạm chạy án này cái tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Nhưng tòa cứ làm lơ rồi bỏ qua một cách trắng trợn và công khai.
Thế rồi, tòa vẫn chỉ bị tuyên án ví dụ với 5 năm tù, thậm chí sau đó, Tòa còn tự giảm cho một năm dù không kháng cáo. Chắc hẳn bởi Tòa thấy với việc nhận mấy chục tỷ đồng ấy, nếu tuyên án 5 năm vẫn còn… đắt quá.
Đơn giản, chỉ bởi can phạm này thuộc lực lượng “Còn đảng, còn mình” – hắn nguyên là Thiếu tướng, Phó Giám đốc Công an Hà Nội. Và chỉ riêng phần tiền của hắn chưa kịp cất giấu, người ta bắt được khi khám nhà là 146 lượng vàng, 210.000 đola và cả tỷ đồng.
Thế lực như vậy, tiền bạc như thế, thì có tòa nào mà tuyên án nặng cho nổi. Nhất là khi mà hắn ta có nghề… hối lộ, chạy án.
Hài hước nhất, có lẽ điều ai cũng thấy, đó là không chỉ hiện tượng đầu voi, đuôi chuột của vụ án, mà còn là câu hỏi không được trả lời: Việc bắt bớ, giam cầm, truy tố, xét xử… hết cả đống tiền dân ấy, nhằm mục đích gì?
Người ta không biết để làm gì khi bắt bớ, giam cầm, huy động cả hệ thống đi điều tra, bắt bớ rồi đưa vụ án này xét xử khi mà các bị hại là những công dân không hề được nhắc đến.
Không có một bị hại nào được nêu tên, dù trước đó, con số hơn 200.000 công dân đã được thống kê qua hơn 2.000 chuyến bay “Giải cứu”.
Thế rồi, con số Bộ Công an đưa ra rằng mỗi chuyến bay, những tên cướp mang thẻ đảng này cướp được của công dân hơn 2 tỷ đồng. Tổng cộng là hơn 4.000 tỷ bị cướp đoạt. Thì sau một lúc cò cưa, điều tra, kiểm sát, truy tố… con số đó đã teo lại chỉ còn hơn 1.000 tỷ.
Những phiên tòa vụ “Chuyến bay giải cứu” đã khép lại phiên phúc thẩm. Nhưng điều đọng lại trong người dân, không phải là cái án ai phải chịu nặng, nhẹ ra sao hay tội ác bị trừng phạt như thế nào.
Điều người dân hiểu rất rõ là cả hệ thống đang ra sức tìm mọi cách để nã những đồng tiền từ bọn cướp ngày mà thôi. Nhưng điều hài hước, là cả hệ thống chính trị ấy, coi là chuyện hết sức bình thường khi đưa ra cái gọi là “Xét xử”. Vì vậy, việc dẫm đạp lên luật pháp là điều ai cũng thấy.
Tòa có thể bỏ qua những điều luật, điều lệ đã được ghi bằng giấy trắng mực đen, nếu can phạm chịu bỏ tiền ra là đủ. Thậm chí, Tòa còn dừng hẳn việc xử xét, để can phạm có thời gian… nộp tiề. Rồi sau đó mới căn cứ vào đó mà… xử.
Tội trạng ra sao, vi phạm thế nào… không quan trọng, miễn là có “thái độ tử tế với Tòa”.
Mà thông thường, nếu không theo luật, chỉ xử căn cứ vào “Thái độ” thì mọi chuyện sẽ dễ dàng thay đổi bởi “nén bạc, đâm toạc tờ giấy” là điều cha ông nhắc nhở từ xưa và bây giờ được thể hiện rất… cụ thể ngay tại cái gọi là Tòa.
Thế rồi tiền đó được sung công, được đưa vào ngân sách nhà nước
Rồi tiền đó được chi dùng cho những việc theo ý đảng. Để tổ chức đại hội đảng, để họp quốc hội, để tổ chức “Ngày hội toàn dân đi bầu cử”.
Và một phần rất lớn, là lại để các đảng viên tham nhũng.
Có thể thấy bản chất của việc bắt bớ, truy tố, xét xử… thực chất lại chỉ là “Cướp của bọn cướp” mà thôi.
Thế rồi mấy ngày qua, vụ án “Việt Á” lại mở màn với nụ cười “hồn nhiên đến ngờ nghệch và có phần bệnh hoạn” của Phan Quốc Việt, Tổng Giám đốc Việt Á trước Tòa.
Trước Tòa, anh ta tuyên bố: “Nếu được quay lại từ đầu, bản thân vẫn làm như những gì đã làm. Một ngàn lần lặp lại và biết kết quả như hôm nay bị cáo vẫn làm. Bị cáo tin tưởng rằng trong bối cảnh đó những người khác chắc chắn cũng sẽ làm. Nếu không sai phạm thì chắc chắn không thể nào đóng góp kịp thời cho chống dịch.”
Có lẽ, đó là những kết luận mà chẳng cần nhận thức cao siêu cũng sẽ hiểu rằng: Với hệ thống chính trị, nhà nước này mà không hối lộ, không lừa đảo, không cướp giật thì chẳng có thể động tay động chân được điều gì. Và còn làm, thì sẽ còn sai, còn có tội.
Bởi không có tội, không hối lộ, không tham nhũng, không cướp bóc được, thì hệ thống này tê liệt.
Vở hài kịch vẫn tiếp diễn
Màn hài kịch Xử án vụ án “Việt Á” đã bắt đầu màn thứ nhất. Có lẽ không cần bình luận nhiều. Một stt trên trang Facebook của một nhà văn viết như sau đủ để hiểu vở kịch còn nhiều điều hài hước:
Bước xuống xe tù hắn đã cười...
Hắn vừa đi vừa cười.
Hắn không ngờ một thằng bị bạn bè vẫn chê là đồ mặt hãm tài lại có một thời khuynh đảo được cả thiên hạ, cả trăm triệu người sống dở, chết dở, sấp mặt ...vì hắn.
Hắn cười vì cả một cái viện quân y to đùng, hoành tráng với một lô một lốc tướng tá có lúc phải nấp dưới váy vợ hắn...
Hắn cười, hắn muốn cười thật to cho sảng khoái, cuộc đời hắn thế mà cũng đã có một vai diễn lớn trong tấn trò đời, mà cả đống nhà báo, cả mớ quan chức ...từng ngóng theo mỗi cảnh diễn của hắn. Ồ hắn từng được trao cả huy chương lao động nữa đấy!
Hắn cười vì hắn thấy lạ...hắn chỉ nắm có 20% cổ phần cái công ty lừa đảo ấy, vậy mà hình như, hình như người ta quên mất...quên mất chủ nhân của 80% còn lại...
Hắn cười khi nhìn lên cái mặt tiền của toà án, nhìn mấy vị quan toà mũ mão uy nghi, à hắn đọc được ở đâu: xét xử công bằng, không có vùng cấm... vậy mà hắn nhìn quanh thấy hình như còn thiếu, thiếu bị cáo...
Hắn cười vì tội hắn, hắn có bị tùng xẻo cũng chưa hết tội: kiếm tiền trên cái chết của đồng loại, kiếm tiền trong đại dịch...thì chỉ có lũ kền kền ăn xác sống...nhưng không ngờ hắn chỉ bị kêu án mấy chục năm tù thì toà nhân đạo qúa!
Hắn cười vì hắn biết chưa bao giờ lời nói của hắn quan trọng đến thế, nặng cân đến thế...một lời khai của hắn trước toà cũng khiến cho bao kẻ mất ăn, mất ngủ, thót dái lên cổ ...
Hắn cười... (Đặng Chương Ngạn)
Vâng, hắn cười.
Và không chỉ hắn cười khi mà cả đất nước đang diễn một vở đại bi kịch
Và những màn hài kịch sẽ còn được diễn lâu dài.
29.12.2023
J.B Nguyễn Hữu Vinh
Bài bình luận gần đây