You are here

Chuyện gian hàng bán Phật ở chùa Ba Vàng

Chỉ trong vài ngày, đại sự kiện được gọi là chiêm bái xá lợi tóc ở chùa Ba Vàng do ông Thích Trúc Thái Minh tổ chức đã để lại muôn vàn suy nghĩ cho nhiều người về đạo Phật hôm nay. 

 

Trong lời quảng bá về sự kiện này, ngày 23 Tháng Mười Hai, ông Thích Trúc Thái Minh viết trên Facebook cá nhân, nói là đã thỉnh được một sợi tóc của Đức Phật Thích Ca từ quyền sở hữu của chùa Parami và Bảo tàng Xá Lợi Phật Quốc tế Parami, thành phố Yangon, Myanmar do Thượng tọa Sayadaw U Wepulla làm trụ trì.

 

Ngày hội thúc giục đến xem “xá lợi tóc”, về mặt tạo thương hiệu, đúng là đã thành công mỹ mãn khi khiến hàng ngàn người ở miền Bắc tụ về, làm chật cả những con đường đi đến chùa Ba Vàng. Họ xếp hàng rồng rắn đi từng bước để được nhìn thấy một sợi tóc lơ lửng di chuyển. Thật như một phép lạ khi sợi tóc của Đức Phật lại uyển chuyển lay động. Trong các bức ảnh và video của phát trên các trang mạng, gương mặt nhiều cụ già vừa sợ hãi vừa sùng kính, tròn miệng nhìn sợi tóc đó.

 

Chỉ một ngày sau sự kiện chấn động ở chùa Ba Vàng – một ngày trước lễ Giáng sinh – thu hút không chỉ dân trong vùng, mà gần như toàn bộ người dân miền Bắc mộ tín, tin tức và hình ảnh đã lan nhanh tới miền Nam, đồng thời xuất hiện cùng những lời tố giác của không ít người, về sợi tóc huyền bí lơ lửng như vậy. Rất nhiều dẫn chứng cho thấy, vật thể đó, được gọi tên là “xá lợi”, được bán dẫy đầy trên shopee – một hệ thống mua bán trực tuyến rất quen thuộc trong nước, giá dao động từ 500 đến 900 ngàn đồng.

 

Nhiều người cũng chỉ ra, đây không là tóc, mà là một loại cỏ, tên thường gọi là pili (tên khoa học là heteropogon contortus). Ở một số làng quê Việt Nam, cỏ này hay gọi là cỏ Đồng Hồ. Rất lạ, cỏ này khô, khi gặp nước thì tự chuyển động. Cũng có người trình diễn trực tuyến “xá lợi tóc” mà họ có được, cùng sự mỉa mai.

 

Chùa Ba Vàng im lặng trước các phát hiện đời thường này, không trả lời gì về các câu hỏi của bất kỳ ai đặt ra, ở các trang liên quan đến chùa. Nhưng ngược lại thì rất nhiều đệ tử của ông ta xuất hiện ở mọi nơi để nguyền rủa về những kẻ “không hiểu biết”, rằng họ sẽ bị đọa đày xuống địa ngục. Họ “giảng” bằng những bài luận sâu sắc rằng đây là chuyện mà kẻ phàm phu không thể hiểu. Nhưng điều quan trọng nhất mà người ta nhìn thấy Phật giáo miền Bắc sau nhiều năm phát triển rối loạn là sự hỗn mang của mê tín nhân danh Phật giáo.

 

Hầu hết lời phản ứng và vạch trần đều xuất hiện từ những người Phật tử ở miền Nam. Một số vị thầy tu không kiềm chế được cũng viết đôi ba lời xa gần để chê cười câu chuyện trục lợi của chùa Ba Vàng.

 

Phải nói, từ câu chuyện này, mới thấy sự khác biệt rõ của nội hàm Phật giáo miền Bắc và miền Nam. Thật cảm phục trước sức mạnh bản thể của Phật giáo ở miền Nam, vốn trải rộng từ thế kỷ trước, đã tạo ra một tín ngưỡng nguyên khôi và sâu rộng ở mỗi con người, đủ để hàng triệu người theo Phật về sau, biết, tỉnh táo và ghê sợ trước câu chuyện hoang đường mang dấu ấn chùa Ba Vàng nói riêng, và cả phía Bắc nói chung.

 

Chỉ ở miền Bắc mới có những người mộ tín đến chùa và nhét tiền vào tay tượng Phật để thể hiện một tinh thần vay-trả: Tiền đặt xuống để đổi lấy ân phước ngày sau. Kể từ khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam do nhà nước quản lý hình thành từ năm 1981, có một loại ngôn từ phát triển rầm rộ thúc hối người đến chùa phải tận hiến cúng dường, thậm chí phải đóng góp tiền bạc, không được tiếc nuối, để chuộc lại những tội lỗi tiền kiếp, hiện kiếp của mình.

 

Thích Trúc Thái Minh, kẻ được coi như là một thủ lãnh trong việc tạo tiền của cho chùa Ba Vàng và là gương “điển hình học tập” của nhiều chùa nhà nước hiện nay, từng có phát ngôn khiến sững sờ nhiều người, rằng “nghèo khó càng phải nên cúng dường để có thể thoát nghèo”. Trong một video thuyết giảng, Thích Trúc Thái Minh còn nói rằng “tại sao lại bỏ tiền cúng dường, vì Phật dạy là phải cúng dường”.

 

Nói để biết, là trong cuộc trình diễn sợi tóc lơ lửng của chùa Ba Vàng trong mùa Giáng sinh ở Việt Nam, số người đến chiêm bái sự huyễn hoặc đó kèm theo việc cúng dường hiển nhiên đã làm cho chùa Ba Vàng bội thu trong mùa cuối năm này. Rất công phu cho chuyện marketing cọng cỏ lơ lửng, Thích Trúc Thái Minh còn làm cả một video hoằng pháp về chuyện “Phước báo cúng dường xá lợi Phật”. Rất giỏi thao túng tâm lý và tác động quần chúng u mê, Thích Trúc Thái Minh đã kinh doanh Phật giáo như một món hàng tín ngưỡng. Tiền thu được của chùa Ba Vàng từ tín đồ từng được báo Tuổi Trẻ ghi nhận là “một tháng thu hơn bốn tỷ đồng”.

 

Chuyện làm giàu ở các chùa không phải chỉ riêng ở chùa Ba Vàng mà gần như ở tất cả các chùa của nhà nước biết hưởng lợi thế của thời thu tiền tự do. Sốt ruột trước những số tiền không biết về đâu như vậy và làm giàu cho những người mặc áo vàng da trắng mặt trơn, Bộ Tài chính Việt Nam từng ra công văn số 11752/BTC-HCSN, buộc kiểm tra và báo cáo kết quả về công tác quản lý tiền công đức.

 

Suốt nhiều thập niên, nhà nước Việt Nam cố gắng dựng nên một “đạo Phật mới” trải rộng của thời đại cộng sản, với sự hỗ trợ của những kẻ lãnh đạo Phật giáo có khả năng thu hút công chúng. Điều này cũng có nghĩa, một khi “Giáo hội mới” phát triển thì cũng sẽ khiến người ta quên đi Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất, một giáo hội truyền thống có từ năm 1964 ở Việt Nam.

 

Nhưng đến ngày hôm nay, thì nhìn lại, mọi chuyện dường như đã vượt khỏi sự kiểm soát của những người suy tính về một Giáo hội Phật giáo mới. Những “thủ lĩnh áo vàng mới” đều là những kẻ không đủ đức độ cũng như học thuật, và một khi chạm tay vào danh và lợi, thì những thủ lĩnh đó chỉ còn kịp khoác chiếc áo và cất lời hô xung trận kiếm tiền. Nếu không “leo” lên hệ thống trực tuyến để nói những lời điên dại tấn công những tôn giáo khác nhằm chứng minh sự đắc lực của mình thì họ cũng truyền bá những điều quái dị u mê nhân danh Phật giáo, để làm mê hoặc tín đồ.

 

Những “thủ lĩnh áo vàng” ngày càng lộ nguyên hình là những kẻ buôn thần bán thánh, những nhà thu hút đầu tư và tài chính từ hàng hàng lớp lớp những “thiện nam, tín nữ” mù dốt Phật pháp nhưng mê đắm “chùa to, Phật lạ”. Những “thủ lĩnh áo vàng” giỏi mở các gian hàng buôn bán Phật, độc quyền và thao túng, trong sự dõi theo bất lực của chính những kẻ dựng nên hình hài cho họ.