You are here

VÌ SAO PHẢI GIẾT BẰNG ĐƯỢC LÊ VĂN MẠNH

Ảnh của nguyenhuuvinh

Một cuộc thi hành án tử hình gây phẫn nộ

Như vậy, bỏ qua tất cả những lý do để tử tù Lê Văn Mạnh sống được trong nhà tù đến 18 năm qua bởi bản án tử này đã bị dư luận phản ứng dữ dội. Sự phản ứng từ công luận, từ các cơ quan tư pháp, từ các luật sư cũng như những người am hiểu luật pháp đã chỉ rõ rằng: Đây là một bản án thiếu nhiều cơ sở để khẳng định tử tù này có tội và đáng tội chết.

Và khi chưa đủ cơ sở để kết luận chắc chắn rằng một người đã phạm tội thật sự, thì việc tước đi mạng sống của họ, dù với bất cứ lý do nào, thì đều là sự man rợ và độc ác.

Bởi, tính mạng con người không phải chuyện chơi.

Nhà cầm quyền Việt Nam cũng đã bỏ ngoài tai những tiếng nói từ các tổ chức quốc tế, từ các quốc gia trên thế giới. Các phái đoàn ngoại giao của 27 quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu cùng 3 nước Canada, Na Uy và Anh đã kêu gọi Việt Nam xóa bỏ hình phạt tử hình khi thúc giục chính quyền ngừng thi hành án Lê Văn Mạnh, vì cho rằng hình phạt tử hình không có tác dụng răn đe tội phạm hơn hình phạt tù và không thể sửa chữa được nếu có sai sót mà một khi được thi hành.

Người ta thấy rõ ràng ở đây, với hàng chục quốc gia đã không quản chuyện dị chủng, khác máu, tanh lòng, để gửi đơn thư nhiều lần yêu cầu Việt Nam cẩn thận xem xét một cái án ảnh hưởng đến tính mạng công dân Việt Nam, dù các tổ chức ấy, các quốc gia ấy chẳng biết Lê Văn Mạnh là ai, chẳng có lợi ích gì từ việc Lê Văn Mạnh này sống hay chết.

Nhưng, tất cả vô dụng.

Đáp lại những tiếng kêu gọi đó - những tấm lòng bốn phương kia vì xót xa trước một mạng người oan khuất hoặc có thể là bị oan khuất mà yêu cầu nhà cầm quyền Việt Nam dừng bàn tay hiếu sát đối với công dân của mình lại – nhà cầm quyền Việt Nam đã không thèm trả lời, không thèm cất tiếng, mà trả lời bằng văn bản “Trích lục khai tử” xác nhận họ đã hành hình Lê Văn Mạnh vào sáng ngày 22/9/2023, chỉ một ngày sau khi các quốc gia, các tổ chức trong và ngoài nước cũng như dư luận nhân dân đồng loạt lên tiếng.

Đó là câu trả lời đơn giản nhất đối với tất cả những tiếng nói của lương tri con người: Tao cứ làm vậy vì tao thích làm vậy, tao cứ giết vì tao thích giết. Làm gì được nhau.

Cả thế giới giật mình, cả đất nước sững sờ.

Phải chăng, đây là minh chứng cho câu nói của người cộng sản xưa nay: Trong chế độ XHCN, con người là vốn quý.

Phải chăng, đây là đặc trưng của cái gọi là “Nhà nước pháp quyền XHCN” mà đang ra sức tô vẽ, rêu rao bấy lâu nay?

Quyết giết! Vì sao? Vai trò của Chủ tịch nước ở đâu?

Tại sao nhà cầm quyền Việt Nam quyết tước đoạt mạng sống của tử tù Lê Văn Mạnh?

Có thể có rất nhiều giả thiết, rất nhiều kịch bản mà một con người phải trả giá bằng mạng sống của mình. Em trai tử tù Lê Văn Mạnh đã khẳng định rằng: Chỉ vì thành tích phá án, chỉ vì cán bộ đảng muốn nâng lương, lên chức mà tính mạng một con người bị giết để làm hòn đá kê đường cho các cán bộ công an liên quan.

Tuy nhiên, đó chỉ mới là một giả thiết.

Bởi với suy nghĩ thông thường của con người có trái tim và khối óc, thì giả thiết đó khó có cơ sở trong một xã hội bình thường, nơi mà ở đó, tính mạng con người là quan trọng, việc thượng tôn luật pháp là một nguyên tắc xã hội. Bởi chẳng mấy ai, nếu là con người, lại coi rẻ mạng sống của người khác đến mức chỉ dùng làm bàn đạp cho mình leo lên với chút bổng lộc, thành tích.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng: Ở trong một xã hội không bình thường như xã hội Việt Nam hiện nay, khi mà những vụ án rùng rợn hơn đang diễn ra hàng ngày, người dân liên tục đua nhau vào đồn công an để tự tử, để treo cổ… thì chuyện gì cũng có thể xảy ra.

Nhiều ý kiến khác nhau vẫn cố gắng tìm một lời giải cho thái độ của nhà cầm quyền trong việc quyết thực hiện bằng được việc tước đoạt mạng sống của Lê Văn Mạnh với những thắc mắc không lời giải đáp.

Rõ ràng, với bản án này, nhà cầm quyền Việt Nam không thể đủ cơ sở để kết luận Lê Văn Mạnh một cách chắc chắn là đã phạm tội. Chẳng cần nói nhiều dẫn chứng ở đâu, chỉ riêng chi tiết năm 2015, khi nhà cầm quyền Thanh Hóa muốn đoạt mang Lê Văn Mạnh lần đầu, thì đã vấp phải sự phản ứng dữ dội của dư luận trong nước và quốc tế.

Vì thế Trương Tấn Sang, nhân danh Chủ tịch nước, đã yêu cầu hoãn thi hành án tử này. Nếu có chứng cứ cụ thể và chắc chắn, thì hẳn nhiên chẳng có động tác này từ Chủ tịch nước.

Vậy thì những ngày qua, những tiếng nói từ dân chúng, từ mạng xã hội, từ các tổ chức trong và ngoài nước, từ các quốc gia đã gửi đến Chủ tịch nước thì sao? Vậy Chủ tịch nước với vai trò của mình đã hành xử như thế nào với những tiếng nói từ khắp nơi? Chủ tịch nước hiện nay vẫn còn ngồi chồm hỗm trên chiếc ghế ấy, thì không thể nói là không biết đến vụ án và những tiếng kêu này.

Vậy tại sao anh ta lại im?

Nhiều người cho rằng: Trước đây, ít nhất thì Trương Tấn Sang còn là một nhà chính trị có thực lực đôi chút, nên tiếng nói còn có trọng lượng và còn nói để nâng cao chút uy tín của mình được. Còn bây giờ, chủ tịch nước thực chất chỉ là một tên lẻo mép, leo lên từ thằng cán bộ đoàn chuyên “ăn theo, nói leo” chứ chẳng có tác dụng gì cho đời sống.

Và anh ta biết khả năng của mình hạn chế, uy tín của mình là con số không, nên anh ta đã chọn im lặng kệ thiên hạ chết, miễn là mình sống và sống khỏe.

Còn việc vì sao dịp này, nhà cầm quyền Việt Nam quyết giết bằng được Lê Văn Mạnh, chỉ vì một điều đơn giản: Việt Nam vừa ký kết nâng tầm quan hệ với Hoa Kỳ lên hai bậc thành đối tác chiến lược toàn diện. Động tác này quả là một bước liều của đám lãnh đạo Việt Nam, bởi bên cạnh quan thầy vẫn dõi mắt ngày ngày để ý từng đường đi nước bước của đàn em.

Ai cũng biết rằng cách mà nhà cầm quyền Việt Nam đi dây giữa quan thầy Trung Quốc với Hoa Kỳ, nhiều khi đã đặt Việt Nam vào thế khó xử. Hãy nhìn động tác của Trung Quốc với Việt Nam trong quá trình xúc tiến mối quan hệ với Hoa Kỳ thì rõ.

Trước khi Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Haris đến Hà Nội, Hùng Ba, đại sứ Trung Quốc tại Hà Nội bỗng dưng dở chứng bắt lãnh đạo Hà Nội tiếp mấy tiếng đồng hồ trước khi tiếp Bà Phó Tổng thống Mỹ. Và trong cuộc tiếp ấy, lãnh đạo Việt Nam phải hứa ngược hứa xuôi là không dựa vào bên ngoài để làm ảnh hưởng đến quan hệ Việt – Trung… Đến khi đó, thì mới tha cho Hà Nội tiếp khách đang chờ ngoài cửa.

Người ta thấy, mặc dù khi Tập mới lên chức lần thứ 3 qua cuộc đấu đá nội bộ chưa kịp thở, thì ngoài cửa, Nguyễn Phú Trọng đã tập tễnh cắp ô sang chầu. Thế nhưng quan thầy vẫn chưa yên tâm.

Trước chuyến thăm của Joe Biden, Tổng thống Mỹ mới đây để nâng cấp quan hệ giữa hai nước, thì quan thầy Trung Quốc đã cẩn thận phái cán bộ đối ngoại đến dặn dò và rào đón trước đó. Và đã không tiếc lời mỉa mai việc nâng cấp quan hệ này.

Vậy thì đây cũng là cơ hội để chính quyền Việt Nam một lần nữa chứng mịnh trước quan thầy của mình rằng: Dù đã nâng cấp quan hệ, dù đã hứa hẹn, được nhắc nhở về nhân quyền, về pháp quyền khi chơi với Mỹ. Thế nhưng, những điều đó chẳng ăn thua gì với thái độ của Việt Nam, vẫn sẵn sàng chà đạp lên những nguyên tắc tối thiểu nhất, cơ bản nhất của xã hội loài người: Quyền được sống phải đươc đảm bảo, quyền được xét xử công minh phải được thi hành.

Và bây giờ là lúc Việt Nam đã đủ điều kiện để thể hiện mình: “Chẳng ngán thằng nào”.

Nền tư pháp phản động và man rợ

Lê Văn Mạnh và Nguyễn Văn Chưởng nằm trong số 3 tử tù, gồm cả Hồ Duy Hải, được các tổ chức xã hội dân sự yêu cầu Tổng thống Mỹ Joe Biden nêu về các bản án tử hình oan sai đối với họ khi gặp các lãnh đạo Việt Nam.

Trong bức thư thỉnh cầu việc hoãn thi hành án Lê Văn Mạnh có đoạn như sau: “Vụ án đặc biệt nghiêm trọng nêu trên đối với tử tù Lê Văn Mạnh đã được xét xử qua nhiều lần, nhiều cấp Tòa án với những lời kêu oan liên tục của bị cáo/bị án Lê Văn Mạnh,” “Trong quá trình nghiên cứu hồ sơ (vào năm 2015), các Luật sư chúng tôi thực sự nhận thấy….các vấn đề được coi là sai sót, vi phạm nghiêm trọng về mặt tố tụng, bao gồm việc chứng minh và việc đánh giá các chứng cứ buộc tội trong vụ án này.”.

Trong 7 phiên tòa từ sơ thẩm đến giám đốc thẩm, Lê Văn Mạnh đều kêu oan và khẳng định mình vô tội. Tòa án Tỉnh Thanh Hóa đã kết tội dựa trên lời khai nhận giết người mà Lê Văn Mạnh nói rằng anh ta đã bị tra tấn và bức cung để phải nhận tội.

Chuyện bức cung, nhục hình, đánh đập nghi can để ép nhận tội là chuyện không có gì lạ ở Việt Nam trong lịch sử truyền thống của nền tư pháp Cộng sản. Không phải trước đây mà ngay bây giờ, chỉ trong vòng một tháng qua, từ Nam ra Bắc, từ miền núi đến miền xuôi, hàng loạt người dân vào đến đồn Công an đã bị chết hết sức bất ngờ với lời giải thích rất gượng gạo rằng: Tự tử, tự thương… mà toàn dân, ai cũng biết lý do vì sao.

Do vậy, chuyện một người đã rơi vào tay Công an nhận những tội tày đình mà mình không hề gây ra là chuyện thường tình. Những vụ án như Hàn Đức Long, Nguyễn Thanh Chấn… là những tử tù đã ra tòa nhận tội hết sức

thành khẩn, thành thật, đã thao tác diễn lại các động tác phạm tội rất thành thục và chuyên nghiệp không hề để lại bất cứ nghi ngờ nào cho những ai ở bên ngoài.

Để rồi khi một sự tình cờ nhất định khẳng định họ vô tội, người ta mới biết được những cuộc tra tấn, hành hung, nhục hình và cưỡng bức các nạn nhân này khủng khiếp ra sao khi rơi vào tay lực lượng “Còn đảng, còn tiền” đã được bạch hóa trước toàn xã hội.

Nhưng những kẻ bức cung, nhục hình, tạo nên oan sai vẫn cứ bình an vô sự.

Việc sử dụng hệ thống luật pháp mơ hồ, hệ thống công quyền thực thi luật pháp bất chấp sự thật, bất chấp lương tâm, nhiều khi mạng sống của một con người không hề có chút giá trị nào so với chức vụ, cấp bậc hoặc quyền lợi mà các nhân viên thi hành công vụ nhận được trong các nhiệm vụ được giao, đã tạo nên một nền tư pháp phản động – nghĩa là nền tư pháp đi ngược lại lợi ích của xã hội, đẩy xã hội ngày càng lún sâu vào tình trạng man rợ và rừng rú.

 Đó là một sự thách thức với lương tâm nhân loại.

Và hẳn nhiên, thế giới này không thể làm gì được một nhà cầm quyền đã nắm chắc cây súng trong tay và sẵn sàng thực thi luật rừng, đồng thời mọi yếu tố như lương tâm, đạo đức, quyền lợi, quyền con người… chỉ là những điều rác rưởi không đáng để tâm. 

Việc này, nhằm mục đích là gì? Tước đoạt mạng sống của tử tù Lê Văn Mạnh có phải là động tác nhằm để chứng minh rằng phải ra tay để bảo vệ sự nghiêm minh của hệ thống luật pháp, của nền tư pháp hiện nay?

Xin thưa là không.

Bởi không có hệ thống luật pháp nào được coi là nghiêm minh, khi kết tội vu vơ, khi kết án không đủ chứng cứ, không đủ cơ sở. Và nhất là không có một nền tư pháp nào được coi là bình thường khi sẵn sàng tước đoạt mạng sống của con người mà không quan tâm đến những chứng cứ phạm tội của họ ra sao.

Trong thực tế đời sống xã hội, người ta thường nhắc nhau rằng: “Thà bỏ sót, còn hơn giết lầm” nhằm để tránh việc gây tội ác, nhất là với những tội ác không thể sửa chữa như án tử hình.

Thế nhưng, trong chế độ Cộng sản, phương thức hành động “thà giết lầm, hơn bỏ sót” đã thi hành từ thời chiến tranh bằng những cuộc khủng bố, đến nay vẫn là phương châm hành động của hệ thống tư pháp hiện tại.

Đó là nền tư pháp khát máu và phản động đi ngược lại lợi ích của dân tộc của đất nước.

25.09.2023

J.B Nguyễn Hữu Vinh