Rằm Tháng Bảy âm lịch vừa qua, nạn phóng sinh như một trò trình diễn tín ngưỡng và từ bi bùng phát ở Việt Nam, khiến đến nhiều lời phê bình độc lập từ các trang mạng đã xuất hiện, thậm chí báo chí nhà nước cũng lên tiếng. Ở Huế, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã phát văn bản đến cho Giáo hội Phật giáo nhà nước ở tỉnh, cảnh báo về tình trạng bắt, bẫy, mua bán tràn lan các loại chim hoang dã. Cơ quan này còn cung cấp số điện thoại để giúp tố cáo các trường hợp mua bán loài vật trước cổng chùa, đưa cho công an giải quyết.
Năm 2023 được coi là năm đánh dấu sự bùng phát của những hủ tục hay những kiểu phô diễn tín ngưỡng đầy “sáng tạo” của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, cơ quan vốn do nhà nước quản lý và được nhiều đặc quyền tập hợp tín đồ và phát động các loại lễ lạt. Rằm Tháng Bảy với lễ phóng sinh, đủ các kiểu tinh thần của sân khấu từ bi từ Trung Quốc đang tràn vào Việt Nam. Hãy cùng thử xem lại, phóng sinh ở Trung Quốc có gì khác biệt với Việt Nam?
Một nghiên cứu ở Hong Kong về nạn phóng sinh đang diễn ra hàng năm ở Trung Quốc, cho thấy có tới một triệu con chim được bán mỗi năm cho các chùa và tín đồ. Tờ The Economist nói rằng ở Trung Quốc, các cơ quan bảo vệ động-thực vật ước tính khoảng 200 triệu cá, rắn, rùa, chim – và thậm chí cả kiến -được thả ra mỗi năm: “Không làm sao có thể có đủ manh mối để tính hết”. Phật giáo đang ở giai đoạn được cưng chiều của chính quyền trong việc dùng để thao túng dân chúng, nên các hoạt động gọi là hội hè truyền thống ít bị dòm ngó, và thậm chí là được làm ngơ.
Fangsheng – tiếng Trung Quốc , có nghĩa là “phóng sinh”. Hãy đọc to lên, để bạn nhận ra rằng nó rất gần với âm thanh “phóng sinh” của Việt Nam. Từ nhiều năm nay, các nhà xã hội học và nghiên cứu tôn giáo nhận ra, sự biến tướng của việc thực hành từ bi, đang trở thành câu chuyện khác, hoàn toàn không còn là ý nguyện của Đức Phật – người sáng lập tôn giáo này đề ra. Quy mô của việc mua động vật để “fangsheng”, và trở thành động lực thúc đẩy những người chuyên đánh bắt, bẫy… là một vòng lặp tội ác. Lòng từ bi của Phật giáo đang bị diễn giải méo mó, trở thành vô cùng tiêu cực, mâu thuẫn trực tiếp với các nguyên tắc cốt lõi của việc chấm dứt khổ đau và “không làm hại” chúng sinh.
Thực ra, phóng sinh như của Phật giáo Trung Quốc hay Việt Nam hiện nay đang gây ra sự khốn cùng cho các loài bị ảnh hưởng, và đe dọa cả sự đa dạng sinh học cả ở vùng săn bắt, và thả ra. Việc giải phóng với “lòng thương xót” hiện đang dẫn đến nhiều tệ nạn, và luôn được che khuất với những bài kinh và tiếng tụng niệm không liên quan của các sư thầy và tín đồ.
He Yun, người lãnh đạo chương trình Liên minh Tôn giáo và Bảo tồn (Alliance of Religions and Conservation – ARC) của Trung Quốc, một tổ chức hoạt động nhằm thu hút các cộng đồng tôn giáo tham gia vào các vấn đề môi trường, nói cô gần như bó tay ở đất nước đang có khoảng 245 triệu Phật tử. Với niềm tin cố ngây thơ là “làm phước”, người ta mua, bắt và thả một cách náo loạn, thay đổi môi trường sống và cưỡng bức di cư hàng triệu giống chim, rùa, cá. Thậm chí các sư thầy và tín đồ còn không phân biệt được vùng địa lý nào hoàn toàn bất lợi cho các loài cá, lươn, khỉ, rùa… khi chúng được thả ra.
Nhận thức cao quý của Phật giáo từ ngàn đời nay đang bị biến thành trò mê tín và trình diễn sân khấu từ bi. Việc tung tiền ra để phô trương số lượng và hình tượng, đã “tạo ra một ngành công nghiệp phát triển mạnh cho những người đánh bẫy, buôn bán và bán động vật hoang dã cho việc phóng sinh”, Hòa thượng Refa Shi, chủ tịch Liên đoàn Phật giáo Hoa Kỳ ở New York, nói trong bản phát hành, tuyên bố do tổ chức Humane Society International (HSI) đưa đi đến tất cả các chùa.
Việc phóng thích động vật đã leo thang và biến tướng, khi sự có ăn có mặc xuất hiện ở các nước châu Á. Người có tiền thường nghĩ đến chuyện giải thoát sinh mạng cho động vật, như thể chuộc được tội lỗi của mình. Đó là một trong những lý do dẫn đến chuyện ngày càng có nhiều người có danh hiệu Phật tử tranh nhau đi mua động vật để giải thoát. Mua nhưng phóng thích vô trách nhiệm là vấn nạn khác. Bao gồm vi phạm cả luật pháp. Chỉ trong Rằm Tháng Bảy, lính cứu hỏa đã làm việc không nghỉ để, cứu trăn, rùa và các động vật bị nuôi nhốt khác, được thả không tính toán trên một bãi biển ở tỉnh Hải Nam, Trung Quốc.
“Các loài động vật bị bẫy, bị giam giữ trong điều kiện khủng khiếp, được thả ra và thường mất đi khả năng thích nghi với môi trường tự nhiên, và lại dễ dàng bị bẫy trở lại”, Martin Palmer, thành viên của ARC nói. Một nghiên cứu của tổ chức này còn cho thấy các thời hạn phóng sinh, trở thành mùa làm ăn không chỉ của người săn bắt, mà còn của cả các chùa và sư thầy. Trong một cuộc phỏng vấn bí mật của HKALPO (Hong Kong Animal Law and Protection Organisation) ở Trung Quốc, hầu hết các vị sư đều nhận thấy chuyện mình làm là không đúng, nhưng họ phải làm để tạo sự phát triển tín mộ và bảo vệ nguồn tiền cúng dường.
Văn bản lẻ loi năm 2023 của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Huế phát đi, chỉ có thể cảnh báo ngắn gọn chuyện phóng sinh, vốn nay như một sân khấu huyền ảo khó cưỡng của việc phóng sinh. Thực tế hơn, trong văn bản của HSI phát đi, kêu gọi với người Trung Quốc – có lẽ cũng như với người Việt Nam – rằng “nhiều loài động vật đã bị thương nặng trong khi chờ được “phóng sinh”.
Những con sống sót sau khi được thả ra thường chết ngay sau đó vì kiệt sức, bị thương hoặc bệnh tật hoặc yếu ớt, hay dễ dàng trở thành con mồi của các loài khác. Một số được bắt lại sau kỳ lễ và rồi được bán lại”. Mô tả về việc mua số lượng lớn và lười biếng thả ra ở những nơi không được tính toán, thì HSI nói “động vật có thể được thả ra ngoài môi trường sống tự nhiên của chúng và theo nhóm đủ lớn để thiết lập quần thể sinh sản, thường tàn phá hệ sinh thái địa phương. Một số loài xâm lấn có thể đe dọa sự tồn vong của các loài bản địa”.
Thời Phật giáo gọi là thịnh vượng hôm nay đang có những điều thật đáng buồn. Trung Quốc và Việt Nam đang ngày càng giống nhau trong quy mô phô diễn lòng thương xót, dùng sinh mạng loài khác để mô tả sự cao quý của mình. Ngầm trong sự từ bi được phất lên là ý nghĩa của sự thống trị độc tài và quyền định đoạt sinh mạng của tự nhiên, chứ không là cách thiện lương, biểu trưng để tỏ lòng nhân ái.
Bài bình luận gần đây