Những ngày bó gối nằm nhà vì giãn cách, phòng chống dịch, nhìn người người gởi tặng, chia nhau, đứng chờ, nhặt nhạnh từng bó rau... Có lúc chúng tôi ứa nước mắt và tin rằng sau đại dịch này, con người sẽ biết sống thương yêu, tử tế với nhau hơn, bởi qua cơn bĩ cực sống còn rồi, còn gì nữa đâu mà phải kèn cựa... Thế rồi dịch vãn, dịch chấm dứt hoành hành, con người trở lại đời sống bình thường, nào ngờ, con người không những không tử tế hơn mà còn đáng sợ hơn, giật dọc, cướp bóc, hung hăng, tàn nhẫn... có đủ cả, và phát triển như nấm mọc sau mưa, do đâu?
Có hai vấn đề nổi cộm và nhức nhối trong xã hội cộng sản xã hội chủ nghĩa: Chân Lý Miếng Ăn và; Tệ Nạn Quan Chức. Vậy hai vấn đề này có liên hệ gì tới tình trạng hỗn loạn hiện nay?
Vấn đề thứ nhất Chân Lý Miếng Ăn, điều này xuất hiện trên cả ba miền đất nước từ năm 1975 mặc dù trước đó, chế độ Cộng sản đã tồn tại ở miền Bắc khá lâu. Tuy nhiên, phải đến năm 1975 mới có sự biến động lớn về địa lý, tài sản quốc dân và mối tương quan thu tài sản giữa bên thắng cuộc với bên thua cuộc. Có thể nói rằng ngay cả với người Cộng sản, biến cố 1975 là một biến cố khiến cho họ chới với trước tiếng gọi vật dục có được từ phía miền Nam và kích hoạt tính sở hữu cũng như lòng ham muốn của họ đến tột độ.
Nhưng, cũng chính cái mốc 1975, nền kinh tế tập trung bao cấp bao phủ toàn cõi Việt Nam với rất nhiều cơm thừa cá cặn của “bọn đế quốc, bọn ngụy” để lại đã tạo ra một cuộc tranh giành ngấm ngầm giữa nội bộ phe thắng cuộc. Tranh thủ mang về chiếc xe gắn máy, lít xăng, thùng bia, cái quạt điện, chiếc tủ lạnh, chiếc tivi... Mọi thứ thủ đoạn giành giật đã manh nha từ chỗ này, trong bối cảnh những đoàn rồng rắn, chen chúc tranh giành từng lạng thịt, lát cá, ký gạo ở các cửa hàng lương thực nhà nước, các công ty lương thực và những trạm phân phối hợp tác xã...
Một bối cảnh mà ở đó, con người không cần suy nghĩ gì nhiều, triết học, văn hóa, đạo đức, phẩm hạnh hay lòng tự trọng là những thứ của rởm, những thứ bịa đặt của bọn tư bản rỗi hơi chứ không phải của con người xã hội chủ nghĩa. Với con người xã hội chủ nghĩa, hạnh phúc là đấu tranh, phải đấu tranh với cái bụng đói trước tiên, phải biên cơi nới những căn nhà thành phố thành những cái chuồng heo, phải biết nuôi heo bằng cách nào chúng nhanh lớn nhất, phải biết xếp hàng, kiên nhẫn chờ đợi ký gạo, lạng đường, phải biết chui luồn, kính cẩn, nịnh bợ ông thuế vụ, bà lương thực... Tất cả những kĩ năng trên sẽ được kiết tập thành đạo đức mới, đạo đức xã hội chủ nghĩa.
Và, không có thứ đạo đức nào gắn kết sâu bền với con người hơn đạo đức được trộn trong dĩa thức ăn cho người đói. Người Cộng sản đã làm được điều này, và cái đạo đức trộn thức ăn, về lâu về dài đã biến dạng thành Chân Lý Miếng Ăn. Nó trở nên hiển lộ mạnh mẽ khi thời đại mới tiến đến, thời đại coi trọng vật dục và kĩ năng lạng lách của con người đạt đến một trình độ mới - lợi ích nhóm trong cơ chế kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Ở đó, những người nào chịu không nổi hoàn cảnh mới thì đã tự đào thoát ra khỏi xứ sở bằng con đường này hoặc đường khác, người may mắn thì sang được bến bờ tự do, người không may mắn thì gởi xác đại dương, đó là chưa nói đến hàng triệu con người phải chết thảm nơi trại giam của chế độ mới với cái tên nghe khá là mỹ miều: Trại Cải Tạo. Những người ở lại, chắc chắn phải đối mặt với cuộc chơi mới, với đầy đủ lý lẽ và qui chiếu đạo đức mới phát sinh từ miếng ăn, được soi sáng bởi Chân Lý Miếng Ăn.
Mọi động thái của con người bây giờ là hệ quả đương nhiên của một công cuộc lâu dài trong lịch sử, công cuộc xã hội chủ nghĩa, trong một quốc gia nhỏ bé nhưng chứa đầy máu và nước mắt như Việt Nam. Và, khi hữu sự, như trường hợp biến cố dịch Covid-19 vừa qua, mọi yếu tố tương thân tương ái gần như rất nổi trội, bởi đây là thời cơ con người phản tỉnh và nhìn ra các giá trị “nhiễu điều phủ lấy giá gương”, “lá lành đùm lá rách”... Người ta hi vọng vào một ngày mai tươi sáng hơn, người biết yêu thương người, người biết chìa tay ra san sẻ trước cộng đồng, người biết rớt nước mắt thương nhau trước dịch họa, thiên tai... Mọi cảm xúc ấy là có thật, là bản chất, lòng trắc ẩn ngủ quên rất lâu của người Việt.
Thế nhưng lòng trắc ẩn được thức tỉnh chưa bao lâu thì lòng thù hận lại bị chọc khuấy, nó bị chọc đến đỉnh điểm. Bởi, hàng vạn cái chết trong các đợt dịch không đơn giản chết vì dịch, mà dường như chết vì sự làm giàu vô tâm, man rợ của một số quan chức. Trong lúc nhân quần đang rên xiết chống dịch, đói kém, vật vã thì chính những quan chức, những “phụ mẫu” của dân lại ung dung đếm tiền, ung dung làm giàu, ung dung gom dân vào một chỗ để chọc ngoáy... Mọi động thái từ phía nhà nước, chính phủ tác động về phía nhân dân đều có tính đàn áp, bóc lột và máu lạnh. Hàng vạn cái chết trở thành cừu thù thay vì thương tiếc và đau đớn. Nỗi đau nhanh chóng trở thành thù hận và khinh bỉ trước các “phụ mẫu” ác quỉ đội lốt người.
Và, khi lòng thù hận trỗi dậy, lòng trắc ẩn chưa kịp tỉnh thức đã bị lòng thù hận lấn lướt, nỗi cay đắng vì mất người thân, nỗi cay đắng vì bị lợi dụng, bị bóc lột... Để rồi cuối cùng, những kẻ bóc lột chẳng phải đền tội nào, ra tòa, mang một ít tiền đã bóc lột ra đánh đổi, cuối cùng thì vài năm tù, rồi lại trở ra. Và kẻ bóc lột cũng không ngần ngại nêu công trạng, đọc thơ, giảng đạo đức ngay trong phiên tòa xét xử mình. Chuyện ấy vô hình trung dội thêm một gáo nước dơ vào vết thương dân tộc, khiến cho vết thương ấy thêm phần mưng phủ, làm độc. Và hiện trạng tranh giành, hỗn loạn vì miếng ăn trong những buổi lễ cúng cầu siêu, cầu an dịp Rằm tháng Bảy này là hiện trạng chung của dân tộc. Bởi có bao giờ dân tộc này bị biến thành cô hồn sống như thời đại này?!
Khi con người đang cố gắng sống tử tế, đang cố gắng níu kéo sự tỉnh thức và vực dậy lòng trắc ẩn trong bối cảnh đặc biệt, sinh tử, để rồi người ta té ngửa nhận ra rằng mọi thứ gọi là sinh tử hay đau đớn của mình vốn dĩ là các biến động trong trò chơi của kẻ khác, kẻ có quyền lực... Còn thứ gì có thể gây hỗn loạn, còn thứ gì có thể làm tuyệt vọng, còn thứ gì tạo bức xúc, còn thứ gì khiến con người trở nên manh động và bất chấp hơn những gì vừa có?!
Cho đến lúc này, nếu hỏi vì sao đất nước này trở nên kinh khủng, đáng sợ và bất an, con người trở nên thèm ăn, chịu nhục để có miếng ăn trong khi cái đói dù sao cũng không còn gắt gao như trước đây vài mươi năm nữa, thì câu trả lời chính xác nhất chính là các cán bộ, quan lại Cộng sản đã tạo ra một thứ không khí chuồng trại như vậy.
Nếu hỏi vì sao người dân hỗn loạn, đạp đổ hàng rào, bất chấp chủ nhà để cướp heo quay, cướp chén chè, mâm xôi... Thì phải hỏi thêm và trả lời cho được vì sao quan lại bất chấp mạng sống của dân, bất chấp tiếng kêu rên xiết của nhân quần mà đập cửa, xông vào bắt người đi chọt ngoáy, lùa từng đoàn người vào trại cách ly, lùa từng đoàn người chạy trốn dịch vào chỗ chọt ngoáy để thu tiền!
Hãy hỏi vì sao quan lại trở nên thối tha, tàn nhẫn, mất tính người? Và hãy hỏi tại sao bọn quan lại thối tha ấy vẫn không bị xử lý và trừng trị thích đáng khi chúng làm chết người hàng loạt. Trả lời được những câu hỏi ấy thì việc an dân sẽ dễ dàng hơn và việc vãn hồi trật tự, tránh những cuộc hỗn loạn, việc gieo ý thức thượng tôn pháp luật hay vãn hồi đạo đức xã hội sẽ trở nên dễ dàng hơn rất nhiều so với hiện tại!
Phải hiểu rằng, cô hồn sống đang đến từ các cơ quan nhà nước và chúng lan tỏa ra nhân dân một cách nhanh chóng bởi con đường “quan như phụ mẫu” của chúng. Đừng đặt nhân dân vào chốn cô hồn mà phải loại bỏ cô hồn từ trrong bộ máy công quyền!
Bài bình luận gần đây