Chừng hai thập kỉ trở lại đây, Việt Nam có thêm một kiểu tổ chức dòng họ ngoài kiểu tổ chức truyền thống - Trưởng tộc - Trưởng tộc hành chính. Kiểu tổ chức Trưởng tộc hành chính này ra đời và song hành với Trưởng tộc, dần dà lấn sân và cho đến lúc này, dường như mọi Trưởng tộc đã nhuốm màu Trưởng tộc hành chính, và đây có thể được xem là chính sách chung của nhà cầm quyền, họ đã thành công. Thế nào là Trưởng tộc hành chính?
Chịu khó quan sát, từ những năm đầu thế kỉ 21, các chương trình giỗ tổ Hùng Vương bắt đầu diễn ra rầm rộ trên khắp cả nước. Liền sau đó là cuộc vận động các tộc họ chạp mả đúng vào ngày Giỗ tổ, tức Mồng Mười Tháng Ba âm lịch hằng năm. Và từ đó đến nay, cứ đến ngày Mồng Mười Tháng Ba âm lịch thì mọi tộc họ đều đổ xô đi chạp mả. Đây là một cuộc cải biến khá lớn trong cấu trúc dòng họ, phổ hệ và tâm linh của người Việt, hay nói khác đi, đây là một cuộc “hợp tác xã hóa” nguồn cội khá thành công của nhà cầm quyền. Nhưng, làm sao để họ có thể thực hiện đến mức thành công như vậy?
Có ba yếu tố để dễ dàng dẫn đến thành công trong việc hợp tác xã hóa nguồn cội: Quyền lợi hành chính của Trưởng tộc; Tính cào bằng trong quan hệ dòng tộc và; Sự xói mòn về lương tri.
Ở khía cạnh thứ nhất, quyền lợi hành chính của Trưởng tộc. Trong một số văn bản hành chính, cần sự xác nhận về nhân thân, ở cấp địa phương, ví dụ như lý lịch, giấy tờ xác nhận nguồn gốc đất ở, đặc biệt là giấy tờ xác nhận người thờ cúng liệt sĩ đều có để thêm một mục xác nhận của Trưởng tộc. Và đây là quyền lợi hành chính khá mới mẽ do nhà nước mang lại cho Trưởng tộc, nó làm phát sinh một số giấy tờ có tính chất man trá về thân nhân liệt sĩ, hiện tại, có rất nhiều ‘thân nhân liệt sĩ’ của chế độ Cộng sản hoàn toàn không dính líu gì đến người được gọi là liệt sĩ, một ông anh họ hàng xa cũng cầm giấy báo tử đi khai liệt sĩ cho cha mẹ mình và lãnh tiền tuất suốt mấy chục năm nay là chuyện không hiếm.
Đến khi nhà nước rà soát lại thân nhân liệt sĩ, lần này có xác nhận của Trưởng tộc, quá trình hối lộ, đút lót giữa kẻ khai man với trưởng tộc xảy ra, vậy là trưởng tộc đắc lợi. Và còn rất nhiều đắc lợi khác, nhất là trong cơ chế quản lý hành chính hiện tại, mọi trưởng tộc đều nắm giữ tài chính, quĩ của tộc. Để có được các quyền trên, đương nhiên, cách dành một ô cho trưởng tộc xác nhận trong một số văn bản hành chính địa phương vô hình trung đẩy trưởng tộc từ chỗ quan hệ huyết thống, người dẫn đầu tộc họ trở thành người có quyền hành chính trong một số vấn đề và là người đại diện pháp nhân của dòng họ.
Và cách hoạt động này ngầm kéo theo một thứ quyền lực ngầm của trưởng tộc, ông ta có quyền sinh sát trong một số thứ nhạy cảm, ông ta nghiễm nhiên trở thành cộng sự của nhà nước và biểu hiện cao nhất của điều này chính là ông ta hạ lệnh cho tộc họ tổ chức ngày chạp mả vào ngày giổ tổ Hùng Vương. Điều này vô hình trung tạo ra thế mạnh vô cùng lớn của trưởng tộc, ông ta đơn phương phá vỡ truyền thống của gia tộc, bởi trước đây có tộc chạp mả vào tháng mười âm lịch, hoặc tháng mười một, tháng chạp, tháng giêng... Tùy vào tình hình kinh tế, thời tiết, địa lý và qui ước có tính lâu đời của mỗi tộc mà chọn ngày chạp mả đúng với truyền thống tổ tiên. Thế nhưng sự phá vỡ có tính hợp pháp của trưởng tộc đã làm thay đổi nếp nghĩ của các thành viên tộc họ, đương nhiên, nó đặt trưởng tộc vào một vị trí độc đoán hơn so với trước.
Kèm theo vị trí độc đoán này là quyền lợi thu tài chính và nắm giữ tài chính, tự chi tiêu... Chính vì vậy mà thời gian gần đây, có không ít tộc họ trên đất nước này manh nha tình trạng tranh giành quyền lực trưởng tộc, bầu bán và có thể một ông trẻ, đóng vai út nhảy lên làm trưởng tộc, nó khác xa trưởng tộc truyền thống.
Trưởng tộc truyền thống phải là người con trai cả của nhà đức tôn thuộc chi nhất, phái nhất trong tộc, có nghĩa rằng người con trai cả đó khi bước ra trước tộc họ, mọi thành viên khác cùng thế hệ với anh ta đều phải gọi anh ta bằng “anh” vì cả chi và phái anh đều lớn nhất. Trưởng tộc truyền thống chỉ loại chức vụ khi anh rơi vào tình trạng loạn luân, gian lận tài chính hoặc thần kinh bất ổn. Còn với trưởng tộc hành chính, vấn đề chi, phái không quan trọng, trong một số trường hợp, xảy ra cuộc đấu tố nội bộ tộc, sau tiệc chạp mả, sau khi rượu bia, sau đó hạ bệ trưởng tộc truyền thống và bầu lên trưởng tộc mới, anh này chắc chắn phải là một cán bộ đương chức, người được xem là “có uy tín, vai vế và danh dự trong tộc họ”.
Khi trưởng tộc hành chính nắm quyền, cơ cấu về tộc họ có phần thay đổi đáng kể, quyền hành trưởng tộc cũng cao hơn nhờ sự bảo hộ của chính quyền địa phương, anh ta sẵn sàng nhúng tay vào bất kì chuyện gì trong các gia đình thành viên tộc họ. Nếu gia đình nào yếu vía, không hiểu luật để đối phó thì gần như anh trưởng tộc có tiếng nói chi phối họ rất nặng nề. Và, trưởng tộc trở thành ông vua tộc họ với toàn quyền về thần quyền, huyết quyền và kim quyền. Về thần quyền, anh ta quyết định mọi vấn đề thuộc về cúng kính, gia tiên, về huyết quyền, anh ta đứng vai trò trưởng của một tộc họ, đứng đầu về huyết tộc, nắm quyền tuyệt đối. Về kim quyền, anh ta nắm hoàn toàn tài chính và chi tiêu tùy nghi, không cần báo cáo cả tộc họ, chỉ cần thảo luận với ban bệ do chính anh ta chọn ra. Và trên trưởng tộc, chỉ có thể là chính quyền địa phương, anh ta làm việc theo chỉ đạo của chính quyền địa phương.
Nhờ vào sự cộng tác đắc lực của các trưởng tộc (có nhiều người là đảng viên Cộng sản), nên hầu hết các tộc họ dù muốn hay không thì cũng phải phục tùng các chỉ thị của đảng Cộng sản và tuân thủ mọi qui định của họ, kể cả việc cúng kính, nhang khói. Bởi ở đây, trưởng tộc trở thành tay sai của đảng, hay nói khác đi là một đảng viên cài cắm vào tộc họ.
Một khi cài cắm được tay sai vào các tộc họ, tổ chức được mô hình hợp tác xã tộc họ và chỉ đạo được các trưởng tộc, thậm chí thi thoảng ném cho họ một cục xương còn bám tí thịt để họ dễ vâng lời... Thì coi như đảng Cộng sản đã nắm được phần chuôi quan trọng và an toàn nhất trong con dao độc tài, độc đảng của mình.
Bài bình luận gần đây