Khi anh giáo dục bằng bạo lực và đe nẹt, chắc chắn anh đã lấy dần đi tính người và quá trình giáo dục của anh sẽ sớm đẩy con người đi đến chỗ thú vật. Dạy người để thành một con thú, rất dễ một khi chọn bạo lực và cũng rất dễ bị chính con thú ấy quay lại cắn kẻ đã dạy nó. Bàn rộng ra, trong một xã hội dùng công an trị và biến mỗi công an trở thành một con thú giữ nhà của chế độ, sau đó biến nhân dân thành một bầy thú biết sợ hãi, đương nhiên chọn dùng bạo lực là một phép ưu tiên, và cái giá của việc biến nhân dân thành con thú là nguy cơ bị cắn tập thể rất cao. Và một khi bầy thú nổi giận, sẽ rất khó lường trước chuyện gì.
Thời gian gần đây, có vẻ như nhà nước Cộng sản đã chính thức dùng chế độ công an trị một cách sâu sát với quần chúng nhân dân. Mọi chỉ dấu như liên tục thay đổi chính sách quản lý con người bằng chứng minh thư điện tử, căn cước điện tử rồi căn cước công dân có gắn chip điện tử... cho đến việc trao quyền cho công an xã làm việc với các nhà “có vấn đề” về văn hóa, chính trị, kinh tế, điều này chỉ nói lên đúng một vấn đề: Chính quyền đã chính thức dùng bàn tay sắt của công an để bóp ngạt nhân dân.
Chuyện dùng bàn tay sắt công an để bóp nghẹt nhân dân chẳng phải mới mẽ gì, từ những ngày đầu thống nhất hai miền đất nước, người Cộng sản đã dùng bàn tay thép an ninh trị với bất kì người dân nào có lời phản đối, phản kháng những chính sách hà khắc từ phía chính quyền. Và, chính sách công an trị đã triệt để mượn tay nhân dân, mượn trò đấu tố để “phát giác” bất kì người nào không tuân phục chính sách, cho dù đó là chính sách sai lầm. Chính vì điều này mà có một ca sĩ Lộc Vàng phải ở tù ròng rã mười mấy năm trời vì đã dám hát nhạc trữ tình để rồi, khi ra tù, ông ngỡ ngàng nghe các quán cà phê mở những ca khúc mà vì nó mình phải ngồi tù rục xương.
Không riêng gì đôi vụ như Lộc Vàng mà đất nước này có hàng ngàn con người phải ngồi tù với cái tên “tù nhân lương tâm” để rồi khi ra tù, ngỡ ngàng nhận ra rằng trong suốt quá trình ngồi tù của mình thì bên ngoài, chính quyền đang sửa sai bằng cách thay đổi các chính sách cho phù hợp với tiến bộ nhân loại mà trong đó, những điều đã được thay đổi kia đã ném họ vào tù.
Nghiệt ngã là có hàng ngàn người phải chịu án oan để rồi không nhận được cho dù là một lời xin lỗi của chế độ cầm quyền. Lộc Vàng cũng là một ví dụ điển hình. Bởi, nếu phanh phui các sai lầm của chế độ công an trị, có lẽ họ phải dành cả năm trời để xin lỗi và đền bù danh dự cũng chưa chắc đã xong. Và cách họ làm là bưng bít, xuê xoa, đe nẹt để nạn nhân phải ngán ngẫm, sợ hãi và chẳng còn tha thiết với việc tìm lại công bằng cho bản thân hay cho những người cùng cảnh ngộ, họ phải cay đắng nói rằng “đời nó vậy!, “xã hội này nó vậy!”. Xong!
Thử điểm lại các vụ bắt các nhà hoạt động dân chủ, hầu hết là tìm một cái cớ để bắt, sau đó chuyển biến, đẩy từ vụ này sang vụ khác. Hầu hết các vụ này đều là ban đầu đẩy người bị bắt vào đối tượng tình nghi ma túy, trốn thuế hoặc ti tiện hơn là mượn lý cớ chống bất công hôn nhân, bảo vệ hôn nhân một vợ một chồng để xông vào nhà trọ bắt bớ, ném bao cao su (đã qua sử dụng vào thùng rác nhà trọ) và lấy đó làm bằng chứng, tang vật “phạm tội”. Vụ luật sư Cù Huy Hà Vũ, cho đến lúc này, vẫn chưa có bất kỳ bằng chứng nào để cho thấy chiếc bao cao su đã sử dụng là của ông, mặc dù làm việc này để chứng minh, hạ nhục ông Vũ và lấy lòng tin cho ngành công an hoàn toàn không khó. Nhưng nó chỉ dừng ở trạng thái chẳng khác nào vu khống.
Gần đây nhất là vụ bắt thầy giáo chuyên dạy trên mạng xã hội Dương Tuấn Ngọc. Vụ này công an xã nhảy vào cuộc. Thẩm quyền mới nhất của công an xã là bắt giữ người, mời những “đối tượng” có vấn đề về văn hóa, chính trị lên cơ quan công an làm việc. Một phần do các công an xã/phường hiện nay được cơ cấu chính qui hóa, những học viên trường an ninh sau khi tốt nghiệp, vào làm việc cơ quan công an thì sẽ được điều động về cơ sở, tức xã, phường để làm việc.
Việc điều động về xã phường là một kiểu “kinh lý ngành”, khi trở về cơ quan cấp huyện/quận, họ được xét lý lịch cống hiến, đã có thời gian làm việc sâu sát quần chúng, cơ hội phân bổ những chức danh quan trọng sẽ cao hơn so với người không được điều động. Chính vì lẽ này mà hầu hết về xã/phường để làm việc phải là con của các quan ngành hoặc có mối quan hệ khá tốt với cấp trên. Và cũng chính bởi nguyên nhân “cơ hội thăng tiến” này mà công an xã thời bây giờ rất hăng hái trong việc tìm ra một án điểm nào đó để lập công. Việc được giao thượng phương bảo kiếm để mời và làm việc với các nhà hoạt động xã hội là cơ hội lớn của họ. Đương nhiên họ sẽ làm ráo riết, gắt gao, thậm chí tìm mọi cách để gài thế, buộc tội, bởi chỉ có đẩy những nhà hoạt động xã hội, nhà dân chủ vào tù thì công trạng, số má của họ trong ngành mới được nâng cao, cơ hội tiến thân mới dài, nhanh và cao.
Trong lúc này, khi mà uy tín của giới quan chức xuống ở mức thấp nhất, toàn bộ những tệ hại, xấu xa, hèn nhát, tầm thường và thậm chí mất nhân tính của họ bị phơi ra ánh sáng, thì hơn ai hết, đảng Cộng sản phải nhìn thấy mối nguy từ nhiều phía, bởi những con sâu mọt xã hội là những đảng viên và đảng viên cao cấp. Có những kẻ hôm qua viết sách và rao giảng về đạo đức của người Cộng sản, đạo đức Hồ Chí Minh thì hôm này bị tra tay vào còng số tám. Điều này gây nhức nhối trong nhân dân, và hơn ai hết, những nhà hoạt động xã hội, nhà hoạt động dân chủ, người kêu gọi dân chủ sẽ là mối nguy lớn nhất của đảng Cộng sản. Đe nẹt, gây khó, bắt bớ họ trong lúc này nếu dùng bổn cũ, tức công an huyện/quận vào cuộc, sau đó đến công an tỉnh và cả hai đều gài thế ngay từ đầu... e rằng quá lố bịch và chẳng còn mấy người tin.
Nhưng thay đổi chiến thuật, ban đầu dùng thủ đoạn hành lang, ném ra các nghi vấn về các nhà bất đồng chính kiến, dân chủ, sau đó đánh úp bằng kiểu “có người tố cáo, tố giác” rằng anh/chị đang phạm pháp, tỉ như buôn bán ma túy chẳng hạn! Và cuối cùng là câu lưu, di lý vào cơ quan công an tỉnh. Kiểu làm này đạt được hai mục đích: Ném cho các nhà dân chủ một thông điệp về địa phương tính trong ngành an ninh hiện tại; Hạ thấp uy tín người bị bắt và cho người dân thấy “bài học” trước mắt, cho người dân thấy rằng mọi nơi đều là tai mắt của đảng, nhà nước, công an...
Nhưng việc này lợi bất cập hại. Bởi nhân dân bây giờ thừa tinh khôn để biết rằng những đứa buôn ma túy vẫn nhơn nhơn dạo chơi và buôn bán ngoài vòng pháp luật nhưng người không dính dự gì đến ma túy thì lại bị bắt vì ma túy. Nhân dân không những thấy sợ công an mà thấy buồn cười, nực cười, niềm tin lại thêm phần vơi đi bởi từ hình ảnh thanh tra giao thông, công an giao thông cho đến bất kì nhân viên công an nào cũng đều có thể là một kẻ làm việc bất chính. Từ việc xin bánh mì cho đến chạy án, miệng phát biểu bu lu boa loa mà tay cầm phong bì. Và hơn hết, dân có cảm tình, dân tin và thấy các nhà bị bắt nói hợp tình hợp lý, chẳng phương hại đến dân, thậm chí còn giúp đỡ dân nhiều thứ chứ không ăn bẩn nhưng giới cán bộ.
Ngược lại, những kẻ tỏ ra hồng vệ binh, dư luận viên, sẵn sàng tung lời lẽ bất nhã, hỗn, hồ đồ và sẵn sàng ném mắm thối vào nhà người khác lại trở thành trò cười, trở thành một thứ gì đó rừng rú, kém văn minh.
Một khi ngành công an nói riêng và các ngành thuộc sự nghiệp hành chính nói chung đã quá bẩn bựa, thối nát, nó thối nát đến độ công an buôn mà túy, công an đi bắn trộm dê, ăn cắp, trấn lột... mọi thứ nhơ bẩn có cả, thì việc để công an xã thêm quyền hành nhũng nhiễu nhân dân mà an ninh, trị an ngày càng rối như canh hẹ thì có vẻ như việc trao thêm quyền cho công an địa phương là một việc chẳng khác nào đổ thêm dầu vào lửa.
Và, ý đồ biến nhân dân trở thành những con vật tuân thủ trước hệ thống dày đặt công an trị từ trung ương xuống địa phương là một ý đồ giúp cho chế độ nhanh đào mồ nhất. Bởi khi anh tạo ra những con vật thì kẻ bị cắn đầu tiên chính là kẻ cầm roi!
Bài bình luận gần đây